III. Công tác bảo đảm quân y, 5 kỹ thuật cấp cứu vết thương
2. Kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến
2.2. Cầm máu tạm thời
Tất cả các vết thương đều có chảy máu (chảy máu ít chảy máu nhiều).
Cầm máu tạm thời nhanh chóng ngay khi bị thương là một trong những kỹ thuật cấp cứu quan trọng và cần thiết để cứu sống tính mạng thương binh, hạn chế những tai biến xấu xảy ra. Với những vết thương chảy máu lớn, người cấp cứu bình tĩnh khẩn trương làm tốt thao tác kỹ thuật cầm máu tạm thời.
a. Mục đích
Nhanh chóng làm ngừng sự chảy máu từ các mạch máu ra ngoài, hạn chế thấp nhất hiện tượng mất máu. Cầm máu tạm thời đặc biệt quan trọng tránh mất nhiều máu và tử vong.
b. Nguyên tắc
Khẩn trương làm ngừng chảy máu, vì sau khi bị thương nếu cứ một giây, một phút trôi đi là thêm một lượng máu mất đi. Những trường hợp thương tổn mạch máu lơn, lượng máu mất nhiều đòi hỏi phải nhanh chóng cầm máu tạm thời. Cầm máu tạm thời được chỉ định đúng với tính chất của vết thương.
c. Phân biệt các loại chảy máu
Chảy máu mao mạch thì lượng máu chảy ít, máu sẽ tự cầm sau một tời gian ngắn. Chảy máu tĩnh mạch vừa nhỏ thì máu chảy ri rỏ đỏ sẩm, chảy không thành tia; nếu được băng ép sau một thời gian máu sẽ tự cầm. Chảy máu động mạch là khi động mạch bị tổn thương máu chảy thành tia hoặc đùn lên miệng vết thương như mạch đùn; máu có màu đỏ tươi, lượng máu mất đi có thể vừa, lớn hoặc rất lớn tùy thuộc vào tổn thương. Trước một vết thương chảy máu, cần phải nhanh chóng xác định tính chất chảy máu tĩnh mạch hay động mạch và tìm biện pháp đúng đắn để xử lý.
d. Các biện pháp cầm máu tạm thời ngay sau khi bị thương
Các biện pháp cầm máu tạm thời ngay sau khi bị thương gồm: Băng ép băng nút, gấp chi tối đa, ấn động mạch, băng chèn, ga rô.
Băng ép: Băng ép là băng các vòng băng tương đối chặt, đè ép mạnh lên vết thương. Băng ép chặt vào vết thương tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành máu cục để cầm máu. Băng ép thích hợp với các vết thương chảy máu không tổn thương mạch máu lớn như các vết thương phần mềm, các vết thương có gãy xương hở.
Kỹ thuật băng ép: Đặt một lớp gạc, băng nút phủ kín vết thương, đặt lớp bông mỗ dày lên lớp gạc, băng ép theo kiểu băng số 8 hoặc vòng xoắn.
Băng nút: Là cách băng có dùng thêm bông, gạc để nhét nút vào vết thương, nhét nút càng chặt thì sức ép càng tăng hiệu quả cầm máu cao. Băng nút
thích hợp với các vết thương chảy máu động mạch ở sâu giữa các kẽ xương mà băng thông thường không có tác dụng hoặc ở các vị trí mà biện pháp cầm máu khác không có tác dụng như vết thương vùng cổ, vùng chậu.
Kỹ thuật băng nút: Dùng kìm hoặc nĩa để nhồi nhét, ấn gạc vào sâu đáy vết thương, ấn thật chặt để gây đè ép vào các mạch máu, sau đó dùng băng băng ép chặt bên ngoài.
Gấp chi tối đa: Gấp chi tối đa là biện pháp đơn gian và rất tốt cho mỗi người bị thương để cầm máu, có thể áp dụng với tất cả các tổn thương mạch máu lớn. Nhược điểm của phương pháp này là gấp mạnh gây mỏi, không được lâu, nếu tổn thương gãy xương thì không thể áp dụng cầm máu tạm thời bằng gấp chi tối đa. Vì vậy đây cũng chỉ là một biện pháp tạm thời phải làm ngay tức khắc và cần được bổ sung bằng các biện pháp khác.
Một số trường hợp vận dụng gấp chi tối đa là:
- Gấp cẳng tay vào cánh tay: Gấp cẳng tay vào cánh tay áp dụng khi có tổn thương động mạch ở cẳng tay, bàn tay. Xử lý gấp chặt cẳng tay vào cánh tay, động mạch cánh tay bị ép chặt ở nếp khuỷu máu sẽ cầm lại. Khi cần giữ lâu có thể cố định vài vòng bằng ép chặt cổ tay vào cánh tay.
- Gấp cánh tay vào thân người: Khi có tổn thương ở động mạch cánh tay lấy một cuộn băng hoặc một khúc gỗ tròn có đường kính khoảng 5 – 10cm rồi kẹp chặt vào nách, động mạch nách bị chèn ép chặt, máu ở vết thương sẽ ngừng chảy.
- Gấp cẳng chân vào đùi: Khi có mạch máu bị tổn thương ở cẳng chân, bàn chân, người thương binh dùng tay kéo mạnh cẳng chân ép chặt vào đùi có thể dùng thêm một cuộn băng để chèn vào khoeo.
- Gấp đùi vào thân người: Khi có chảy máu lớn ở vùng đùi, người bị thương nằm ngửa, dùng hay tay kéo mạnh đầu gối để ép chặt vào đùi vào thân người, có thể dùng cuộn băng để cố định đùi vào thân người.
Ấn động mạch: Ấn động mạch là biện pháp dùng ngón tay ấn mạnh phía trên động mạch bị tổn thương, động mạch bị ép chặt giữa tay và cơ, xương –
máu sẽ ngừng chảy. Ấn động mạch là biện pháp cầm máu hiệu nghiệm, chắc chắn, nhưng phải nắm chắc kiến thức giải phẩu đường đi của động mạch. Ngược lại cũng có điểm yếu là không thể làm được lâu vì người ấn mỏi tay.
- Ấn động mạch quay và động mạch trụ ở cổ tay: Khi bàn tay có tổn thương động mạch, dùng hai ngón tay ấn mạnh vào động mạch quay và động mạch trụ cách bờ trong và bờ ngoài cẳng tay khoảng 1,5cm, điểm ấn ở cổ tay.
- Ấn động mạch cánh tay: Khi có máu chảy nhiều ở cánh tay, cẳng tay, dùng ngón cái hoặc bốn ngón còn lại ấn mạnh vào mặt trong cánh tay ở phía trên vết thương.
- Ấn động mạch dưới đòn: Khi vết thương vùng nách có máu chảy nhiều dùng ngón cái ấn sâu vào hố trên đòn, máu sẽ ngừng chảy.
- Ấn động mạch mặt: Khi có máu chảy vùng má, cằm dùng ngón tay cái ấn mạnh ở điểm dưới xương hàm dưới, cách góc hàm dưới khoảng 3cm.
Băng chèn: Băng chèn là một kiểu đề ép động mạch nhưng không phải là ngón tay mà bằng một vật cứng rắn. Con chèn được đặt trên đường đi của động mạch từ tim đến vết thương, đặt con chèn càng sát vết thương càng tốt. Sau đó băng cố định còn chèn bằng nhiều vòng băng xiết chặt theo kiểu băng tròn hay số 8.
- Băng chèn ở cánh tay: Đặt con chèn ở mặt trong cánh tay, phía trên vết thương, băng cố định con chèn bằng nhiều vòng băng xiết chặt. Theo dõi máu ở dưới vết thương hoặc mạch dưới ở vết thương, nếu máu ngừng chảy hoặc mạch ngừng đập là tốt.
- Băng chèn ở hố nách: Áp dụng khi có máu chảy nhiều ở 1/3 trên cánh tay mà không thể đặt con chèn ở 1/3 trên cánh tay được. Kỹ thuật băng đặt một con chèn (một cuộn băng là tốt nhất) vào hố nách rồi băng nhiều vòng băng ép chặt vào con chèn, sau đó băng theo kiểu số 8. Theo dõi mạch hoặc máu ở vùng cánh tay nếu ngừng chảy máu hoặc mạch ngừng đập là tốt.
- Băng chèn ở hỏm khoeo: Khi có máy chảy nhiều ơ cẳng chân đặt một con chèn vào giữa trám khoeo, sau đó băng ép khoảng 4 – 5 vòng thật chặt, ép
con chèn vào động mạch khoeo, tiếp đó băng kiểu số 8 qua đầu gối.Theo dõi máu chảy ở cẳng chân hoặc động mạch ở mắt cá trứng trong nếu máu ngừng chảy hoặc mạch không đập là tốt.
- Băng chèn ở nép bẹn: Áp dụng khi có vết thương chảy máu nhiều ở vùng đùi dùng một cuộn băng to chèn ở giữa nếp bẹn, băng bẹn kiểu số 8 tương đối chặt để ép chặt con chèn theo dõi thấy mạch máu ở mắt cá trong ngừng đập hoặc máu ngừng chảy ở vết thương là tốt.
- Băng chèn ở cổ: Áp dụng khi có tổn thương động mạch cảnh ở vùng cố gây chảy máu lớn ồ ạt. Muốn băng chèn động mạch cảnh phải có hai người.
Người thứ nhất đặt con chèn ấn vào động mạch cảnh phải có hai người. Người thứ nhất đặt con chèn ấn vào động mạch cảnh ở phía dưới vết thương (thường con chèn là cuộn băng to). Người thứ hai đặt một nẹp ở phía đối xứng với vết thương đi từ đầu xuống mặt ngoài vai, cố định nẹp bằng các vòng ở đầu băng ở đầu và ở vai. Băng ép con chèn vào nẹp đối xứng với các vòng băng chèn kiểu cố định này máu vẫn lưu thông lên não qua động mạch cảnh đối diện với vết thương. Khi thật khẩn trương mà không có nẹp có thể cho bệnh nhân đưa tay đối diện với vết thương ôm lên đầu thay nẹp.
- Băng chèn ở cổ chân: Áp dụng khi máu chảy nhiều vết thương ở bàn chân mà băng ép không có hiệu quả. Đặt hai con chèn ở cổ chân một con chèn ở mắt cá trong, một con ở mặt trước cổ chân, sau đó băng ép để cố định con chèn.
Ga rô: Là biện pháp cầm máu tạm thời bằng dây cao su hoặc bằng dây xoắn thật chặt vào đoạn chi để ngừng chảy máu. Khi đặt ga rô phải đúng chỉ định vì nếu sai có thể phải cắt bỏ hoàn toàn phần chi thể ở phía dưới ga rô (đoạn chi này bị hoại tử do không còn máu nuôi dưỡng và cung cấp ô xi cho các tế bào).
Chỉ định đặt ga rô, đặt ga rô trong các trường hợp sau: Vết thương ở chi chảy máu ồ ạt trong điều kiện chiến đấu ác liệt khẩn trương đòi hỏi người cấp cứu phải xử trí nhanh chóng, không có điều kiện làm băng chèn. Người bị thương hoặc đồng đội không biết cách băng chèn bắt buộc phải làm ga rô. Các
trường hợp chi thể bị cắt cụt do mảnh bom, bị chém. Các trường hợp bị rắn độc cắn.
- Cách đặt ga rô: Dây ga rô là dây cao su mỏng rộng khoảng 3 – 4cm có đàn hồi tốt. Nếu không có dây cao su có thể dùng bất cứ loại dây nào có thể làm ga rô được. Đầu tiên dùng tay ấn động mạch ở phía trên vết thương tạm thời cầm máu, sau đó lót vải hoặc gạc ở chỗ định đặt ga rô hoặc dùng ngay quần áo để lót. Quấn ga rô đồng thời bỏ từ từ tay ấn động mạch ra vừa theo dõi sắc mặt và máu ở vết thương, khi máu ngừng chảy ở vết thương là được. Không nên ga rô quá chặt vì gây đau đớn khó chịu, cũng không nên quá lỏng vì có thể tuột dây ga rô trên đường vận chuyển, cuối cùng băng ép vết thương và làm các thủ tục cần thiết.
- Nguyên tắc đặt ga rô: Ga rô phải đặt sát phía trên vết thương và để lộ ra ngoài giúp cho mọi người nhận biết được thương binh đang đặt ga rô. Tuyệt đối không để quần áo hoặc bất cứ vật gì che lấp vết thương. Thương binh được đặt ga rô phải nhanh chóng được chuyển về sau, phải được nới ga rô thường xuyên, khoảng 1 giờ nới 1 lần. Chấp hành triệt để những quy định vê ga rô, có phiếu ghi rõ ngày, giờ đặt ga rô, họ tên người đặt ga rô. Có ký hiệu bằng vải đỏ cài vào túi áo bên trái của thương binh.
Nội dung phiếu chuyển thương ga rô:
Họ và tên:
Chức vụ:
Đơn vị:
Đặt ga rô hồi ……. giờ ………. ngày ……. tháng ……….năm ………..
Người đặt ga rô:
Nới ga rô: Lần 1 ………. giờ …….
Lần 2 ……… giờ …….
Chú ý: Khi đặt ga rô phải chấp hành triệt để các nguyên tắc trên nhằm ngăn ngừa những tai biến xấu của ga rô.
- Nới ga rô:
+ Mục đích: Nhằm lưu thông máu nuôi dưỡng đoạn chi ở dưới ga rô.
+ Những trường hợp sau không được nối ga rô: Cắt cụt chi tự nhiên, ở phía dưới ga rô có dấu hiệu hoại tử, ga rô trong trường hợp rắn độc cắn
+ Cách nới ga rô: Người phụ ấn động mạch ở phía trên ga rô, người chính nới ga rô từ từ vừa nới vừa theo dõi sắc mặt thương binh, tình hình chảy máu ở vết thương, mạch đoạn chi dưới ga rô, màu sắc đoạn chi dưới ga rô, thời gian nới ga rô khoảng 5 phút.
- Tháo ga rô: Tháo ga rô dự phòng sốc và sẵn sàng cấp cứu chống sốc.
Khi tháo ga rô phải cân nhắc xem xét kĩ đối với tính chất của vết thương, mức độ tổn thương
+ Cách tháo ga rô: Người phụ ấn động mạch, người chính từ từ tháo ga rô, nếu còn thấy chảy máu phải thay ga rô bằng biện pháp cầm máu khác.
Chú ý: Khi tháo ga rô theo dõi sắc mặt bệnh nhân, màu sắc đoạn chi dưới ga rô, mạch huyết áp.