Chương 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.2. Vấn đề khai thác các bài toán về bất đẳng thức với việc phát triển tư duy sáng tạo cho học sinh
1.2.2. Một số vấn đề chung về đặc điểm tâm lí, điều kiện nhận thức của học sinh THCS
1.2.2.1. Đặc điểm hoạt động học tập của HS các lớp cuối cấp THCS:
Động cơ học tập của HS THCS rất đa dạng phong phú, nhưng chưa có sự bền vững, đôi khi còn thể hiện sự mâu thuẫn của nó. Thái độ đối với việc học tập của HS THCS cũng rất khác nhau. Tất cả các em đều ý thức được sự quan trọng và cần thiết phải học tập, nhưng thái độ sự biểu hiện rất khác nhau, được thể hiện như sau:
- Trong thái độ học tập: Từ thái độ rất tích cực, có trách nhiệm, đến thái độ lười biếng, thơ ơ thiếu trách nhiệm trong học tập.
- Trong sự hiểu biết chung: Từ mức độ phát triển cao và sự ham hiểu biết nhiều lĩnh vực tri thức khác nhau ở một số em, nhưng ở một số em khác thì mức độ phát triển rất yếu, tầm hiểu biết rất hạn chế.
- Trong phương thức lĩnh hội tài liệu học tập: từ chỗ có kỹ năng học tập độc lập, có nhiều cách học đến mức hoàn toàn chưa có kỹ năng học tập độc lập, chỉ biết học thuộc lòng từng bài, từng câu, từng chữ.
- Trong hứng thú học tập: Từ hứng thú biểu hiện rõ rệt đối với một lĩnh vực tri thức nào đó và có những việc làm có nội dung cho đến mức độ hoàn toàn không có hứng thú nhận thức, cho việc học hoàn toàn gò ép, bắt buộc.
1.2.2.2. Sự phát triển nhận thức của HS cuối cấp THCS:
Ở HS các lớp cuối cấp THCS, khối lượng các đối tượng tri giác tăng lên rõ rệt.
Tri giác có trình tự. HS biết tổng hợp và phân tích ở mức độ phức tạp khi tri giác sự vật, hiện tượng. Sự tri giác của HS còn bộc lộ hạn chế như: Vội vàng và thiếu kiên trì trong tri giác, tính hệ thống trong tri giác vẫn còn yếu.
• Sự phát triển trí nhớ: Ghi nhớ chủ định, ghi nhớ ý nghĩa, ghi nhớ logic dần được chiếm ưu thế hơn ghi nhớ máy móc. Trước đây các em HS tiểu học thường cố gắng ghi nhớ từng chữ từng bài còn bây giờ HS THCS thường phản đối việc giáo viên bắt học thuộc lòng và có xu hướng muốn tái hiện bằng những lời nói của mình.
• Sự phát triển chú ý: Chú ý chủ định phát triển rất mạnh mẽ. Sức tập trung chú ý cao, khả năng duy trì sự chú ý được bền hơn, khả năng di chuyển sự chú ý từ thao tác này đến thao tác kia cũng được tăng cường. Chú ý phụ thuộc vào tính chất của đối tượng và mức độ hứng thú với đối tượng. Chính vì thế mà các em có thể tập trung vào giờ học này nhưng lại có thể lơ đễnh vào giờ học khác. Mặt khác, chú ý có tính chủ định của các em chưa bền vững, dễ bị cảm tínhvà sự rung động mạnh mẽ.
• Sự phát triển tư duy: Từ cụ thể sang trừu tượng. Đầu cấp THCS thì TD cụ thể vẫn phát triển mạnh và giữ vị trí quan trọng trong hệ thống tư duy. Đến cuối cấp
THCS, tư duy trừu tượng rất phát triển. Biết đánh giá, nhận xét tài liệu một cách đầy đủ, sâu sắc và đi vào bản chất của vấn đề hơn.
- HS THCS có khả năng đưa ra phân tích, đánh giá, tổng hợp phức tạp hơn khi tri giác các sự vật, hiện tượng. Khối lượng tri giác tăng lên, tri giác trở nên có kế hoạch, có trình tự và hoàn thiện hơn.
- Ở lứa tuổi này trí nhớ thay đổi về chất. Trí nhớ dần dần mang tính chất của những quá trình được điều khiển, điều chỉnh và có tổ chức. HS THCS có nhiều tiến bộ trong việc ghi nhớ tài liệu trừu tượng, bắt đầu biết sử dụng những phương pháp đặc biệt để có thể ghi nhớ và nhớ lại. Khi ghi nhớ các em đã biết tiến hành các thao tác như phân loại, so sánh, hệ thống hoá. Tốc độ ghi nhớ và khối lượng tài liệu được ghi nhớ tăng lên. Ghi nhớ máy móc ngày càng nhường chỗ cho ghi nhớ logic, ghi nhớ ý nghĩa. Hiệu quả của trí nhớ trở nên tốt hơn, các em không muốn thuộc lòng mà muốn tái hiện bằng lời nói của mình.
• Sự phát triển tưởng tượng và ngôn ngữ:
- Khả năng liên tưởng có thể khá phong phú nhưng còn sự bay bổng, thiếu đi tính thực tiễn.
- Ngôn ngữ của HS các lớp cuối cấp THCS đang thay đổi mạnh, số lượng từ tăng lên nhiều. Từ vựng phong phú, ngôn ngữ đã phức tạp hơn, logic chặt chẽ hơn.
- Tuy nhiên vẫn còn sự hạn chế: Cách dùng từ để diễn đạt ý nghĩa còn rất hạn hẹp, các em dùng từ ngữ chưa thực sự chính xác, chưa để ý cách diễn đạt theo quy định của cấu trúc về ngữ pháp, một số em hay dùng ngữ từ bóng bẩy nhưng lại mang tính chất sáo rỗng do muốn bắt chước người lớn, hoặc sử dụng một số thành ngữ có nội dung không lành mạnh.
Đặc điểm hoạt động học tập, khả năng tư duy, nhận thức, chú ý của HS THCS cho thấy: Trong quá trình dạy học môn giáo viên nên tạo ra các hoạt động hấp dẫn để các em tích cực hoạt động phát hiện ra những vấn đề cần giải quyết, chủ động khám phá các con đường, phương án giảỉ quyết những vấn đề đặt ra, tập dượt sự tự khẳng định bản lĩnh, năng lực cá nhân. Đó là một trong những cách thức gợi cho HS động cơ rèn luyện và trưởng thành trong trí tuệ, nhận thức của HS.