Cơ sở pháp lý của phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường

Một phần của tài liệu Phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh hà tĩnh (Trang 49 - 54)

Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÒNG NGỪA TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG

2.3. Cơ sở pháp lý của phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường

- Hiến pháp năm 2013. Hiến pháp hiện hành được ban hành năm 2013 với một số các hiến định trở thành tư tưởng chủ đạo về công tác BVMT và phòng ngừa THTP về môi trường như: Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện được những vấn đề mới của thời đại như vấn đề phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng,…Lần đầu tiên Hiến pháp ghi nhận quyền con người đối với môi trường: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT” (Điều 43). Nguyên tắc người gây thiệt hại môi trường phải khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại lần đầu tiên được ghi nhận (Khoản 3, Điều 63). Đây là nguyên tắc thể hiện rõ nét nhất việc áp dụng biện pháp kinh tế trong BVMT, dùng lợi ích kinh tế tác động vào chính hành vi của các chủ thể theo hướng có lợi cho môi trường. Bổ sung trách nhiệm của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong công tác BVMT (Khoản 1 và 2 Điều 63 được sửa đổi trên cơ sở Điều 29 và Điều 112 của Hiến pháp năm 1992). BVMT đã được chú trọng, đặt ngang hàng với các lĩnh vực khác và BVMT đã được ghi nhận là nhiệm vụ ưu tiên, trước cả công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước (Điều 50 được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở Điều 15 và Điều 43 của Hiến pháp năm 1992). Và cuối cùng, bổ sung quy định Chính phủ thống nhất quản lý về môi trường (Điều 96 được sửa đổi, bổ sung trên cơ sở các Điều 24, 26, 30, 36, 39, 41, 109 và 112 của Hiến pháp năm 1992).

- Luật BVMT năm 2014, có hiệu lực từ ngày 01/01/2015. Luật BVMT năm 2014 xây dựng sau khi Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (Hiến pháp năm 2013) được thông qua và có hiệu lực thi hành, trong tổng số 120 điều của Hiến pháp năm 2013, có 04 điều quy định các nội dung liên quan đến lĩnh vực môi trường, điều này khẳng định sự coi trọng vai trò của công tác BVMT bên cạnh sự phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt, Điều 43 Hiến pháp năm 2013 quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người dân với môi trường: “Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT”. Trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013, Luật BVMT năm 2014 đã kế thừa các nội dung của Luật BVMT năm 2005, đồng thời khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BVMT năm 2005, luật hóa chủ trương của Đảng, bổ sung một số nội dung mới về BVMT nhằm đáp ứng yêu cầu BVMT trong giai đoạn mới, đồng thời sắp xếp lại trật tự các chương, điều, câu chữ đảm bảo tính logic và khoa học, quy định cụ thể quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với môi trường. Luật BVMT năm 2014 gồm 20 chương và 170 điều.

Luật được xây dựng trên cơ sở các quan điểm như: thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03 tháng 6 năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật BVMT 2005; bổ sung một số nội dung mới như tăng trưởng xanh, biến đổi khí hậu, an ninh môi trường...; hài hòa các quy định của Luật và các cam kết quốc tế về môi trường thể hiện tại các điều ước quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã ký kết, tham gia và coi phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường là nhiệm vụ chính, phù hợp với đặc điểm của khoa học môi trường như các yếu tố môi trường có mối liên kết hữu cơ với nhau, không chia cắt theo địa giới hành chính;

bảo đảm tính hệ thống, toàn diện, khoa học và thực thi của các quy định pháp luật về BVMT.

- Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2017, có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, với những quy định về các tội phạm liên quan đến môi trường tại Chương XIX với 12 điều (từ Điều 235 đến Điều 246) gồm:

+ Điều 235. Tội gây ô nhiễm môi trường;

+ Điều 236. Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại;

+ Điều 237. Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường;

+ Điều 238. Tội vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình thủy lợi, đê điều và phòng, chống thiên tai; vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông;

+ Điều 239. Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam;

+ Điều 240. Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người;

+ Điều 241. Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật;

+ Điều 242. Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản;

+ Điều 243. Tội huỷ hoại rừng;

+ Điều 244. Tội vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm;

+ Điều 245. Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên;

+ Điều 246. Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại.

- Nghị định 72/2010/NĐ-CP, Quy định về phòng ngừa THTP về môi trường và vi phạm pháp luật khác về môi trường, ban hành ngày 08 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng ngừa, đấu tranh tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường. Nghị định này áp dụng đối với cán bộ, chiến sĩ làm công tác phòng ngừa THTP về môi trường và vi phạm pháp luật khác về môi trường; các cơ quan, tổ chức, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tổ chức, cá nhân người nước ngoài cư trú, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.

- Nghị định 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 13 tháng 5 năm 2019. Nghị định số 40/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật BVMT. Với 7 điều, 81 trang nội dung, 121 trang phụ lục và biểu mẫu kèm theo, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP đã giải quyết những vấn đề còn chồng chéo, lấp khoảng trống trong các văn bản luật trước đó. Nghị định này sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 Nghị định gồm: Nghị định 18/2015/NĐ-CP về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT; Nghị định 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; Nghị định 38/2015/NĐ-CP quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định 127/2014/NĐ-CP quy định điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường.

- Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015, có hiệu lực thi hành ngày 27 tháng 11 năm 2015. Bộ luật quy định trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và một số thủ tục thi hành án hình sự; nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân; hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Căn cứ theo các quy định của Bộ luật tố tụng Hình sự, các chủ thể thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường sẽ có những hiểu biết về thủ tục tiếp nhận thông tin và tiến hành các hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường khác theo quy định của pháp luật, tránh được sự tuỳ nghi.

Ngoài các cơ sở pháp lý kể trên, đối với các chủ thể và hoạt động khác nhau trong phòng ngừa THTP về môi trường sẽ có những căn cứ khác nhau về tổ chức, thẩm quyền và trình tự hoạt động như: Luật Tổ chức TAND năm 2014; Luật Tổ chức VKSND năm 2014; Luật Tổ chức điều tra hình sự năm 2015, Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật CAND năm 2018; Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012… và một số văn bản pháp lý khác liên quan đến chức năng phòng ngừa THTP về môi trường ở một số lĩnh vực cụ thể như: Luật Đất đai sửa đổi năm 2013; Luật Phòng chống thiên tai năm 2013; Luật BVMT sửa đổi năm 2014; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015 ; Luật Khí tượng thủy văn năm 2015; Luật Thủy lợi năm 2017; Luật Lâm nghiệp năm 2017; Luật Thủy sản sửa đổi năm 2017; Luật Quy hoạch năm 2017 và các Nghị định liên quan như: Nghị định số 03/2015/NĐ- CP ngày 06/01/2015 quy định về xác định thiệt hại đối với môi trường; Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định về quy hoạch BVMT, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch BVMT; Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật BVMT; Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 quy định về quản lý chất thải và phế liệu; Nghị định số 43/2015/NĐ-CP ngày 06/5/2015 quy định lập, quản lý hành lang bảo vệ nguồn nước; Nghị định số 89/2015/NĐ-CP ngày 07/10/2015 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản; Nghị định số 12/2016/NĐ-CP ngày 19/02/2016 về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản; Nghị định số 24/2016/NĐ-CP ngày 05/4/2016 về quản lý vật liệu xây dựng; Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài

nguyên, môi trường biển và hải đảo; Nghị định số 60/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên nước và môi trường…

Ngoài nhóm các văn bản quy phạm pháp luật, hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường còn được căn cứ trên các chương trình, quy hoạch, kế hoạch liên quan khác như: Quyết định số 1788/QĐ-TTg ngày 01/10/2013 phê duyệt Kế hoạch xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến năm 2020; Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 21/01/2014 ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 23/01/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 07/02/2014 phê duyệt Chiến lược quản lý hệ thống rừng đặc dụng, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030; Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 – 2020; Quyết định số 1469/QĐ-TTg ngày 22/8/2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Quyết định số 1893/QĐ-TTg ngày 20/10/2014 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng Apatit đến năm 2020, có xét đến năm 2030; Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030; Quyết định số 2295/QĐ- TTg ngày 17/12/2014 phê duyệt Chiến lược quản lý tổng hợp đối với bờ biển Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quyết định số 78/QĐ-TTg ngày 16/01/2018 phê duyệt Kế hoạch hành động Quốc gia nhằm ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định đến năm 2025; Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 phê duyệt Kế hoạch phát triển đô thị tăng trưởng xanh Việt Nam đến năm 2030; Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; Quyết định số 910/QĐ-TTg ngày 25/7/2018 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng vàng, đồng, niken, molipden đến năm 2025, có xét đến năm 2035 và Quyết định số 956/QĐ-TTg ngày 02/8/2018 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng thiếc, wolfram, antimon đến năm 2025, có xét đến năm 2035.

Một phần của tài liệu Phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường trên địa bàn tỉnh hà tĩnh (Trang 49 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(179 trang)