Phần 2. Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.2. Cơ sở thực tiễn của đề tài
2.2.1. Bài học kinh nghiệm về quản lý thu BHXH bắt buộc của một số địa phương
2.2.1.1. Kinh nghiệm quản lý thu BHXH bắt buộc của Bảo hiểm xã hội quận Hoàng Mai
- Thường xuyên thực hiện rà soát, lập danh sách các đơn vị đang hoạt
động trên địa bàn nhằm phát hiện thêm các đối tượng mới cần tham BHXH trên địa bàn quản lý. Đối với các đơn vị chưa tiến hành đăng ký kê khai tham gia BHXH thì BHXH địa phương phải nhanh chóng đặt mối quan hệ với các đơn vị đó thông qua các cuộc tiếp xúc, gặp gỡ. Qua đó tiến hành các công việc:
+ Tuyên truyền, giải thích các chế độ cho người sử dụng lao động giúp họ hiểu được quyền lợi và nghĩa vụ mà họ phải thực hiện, tránh tình trạng trốn tránh trách nhiệm tham gia BHXH đối với NLĐ.
+ Hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động lập các biểu mẫu theo quy định và sau đó gửi cho cơ quan BHXH.
+ Thống nhất với đơn vị sử dụng lao động về lịch làm việc, lịch thu nộp, mức thu nộp và phương thức thu nộp BHXH. Thông báo cho các đơn vị số hiệu tài khoản thu BHXH của đơn vị mở tại địa phương.
+ Hướng dẫn các đơn vị sử dụng lao động làm các thủ tục cấp sổ BHXH cho người lao động thuộc quyền quản lý của các đơn vị đó.
- Thực hiện đôn đốc thu BHXH, xác định số tiền BHXH phải đóng và theo dõi kết quả đóng góp BHXH.
- Phân công nhiệm vụ thu cụ thể cho từng cán bộ. Ngoài ra còn đôn đốc nhắc nhở bằng các văn bản hoặc làm việc trực tiếp với cán bộ lãnh đạo để tìm ra biện pháp khắc phục tình trạng nợ đọng của các đơn vị. Đồng thời để họ thực hiện nghĩa vụ đóng góp BHXH để thực hiện giải quyết quyền lợi cho NLĐ.
Để làm tốt công việc này các cán bộ thu BHXH phải nắm chắc các loại đối tượng tham gia BHXH như trong luật định. Ngoài ra, còn phải kết hợp chặt chẽ với các ban ngành có liên quan để có được các thông tin làm căn cứ phát hiện điều chỉnh hoặc bổ sung số lượng các đơn vị sử dụng lao động một cách chính xác và nhanh chóng tổ chức thực hiện việc thu BHXH cho phù hợp.
- Với các đơn vị sử dụng lao động đã đăng ký tham gia BHXH và các đơn vị vừa mới tham gia, các cán bộ được phân công phải thường xuyên tiếp xúc, làm công tác điều tra cơ bản để nắm chính xác các thông tin cần thiết phục vụ cho công tác thu BHXH gồm:
+ Tổng số lượng lao động thực tế đơn vị sử dụng, tổng số lao động đã đang ký tham gia BHXH, số lao động phải tham gia BHXH nhưng chưa đăng ký. Nếu phát hiện thấy những trường hợp phải tham gia mà chưa tiến hành đăng ký thì phải yêu cầu các đơn vị đăng ký tiếp để nộp BHXH cho họ.
+ Tình hình biến động số lao động trong quý.
+ Tổng quỹ tiền lương trích nộp BHXH của tất cả lao động tham gia BHXH trong đơn vị.
+ Từ những thông tin trên, cơ quan BHXH tính toán số tiền nộp BHXH phải thu hàng tháng của từng đơn vị sử dụng lao động
- Lập kế hoạch phối hợp với các cấp các ngành để tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện luật BHXH (BHXH quận Hoàng Mai, 2016).
2.2.1.2. Kinh nghiệm quản lý thu BHXH bắt buộc của Bảo hiểm xã hội quận Cầu Giấy
Quận Cầu Giấy là một quận lớn lớn của thành phố Hà Nội, được thành lập theo Nghị đinh 74/CP ngày 22/11/1996 với tốc độ đo thị hóa nhanh, kết cấu hạ tầng đô thị ngày càng văn minh, hiện đại với nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn vì vậy quản lý thu BHXH ở BHXH quận Cầu Giấy cũng gặp nhiều khó khăn do có nhiều doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH đóng trên địa bàn. Tuy nhiên BHXH quận Cầu Giấy đã thực hiện tốt quản lý thu BHXH trên địa bàn quận bằng nhiều biện pháp như (BHXH quận Cầu Giấy, 2016):
Xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể trong quận đặc biệt là sự lãnh đạo, chỉ đạo của BHXH thành phố Hà Nội, Quận ủy, UBND quận:
Sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành sẽ giúp cho cơ quan BHXH thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, hàng tháng báo cáo kịp thời với cấp ủy và chính quyền địa phương để tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo. Sự phối hợp với cơ quan hành chính địa phương giúp BHXH quận thu được những thông tin chính xác, đầy đủ về số lượng đơn vị, lao động hoạt động trên địa bàn, với những đơn vị nợ đọng có thể thông qua cấp ủy và công đoàn của các đơn vị quản lý trực tiếp đôn đốc, nhắc nhở.
Điều tra, rà soát, quản lý đối tượng tham gia BHXH đến địa bàn từng phường
BHXH quận tham mưu cho UBND quận thành lập Ban chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, qua đó BHXH quận đã phối hợp với UBND các phường, công an phường, họp từng tổ dân phố để tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH. Cung cấp tờ khai điều tra đối tượng tham gia BHXH đến từng hộ gia
đình qua các tổ trưởng tổ dân phố, từ đó nắm bắt được số lượng lao động, độ tuổi lao động trên địa bàn quận để lập kế hoạch thực hiện phát triển đối tượng tham gia BHXH. Đây là cách làm rất hiệu quả để thống kê được số lượng lao động và doanh nghiệp trên địa bàn từng phường để có biện pháp quản lý thu BHXH.
Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính
BHXH quận đã chủ động tham mưu cho BHXH thành phố, UBND quận trong việc thực hiện tiếp nhận và trả hồ sơ theo cơ chế một cửa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho NSDLĐ và NLĐ trong việc làm thủ tục tham gia BHXH và hưởng các chế độ BHXH.
Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền:
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phối hợp với Trung tâm văn hóa Quận, Phòng văn hóa thông tin quận, Phòng tư pháp quận đặc biệt là UBND các phường phổ biến, tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của NLĐ, chủ SDLĐ, ý thức chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng về BHXH tới các chủ doanh nghiệp, nhân dân trên địa bàn.
Tăng cường đôn đốc thu nợ và khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng BHXH BHXH quận thành lập tổ thu nợ để chuyên trách việc đôn đốc thu các đơn vị nợ đọng BHXH. Đối với các đơn vị nợ BHXH từ 06 tháng trở lên, BHXH quận thường xuyên gửi thông báo nợ đến từng đơn vị 15 ngày một lần, cử cán bộ xuống trực tiếp đơn vị đôn đốc thu nộp, đồng thời lập hồ sơ khởi kiện nếu các đơn vị này vẫn cố tình chây ỳ, không nộp BHXH.
Năm 2014 BHXH quận Cầu Giấy là quận là đơn vị khởi kiện ra Tòa nhiều doanh nghiệp nhất trong BHXH thành phố Hà Nội với 50 đơn vị số tiền nợ đọng hơn 90 tỷ đồng. Qua đó đã thu hồi được 46 tỷ đồng, số còn lại đang trong quá trình thụ lý và thi hành án.
Với những nỗ lực của Ban lãnh đạo và viên chức BHXH quận hàng năm BHXH quận luôn hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao, đặc biệt là chỉ tiêu thu BHXH và giảm nợ đọng BHXH.
2.2.2. Tổng quan các nghiên cứu liên quan đến đề tài đã công bố Từ năm 1995 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu những vấn đề, những lĩnh vực cụ thể về BHXH nói chung và quản lý đối tượng tham gia BHXHBB nói riêng. Một số đề tài trong lĩnh vực này được nghiên cứu một cách có hệ thống, đó là:
1) Nguyễn Văn Châu (1996), "Thực trạng quản lý thu bảo hiểm xã hội
hiện nay và các biện pháp nâng cao hiệu quả công tác thu".
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quản lý thu BHXH của một số nước trên thế giới và tổng kết hoạt động thực tiễn của quản lý thu BHXH ở Việt Nam trước năm 1995 và đến năm 1996; tác giả làm rõ thực trạng hoạt động BHXH nhằm phân tích khả năng thu BHXH để bù đắp các chế độ BHXH, thay thế dần các nguồn chi lấy từ Ngân sách nhà nước, đồng thời đề xuất một số kiến nghị cụ thể nhằm cải tiến công tác thu BHXH ở Việt Nam.
2) Dương Xuân Triệu (2000), "Cơ sở khoa học hoàn thiện quy trình quản lý thu bảo hiểm xã hội”.
Trên cơ sở nghiên cứu 5 mô hình quản lý thu BHXH của các nước trong khu vực và thế giới, tác giả đã làm rõ một số khái niệm xung quanh vấn đề thu BHXH, thực trạng quản lý thu BHXH, đồng thời đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện quy trình quản lý thu BHXH phù hợp với từng loại đối tượng ở Việt Nam.
3) Luận án tiến sĩ kinh tế “Hoàn thiện quản lý quỹ BHXH ở Việt Nam” của Đỗ Văn Sinh, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, 2005. Luận án đó góp phần làm rõ thêm cơ sở khoa học và thực tiễn của quản lý quỹ BHXH ở Việt Nam; tổng kết mô hình và phương thức quản lý quỹ BHXH của một số nước trên thế giới để rút ra một số bài học kinh nghiệm có thể vận dụng trong quản lý quỹ BHXH ở Việt Nam; đề xuất quan điểm và giải pháp nhằm hoàn thiện quản lý quỹ BHXH ở Việt Nam.
4) Trần Văn Hoan (2013), Quản lý thu BHXH trên địa bàn thành phố Hà Nội, luận văn thạc sĩ kinh tế, Học viện CTQG Hồ Chí Minh, 2013. Luận văn đó làm rõ một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chất lượng quản lý thu BHXH tại địa bàn thành phố Hà Nội.