CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ THUYẾT
1.2. Tổng quan về quản trị rủi ro
1.2.4. Nội dung của quản trị rủi ro
Nhận dạng rủi ro là quá trình xác định liên tục và có hệ thống các sự kiện rủi ro và bất định trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp. Các hoạt động nhận dạng nhằm thu thập, phát triển các thông tin về mối nguy hiểm, nguồn, nhân tố thay đổi, đối tượng chịu rủi ro.
Quá trình xác định liên tục và có hệ thống các rủi ro trong hoạt động kinh doanh của tổ chức:
- Tìm kiếm thông tin về: nguồn gốc, mối nguy hiểm, hiểm họa, đối tượng rủi ro và các loại tổn thất có thể;
- Thống kê các loại rủi ro đã và đang xảy ra;
- Dự báo những dạng rủi ro mới có thể xuất hiện.
Phương pháp nhận dạng rủi ro:
- Lập bảng hỏi nghiên cứu về rủi ro và tiến hành điều tra;
- Phân tích các báo cáo tài chính;
- Phương pháp lưu đồ;
- Thanh tra hiện trường/nghiên cứu thực tế;
- Phân tích hợp đồng;
- Hợp tác với các phòng chức năng khác;
- Thông qua tư vấn chuyên gia;
- Nghiên cứu thống kê các số liệu;
- Một số dấu hiệu cảnh báo rủi ro có thể xảy ra:
+ Tổ chức, doanh nghiệp mới thành lập;
+ Chuẩn bị tung sản phẩm mới ra thị trường;
+ Xây dựng quy trình, khung công việc mới;
+ Đặc thù lĩnh vực công nghệ tiến bộ nhanh;
+ Cải tổ bộ máy, cách thức quản lý;
+ Chỉ số tài chính đang sụt giảm;
+ Phụ thuộc phần lớn vào một sản phẩm và dịch vụ duy nhất;
+ Phụ thuộc vào một vài nhà cung cấp thuộc vào một vài khách hàng;
+ Nền tảng, hệ thống IT kém;
+ Tổ chức, doanh nghiệp đa dạng hóa vào các mảng kinh doanh mới;
+ Thái độ làm việc của từng phòng, ban bộ phận kiêu căng, dễ kích động;
+ Hoạt động kinh doanh đang làm tổn hại đến môi trường;
+ Thiếu nguồn nhân sự bổ sung cho các vị trí trọng yếu;
+ Thị phần của sản phẩm, dịch vụ đang bị giảm sút;
+ Tổ chức, doanh nghiệp đang dính vào các tranh chấp, kiện tụng pháp lý;
+ Tổ chức, doanh nghiệp đang áp dụng hệ thống kế toán mơ hồ;
+ Tổ chức, doanh nghiệp thuộc sở hữu gia đình;
+ Hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dễ bị ảnh hưởng bởi biến động thiên nhiên;
+ Mối quan hệ giữa lao động và ban quản lý, quản trị công ty căng thẳng.
1.2.4.2. Phân tích rủi ro
- Xác định được những nguyên nhân, mối nguy hiểm nào gây ra rủi ro, trên cơ sở đó tìm ra biện pháp phòng ngừa.
- Không phải mỗi rủi ro chỉ do một nguyên nhân, mối nguy hiểm đơn nhất, mà thường do nhiều yếu tố khác có có ảnh hưởng, tác động.
Hình 1.4. Sơ đồ mô tả chuỗi DOMINO của Henrich (Nguồn: “Risk Management and Insurance”. C.Arthur Wiliam.
Jr. Micheal, I. Smith)
1.2.4.3. Đo lường rủi ro
Là việc thu thập số liệu và phân tích, đánh giá theo hai khía cạnh: tần suất (tần số) xuất hiện rủi ro và mức độ nghiêm trọng (tác động) rủi ro.
- Tần số: số lần xảy ra tổn thất, khả năng xảy ra biến cố nguy hiểm đối với tổ chức trong một khoảng thời gian nhất định (tháng, quý, năm).
- Mức độ nghiêm trọng: trọng số kết quả của những tổn thất, mất mát, nguy hiểm.
Lập ma trận rủi ro:
Bảng 1.1. Ma trận đo lường rủi ro
(Nguồn : Quản trị rủi ro và khủng hoảng năm 2013)
- Ô I tập trung những rủi ro có mức độ nghiêm trọng cao và tần suất xuất hiện cao;
- Ô II tập trung những rủi ro có mức độ nghiêm trọng cao, tần suất xuất hiện thấp;
- Ô III tập trung những rủi ro có mức độ nghiêm trọng thấp, tần suất xuất hiện cao;
- Ô IV tập trung những rủi ro có mức độ nghiêm trọng thấp, tần suất xuất hiện thấp.
Ưu tiên quản trị rủi ro thuộc nhóm I và II vì mức độ tổn thất nếu có sẽ rất lớn.
1.2.4.4. Kiểm soát – Phòng ngừa rủi ro
- Kiểm soát – Phòng ngừa rủi ro là việc sử dụng các biện pháp, kỹ thuật, công cụ, chiến lược, các chương trình hoạt động... để né tránh, ngăn ngừa hoặc giảm thiểu những tổn thất, ảnh hưởng không mong đợi đến tổ chức, doanh nghiệp.
- Các biện pháp cơ bản để kiểm soát rủi ro: Né tránh rủi ro; Ngăn ngừa tổn thất;
Giảm thiểu tổn thất; Chuyển giao rủi ro; Đa dạng rủi ro.
Né tránh rủi ro
Là việc né tránh những hoạt động, những nguyên nhân là phát sinh tổn thất, mất mát có thể có. Có 2 biện pháp:
- Chủ động né tránh từ trước khi xảy ra rủi ro (nếu nhận thấy dấu hiệu lừa gạt, yếu kém tài chính của đối tác → có thể ngừng ngay hoạt động hợp tác đầu từ đầu).
- Loại bỏ những nguyên nhân tạo nên rủi ro (đầu tư thêm máy móc, thuê ngoài, nhờ tư vấn để thực hiện tốt hợp đồng; đào tạo nhân sự tốt hơn trong việc quản lý dự án…).
Ngăn ngừa tổn thất
Sử dụng các biện pháp để giảm thiểu số lần xuất hiện các rủi ro hoặc giảm mức độ thiệt hại do rủi ro mang lại. Có 3 biện pháp ngăn ngừa tổn thất:
- Tác động vào chính mối nguy hiểm (hiểm họa) để ngăn ngừa rủi ro xảy ra, giảm tối đa tổn thất nếu có;
- Tác động vào môi trường mà mối nguy hiểm đó tồn tại và phát triển, từ đó rủi ro sẽ ít xảy ra;
- Tác động vào sự tương tác của mối nguy hiểm và môi trường rủi ro tồn tại, từ đó loại bỏ, giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra rủi ro.
Giảm thiểu tổn thất
Các biện pháp để giảm thiểu những thiệt hại, mất mát do rủi ro mang lại bao gồm:
- Cứu vớt những tài sản còn dùng được;
- Xây dựng các kế hoạch phòng ngừa rủi ro;
- Dự phòng;
- Phân tán rủi ro.
Chuyển giao rủi ro
Chuyển các hoạt động có rủi ro đến cho người khác/tổ chức khác.
Ví dụ: thực hiện mua bảo hiểm hàng hóa, tài sản, outsourcing sản xuất cho các công ty dư thừa năng lực sản xuất…
Đa dạng rủi ro
Đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa sản phẩm; đa dạng hóa khách hàng; đa dạng hóa nhà cung cấp…
1.2.4.5. Tài trợ rủi ro
- Là lượng tiền được dùng để ngăn ngừa, kiểm soát các rủi ro hoặc bù đắp, khắc phục, tái đầu tư một phần hay tất cả các tổn thất (nếu có) khi rủi ro xảy ra.
- Có 2 hướng để tài trợ rủi ro: Lưu giữ rủi ro (tự khắc phục rủi ro) & Chuyển giao rủi ro.
+ Lưu giữ rủi ro: Là biện pháp mà tổ chức, doanh nghiệp bị rủi ro tự mình thanh toán, tài trợ cho các tổn thất. Nguồn tài trợ rủi ro là nguồn tự có của chính tổ chức đó kết hợp với các nguồn khác;
+ Chuyển giao rủi ro: Là biện pháp mà tổ chức, doanh nghiệp chuyển giao việc thanh toán, tài trợ cho tổn thất đến phía thứ 3 (mua bảo hiểm toàn phần, bán phần...).