Những chuẩn bị khác

Một phần của tài liệu Bài giảng kỹ năng tìm việc (Trang 100 - 104)

CHƯƠNG 3. KỸ NĂNG TRẢ LỜI PHỎNG VẤN VÀ THƯƠNG LƯỢNG

3.2. Những công việc cần chuẩn bị trước phỏng vấn

3.2.4. Những chuẩn bị khác

Việc chuẩn bị kỹ lưỡng luôn là chìa khoá mở ra sự thuận lợi và ấn tượng đẹp cho buổi phỏng vấn. Mang theo những thứ cần thiết khi đi phỏng vấn góp phần quan trọng giúp ứng viên tự tin để gặt hái kết quả mỹ mãn nhất. Hãy thuyết phục nhà tuyển dụng (NTD) rằng họ thật may mắn khi có mình.

Chuẩn bị một cách có phương pháp

Đọc CV và ghi chú lại, tương tự như khi đang chuẩn bị cho bài kiểm tra.

Nghiên cứu những ghi nhận về công việc của mình như tại sao phù hợp với công việc này và những thành tích, kinh nghiệm đạt được trong công việc: Bạn nhìn thấy bản thân mình như thế nào? Bạn đã làm được gì trước đó? Những thành tựu nào bạn đã đạt được?

Hãy ghi chú lại và hình dung việc nói về bản thân như thế nào. Sẽ tốt hơn nếu có thể nói lớn thành tiếng. Điều này sẽ giúp ứng viên cảm thấy giống như đang ở cuộc phỏng vấn thật.

Cố gắng liên hệ những phần cụ thể của CV với những mô tả về công việc.

Điều này giúp làm rõ hơn cho nhà tuyển dụng vì sao họ nên chọn mình ở vị trí này.

Một trong những câu hỏi phỏng vấn phổ biến nhất chính là “Hãy giới thiệu về bản thân bạn”. Do đó hãy chuẩn bị trước một câu trả lời ngắn gọn và súc tích cho câu hỏi này, chứ không phải kể một câu chuyện dài về cuộc đời. Hãy trả lời một cách nhanh chóng và đừng để bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, tránh những vấn đề nhạy cảm như chính trị và tôn giáo.

Những nhà tuyển dụng thường sử dụng câu hỏi này để tìm hiểu về những phẩm chất cá nhân của ứng viên, không phải thành tựu – vì những điều đó đã được trình bày rõ trong CV.

Các giấy tờ cần thiết

Ngày nay, rất nhiều ứng viên gửi thư xin việc qua internet. Việc mang theo bộ hồ sơ xin việc đầy đủ là điều cần thiết. Hãy chú ý tất cả giấy tờ phải được in hoặc ghi trên loại giấy chất lượng.

Trong buổi phỏng vấn, rất có thể nhiều người phỏng vấn ứng viên cùng lúc.

Rắc rối xảy ra khi bộ phận nhân sự không in đủ số lượng hoặc một trong số họ quên mang theo. Mặc dù nhà tuyển dụng có thể xem CV (bản sơ yếu lý lịch) trên máy tính nhưng họ vẫn đánh giá cao nếu ứng viên tự in và mang theo CV. Điều này giúp cho buổi phỏng vấn diễn ra tập trung hơn vì nhà tuyển dụng không phải dò tìm CV của ứng viên giữa hàng trăm email hay thư mục trên máy tính.

Điều đó sẽ thể hiện sự chu đáo và chuyên nghiệp, hơn nữa, cũng tiện hơn cho nhà tuyển dụng nếu họ cần ghi chép ngay trên CV những điểm đặc biệt nổi trội mà ứng viên thể hiện trong buổi phỏng vấn.

Thông tin công ty

Hãy ghi ra giấy tất cả thông tin cơ bản: địa chỉ, số điện thoại, người liên hệ, tên công ty. Còn gì tốt hơn khi ứng viên đang tìm đường đến nhưng bị lạc, những thông tin này vô cùng hữu ích , giúp ứng viên đến đúng nơi cần đến.

Ít nhất một ngày trước cuộc phỏng vấn, hãy đi tới địa điểm mà mình sẽ được phỏng vấn: thử đến nơi phỏng vấn cùng khoảng thời gian mà mình sẽ được phỏng vấn vào ngày sau đó. Cách làm này giúp ta hiểu rõ tình hình giao thông có thể sẽ diễn biến như thế nào. Có thể ứng viên sẽ phát hiện ra rằng, hướng đi mà mình trù tính ban đầu là ngược đường, hoặc con đường chính định đi đang bị đóng để sửa chữa, hoặc giao thông trên tuyến đường đó đông đúc hơn mình nghĩ. Bằng cách “diễn tập”

trước, ứng viên sẽ căn được đủ thời gian để lên đường vào ngày được phỏng vấn và không bao giờ lo bị lạc đường hay đến muộn.

Sổ tay, bút ghi

Rất nhiều ứng viên khi đang được phỏng vấn không mang theo gì cả. Đây thực sự là thiếu sót không đáng có:vì có thể chúng ta không thể nhớ hết tất cả những gì nhà tuyển dụng nói trong buổi phỏng vấn, hoặc sẽ có những điểm quan trọng mình cần ghi chú lại. Ngoài ra, nếu ứng tuyển vào vị trí tư vấn, tài chính, kỹ sư thì việc phải làm những bài kiểm tra ngắn bất ngờ cần đến giấy, bút là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Đây chính là điểm khiến NTD đánh giá sự quan tâm và đầu tư vào vị trí ứng tuyển của ứng viên.

Vì vậy, chuẩn bị sẵn sổ tay, giấy, bút để mang theo là rất cần thiết, nhưng cũng đừng chỉ chú tâm vào viết mà hãy cân bằng giữa việc ghi chép và lắng nghe.

Đồ dùng gọn nhẹ

Theo nghiên cứu về ngôn ngữ cơ thể, những người mang đồ dùng cồng kềnh khi phỏng vấn không được đánh giá cao. Họ là những người có đầu óc tổ chức kém và khó hoàn thành công việc đúng hạn.

Đừng để mình rơi vào trường hợp này, hãy chọn một chiếc túi đơn giản, có thể chứa tất cả vật dụng. Đừng bao giờ mang áo khoác trên tay trong khi có thể bỏ gọn vào cặp.

Trang phục lịch sự

Trang phục nào khi đi phỏng vấn cho phù hơp? Mặc thế nào để tạo thiện cảm cho người phỏng vấn? Đó luôn là những câu hỏi hàng đầu trước mỗi buổi phỏng vấn.

Ăn mặc một cách lịch sự, kín đáo luôn là lựa chọn an toàn dành cho ứng viên. Tốt nhất, nên tìm hiểu văn hoá công ty tương lai để quyết định trang phục phù hợp.

Đừng mặc quần áo lòe loẹt, lỗi mốt hay mang trang sức rườm rà. Bạn nên chú ý nhấn vào những chi tiết nhỏ nhưng tạo nên tính chuyên nghiệp: tóc tai gọn gàng, móng tay cắt giũa sạch sẽ.

Chuẩn bị trước quần áo và phụ kiện: đừng nên đợi tới ngày đi phỏng vấn mới thử trang phục mà mình sẽ mặc để xuất hiện trước nhà tuyển dụng. Nếu “nước đến chân mới nhảy”, ta có thể phát hiện ra chiếc quần mà mình định mặc bị hỏng khóa, chiếc áo quá nhăn nhúm, đôi tất cọc cạch, hay cà vạt đã bị chuột gặm… và không còn đủ thời gian để khắc phục. Hãy chuẩn bị trang phục và mặc thử vài ngày trước

hôm đi phỏng vấn để phát hiện những lỗi cần khắc phục và xử lý ngay, hoặc chuyển sang một bộ đồ khác.

Điện thoại để chế độ rung hoặc tắt

Cần kiểm tra điện thoại của mình trước khi bắt đầu buổi phỏng vấn. Nếu không có gì quan trọng, ứng viên nên tắt hoặc để chế độ rung cho máy. Tiếng chuông điện thoại vang lên rất dễ làm ngắt quãng buổi phỏng vấn.

Hãy nói tạm biệt với công việc tương lai khi nghe điện thoại trong lúc phỏng vấn. Không thực sự muốn làm việc, bất lịch sự là những điều nhà tuyển dụng sẽ nghĩ về ứng viên qua hành động đó.

Mang theo Portfolio (Hồ sơ năng lực)

Ngày nay, rất nhiều ứng viên đã biết cách "tô điểm thêm" hồ sơ tìm việc nhiều hơn là kinh nghiệm thực tế mà họ có được. Việc liệt kê hàng loạt công việc "hoành tráng" khiến rất nhiều NTD hoài nghi sự thật.

Để buổi phỏng vấn thêm thuyết phục, hãy chuẩn bị sẵn Portfolio hoặc những bằng chứng chứng minh khả năng của mình. Tùy vào đặc điểm công việc ứng tuyển mà bạn có thể chọn lọc để mang theo, đó có thể là những bài báo, công trình nghiên cứu hay các mẫu thiết kế, vài mẫu sản phẩm, hình ảnh hoặc tối thiểu là card visit cũ.

1. Liên hệ với công ty để xác nhận đúng ngày tháng và thời gian cho cuộc phỏng vấn của mình. Cũng có thể xác nhận lại tên và chức danh người mà mình sẽ gặp trong cuộc phỏng vấn.

2. Hãy nhớ lời hướng dẫn về địa điểm cuộc phỏng vấn. Để chắc chắn hơn, ứng viên có thể kiểm tra hai lần về địa điểm đó bằng bản đồ. Điều này sẽ đảm bảo rằng mình biết đường và tính được thời gian đến công ty đó.

3. Sắp xếp toàn bộ “đồ nghề” cho cuộc phỏng vấn. Kiểm tra nó kỹ càng các vết đốm, những vết nhăn hoặc những vết rách.

4. In thêm vài bản sơ yếu lý lịch và cố gắng tóm gọn chúng trên một mặt giấy. Dù rằng, người phỏng vấn đã có một bản sơ yếu lý lịch của mình thì dự phòng một hoặc nhiều bản sao sơ yếu lý lịch vẫn là một ý tưởng hay.

5. Hãy thử lại quần áo và chắc chắn rằng nó vẫn còn thích hợp cho mình. Nếu cần thiết thay đổi, ứng viên nên sắp xếp thêm thời gian để tìm kiếm những trang phục khác thích hợp hơn.

Một phần của tài liệu Bài giảng kỹ năng tìm việc (Trang 100 - 104)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)