Chương 2: NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN PHÒNG NGỪA TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VỀ MÔI TRƯỜNG
2.4. Chủ thể phòng ngừa tình hình tội phạm về môi trường
Phòng ngừa THTP về môi trường là vấn đề của toàn hệ thống chính trị và nhân dân. Muốn đạt được hiệu quả cao trong công tác này cần thiết phải huy động được sự tham gia của tất cả các chủ thể và duy trì thường xuyên mối quan hệ mật thiết giữa các chủ thể trong phòng ngừa THTP về môi trường. Trên cơ sở những ghi nhận pháp lý hiện hành và chức năng quản lý hành chính nhà nước về lĩnh vực môi trường, có thể xác định các chủ thể của công tác phòng ngừa THTP về môi trường bao gồm:
Thứ nhất, Đảng Cộng sản Việt Nam. Đảng cộng sản Việt Nam là tổ chức chính trị duy nhất trong hệ thống chính trị nước ta và đóng vai trò lãnh đạo tuyệt đối đất nước. Điều này được ghi nhận tại Khoản 1, Điều 4 - Hiến pháp năm 2013 như sau: “Đảng cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Với sự ghi nhận này, Đảng có vai trò định hướng các chính sách pháp luật về nhiều vấn đề quan trọng để nhà nước thể chế thành luật, bao gồm cả vấn đề phòng ngừa THTP về môi trường.
Bên cạnh đó, Đảng còn có vai trò trong việc giới thiệu nhân sự, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc hệ thống chính trị thực hiện công tác phòng ngừa THTP về môi trường trên toàn quốc. Các cấp Đảng chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc chính quyền địa phương thực hiện chức năng phòng ngừa THTP về môi trường hiệu quả.
Thứ hai, Quốc hội, UBTVQH, các Uỷ ban của Quốc hội và Đại biểu quốc hội.
Quốc hội cơ quan quyền lực của quốc gia có chức năng lập pháp; quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước và thực hiện giám sát tối cao thông qua các cơ quan của Quốc hội, Đại biểu quốc hội đóng vai trò quan trọng trong ban hành các thể chế pháp lý về phòng ngừa THTP về môi trường và giám sát hoạt động đó.
Ở vai trò thứ nhất, Quốc hội ban hành Hiến pháp, Luật và Nghị quyết làm cơ sở pháp lý cho hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường. UBTVQH ban hành Nghị quyết và Pháp lệnh làm cơ sở pháp lý dưới luật cho hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường. Từ những cơ sở pháp lý này, các cơ quan hành pháp được ban hành các văn bản pháp quy phù hợp nhằm triển khai thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường trên thực tiễn.
Ở vai trò thứ hai, Quốc hội thông qua hoạt động của các Uỷ ban và Đại biểu quốc hội tiến hành giám sát hoạt động phòng ngừa THTP về môi trường của các chủ thể khác bằng hoạt động giám sát thường xuyên và thông qua các phiên chất vấn tại nghị trường trong các kỳ họp Quốc hội.
Thứ ba, hệ thống cơ quan bảo vệ pháp luật: VKSND và TAND. Hệ thống hai cơ quan thực hiện chức năng bảo vệ pháp luật cũng thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường thông qua thẩm quyền của mình và phối hợp cùng lực lượng Công an các cấp đảm bảo phòng ngừa THTP về môi trường được tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo các quyền dân chủ, các nguyên tắc trong hoạt động phòng ngừa. Bên cạnh đó, hệ thống Viện kiểm sát và Toà án cũng có vai trò trong tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng ngừa THTP về môi trường. Kết hợp với các hoạt động tư pháp khác nhằm làm rõ và hạn chế mối quan hệ qua lại giữa THTP môi trường với các THTP khác, qua đó góp phần giúp phòng ngừa THTP về môi trường đạt được hiệu quả.
Thứ tư, Chính phủ: Chính phủ với tư cách là cơ chấp hành của Quốc hội, là cơ quan hành pháp cao nhất và thực hiện thẩm quyền quản lý hành chính trong phạm vi cả nước, có vai trò bao quát trong chỉ đạo thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường trên phạm vi toàn quốc. Ở phương diện thứ nhất, Chính phủ nắm quyền lập quy với Nghị định của tập thể Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng và Thông tư của các Bộ trưởng căn cứ theo Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội, nhằm cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, quy định của Quốc hội về phòng ngừa THTP về môi trường, hướng dẫn các cấp, các ngành thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường.
Ở phương diện thứ hai, Chính phủ với tư cách là cơ quan hành pháp cao nhất, nắm quyền chỉ huy nền hành chính quốc gia, Chính phủ phân công, phân cấp, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các cấp, các ngành thực hiện công tác phòng ngừa THTP về môi trường. Các cấp, các ngành chịu trách nhiệm trước Chính phủ về công tác phòng ngừa phòng ngừa THTP về môi trường được giao.
Thứ năm, Bộ và các cơ quan ngang bộ. Các bộ, cơ quan ngang bộ cũng trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công tác phòng ngừa THTP về môi trường. Có thể kể tới một số bộ trực tiếp tham gia vào hoạt động này như: Bộ Công an; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Tài chính; Bộ NN&PTNT và các bộ, cơ quan ngang bộ khác. Cụ thể:
- Trách nhiệm của Bộ Công an:
+ Tổ chức lực lượng phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Luật CAND, Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự.
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, các cơ quan hữu quan khác xây dựng và thực hiện chiến lược, chủ trương, chính sách, kế hoạch công tác phòng ngừa THTP về môi trường và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
+ Tổ chức tiếp nhận và xử lý thông tin về tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường; chuyển cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tài liệu, hồ sơ vụ việc có thể liên quan tới các vi phạm pháp luật về môi trường để thanh tra, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
+ Tổ chức nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường;
trao đổi thông tin, tài liệu cần thiết trong quá trình điều tra, phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về môi trường với Bộ Tài nguyên và Môi trường.
+ Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác phòng ngừa THTP về môi trường và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
+ Tham mưu và xây dựng chiến lược, chủ trương, chính sách pháp luật về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
+ Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính lập kế hoạch, dự toán ngắn hạn, dài hạn về kinh phí sự nghiệp môi trường phục vụ công tác phòng ngừa THTP về môi trường và vi phạm pháp luật khác về môi trường trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, Bộ Công an còn tổ chức, triển khai lực lượng và chỉ đạo thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường ở cơ quan công an các cấp, đảm bảo thống nhất thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường trong toàn lực lượng CAND.
- Trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường:
+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT, kết quả điều tra, xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
+ Hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BVMT;
phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát, điều chỉnh, chuyển đổi các tiêu chuẩn Việt Nam về môi trường hiện hành, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường mới; xây dựng cơ chế xã hội hóa, giám sát, kiểm tra về môi trường.
+ Tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đình chỉ hoạt động đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ không có hệ thống, phương tiện, biện pháp xử lý chất thải và biện pháp khắc phục sự cố môi trường. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an trong việc trao đổi thông tin, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về BVMT.
+ Phối hợp với Bộ Công an thực hiện việc tăng cường năng lực cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
- Trách nhiệm của Bộ Tài chính:
+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường và các Bộ, ngành có liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kế hoạch, dự toán ngân sách ngắn hạn, dài hạn kinh phí sự nghiệp môi trường phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
- Trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác thuộc Chính phủ:
+ Hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thuộc quyền quản lý của mình thực hiện các quy định tại Nghị định này.
+ Thực hiện thanh tra, kiểm tra vi phạm pháp luật về BVMT theo chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật; phối hợp và hỗ trợ cơ quan chuyên trách phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường, các cơ quan khác thuộc Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao trong việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm về môi trường.
Thứ sáu, UBND các cấp. Trong sự phân cấp quản lý của mình, Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường ở những khía cạnh như:
- Hướng dẫn các đơn vị, bộ phận trực thuộc nghiên cứu, thực hiện các quy định của pháp luật về phòng ngừa THTP về môi trường trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình.
- Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai và đôn đốc thực hiện các chính sách, đường lối, chiến lược, kế hoạch phòng ngừa THTP về môi trường và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
- Phân bổ kinh phí cho công tác phòng ngừa THTP về môi trường và vi phạm pháp luật khác về môi trường từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường Nhà nước cấp cho tỉnh.
Thứ bảy, các tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, đơn vị truyền thông, thông tin và người dân. Các tổ chức chính trị xã hội với vai trò vừa là cánh tay nối dài của Đảng, vừa đại diện cho lợi ích xã hội của các thành viên, do đó đóng vai trò vừa là kênh chuyển tải tư tưởng của Đảng về phòng ngừa THTP về môi trường đến xã hội, vừa góp phần tuyên truyền, vận động các thành viên, nhân dân thực hiện phòng ngừa THTP về môi trường. Bên cạnh đó, các tổ chức xã hội bao gồm các tổ chức nghề nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các hộ và các cá thể đều là chủ thể của phòng ngừa THTP về môi trường. Các nhóm chủ thể này thực hiện các hoạt động cơ bản gồm: thứ nhất, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và tuân thủ pháp luật về BVMT, qua đó giảm thiểu nguy cơ về tội phạm môi trường, góp phần làm giảm xu hướng biến động tiêu cực của THTP về môi trường; thứ hai, phát giác và kịp thời tố cáo các hành vi xâm phạm môi trường, các nguyên nhân của THTP về môi trường đến các cơ quan hữu quan để kịp thời ngăn chặn, phòng ngừa; thứ ba, chủ thể có vai trò rất lớn trong phòng ngừa THTP về môi trường là các cơ quan truyền thông, báo chí. Với sức mạnh của truyền thông, các cơ quan tổ chức này thực hiện chức năng truyền tải thông tin, phản ánh THTP về môi trường, tuyên truyền xã hội tham gia BVMT và phòng ngừa THTP về môi trường. Theo xu hướng phát triển hiện nay, chủ thể này ngày càng chiếm ưu thế trong thực hiện nhiệm vụ của mình do nền tảng truyền tin của Việt Nam hiện nay ngày càng phổ biến, tốc độ cao và dễ tiếp cận. Trong khi đó các phương tiện phát tin có giá thành rẻ, phong phú trong lựa chọn.