Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Kinh nghiệm của một số địa phương trong nước về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp
2.2.2.1. Kinh nghiệm của tỉnh Nam Định
An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong sản xuất nông nghiệp liên quan trực tiếp đến sức khỏe của người tiêu dùng, từ đó có ảnh hưởng đến sự phát triển của nền sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, với người tiêu dùng chỉ có thể đánh giá vấn đề này ở khâu cuối khi sản phẩm đã được mang ra tiêu thụ hoặc đã ở trên bàn ăn, còn việc bảo đảm ATVSTP trong suốt quá trình sản xuất thì nằm ngoài “tầm với”. Trên thực tế trong quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản nhiều hộ nông dân vẫn lạm dụng các chất hóa học, từ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), phân bón, chất kích thích tăng trưởng, mặc dù đã được các cơ quan chức năng khuyến cáo nhắc nhở, thậm chí nghiêm cấm.
Việc sử dụng kháng sinh không đúng, chất cấm trong chăn nuôi sẽ để lại tồn dư trong sản phẩm thịt có thể gây ngộ độc và rối loạn hệ nội tiết ở người sử dụng. Hoặc môi trường đất, nước nơi người nông dân chăn nuôi, canh tác bị ô nhiễm cũng khiến nông sản bị mất ATVS…(Ngọc Ánh, 2014).
Với mục tiêu nâng cao nhận thức về đảm bảo ATVSTP từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, năm 2014, Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (QLCLNLTS) đã phối hợp chặt chẽ với một số đơn vị trong ngành NN và PTNT tăng cường thông tin, tuyên truyền về công tác quản lý chất lượng, đảm
bảo ATVSTP cho các chủ thể tham gia chuỗi sản xuất như: nông dân, ngư dân, chủ trang trại, cơ sở chế biến, cán bộ quản lý… Xây dựng, in ấn và trực tiếp phát hàng nghìn tờ rơi, băng rôn, pa-nô, áp phích và tài liệu phổ biến về ATVSTP và công tác quản lý chất lượng ATTP. Phối hợp với Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (Sở KH và CN), Phòng Cảnh sát môi trường (Công an tỉnh), Chi cục ATVSTP (Sở Y tế), Hội Phụ nữ tỉnh tổ chức nhiều hoạt động truyền thông, vận động hữu ích như phát động hưởng ứng Tháng ATVSTP, tổ chức 18 lớp tập huấn cho trên 1.800 lượt người tham gia kiến thức về đảm bảo ATVSTP trong sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản. Thực hiện các chương trình giám sát chất lượng ATVSTP nông sản, thực phẩm, Chi cục QLCLNLTS đã lấy một số mẫu rau, củ, quả để kiểm soát dư lượng thuốc BVTV, vi sinh, kim loại nặng, dư lượng nitrat; đồng thời thường xuyên tiến hành kiểm tra (test) nhanh tại các vùng trồng rau và các chợ. Kết quả các mẫu được lấy để kiểm tra, phân tích trong năm 2014 các chỉ tiêu đều không vượt quá giới hạn cho phép. Trong chương trình kiểm soát vùng thu hoạch nhuyễn thể 2 mảnh vỏ tại 2 vùng nuôi Giao Thủy và Nghĩa Hưng, Chi cục đã tiến hành lấy 46 mẫu ngao và 88 mẫu nước phân tích nhằm kiểm soát dịch bệnh vùng nuôi. Năm 2014, vùng nuôi nhuyễn thể tại tỉnh tiếp tục được công nhận đạt loại B, được phép thu hoạch và xuất khẩu ngao vào thị trường EU. Nhằm đảm bảo chất lượng ATVSTP cho các đối tượng nuôi thủy sản chủ lực, Chi cục đã lấy 64 mẫu gồm: 11 mẫu tôm sú, 41 mẫu tôm thẻ chân trắng, 12 mẫu cua ở các vùng nuôi của 3 huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu để kiểm soát dư lượng kim loại nặng, thuốc trừ sâu, độc tố nấm, chất kích thích tăng trưởng. Đồng thời, thực hiện kiểm soát sau thu hoạch, Chi cục lấy 6 mẫu, trong đó có 2 mẫu cá biển, 2 mẫu cá mực, 1 mẫu ghẹ, 1 mẫu tôm biển và 1 mẫu nước đá tại các tàu cá và các đại lý thu mua sản phẩm khai thác. Kết quả xét nghiệm các chỉ tiêu đều trong giới hạn cho phép, cho thấy các sản phẩm thủy sản nuôi và khai thác trên địa bàn tỉnh đều được kiểm soát, đảm bảo an toàn môi trường, an toàn dịch bệnh các vùng nuôi, đảm bảo ATVSTP, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng; dần khẳng định được chất lượng và thương hiệu trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình liên kết sản xuất, kinh doanh theo chuỗi ATVSTP.
Trong tháng 11-2014, Chi cục đã hướng dẫn Cty TNHH một thành viên Thương mại Tuệ Hương xây dựng mô hình chuỗi liên kết sản xuất, kinh doanh rau an toàn với bà con nông
dân tại xã Yên Dương (Ý Yên). Mô hình bước đầu có sự liên kết của “3 nhà”:
quản lý - doanh nghiệp - nông dân. Cty Tuệ Hương đã tiến hành khảo sát, phân tích các điều kiện, cơ sở, vùng sản xuất và tổ chức triển khai. Thị trường ngao tiêu thụ nội địa tiếp tục được quan tâm khi Cty thủy sản Lenger Việt Nam (Lenger Seafood Vietnam) đã đầu tư dây chuyền hiện đại tự động hóa làm sạch từ đầu vào đến đầu ra của sản phẩm ngao, tạo chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm thủy sản đảm bảo ATVSTP để tiêu thụ tại các siêu thị trong nước. Cũng trong năm 2014, Chi cục QLCLNLTS đã xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng đối với sản phẩm cá bống bớp theo tiêu chuẩn VietGAP; xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho cá bống bớp Nghĩa Hưng. Trước tình hình nông dân sử dụng tùy tiện thuốc xanh methylen để chữa bệnh đốm đỏ, bệnh lở loét và các bệnh ngoài da khác cho cá bống bớp gây mất ATVSTP, Chi cục đã yêu cầu các hộ nông dân không được sử dụng loại thuốc này và hướng dẫn sử dụng các loại thuốc có trong danh mục cho phép của Bộ NN và PTNT. (Ngọc Ánh, 2014). Ông Trần Xuân Lại, Chi cục trưởng Chi cục QLCLNLTS tỉnh cho biết: Thực hiện tốt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững là yếu tố tiên quyết đảm bảo ATVSTP trong sản xuất nông nghiệp.
Các ngành chức năng và các địa phương cần tiếp tục ưu tiên cho công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức cộng đồng và kiến thức ATVSTP cho người dân. Hướng dẫn, vận động người sản xuất, kinh doanh tuân thủ các quy định về sử dụng thuốc BVTV cho cây trồng; thuốc thú y, thuốc kháng sinh trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản; chất bảo quản, phụ gia trong bảo quản, chế biến nông sản, thực phẩm và đảm bảo điều kiện vệ sinh trong sản xuất, kinh doanh.
Phát triển các mô hình sản xuất áp dụng hệ thống quản lý chất lượng thực hành sản xuất tốt, liên kết sản xuất theo chuỗi ATVSTP. Xây dựng những vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy hoạch đã được phê duyệt, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm nông sản, thực phẩm và đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn (Ngọc Ánh, 2014).
2.2.2.2. Kinh nghiệm của tỉnh Bắc Cạn
Trong năm 2015, các ngành chức năng đã tổ chức kiểm tra được 144 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, sản xuất nước uống, bếp ăn tập thể của trường học và 173 cơ sở kinh doanh thực phẩm chức năng. Kiểm tra 223 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng và vật tư nông nghiệp… Qua đó, các cơ quan quản lý đã xử phạt 28 vụ vi phạm. Mỗi lần kiểm tra, cán bộ đều phân tích, nhắc nhở nhằm
nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tuy vậy, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do các ngành sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng đa dạng, phong phú và không ngừng phát triển. Tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm của người dân còn hạn chế. Một số thương nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh còn bất chấp thủ đoạn, vì lợi nhuận nên vi phạm các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Qua thống kê của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, trong năm 2015 cả tỉnh có 4 vụ ngộ độc thực phẩm với 185 người mắc, trong đó 169 người phải đi viện. Dù không có trường hợp nào bị tử vong, song số vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tăng là điều rất đáng lo ngại. (Đăng Bách và Hồng Tuyến, 2015).
Từ dịp Tết Nguyên đán Bính thân và mùa lễ hội 2016 đến nay, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm đã tổ chức thanh, kiểm tra 2.218 trên tổng số 4.791 cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh và dịch vụ ăn uống. Qua đó, lực lượng chức năng đã phát hiện 247 cơ sở có vi phạm, số cơ sở bị xử lý là 26, số còn lại bị nhắc nhở. Các nội dung vi phạm chủ yếu về điều kiện vệ sinh cơ sở, điều kiện trang thiết bị dụng cụ và điều kiện về con người… Những hàng hóa vi phạm đã được tổ chức giao cho các chủ cơ sở tiêu hủy tại chỗ. Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, mới đây Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã thành lập đoàn công tác, tiến hành kiểm tra 34 cơ sở kinh doanh rau, củ quả, giết mổ và kinh doanh thịt lợn, sản xuất giò chả, kinh doanh trứng và giống rau, thức ăn chăn nuôi tại các chợ. Đoàn đã tiến hành lấy 10 mẫu thịt lợn và thịt gà để kiểm tra chất cấm Salbutamol, VAT Yellow. Các mẫu này được gửi về xét nghiệm tại Trung tâm Chất lượng nông lâm sản vùng I đều cho kết quả âm tính. Đối với các mẫu giò chả và rau, qua test nhanh cũng không phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hàn the. (Đăng Bách và Hồng Tuyến, 2015).
Hiện thời tiết sắp bước vào giai đoạn chuyển mùa, tình hình ô nhiễm và ngộ độc thực phẩm có nguy cơ cao hơn do nhiệt độ ấm lên. Thói quen ăn uống của nhân dân cũng có nhiều thay đổi, dịch vụ ăn uống trên hè phố ngày một phổ biến. Các bếp ăn tập thể tại trường học, đơn vị và cơ sở nấu cỗ gia tăng, việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trở thành đòi hỏi thường xuyên và liên tục. Đặc biệt, việc phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong dịp diễn ra các sự kiện lớn, tập trung đông người là hết sức quan trọng. Để chủ động kiểm soát tình hình, Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm lập kế hoạch kiểm tra, giám sát
công tác chấp hành quy định của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Đơn cử như để bảo đảm an toàn cho Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ IX năm học 2015 - 2016, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm đã thành lập đoàn liên ngành, tổ chức kiểm tra liên tục đối với một số cơ sở kinh doanh ăn uống trên địa bàn thành phố. (Đăng Bách và Hồng Tuyến, 2015).
Đoàn giám sát làm việc liên tục trước và trong các ngày diễn ra Hội khỏe Phù Đổng tỉnh lần thứ IX. Đồng chí Vũ Trường Phúc- Phó Phòng Thanh tra (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm) cho biết: Đoàn đã tổ chức cho các chủ cơ sở kinh doanh ăn uống ký cam kết về việc bảo đảm an toàn thực phẩm về trang thiết bị, dụng cụ, vệ sinh; bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, nước sạch dùng cho chế biến cũng như quy trình chế biến, bảo quản thực phẩm… Qua 2 ngày kiểm tra cho thấy, cơ bản các chủ cơ sở kinh doanh chấp hành tốt các điều kiện về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đa số mẫu test nhanh kiểm nghiệm một số chỉ tiêu trước bữa ăn sáng, chiều đều đạt yêu cầu.
Một số vi phạm đã được đoàn nhắc nhở, yêu cầu chủ cơ sở kinh doanh tiếp thu nghiêm túc. (Đăng Bách và Hồng Tuyến, 2015).
Nhận định về công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng chí Nguyễn Thanh Cao- Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho rằng: Tại Bắc Kạn, những năm qua số vụ ngộ độc thực phẩm thường xảy ra chủ yếu do nấm độc và ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật. Cùng với đó, một vài vụ ngộ độc do người dân ăn phải thực phẩm có sẵn chất độc như củ ấu tàu tại huyện Chợ Mới, đặc biệt là vụ ngộ độc gần đây tại huyện Ba Bể do sử dụng nhầm rễ cây lá ngón, khiến 2 người tử vong...
Hướng tới “Tháng hành động vì chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2016”, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm xác định sẽ triển khai một số nội dung như: Tăng cường tham mưu cho Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, phối hợp tốt với các ngành liên quan trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doạn thực phẩm trên địa bàn. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống ngộ độc thực phẩm… Coi việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và phòng, chống ngộ độc thực phẩm là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, cần sự chung tay của nhiều cấp, ngành xã hội. (Đăng Bách và Hồng Tuyến, 2015).