Phần 2. Tổng quan tài liệu
2.2. Đặc điểm sinh trưởng và phát dục của lợn
2.2.3. Các chỉ tiêu đánh giá sinh trưởng và những nhân tố ảnh hưởng đến khả năng
2.2.3.1. Các chỉ tiêu đánh giá sinh trưởng
Mục đích của chăn nuôi lợn thịt cuối cùng là có sản phẩm thịt nên người ta thường chú ý đế một số chỉ tiêu chứng tỏ giá trị kinh tế của lơn thịt như sau:
+ Khối lượng lúc bắt đầu nuôi thịt (kg): là chỉ tiêu quan trọng có ảnh hưởng lớn tới khả năng tăng trọng cũng như tiêu tốn thức ăn trong quá trình nuôi thịt.
+ Thời gian nuôi thịt (ngày): cho biết năng suất nuôi thịt, thời gian quay vòng của một lứa.
+ Khối lượng kết thúc nuôi thịt (kg/con): là khối lượng khi xuất bán để giết thịt.
Chỉ tiêu cho thấy trình độ chăn nuôi của cơ sở, hiệu quả kinh tế của chăn nuôi lợn.
+ Tăng khối lượng trong nuôi thịt (g/ngày): phản ánh rõ nhất về trình độ chăn nuôi, chế độ chăm sóc, quản lý.
+ Tiêu tốn thức ăn/kg tăng khối lượng (kg thức ăn/kg tăng khối lượng): cho thấy hiệu quả kinh tế giữa đầu tư và lợi nhuận.
2.2.3.2. Một số yếu tố ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng
Tính trạng về khả năng sinh trưởng và cho thịt của vật nuôi nói chung và của lợn nói riêng được gọi chung là tính trạng sản xuất và chúng hầu hết là tính trạng số lượng do đó nó chịu ảnh hưởng bởi các yếu tố di truyền và ngoại cảnh trong chăn nuôi.
+ Ảnh hưởng của yếu tố di truyền
Các giống gia súc khác nhau thì khả năng cho thịt không giống nhau, khả năng này phụ thuộc vào tốc độ sinh trưởng của con vật. Đó là quá trình tích luỹ protein của cơ thể dưới sự điều hoà của hệ thống enzime điều khiển quá trình sinh tổng hợp protein.
Yếu tố di truyền có ảnh hưởng quyết định đối với số lượng và chất lượng thịt lợn. Thực tế cho thấy rằng, các giống lợn ngoại nuôi trong điều kiện dùng thức ăn hỗn hợp để nuôi thì tăng trọng nhanh, thời gian nuôi ngắn, tiêu tốn ít thức ăn để tăng 1 kg khối lượng ngược lại nếu dùng nhiều thức ăn thô xanh thì lợn ngoại tăng trọng chậm hơn lợn nội. Vì vậy, nếu nuôi lợn lấy thịt tốt nhất là nuôi lợn lai kinh tế vì lợi dụng được ưu thế lai, sức sống mạnh hấp thu thức ăn tốt, thời gian nuôi thịt ngắn hơn.
Theo Hazel (1993) cho biết hệ số di truyền với sự tăng trưởng ở lợn trong thời gian theo mẹ là 0,15. Theo Đặng Vũ Bình ( 2000), các tính trạng có hệ số di truyền trung bình từ 0,2 - 0,4 bao gồm các tính trạng thuộc về tốc độ sinh trưởng, chí phí thức ăn của 1kg tăng khối lượng. Tiêu tốn thức ăn cho 1 kg tăng khối lượng cũng là chỉ tiêu quan trọng trong chăn nuôi lợn thịt, tiêu tốn thức ăn có hệ số di truyền trung bình và có thể dễ dàng được cải thiện thông qua chọn lọc lai tạo.
+ Ảnh hưởng của chăm sóc, nuôi dưỡng
Ngoài các yếu tố di truyền, các yếu tố môi trường cũng ảnh hưởng rất lớn đến các tính trạng sinh trưởng và cho thịt của lợn.
- Ảnh hưởng của dinh dưỡng và thức ăn đến khả năng sinh trưởng
Dinh dưỡng là một trong các yếu tố quan trọng nhất của yếu tố ngoại cảnh, nó ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng, phát triển của vật nuôi. Đặc biệt đối với chăn nuôi lợn thì dinh dưỡng có vai trò quyết định tới khả năng sinh trưởng, phát triển của đàn lợn và chất lượng của các sản phẩm chăn nuôi.
Dinh dưỡng được đảm bảo đầy đủ, cân đối cả về số lượng và chất lượng thì con vật mới phát huy hết được tiềm năng di truyền của nó. Nếu khẩu phần ăn không được đảm bảo đủ về số lượng, tốt về chất lượng thì các nhân tố di truyền không những không phát triển theo hướng tích cực, mà thậm chí còn ngược lại.
Tùy từng giai đoạn phát triển của vật nuôi mà điều chỉnh các thành phần dinh dưỡng cho phù hợp, nếu nuôi lợn ở hai tháng cuối mà sử dụng thức ăn thực vật có 4% dầu mỡ trở lên thì mỡ sẽ bị mềm và nhão. Nếu chăn nuôi lợn dùng nhiều gluxit, protein thì phần mỡ được tổng hợp sẽ chắc. Vì vậy, trong giai đoạn vỗ béo, ta dùng thức ăn có nhiều gluxit vì nếu khẩu phần ăn nhiều mỡ thì giữa các thớ thịt cũng nhiều mỡ làm cho thịt trở lên mềm, mất màu, thịt chóng bị ôi.
Theo Vũ Duy Giảng và cs. (1995), thức ăn rất quan trọng đối với khả năng sinh trưởng của lợn, ví dụ: Thiếu các axit amin quan trọng sẽ làm giảm tính thèm ăn và khả năng sử dụng thức ăn, ảnh hưởng tới quá trình trao đổi chất trong cơ thể gia súc, dẫn đến giảm sự phát triển của gia súc nói chung và lợn nói riêng. Theo Nguyễn Nghi (1995), mối quan hệ giữa năng lượng và protein trong khẩu phần là yếu tố quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp tới tốc độ tăng trưởng, tỷ lệ thịt nạc, thịt mỡ và tiêu tốn thức ăn của lợn thịt.
Ở giai đoạn khác nhau nhu cầu dinh dưỡng của lợn cũng khác nhau.
Trong giai đoạn đầu nhu cầu về năng lượng và protein thấp hơn giai đoạn sau.
Bởi vì, ở giai đoạn đầu để cấu tạo và phát triển cơ thể lợn cần nhiều protein.
Càng về sau hàm lượng protein càng giảm bớt, thức ăn chủ yếu là loại giàu năng lượng (chất bột đường). Nhưng khối lượng cơ thể lợn ở giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước, cho nên nhu cầu năng lượng và protein/con/ngày vẫn tăng. Tuy vậy, tỷ lệ giữa protein, năng lượng và chất khoáng như: canxi, photpho... hàm lượng các vitamin, các nguyên tố vi lượng cũng góp phần quan trọng trong quá trình chuyển hoá các chất dinh dưỡng tạo thành thịt và tăng phẩm chất thịt.
- Phương thức nuôi dưỡng:
Phương thức nuôi dưỡng cũng ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng, sức sản xuất của con vật. Khi cho ăn khẩu phần ăn tự do thì tăng trọng nhanh hơn, tiêu tốn thức ăn thấp hơn nhưng khi đánh giá chất lượng thịt thì thấy dày mỡ lưng lại cao hơn so với khi cho ăn khẩu phần ăn hạn chế. Phương thức nuôi lợn theo hướng nạc - mỡ cần thời gian nuôi dài hơn, khối lượng giết mổ lớn hơn, ngược lại phương thức nuôi lợn hướng nạc yêu cầu thời gian nuôi ngắn hơn, khối lượng giết mổ nhỏ hơn so với phương thức nuôi lợn hướng nạc - mỡ (Hammond, 1980).
+ Khối lượng bắt đầu nuôi thịt
Khối lượng bắt đầu nuôi thịt có ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tăng trọng sau này.
Nếu khối lượng khi bắt đầu đưa vào nuôi thịt cao thì trong quá trình nuôi lợn sẽ tăng trọng nhanh. Khối lượng khi đưa vào nuôi thịt phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi đưa vào nuôi thịt, trình độ chăm sóc lợn con theo mẹ và lợn con cai sữa, kỹ thuật chế biến thức ăn cho lợn con tập ăn cũng như thức ăn cho lợn con cai sữa...
+ Khối lượng kết thúc nuôi thịt
Khối lượng kết thúc nuôi thịt phụ thuộc vào đặc điểm của giống, khả năng tăng trọng của lợn nuôi. Tuỳ theo đặc điểm của từng giống lợn mà định ra khối lượng kết thúc nuôi khác nhau. Lợn ngoại và lợn có máu ngoại có khối lượng kết thúc nuôi cao hơn so với lợn nội.
+ Các yếu tố ảnh hưởng khác
Các yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng, sự vận động của lợn, cân nặng sơ sinh, tính biệt, tuổi, bệnh lý,... cũng có ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của lợn.
- Môi trường
Trần Văn Phùng và cs. (2004) cho biết: môi trường xung quanh gồm nhiệt độ, độ ẩm, mật độ, ánh sáng.
Nhiệt độ và độ ẩm: ảnh hưởng chủ yếu đến năng suất và phẩm chất thịt. Nhiệt độ thích hợp nuôi lợn vỗ béo là 15 - 180C, lợn sinh sản là 10 - 120C. Nhiệt độ chuồng nuôi có liên quan mật thiết với độ ẩm không khí, độ ẩm không khí thích hợp cho lợn ở vào khoảng 70%.
Tác giả Nguyễn Thiện và cs. (2005) cho biết: ở điều kiện nhiệt độ và độ ẩm cao lợn phải tăng cường quá trình tỏa nhiệt thông qua quá trình hô hấp vì lợn có rất ít tuyến mồ hôi để duy trì thăng bằng thân nhiệt. Ngoài ra, khi nhiệt độ cao
sẽ làm cho khả năng thu nhận thức ăn của lợn hằng ngày giảm. Do đó, tăng trọng bị ảnh hưởng và khả năng chuyển hóa thức ăn kém dẫn đến sự sinh trưởng, phát dục của lợn bị giảm. Nhiệt độ chuồng nuôi ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thu nhận thức ăn của lợn, từ đó ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng.
Trong chăn nuôi lợn thịt ở giai đoạn vỗ béo người ta thường sử dụng thuốc an thần, che tối chuồng trại cho lợn nghỉ ngơi ít vận động thì cho thấy hiệu quả rõ rệt, lợn sinh trưởng nhanh rút ngắn được thời gian nuôi. Những thay đổi đột ngột về thời tiết, thức ăn lạ, vận chuyển, tiêm thiến, phân đàn, thay đổi chuồng nuôi… đều có ảnh hưởng tới tốc độ sinh trưởng và phẩm chất thịt.
Ánh sáng: đối với lợn con sơ sinh đến 70 ngày tuổi, nếu không đủ ánh sáng thì tốc độ tăng khối lượng sẽ giảm từ 0,5 - 1,5% so với lợn con được vận động dưới ánh sáng mặt trời. Ánh sáng mặt trời có tác dụng làm tăng cường hoạt động và quá trình sinh lý của cơ thể vật nuôi. Dưới ánh sáng mặt trời cơ thể phát sinh những phản ứng bên trong và bên ngoài có lợi, tăng cường sinh trưởng phát dục, phục hồi cơ thể. Tuy nhiên, ánh sáng gay gắt cũng làm mỡ của những vật nuôi vỗ béo bị oxy hóa mạnh. Do vậy, khi trời nóng bức không nên để vật nuôi làm việc dưới trời nắng lâu.
Mật độ lợn trong chuồng nuôi: mật độ nuôi có ảnh hưởng chủ yếu đến năng suất. Khi nhốt lợn ở mật độ cao hay số con/ô chuồng quá nhiều lợn sẽ ảnh hưởng đến tăng trọng hằng ngày của lợn và ảnh hưởng đến chuyển hóa thức ăn. Mật độ cao sẽ tăng sự tấn công lẫn nhau, giảm bớt thời gian ăn và nghỉ. Khi nuôi lợn với mật độ thấp sẽ làm tăng được tốc độ tăng trọng và giảm mức tiêu tốn thức ăn. Chăm sóc ảnh hưởng chủ yếu đến năng suất, chuồng vệ sinh kém dễ gây ra bệnh, chuồng nuôi ồn ào, không yên tĩnh đều làm giảm năng suất. Sức khỏe trong giai đoạn bú sữa kém như thiếu máu, còi cọc thì đến giai đoạn nuôi thịt tăng trọng kém (Vũ Đình Tôn và Trần Thị Nhuận, 2005).
Thể chất, khối lượng sơ sinh: thể chất, khối lượng sơ sinh của lợn con khoẻ hay yếu, khối lượng sơ sinh cao hay thấp và trong giai đoạn bú sữa sinh trưởng và phát triển tốt hay xấu đều liên quan mật thiết đến khả năng tăng trọng, thời gian nuôi thịt. Thực tiễn đã chứng minh, những lợn con có khối lượng sơ sinh cao, trong điều kiện chăm sóc như nhau đem so sánh với những lợn con có khối lượng sơ sinh thấp hơn, sau thời gian kết thúc nuôi thịt, lợn con có khối lượng sơ sinh cao sẽ tăng trọng nhanh hơn.