III. Công tác bảo đảm quân y, 5 kỹ thuật cấp cứu vết thương
2. Kỹ thuật cấp cứu và chuyển thương hỏa tuyến
2.3. Cố định tạm thời gãy xương
Trong lao động, trong huấn luyện, trong sinh hoạt, nhất là hiện nay nước ta có rất nhiều tai nạn xe máy và các phương tiện tham gia giao thông khác, việc gãy xương là có thể xảy ra. Trong chiến đấu có thể bị gãy xương và kết hợp một hay nhiều vết thương khác gây đau đớn, sốc dẫn tới tử vong. Vì vậy muốn giảm đau cho bệnh nhân, giảm tỉ lệ tai biến sau khi gãy xương và giúp cho tuyến sau điều trị mau lành vết thương, phải cố định gãy xương ngay sau khi bị nạn, trước khi vận chuyển về cơ sở điều trị.
a. Đặc điểm của vết thương gãy xương
Gãy xương nơi đầu gãy có thể vát nhọn hoặc gãy vỡ thành nhiều mảnh, trong đó có nhiều mảnh vụn. Thường có tổn thương kết hợp phần mềm, mạch máu, thần kinh. Đoạn chi bị gãy sẽ bị đi lệch do sức nặng của chi thể, do các cơ co kéo.
b. Tai biến sau gãy xương
Gãy xương lớn có thể gây sốc và tử vong gây mất máu do chảy máu. Tổn thương phần mềm mạch máu thần kinh do đầu xương nhọn vát đâm cứa trong quá trình vận chuyển, nhiễm khuẩn vết thương (Với gãy xương hở).
c. Nguyên tắc cố định tạm thời gãy xương
Giảm đau chống choáng trước khi cố định gãy xương (thường dùng trợ tim, trọ sức và các thuốc giảm đau như: Dolosal, Moocphin, Promedol). Cố định cả khớp trên và khớp dưới ổ gãy, có thể nắn chỉnh bớt chi lệch nếu được giảm đau tốt. Trước khi đặt nẹp cố định phải lót bông, gạc bông hoặc vải mềm mỏng chống loét điểm tì.
d. Các loại nẹp
Nẹp có chuẩn bị: Nẹp gỗ, nẹp tre, nẹp crame..
Nẹp ứng dụng: Khi không có nẹp chuẩn bị từ trước thì ứng dụng các loại nẹp như dùng súng, dùng cành cây, dùng đoạn gỗ, dùng đoạn tre, đoạn sắt cho phù hợp.
e. Cố định tạm thời trong từng trường hợp gãy xương
Cố định tạm thời gãy xương bàn tay, ngón tay, khớp cổ tay: Để bàn tay ở tư thế sấp các ngón tay nửa sấp, đặt một nẹp từ bàn tay đến khuỷu tay, băng cố định bàn tay và cẳng tay vào nẹp, các đầu ngón tay để hở theo dõi sự lưu thông của máu, dùng một đoạn băng treo cẳng tay qua dây vào cổ.
Cố định tạm thời gãy xương cẳng tay. Cố định bằng nẹp tre, nẹp gỗ: Đặt hai nẹp, nẹp thứ nhất ở mặt trước cẳng tay đi từ nếp khuỷu đến khớp ngón bàn.
Nẹp thứ hai dài hơn nẹp thứ nhất từ ngoài mỏm khuỷu đến khớp ngón bàn.
Chú ý: Tư thế cẳng tay vuông góc với cánh tay, bàn tay ở tư thế soi gương Cố định tạm thời gãy xương cánh tay:
- Cố định bằng nẹp tre, nẹp gỗ: Dùng hai nẹp tre, nẹp thứ nhất đặt từ hố nách tới đầu dưới quá khơp khuỷu, nẹp thứ hai đầu trên quá khớp vai đầu dưới quá khớp khuỷu. Dùng băng cố định nẹp ở hai đoạn, đoạn 1 ở 1/3 trên cánh tay và khớp vai, băng kiểu số 8, đoạn 2 ở trên và dưới khớp khuỷu, dùng băng treo cẳng tay lên. Chú ý cánh tay vuông góc với cẳng tay, bàn tay ở tư thế soi gương.
- Cố định bằng nẹp crame: Đặt cánh tay vuông góc với cẳng tay, cẳng tay ở tư thế nửa sấp, cánh tay sát vào thân người. Đặt nẹp từ khớp bàn tay đến ngón tay, uốn lượn theo chi, mặt ngoài chi qua vai, qua lưng đến vai chi bên lành. Cố định nẹp và chi bằng những vòng băng, treo cẳng tay bằng dải băng.
Cố định tạm thời gãy xương đòn: Dùng băng cuộn để cố định gãy xương đòn. Bệnh nhân đưa cả hai cánh tay về sau ở tư thế chạy, ngực ưỡn về phía trước. Băng theo hình số 8 qua hõm nách vòng ra vai và phía trước cổ, vòng ra sau lưng qua hõm nách bên đối diện vòng qua cổ ra phía sau. Cứ như vậy hết vòng băng này đến vòng băng khác, cuối cùng cố định đầu còn lại của cuộn băng.
Cố định tạm thời gãy xương cẳng chân:
- Cố định bằng nẹp tre: Đặt hai nẹp ở mặt trong và mặt ngoài chi gãy từ giữa đùi tới quá cổ chân (nếu có nẹp thứ ba thì đặt ở mặt sau cẳng chân), cố định nẹp vào ch ở ba chỗ trên đầu gối, đầu trên và đầu dưới cẳng chân.
- Cố định bằng nẹp crame: Đặt một nẹp crame ở mặt sau của chi từ giữa xương đùi đến gót chân rồi bẻ nẹp vuông góc với bàn chân đến ngón chân. Cố định bằng băng cuộn ở bàn chân, cẳng chân và giữa đùi.
Cố định tạm thời gãy xương đùi:
- Cố định bằng nẹp tre: Dùng ba nẹp, nẹp thứ nhất (nẹp ngoài) từ hố nách tới gót chân,nẹp thứ hai ở mặt trong (nẹp trong) từ bẹn đến gót chân; nẹp thứ ba (nẹp sau) để mặt sau từ mào chậu đến quá gót chân; đặt bông hút vào các điểm tì, cố định nẹp sau ở chỗ cổ chân, đầu trên cẳng chân, trên đầu gối, bẹn, bụng, và dưới nách bằng băng cuộn, sau đó vận chuyển.
- Cố định nẹp crame: Dùng ba nẹp, nẹp thứ nhất (nẹp sau) từ mấu chân xuống gót chân, sau đó bẻ quặt vuông góc với bàn chân. Nẹp thứ hai (nẹp trong) từ bẹn đến bàn chân có thể bẻ ôm lấy bàn chân. Nẹp thứ ba (nẹp ngoài) đi từ hố nách tới bờ ngoài của bàn chân, bẻ gấp nẹp 90 độ vào bờ trong của bàn chân, đặt gạc ở các điểm tì cố định nẹp như nẹp tre.
Cố định tạm thời gãy xương chậu: Đặt người thương binh nằm ngửa trên cánh cứng, mặt cáng được lót bằng ván cứng hoặc nhiều thanh tre đặt sát nhau.
Thương binh ở tư thế nằm ngửa, chi dưới ở tư thế nửa co, nửa giạng. Cố định người bị thương vào cáng cứng ở các điểm ngang vú, khung chậu, khớp gối, ở gót bàn chân.