Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn trong quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa
2.1. Cơ sở lý luận quản lý nhà nước
2.1.3. Bản chất và đặc điểm của quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa
Bản chất của quản lý nhà nước là quyền lực nhà nước. Quyền lực nhà nước được ghi nhận, củng cố bằng pháp luật và được thực hiện bởi bộ máy nhà nước với cơ sở vật chất – tài chính to lớn, bằng phương pháp thuyết phục và cưỡng chế.
Quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa là phương thức mà thông qua hệ thống các công cụ quản lý bao gồm pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch nhà nước tác động vào đối tượng quản lý để định hướng, điều chỉnh những hoạt động của xã hội về lĩnh vực văn hóa đi theo đúng hướng, đúng mục đích theo chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phát triển văn hóa trong từng giai đoạn phát triển của đất nước.
Nói đến quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hóa là nói đến cơ chế quản lý. Cơ chế đó, một mặt phải tuân thủ các yêu cầu của quy luật kinh tế khách quan, chính sách, quy hoạch, kế hoạch…thích hợp để quản lý hoạt động dịch vụ văn hóa. Các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng quản lý Nhà nước về dịch vu văn hóa từ Trung ương đến địa phương là chủ thể quản lý, các quan hệ xã hội vận động và phát triển trong lĩnh vực dịch vụ văn hóa là đối tượng quản lý và hệ thống pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch là công cụ để Nhà nước thực hiện quản lý.
Với tư cách là đối tượng quản lý, dịch vụ văn hóa phải được tổ chức và vận động trên cơ sở các quy định của pháp luật và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Với tư cách là cơ sở và là công cụ để Nhà nước thực hiện quản lý, pháp luật, chính sách, quy hoạch, kế hoạch…phải được xây dựng trên cơ sở đầy đủ, chính xác, thống nhất là những chuẩn mực để đối tượng quản lý dựa vào đó vận động, phát triển và chủ thể quản lý thực hiện sự kiểm tra, giám sát đối tượng quản lý.
Quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hóa là tạo môi trường thông thoáng, ổn định, định hướng, hỗ trợ, thúc đẩy các hoạt động dịch vụ văn hóa phát triển nhưng có trật tự nhằm giải quyết hài hòa các lợi ích. Thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động dịch vụ văn hóa nhằm đảm bảo trật tự, kỷ cương, uốn nắn những hiện tượng, hành vi vi phạm pháp luật. Điều khiển những hoạt động của văn hóa, đời sống văn hóa đi theo đúng chuẩn mực xã hội chủ nghĩa. Mục đích cuối cùng là
tạo được tính nhân văn, nhân bản trong mỗi con người để phát triển hoàn thiện nhân cách của từng cá nhân trong cộng đồng từ đó giữ gìn được bản sắc dân tộc kết hợp với sự tiến bộ của nhân loại (Phan Văn Tú và cs., 1998).
2.1.3.2. Đặc điểm của quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hóa
Một là, Nhà nước tổ chức và quản lý các hoạt động dịch vụ văn hóa diễn ra trong nền kinh tế thị trường. Xuất phát từ đặc trưng của nền kinh tế thị trường là tính phức tạp, năng động và nhạy cảm. Vì vậy, hoạt động dịch vụ văn hóa đòi hỏi Nhà nước phải đề ra pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và sử dụng các công cụ này để tổ chức và quản lý hoạt động dịch vụ văn hóa.
Hai là, hệ thống công cụ như pháp luật, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch…phát triển dịch vụ văn hóa là cơ sở, là những công cụ để Nhà nước tổ chức và quản lý hoạt động dịch vụ văn hóa. Trong nền kinh tế thị trường, hoạt động dịch vụ văn hóa diễn ra hết sức phức tạp với sự đa dạng về chủ thể, về hình thức tổ chức và quy mô hoạt động. Dù phức tạp thế nào đi chăng nữa, sự quản lý Nhà nước cũng phải đảm bảo cho hoạt động dịch vụ văn hóa có tính tổ chức, ổn định, công bằng và có tính định hướng rõ rệt. Do đó, Nhà nước phải ban hành pháp luật, đề ra các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dịch vụ văn hóa và dùng các công cụ này tác động vào lĩnh vực dịch vụ văn hóa.
Ba là, quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ văn hóa đòi hỏi phải có một bộ máy Nhà nước mạnh, có hiệu lực, hiệu quả và một đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước có trình độ, năng lực thực sự. Quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ văn hóa phải tạo được những cân đối chung, điều tiết được thị trường, ngăn ngừa và xử lý những đột biến xấu, tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho mọi hoạt động dịch vụ văn hóa phát triển. Và để thực hiện tốt điều này thì tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước không thể khác hơn là phải tổ chức thống nhất, đồng bộ, có hiệu quả từ trung ương đến địa phương.
Bốn là, quản lý Nhà nước đối với hoạt động dịch vụ văn hóa còn xuất phát từ chính nhu cầu khách quan của sự gia tăng vai trò của chính sách pháp luật trong nền kinh tế thị trường với tư cách là công cụ quản lý. Nền kinh tế thị trường với những quan hệ kinh tế rất đa dạng và năng động đòi hỏi có một sân chơi an toàn, bình đẳng, đặc biệt khi vấn đề toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập kinh tế quốc tế là mục tiêu mà các quốc gia hướng tới. Trong bối cảnh đó, phải có một hệ thống chính sách, pháp luật hoàn chỉnh, phù hợp không chỉ với điều kiện trong
nước mà còn với thông lệ và pháp luật quốc tế. Đây là sự thách thức lớn đối với quốc gia. Bởi vì, mọi quan hệ hợp tác dù bất kỳ lĩnh vực nào và đối tác nào cũng cần có trật tự nhất định và chỉ có thể dựa trên cơ sở chính sách, pháp luật (Vũ Thị Phương Hậu, 2008).
2.1.4 . Vai trò quản lý nhà nước về dịch vụ văn hóa
Theo Vũ Thị Phương Hậu (2008) thì Vai trò quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hóa không nằm ngoài mục đích hỗ trợ và tạo điều kiện cho dịch vụ văn hóa phát triển nhanh và bền vững. Theo đó, Nhà nước sử dụng tất cả các biện pháp có thể để can thiệp vào hoạt động dịch vụ văn hóa nhằm tạo ra môi trường dịch vụ văn hóa lành mạnh, phân bổ nguồn lực một cách tối ưu và thúc đẩy tăng cường kinh tế, phát triển xã hội một cách hài hòa, phù hợp với giá trị truyền thống và văn hóa của một quốc gia, một vùng, một địa phương.
Mặt khác, với tính chất là một ngành kinh tế - xã hội mang lại những hiệu quả tổng hợp cũng như các ngành kinh tế khác, dịch vụ văn hóa muốn phát triển bền vững không đặt ngoài sự quản lý vĩ mô của Nhà nước. Vai trò quản lý Nhà nước về dịch vụ văn hóa được thể hiện ở những khía cạnh sau:
2.1.4.1. Vai trò định hướng
Nếu không có sự quản lý của Nhà nước thì dịch vụ văn hóa sẽ vận động theo hai hướng vừa tích cực, vừa tiêu cực. Đó là quy luật vận động của nền kinh tế thị trường nói chung. Vai trò quản lý Nhà nước thể hiện ở chỗ, Nhà nước trên cơ sở nắm bắt những quy luật vận động khách quan của nền kinh tế, định hướng cho hoạt động dịch vụ văn hóa phát triển theo hướng tích cực, hạn chế tiêu cực để nhanh chóng đạt được những mục tiêu đề ra. Nhà nước tạo cơ sở pháp lý, có chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động dịch vụ văn hóa.
2.1.4.2. Vai trò tổ chức và phối hợp
Trong quá trình tham gia hoạt động dịch vụ văn hóa, các tổ chức và cá nhân không thể tự giải quyết những vấn đề vượt quá khả năng của mình trong quá trình hoạt động cũng như vấn đề thủ tục hành chính trong dịch vụ văn hóa. Do đó, cần phải có sự quản lý của Nhà nước nhằm tạo điều kiện cho hoạt động văn hóa phát triển.
2.1.4.3. Vai trò giám sát
Trong hoạt động quản lý nhà nước về văn hóa phải có những quy định của pháp luật, những thiết chế và tổ chức để các hoạt động dịch vụ văn hóa luôn
nằm trong sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước nhằm ngăn chặn những hành vi vi phạm hiến pháp và pháp luật theo những quy định của pháp luật. Vì thế, hoạt động giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước cần được chú trọng.