Phần 4: KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN
4.1. Đặc điểm điều kiện tự nhiên VQG Xuân Thủy
4.1.1. Vị trí địa lý
Cửa sông Ba Lạt nằm trong hệ thống đồng bằng châu thổ sông Hồng, là cửa sông lớn nhất của sông Hồng đổ ra biển, thuộc hai huyện: Tiền Hải (Thái Bình) và Giao Thủy (Nam Định). Khu vực cửa Ba Lạt có dạng cánh cung, đường bờ chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, chiều dài đường bờ biển khoảng 35km từ cửa Lân đến cửa Hà Lạn. Đây là cửa sông có dạng lồi, phát triển các cồn cát trong vùng biển hở và được mở rộng trong điều kiện thủy triều trung bình. Cửa Ba Lạt có tốc độ biến đổi đường bờ rất nhanh và phức tạp, một trong những vùng xói lở cũng như bồi tụ mạnh nhất của đồng bằng châu thổ sông Hồng (Nguyễn Viết Cách, 2006) [2].
Hình 4.1: Vị trí địa lý khu vực nghiên cứu
Kinh độ: 106020’00” – 106040’00” Đông Vĩ độ: 20010’00” – 20023’40” Bắc
* Đặc điểm địa hình
Khu vực cửa Ba Lạt là khu vực có địa hình đồng bằng thấp, bề mặt tương đối bằng phẳng, độ cao tuyệt đối từ 0,5 - 3 m, hơi nghiêng về phía biển, độ dốc ở sườn ngầm ven bờ rất nhỏ: 0,004 - 0,012m. Địa hình gồm hai vùng khá rõ rệt là vùng đất trũng phía nội đồng và vùng đất cao ven biển, bị chia cắt mạnh bởi hệ thống luồng lạch và các bãi tích tụ ngầm cửa sông. Vùng trũng nội đồng cao từ 0,5m - 0,6m; vùng phía trong ven các đê biển có cao trình từ 1,5m - 1,7m.
Địa hình tích tụ - xói lở sông biển: bao gồm lòng dẫn sông và các lạch phụ hai bên (lạch Vọp, lạch Trà,v.v…). Giới hạn các vùng biển nông bởi các đảo chắn cửa sông có độ sâu khoảng 1m. Trắc diện ngang của lòng dẫn thường không đối xứng, trắc diện dọc có dạng sóng mềm mại và nâng cao dần về phía biển, dưới đáy phát triển nhiều luống cát ngầm.
Địa hình tích tụ do triều: ở khu vực khuất gió sau các cồn chắn cồn Mờ hoặc ở ven cửa sông phát triển mạnh các rừng cây ngập mặn. Bề mặt địa hình tương đối bằng phẳng, nghiêng thấp dần về phía biển và lòng dẫn chính cửa sông, điều kiện lắng đọng tốt do không bị sóng tác động gây phá hủy.
Ngoài địa hình tự nhiên còn có các địa hình nhân tạo, tiêu biểu là hệ thống đê ngăn lũ và hệ thống đê biển được đắp bằng đất qua nhiều giai đoạn với cao trình bề mặt đê 3,8m - 4,5m (Nguyễn Viết Cách, 2006) [2].
* Đặc điểm thổ nhưỡng
Thổ nhưỡng của khu vực cửa Ba Lạt được tạo bởi phù sa sông Hồng sa theo nguyên lý động lực sông - biển, là những dải đất hình sin có hướng song song với các con đê biển, bao gồm: các nhóm đất mặn, đất cát, đất phù sa.
Với đất mặn là những vùng đất được phân bố tập trung ở khu vực ven biển;
những vùng đất này được quai đê ngăn mặn nhưng do gần cửa sông ven biển nên bị ảnh hưởng mặn của biển; phần lớn đất có thành phần cơ giới thịt trung
bình, phần còn lại là thịt nhẹ, pha lẫn sét và cát; đất mặn thường chưa ổn định.
Đất lầy mặn: thuộc vị trí địa hình thấp nhất của bãi triều. Có lớp bùn sét loãng ở trên bề mặt đất, dưới là lớp cát pha sét hoặc sét pha cát chưa cố định, đất nhão và lầy. Do nằm ở địa hình trũng thấp, đất lầy mặn có độ màu mỡ cao hơn đất mặn nhiều, hàm lượng đạm, lân, kali đều trội.
Nhóm đất phù sa ở khu vực này được chia ra làm hai loại: đất được bồi hàng năm và đất không được bồi hàng năm. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến nặng, phản ứng của đất chua yếu, phù hợp với nhiều loại hình canh tác khác nhau. Loại đất này được phân bố ở trong khu đồng bằng châu thổ, phía trong của khu đất mặn.
Nhóm đất cát biển: phân bố ở các bãi cát ven biển, trên các cồn cát ngoài biển. Là loại đất rất nghèo dinh dưỡng, có phản ứng chua yếu, khả năng trao đổi cation thấp (Nguyễn Viết Cách, 2006) [2].
* Đặc điểm khí hậu
Khí hậu của khu vực nghiên cứu mang tính chất chung của khí hậu miền Bắc Việt Nam: nhiệt đới nóng ẩm gió mùa, có chỉ số khô hạn rất thấp.
Nhiệt độ trung bình năm của khu vực 22,2 - 23,60C. Trong năm có hai mùa chính (mùa hè và mùa đông) và hai mùa chuyển tiếp giữa sự thống trị của hai hệ thống gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam có tính chất đối ngược nhau:
Về mùa đông, khối không khí thịnh hành là không khí cực đới có nguồn gốc lục địa và không khí nhiệt đới biển Đông Trung Hoa có hai kiểu ẩm và khô; bắt đầu từ tháng XI tới tháng III, mưa ít và nhiệt độ thường không quá 200C.
- Về mùa hạ, không khí thịnh hành là không khí nhiệt đới Bắc Ấn Độ Dương, xích đạo và không khí nhiệt đới Thái Bình Dương có tính chất ẩm ướt
và nhiều mưa và thường có nhiều biến động thời tiết như: dông, lốc, bão...(Nguyễn Viết Cách, 2006) [2].
- Mưa
Khu vực nghiên cứu có chế độ mưa phong phú và phân bố khá đồng đều; lượng mưa trung bình năm dao động từ 1.520-1.850mm/năm; Lượng mưa đạt cực đại vào tháng VII, VIII (tháng giữa mùa mưa) lên tới 350-500 mm/tháng, với 16-18 ngày mưa. Trong trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới hay hoạt động của dải hội tụ nhiệt đới thì lượng mưa cực đại trong 24 giờ có thể đạt 300-500mm (Nguyễn Viết Cách, 2006) [2].
- Chế độ khí áp và gió
+ Khí áp: diễn biến khí áp của khu vực nghiên cứu phụ thuộc vào hai hệ thống gió mùa: mùa đông chịu ảnh hưởng của vùng áp cao phía Bắc nên trị số khí áp trung bình mùa đông thường cao. Ngược lại, mùa hè chịu ảnh hưởng chi phối của vùng áp thấp phía Nam, trị số khí áp trung bình giảm đáng kể so với mùa đông. Biến trình khí áp trong năm thường gặp một cực đại xuất hiện vào tháng I (giữa mùa đông) và một cực tiểu vào tháng VII (giữa mùa hè). Trị số khí áp trung bình 1002-1030 mb. Vào mùa hè ở vùng cửa sông có bão mạnh, khí áp có thể giảm xuống thấp dưới 950 mb.
+ Gió: Diễn biễn hướng và tốc độ gió phụ thuộc vào cường độ hoạt động của hoàn lưu khí quyển vịnh Bắc Bộ và địa hình ven bờ nên nó mang tính chất mùa rõ rệt. Do địa hình bằng phẳng nên tốc độ gió khá lớn, trung bình đạt tới 3-4m/s. Tốc độ gió mạnh nhất vào mùa hè, đặc biệt trong những lúc có bão và dông, có thể đạt tới 40-50m/s. Vào mùa đông, gió có hướng Bắc-Đông Bắc và Đông–Đông Nam (tháng X - tháng III năm sau) tần suất 53,5%-71,6%, trung bình 78,4%. Trong nửa đầu mùa đông, các hướng Đông Bắc – Bắc có trội hơn một chút, nhưng từ tháng II trở đi các hướng Đông – Đông Nam lại chiếm ưu thế hơn.
Mùa hè (tháng VI-tháng X), hướng gió chủ đạo ve n bờ là Nam- Đông Nam và ngoài khơi là Nam-Tây Nam tần suất 53,1%-78,5%, trung bình 63,2%.
Trong mùa chuyển tiếp, trường gió có tính chất trung gian với hướng gió chính là hướng Đông tần suất 53,9%-80,5%. Các tháng IV, V hướng gió chủ đạo ven bờ là Đông - Đông Nam, ngoài khơi là Đông Nam và Đông Bắc. Còn các tháng X, XI ở ven bờ là hướng Bắc và Đông, ngoài khơi là Đông Bắc.
Mặc dù có tính phân mùa và ổn định khá cao nhưng do sự gia tăng hoạt động các khối không khí cực đới cũng như nhiệt đới biển, nên trong mùa hè vẫn có những đợt gió mùa Đông Bắc tràn về và trong mùa đông vẫn xuất hiện gió mùa Tây Nam làm cho mùa hè bớt nóng hơn và mùa đông trở nên nồm ẩm hơn. Ở khu vực ven bờ hướng gió ít ổn định do ảnh hưởng của các yếu tố địa hình và hoạt động hoàn lưu đất- biển theo chu kỳ ngày- đêm, tuy tốc độ gió biển không cao nhưng nó có vai trò làm thay đổi trường gió chung ở ven biển (Nguyễn Viết Cách, 2006) [2].
* Các hiện tượng thời tiết đặc biệt
Cửa sông Ba Lạt thường xuyên chịu tác động của các hiện tượng thời tiết đặc biệt: dông, lốc, bão, áp thấp nhiệt đới... Trung bình hàng năm có 30-50 ngày có dông. Dông tập trung nhiều vào các tháng mùa hè.
Bão đổ bộ vào khu vực nghiên cứu chiếm 30,7% số bão đổ bộ vào ven biển nước ta và tập trung chủ yếu vào 3 tháng VII, VIII, IX; trung bình hàng năm có khoảng 1,4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Thường trong những ngày có bão, xuất hiện mưa lớn gây úng và lũ, sóng mạnh và nước dâng (Nguyễn Viết Cách, 2006) [2].
* Đặc điểm thủy, hải văn
Cửa Ba Lạt nằm giữa khu vực của hai sông Lân và sông Sò. Sông Lân nằm ở phía Nam của huyện Tiền Hải, chảy qua cồn Tiền theo hướng Tây–
Đông, sông ăn thông ra biển qua cửa Lân. Trước kia sông Lân là dòng chảy chính của sông Hồng, nhưng do kết quả của sự vận động địa lý cửa Ba Lạt thành cửa sông chính của hệ thống sông Hồng, còn cửa Lân thì nhỏ dần.
Trong những năm 60, do cồn Lu chắn cửa nổi cao, dòng chảy sông Hồng chảy theo lạch Lân về phía Đông Bắc bờ Bắc và lạch Vọp về phía bờ Nam. Năm 1971 trận bão lớn đã tạo một dòng chảy mạnh phá cắt ngang qua cồn Lu tạo thành dòng mới có hướng Tây Bắc Đông Nam và trực tiếp đổ ra biển. Sau đó cơn bão số 5 (25/8/1973), dòng chảy này tiếp tục được mở rộng cắt đôi cồn trên tạo nên hai cồn mới là cồn Vành (bên Tiền Hải) và cồn Lu (bên Giao Thủy), trong khi phía ngoài khơi tiếp tục hình thành nên các bãi bồi mới cồn Mờ và cồn Réo, làm cho đường bờ của khu vực có nhiều thay đổi từ năm 1973 đến nay. Ở khu vực phía Bắc cửa Ba Lạt, từ sau khi trận lũ lịch sử năm 1971 xảy ra, lạch Bắc trở thành lạch phụ và dần bị thu hẹp dần.
Hệ thống sông Hồng: là hệ thống sông chính nằm ở giữa khu vực nghiên cứu. Hệ thống sông Hồng có vai trò quan trọng trong sự hình thành và tiến hóa của châu thổ sông Hồng,cửa sông Ba Lạt và khu ĐNN XT nói riêng.
Hệ thống sông hàng năm cung cấp cho vùng bờ vịnh Bắc Bộ khoảng 81,58.106 tấn vật liệu phù sa lơ lửng, trong đó qua cửa Ba Lạt là 304,8.104 - 324,9.104tấn/năm (Nguyễn Viết Cách, 2006) [2].
Khi đến khu vực cửa Ba Lạt, sông Hồng phân nhánh thành:
Sông Vọp: bắt nguồn từ cửa Ba Lạt chảy theo hướng Đông Nam ra biển. Sông dài khoảng 10km, chiều rộng gần 200m. Sông Vọp mang phù sa bồi đắp cho bậc thềm biển, lượng phù sa tại cửa Ba Lạt là 1,8gam/lit.
Sông Trà: chảy từ cửa Ba Lạt xuống phía Nam ra biển, dài gần 12km, là ranh giới ngăn cách giữa cồn Lu và cồn Ngạn.
Sông Sò: là giới hạn phía Nam của cửa Ba Lạt. Trước kia sông đóng vai trò chia nước thoát lũ cho sông Hồng, đồng thời cũng là luồng dẫn phù sa của sông Hồng đưa ra biển để bồi đắp. Hiện nay lượng nước của sông giảm đi và sông đang dần bị thu hẹp lại do xây dựng các đê chắn nước.
Chế độ hải văn: khu vực cửa Ba Lạt có chế độ nhật triều khá thuần nhất, tính nhật triều thuần nhất giảm dần từ Bắc xuống Nam. Biên độ dao động triều trung bình từ 2,6-3,6m, tốc độ triều 0,3-0,4m/s. Mực nước triều lớn nhất nhiều năm có thể đạt 4,0m và thấp nhất khoảng 0,08m. Số ngày triều cường từ 3 m trở lên có từ 152 - 176 ngày (Nguyễn Viết Cách, 2006) [2].