CHƯƠNG 2 ĐẶC TÍNH VÀ PHÂN BỐ CÁC NHÓM ĐẤT CHÍNH Ở VIỆT NAM
XI. NHÓM ĐẤT XÓI MÒN MẠNH TRƠ SỎI ĐÁ (E) - Leptosols (LP)
1. Hình thành và phân loại
2.2. Đất đồng bằng Việt Nam
2.2.1. Sự hình thành và phân bố a. Sự hình thành:
Vào cuối Pleixtoxen giữa - đầu Pleixtoxen muộn (thuộc kỷ đệ tứ, cách đây khoảng 1,5 triệu năm) đã có một đợt biển lùi, làm xuất hiện một hệ thống sông suối trên các đồng bằng bờ biển Việt Nam.
Đến cuối Pleixtoxen muộn - đầu holoxen sớm (< 1,5 triệu năm) đã xảy ra một đợt biển tiến, làm cho lãnh thổ các đồng bằng bờ biển Việt Nam biến thành vùng biển nông như vịnh Hạ Long bây giờ), tích tụ nhiều trầm tích biển.
Đến cuối holoxen giữa (4.000 - 5.000 năm) có một đợt biển lùi, mực nước biển hạ thấp 1,5 - 5 m, tạo ra thềm lục địa (đó là trầm tích biển) và một hệ thống sông suối chằng chịt, các lòng sông bị đào sâu dần. Chính các con sông ấy mang phù sa từ đồi núi đổ về phủ lên trên lớp trầm tích biển, hình thành nên những đồng bằng hiện tại.
Như vậy đất đồng bằng được hình thành là do sự bồi đắp phù sa của các con sông (nên còn gọi là đất thuỷ thành).
Sự bồi đắp phù sa tuân theo quy luật lắng đọng phù sa (hay nói cách khác phụ thuộc vào tính chất của sông):
- Sông càng lớn, càng dài, ít dốc thì sẽ lắng đọng những sản phẩm mịn, ít thô và tạo lập nên đồng bằng bằng phẳng, thành phần cơ giới đất nặng hơn và ngược lại.
- Ở đầu nguồn bao giờ cũng sẽ lắng đọng những sản phẩm thô hơn xa thượng nguồn, nên thành phần cơ giới đất nhẹ hơn và ngược lại.
- Ở trên cùng một đoạn sông thì càng xa lòng sông, càng tích đọng được những sản phẩm mịn, ít thô nên thành phần cơ giới đất nặng hơn và ngược lại.
Thành phần hoá học của đất phụ thuộc vào loại phù sa thành tạo đất: Mẫu chất phù sa được đưa từ những vùng đồi núi có các loại đá dễ phong hoá, giàu dinh dưỡng, thì vùng đất đồng bằng của hệ thống sông đó cũng giàu dinh dưỡng và ngược lại.
Các điều kiện hình thành đất đồng bằng:
- San phẩm tạo thành đất đồng bằng là trầm tích trẻ, gồm các loại phù sa sông, biển hồ, thung lũng hoặc dốc tụ. Các châu thổ được hình thành là các vũng hồ, đầm lầy lấp đầy bởi phù sa.
- Về địa hình nói chung bằng phẳng, chỉ trừ một số vùng bậc thềm phù sa cổ, bậc thềm sông suối và bậc thềm biển.
- Về khí hậu, đồng bằng có tính chất nóng ẩm điển hình, thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của biển với đặc trưng là nhiều gió bão và mưa phùn.
- Về thực vật, chủ yếu là các cây lương thực, cây hoa màu, cây ăn quả,... Rừng tự nhiên tồn tại ít, chỉ ở vùng ven biển thường có một số rừng cây chịu mặn (sú, vẹt,...).
- Đất đồng bằng chịu nhiều tác động của con người như: trồng trọt, cày bừa xới xáo, thau chua rửa mặn, tưới tiêu,... nên ngay cùng một loại đất nhưng tính chất có sự thay đổi rất khác nhau.
Do điều kiện hinh thành nên tính chất đất đồng bằng khác với tính chất đất đồi núi. Đất đồi núi được hình thành tại chỗ, còn đất đồng bằng hình thành chủ yếu là đất thủy thành. Chính vì thế hình thái phẫu diện đất đồng bằng thường có lớp và trong đất thường không có quá trình feralit hoặc có ở mức độ không rõ.
Do sự tích tụ sắt yếu nên đất thường có màu nâu xám hay vàng xám. Đất tồn tại nhiều khoáng nguyên sinh do sự phong hóa không triệt để, ít gặp hiện tượng kết von, đá ong, có thể do tuổi đất còn trẻ, địa hình thấp, mực nước ngầm cao và thường xuyên bị ngập nước. Vì thế, đất vùng đồng bằng có vỏ phong hóa sialit, còn ở đất đồi có vỏ phong hóa feralit.
Ở vùng đồng bằng đất thường có hiện tượng glây, có nơi bị glây mạnh như đất vùng chiêm trũng, đất sú vẹt. Đặc điểm đó phản ánh chế độ nước và điều kiện địa hình ở vùng đồng bằng khác hẳn với vùng đất đồi núi. Biểu hiện đầu tiên đó là sự thừa nước, ngập úng thường xuyên hay từng giai đoạn là nguyên nhân hình thành glây và đây cũng là một tiêu chuẩn trong việc phân loại đất đồng bằng.
Quá trình glây:
Quá trình glây là hiện tượng đặc trưng xảy ra trong đất yếm khí, đất ngập nước dài ngày (đất thừa ẩm), hay do nước ngầm dâng cao gần mặt đất. Quá trình này rất phổ biến ở vùng đất đồng bằng và một số đất ngập nước vùng đồi núi như: đất lầy thụt, đất thung lũng dốc tụ trồng lúa nước,...
Bản chất của quá trình glây là quá trình khử sinh vật rất phức tạp trong điều kiện yếm khí, với sự tham gia của vi sinh vật yếm khí.
Một đặc điểm quan trọng của quá trình glây là sự tích lũy các sản phẩm khử: Fe3+
thành Fe2+ do kết quả hoạt động của vi sinh vật yếm khí (nhóm vi sinh vật khử Fe và vi khuẩn Clostridium), cùng với sự khử Mn4+ thành Mn2+ và các sản phẩm phân giải chất hữu cơ trong điều kiện yếm khí (CH4, H2, H2S,...). Fe2+ sau khi được hình thành, nếu đất tiếp tục bị yếm khí thì nó cùng với silicat và khoáng sét tái tổng hợp ra silicat thứ sinh, trong đó Fe ở dạng hóa trị 2 làm cho các khoáng này có màu xanh, xanh lơ, hay xanh thẫm. Tùy theo mức độ glây mạnh hay yếu, nhiều hay ít, sâu hay nông mà mức độ biểu hiện màu sắc
cũng khác nhau. Tầng đất chứa nhiều khoáng thứ sinh này sẽ có màu xanh đặc trưng và có mùi tanh hôi, gọi là tầng glây (tầng sét gan trâu).
Nếu tình trạng ẩm của đất không kéo dài thì tầng glây không hình thành mà chỉ hình thành những vệt glây, tầng đất có rải rác những vệt glây gọi là tầng bị glây hóa.
Sản phẩm xuất hiện đầu tiên trong quá trình khử sắt là Fe(HCO3)2. Hợp chất sắt Fe(HCO3)2 rất dễ di động và háo khí, khi gặp oxy nó bị oxyhóa thành Fe3+.
4Fe(HCO3)2 + O2 + 2H2O 4Fe(OH)3 + 8CO2
Quá trình này nó tạo nên lớp váng có màu đỏ trên mặt ruộng ngập nước lâu ngày và những vệt đỏ vàng loang lổ xen kẽ với các vệt xám xanh trong đất có điều kiện khô và ẩm xen kẽ. Nếu điều kiện khô hạn kéo dài thì tạo thành kết von rải rác với các vệt glây.
Trong quá trình glây còn sinh ra Mn2+ là ion dễ bị rửa trôi như sắt. Đó là hiện tượng tầng canh tác của đất phù sa bị nhạt dần từ màu nâu sang màu nâu nhạt, là do Fe2+ và Mn2+
bị rửa trôi nhiều, tạo ra đất gọi là đất "bạc điền" hay đất "gan gà".
Trong quá trình glây còn tạo ra H2S và FeS. H2S tạo ra nhiều trong điều kiện đất có nhiều chất hữu cơ, lúc đó sẽ gây độc cho cây. Đó là hiện tượng xảy ra ở đất bạc màu nếu vùi nhiều cây phân xanh mà cấy ngay thì sẽ làm cho rễ lúa bị thối đen. FeS sinh ra nhiều hay ít phụ thuộc vào lượng Fe trong đất, nhưng FeS không hại cho cây trồng nhiều vì nó rất khó tan.
Trong quá trình glây còn hình thành một số khoáng rất khó bị oxyhóa như FeCO3
(xiđêrit), Fe3(PO4)2.8H2O (vivianit), gây ra hiện tượng đất giàu lân tổng số nhưng nghèo lân dễ tiêu.
Trong quá trình glây, đạm cũng bị biến đổi nhiều: NO3- bị khử thành N2 gây ra hiện tượng mất đạm của đất. Còn đối với lân thì phôtphat sắt 3 bị khử thành phôtphat sắt 2 dễ tan hơn lại có lợi cho cây. Vì vậy bón dạng lân khó tan (như apatit, phôtphorit) một lượng lớn sẽ có tác dụng lâu dài cho nhiều vụ sau.
Như vậy: Quá trình glây xảy ra mạnh ở những đất ngập nước lâu ngày, như đất lầy, đất phù sa úng nước, đất phèn,... Ở những đất như đất cát, đất bạc màu, đất đỏ vàng trồng lúa nước, đất trồng một vụ lúa và một vụ màu thì trong phẫu diện đất có thể xuất hiện tầng bị glây hóa mà thôi.
Tùy theo thời gian ngập nước, mức độ yếm khí trong đất và độ sâu của mực nước ngầm mà tầng glây dày hay mỏng và ở nông hay sâu.
Đặc điểm chung của tầng đất glây là có thành phần cơ giới nặng, dẻo, dính, bí chặt, không có kết cấu, đất chua, nhiều chất độc cho cây trồng như CH4, H2S, PH3,...
Đất bị glây mạnh, tầng glây ở nông thì ảnh hưởng xấu đến sinh trưởng và phát triển của cây, kể cả những cây ưa nước như lúa. Vì vậy muốn đạt năng suất cao, ở những đất bị glây mạnh phải thay đổi môi trường đất từ trạng thái khử sang trạng thái oxyhóa, bằng cách tiêu nước phơi ruộng, cày ải phơi đất, bón vôi,...
Hiện tượng glây là có hại, tuy nhiên đối với đất trồng lúa nước nếu không có hiện tượng glây chứng tỏ mực nước ngầm ở quá sâu, đất thoát nước rất nhanh dễ gây ra khô hạn.
Đồng thời tầng glây sẽ hạn chế sự rửa trôi các chất dinh dưỡng và thấm nước xuống tầng sâu. Đối với đất lúa nước có tầng glây ở độ sâu 60-80cm là phù hợp và không gây ảnh hưởng gì xấu cho sự phát triển của cây lúa.
b. Sự phân bố:
Vùng đồng bằng nước ta có diện tích khoảng 8.308.000ha (chiếm gần 25% diện tích tự nhiên toàn quốc, trong đó có khoảng 4.401.000ha đất cần cải tạo).
Phân bố ở vùng ven biển, nhiều nhất là các đồng bằng sông Hồng, sông Cửu Long và một phần diện tích ở vùng duyên hải miền Trung. Mặc dầu có diện tích ít hơn vùng đồi núi nhưng nó giữ vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Đây là địa bàn chủ yếu
cung cấp lương thực cho cả nước và xuất khẩu. Trong đó hai "vựa thóc" lớn nhất là đồng bằng Bắc bộ và đồng bằng Nam bộ.
Do sự bồi đắp phù sa tuân theo quy luật lắng đọng phù sa (hay nói cách khác phụ thuộc vào tính chất của sông), nên đất đồng bằng Việt Nam được chia thành 3 vùng rõ rệt:
*. Đồng bằng sông Hồng:
Sông Hồng có chiều dài 1.149 km (hay còn gọi là sông Cái, tức là mẹ của các con sông khác) bắt nguồn từ Trung Quốc, đoạn chảy trong lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 500 km, có 2 phụ lưu lớn là: sông Đà (543 km), sông Lô (277 km) và một nhánh nhỏ nữa là sông Chảy, sông Cầu, sông Thương, sông Lục Nam (hơn 600 km) hợp thành sông Thái Bình. Sông Hồng chảy qua nhiều miền đất đỏ đá vôi Hoàng Liên Sơn, miền đá trầm tích phiến thạch, sa thạch tím,... là miền đá dễ phong hoá, nên nồng độ phù sa trong nước sông Hồng rất cao (nên nước sông Hồng có màu đỏ đục ngầu). Sông Hồng còn chảy qua mỏ apatit Lào Cai nên phù sa giàu lân, canxi, magiê, do đó đất phù sa sông Hồng thường có độ pH từ trung tính đến hơi kiềm.
Đồng bằng sông Hồng chủ yếu do hệ thống sông Hồng và sông Thái Bình bồi đắp.
Theo số liệu khảo sát thì hàm lượng phù sa trong nước về mùa lũ đạt tới 900 - 1300g/m3 nước, mùa cạn khoảng 300 - 500g/m3 nước.
Về chất lượng phù sa thì hàm lượng các chất như sau:
pH: 7- 7,5; SiO2 = 55-65%, R2O3 = 25-30%, CaO + MgO: 2- 2,5%; Na2O + K2O: 2- 3%;
P2O5: 0,4- 0,6%; N: 0,2- 0,3%.
Nếu tính tròn số, trong một năm sông Hồng đưa ra biển chừng 100 tỷ m3 nước, mang theo từ 70 - 100 triệu m3 phù sa, trong đó chứa khoảng 2 triệu tấn vôi, 2 triệu tấn Na và K, 50 vạn tấn P2O2 (tương đương với 2,5 triệu tấn supelân), 30 vạn tấn đạm nguyên chất (tương đương với1,5 triệu tấn đạm sunfat).
Sự vĩ đại về khối lượng phù sa cộng với sự phong phú về thành phần hóa học như thế đã bồi đắp nên một vùng đất lý tưởng nhất cho sản xuất nông nghiệp nước ta. Tuy nhiên, trong đó có phù sa sông Thái Bình kém hơn vì sông này bắt nguồn từ vùng đồi núi thấp ở miền Bắc nước ta, đó là các vùng đất có quá trình Feralit mạnh, phản ứng chua và dinh dưỡng nghèo do đó lượng phù sa sông Thái Bình ít hơn, nghèo các chất kiềm mà lại giàu sắt nhôm.
- Do sông Hồng lớn, dốc, tốc độ dòng chảy cao, theo quy luật lắng đọng phù sa thì sẽ lắng đọng các sản phẩm thô, nhưng do đồng bằng Bắc bộ ở cuối nguồn nên sản phẩm phù sa có phần mịn hơn, vì vậy đất đồng bằng Bắc bộ có thành phần cơ giới nhìn chung là nhẹ - trung bình.
Do thuỷ chế thất thường, nên hàng năm sông Hồng thường gây ra lũ lụt lớn, về mùa lũ sự tàn phá của sông Hồng rất ghê gớm, vì thế từ đời Nhà Lý người ta đã nghĩ ra cách đắp đê ngăn lũ. Từ đời này qua đời khác, đê sông Hồng ngày nay đã dài tới 1.700 km. Sau khi đắp đê, lượng phù sa sông Hồng đổ ra biển hàng năm khoảng 130 triệu tấn và đất phù sa sông Hồng hình thành nên các loại khác nhau rõ rệt.
Hiện nay đất phù sa hệ thống sông Hồng có thể chia ra 4 loại phụ như sau:
- Đất phù sa ngoài đê được bồi hàng năm trung tính kiềm yếu (Pb).
- Đất phù sa trong đê sông Hồng không được bồi trung tính ít chua (Ph).
- Đất phù sa chua vùng thấp trũng sông Hồng (Pg).
- Đất phù sa chua sông Thái Bình (Pc).
*. Đồng bằng sông Cửu Long:
Đồng bằng sông Cửu Long (gồm 11 tỉnh Tây Nam Bộ) do phù sa sông cửu Long bồi đắp hoàn chỉnh mới cách đây khoảng 2.000 năm, nên so với đồng bằng Bắc Bộ thì đất ở đây thuộc loại trẻ hơn.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX dưới triều nhà Nguyễn, người Việt mới đặt chân đến vùng đất ĐBSCL, lúc này đây còn là một vùng đất hoang vu chưa được khai phá. Diện tích canh tác mới chỉ chiếm 10%, tập trung chủ yếu ở đất phù sa ven sông Tiền và sông Hậu. Đầu thế kỷ XX, tốc độ khai phá sử dụng đất vào sản xuất nông nghiệp tăng mạnh. Đến năm 1985, đất nông nghiệp là 2,4 triệu ha, chiếm khoảng 61% diện tích đất tự nhiên.
- Sông Cửu Long (Mê Công) dài 4.220km, trải rộng trên lưu vực 1.795.000km2, sông bắt nguồn từ Tây Tạng Trung Quốc và chảy qua 5 nước (Miến Điện, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam), khi đến Canpuchia thì chia làm hai nhánh đổ vào Việt Nam là:
sông Tiền và sông Hậu, sau đó đổ ra Biển Đông bằng 9 nhánh nhỏ (nên gọi là Cửu Long).
Trước khi chia làm 2 nhánh đổ vào Việt Nam thì có một nhánh nhỏ (gọi là sông Tônglêsap) chảy theo hướng Đông Bắc-Tây Nam ngược lên đồng bằng Cămpuchia và đổ vào Biển Hồ (một hồ chứa khổng lô). Nhờ vậy mà về mùa mưa lượng nước nguồn đổ về được điều hoà một phần, làm cho thủy chế điều hòa trước khi đổ vào Việt Nam, nên không gây lũ đột ngột cho khu vực đồng bằng Nam Bộ. Đồng thời những vùng trũng lớn như đồng Tháp Mười, U Minh cũng làm tăng thêm sự điều hòa của sông ở vùng hạ lưu.
Hàm lượng phù sa trong nước sông Cửu Long thấp hơn sông Hồng, ngay trong mùa lũ cũng chỉ đạt khoảng 250 - 300g/m3 nước, nhưng tổng số lượng nước rất lớn (1.000 - 1.500 tỷ m3 nước/năm) nên tổng lượng phù sa cũng rất lớn (1 - 1,5 tỷ m3 phù sa). Lượng phù sa này theo hệ thống kênh rạch chằng chịt dài hơn 3.000 km trải đều trên mặt đồng bằng, vì vậy ngoài tác dụng tăng cường dinh dưỡng đều hàng năm, còn tạo dần cho vùng đồng bằng Nam Bộ có địa hình bằng phẳng hơn vùng đồng bằng sông Hồng.
Do thuỷ chế điều hoà, lại ở vùng hạ lưu của sông, nên đất đồng bằng sông Cửu Long có thành phần cơ giới nặng, nhưng do phù sa có nguồn gốc từ các dãy núi có đá gốc là đá macma axit nên đất đồng bằng sông cửu Long nghèo lân, nhưng hàm lượng kali thì khá cao.
Khác với đồng bằng Bắc Bộ, ở đồng bằng sông cửu Long không có hệ thồng đê điều ngăn lũ, nên một số vùng đất vẫn thường xuyên bị nước mặn tràn vào, làm cho diện tích đất mặn ở đây khá cao. Mặt khác, ở đây đã tồn tại thời kỳ biển nông khá lâu, nên thảm thực vật chịu mặn rất phát triển, xác của những loại thực vật chứa nhiều lưu huỳnh này là một trong những nguyên nhân làm cho đất bị phèn, vì vậy đây là vùng có diện tích đất phèn rất lớn.
Theo Trần An Phong và Nguyễn Văn Nhân (1994) thì tổng diện tích đất tự nhiên vùng đồng bằng sông Cửu Long là 3.950.000 ha, được chia làm 3 nhóm chính là:
+ Đất phù sa: Có diện tích 1,18 triệu ha (chiếm 29,9%), chủ yếu ven sông Tiền và sông Hậu.
+ Đất mặn: Có diện tích 0,7 triệu ha (chiếm 17,7%), phân bố ở vành đai ven biển Đông và Vịnh Thái Lan.
+ Đất chua mặn (đất phèn): Có diện tích 1.885.900 triệu ha (chiếm 47,75%), tập trung chủ yếu ở: vùng Đồng Tháp Mười khoảng 700.000 ha (Đồng Tháp Mười là vùng
“lòng chảo” giáp ranh của 3 tỉnh: Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp. Đất phèn của vùng này còn bỏ hoang 21,9%, chỉ trồng được 1 vụ lúa chiếm 43%); vùng Tứ giác Long Xuyên;
Bán đảo Cà Mau; Tây sông Hậu, duyên hải thành phố Hồ Chí Minh....
*. Đồng bằng các con sông khác:
Dọc bờ biển miền Trung đã hình thành nên một dải đồng bằng hẹp do sự bồi đắp của các con sông chảy từ dãy núi Trường Sơn đổ ra biển Đông.
Kể từ Bắc vào Nam có các con sông: sông Mã (426 km), sông Chu (Thanh Hoá), sông Cả (sông Lam - 379 km), Sông La, sông Gianh, sông Nhật Lệ, sông Kiến Giang,, sông Bến Hải, sông Thạch Hãn, Sông Bồ, sông Hương, sông Cầu Hai, sông Hàn, sông Thu Bồn,