1.2. Những hiểu hiểu biết về bệnh Tụ huyết trùng ở bò
1.2.5. Phòng và trị bệnh Tụ huyết trùng ở bò
- Phòng bệnh
+ Do đặc tính gây bệnh của vi khuẩn Tụ huyết trùng ở bò là khi bò suy giảm sức đề kháng nên biện pháp phòng bệnh chủ động trước tiên cần đảm bảo vệ sinh chuồng trại, chăm sóc, nuôi dưỡng hợp lý kết hợp với tiêm phòng định kỳ cho vật nuôi.
+ Phòng bệnh bằng vắc xin: Theo Johnson (1989) hiệu lực phòng bệnh của vắc xin còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Do đặc tính của bệnh Tụ huyết trùng bò thường xảy ra ở thể quá cấp tính nên điều trị kém hiệu quả, kết quả đạt được chỉ khi phát hiện bệnh và sử dụng kháng sinh sớm (Mosier, 1992). Trong trường hợp sử dụng kháng sinh ở giai đoạn cuối, khi con vật đã xuất huyết chỉ làm tăng nhanh quá trình chết của chúng, cho nên việc phòng chống bệnh phải coi trọng công tác tiêm phòng bằng vắc xin cho gia súc là chính (De Alwis, 1992a). Cũng quan điểm đó, Abeynay và cs (1992) cho rằng tiêm phòng là biện pháp tích cực và hiệu quả nhất để khống chế và ngăn chặn bệnh này.
Gần đây, Abubakar M.A (2014) đã phát triển vắc xin tái tổ hợp chống lại P. multocida. Vắc xin phổ rộng và mạnh hơn có thể đạt đượcthông qua việc xác định các chất kích thích miễn dịch của P. multocida (Shivachandra và csự, 2011). Do đó, đáp ứng miễn dịch và vai trò bảo vệ của các OMP của P. Multocida tiếp tục được nghiên cứu.
Rita, D.V và cs (2018) đã chế tạo thành công đoạn gen ABA392 thành một vec tơ biểu hiện protein, pET-30a. Protein được biểu thị từ bản sao ABA392/pET30a có khả năng miễn dịch và đã được thử nghiệm trên chuột.
Protein tái tổ hợp này có thể kích hoạt phản ứng miễn dịch và do đó có khả năng được thử nghiệm là ứng cử viên vắc xin phù hợp trong các nghiên cứu trong tương lai. Dự kiến rằng vắc xin tiểu đơn vị này sẽ đóng góp đáng kể trong việc quản lý bệnh Tụ huyết trùng trâu bò trong tương lai.
Hiện nay nước ta có sử dụng các loại vắc xin như vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò keo phèn chủng Robert I, vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò nhũ dầu chủng P52, vắc xin Tụ huyết trùng chủng Iran, vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò nhũ hoá của Viện Thú y Quốc gia và vắc xin vô hoạt Tụ huyết trùng trâu, bò của Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương.
Vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò keo phèn chủng Robert I là loại vắc xin vô hoạt. Ưu điểm của loại vắc xin này là liều tiêm thấp 2ml/con, thời gian miễn dịch kéo dài, tỷ lệ miễn dịch cao. Nhược điểm là sau khi tiêm một tỷ lệ gia súc bị phản ứng phụ.
Vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò nhũ dầu chủng P52 do Công ty thuốc thú y Trung ương nghiên cứu sản xuất. Vắc xin ở dạng vô hoạt, chất bổ trợ nhũ dầu.
Vắc xin có liều tiêm thấp, an toàn cho động vật, có hiệu lực miễn dịch tốt và thời gian miễn dịch kéo dài 12 tháng.
Vắc xin Tụ huyết trùng chủng Iran là vắc xin ở dạng vô hoạt, chất bổ trợ keo phèn hydroxide aluminium. Mỗi liều tiêm vắc xin là 2ml, độ dài miễn dịch 6 - 7 tháng. Vắc xin an toàn cho động vật và có hiệu lực cao.
Vắc xin Tụ huyết trùng trâu, bò nhũ hoá được Viện Thú y Quốc gia nghiên cứu dùng chủng P52 có bổ trợ dầu maccon và montanit để sản xuất. Vắc xin có dạng nhũ tương, liều tiêm 2ml/con, thời gian miễn dịch trên 12 tháng.
Vắc xin vô hoạt Tụ huyết trùng trâu bò do Xí nghiệp Thuốc thú y Trung ương sản xuất các chủng T2, T4 có nguồn gốc từ Trung Quốc. Vắc xin có liều tiêm 2ml, miễn dịch cho trâu, bò 6 tháng, có thể phản ứng cục bộ nơi tiêm.
Ở Việt Nam, Viện vắc xin Nha Trang cũng đã chế kháng huyết thanh đa giá tụ huyết trùng trên ngựa để điều trị bệnh tụ huyết trùng trâu, bò và lợn. Liều lượng có thể sử dụng như sau:
- Trâu, bò: Liều tiêm phòng tiêm 30-50 ml/con, liều điều trị 60-100 ml/con.
- Bê, nghé: Liều tiêm phòng tiêm 10 - 20 ml/con, liều điều trị 20 - 40 ml/con.
- Lợn dưới 3 tháng tuổi: Liều tiêm phòng tiêm 10 - 20 ml/con, liều điều trị 20 - 40 ml/con. Lợn 5 tháng tuổi: Liều tiêm phòng tiêm 20 - 30 ml/con, liều điều trị 40 - 60 ml/con. Lợn trên 5 tháng tuổi: Liều tiêm phòng tiêm 30-40 ml/con, liều điều trị 60 - 80 ml/con.
- Trị bệnh
Bệnh Tụ huyết trùng có thể điều trị bằng kháng sinh. Sự mẫn cảm của bò ở các địa phương khác nhau là khác nhau. Muốn có hiệu quả điều trị cao cần phải làm kháng sinh đồ. Nói chung các chủng vi khuẩnTụ huyết trùng đều rất nhạy với streptomycin (Phan Thanh Phượng, 2000). Ngoài ra còn có thể điều trị bằng các kháng sinh như gentamycine, ampicilline và tetracycline.
Theo nghiên cứu của Azmat Jabeen et al, (2013) vi khuẩn Tụ huyết trùng có 5 chủng A, B, D, E, F và 16 serotypes (1-16). Tác giả đã kiểm tra tính kháng kháng sinh của P. multocida bằng phương pháp khuyếch tán trên đĩa thạch, kết quả thấy rằng P. Multocida kháng với các kháng sinh augmentin, amoxicillin and aztreonam và mẫn cảm cao với ceftiofur.
Theo nghiên cứu của Yami Bote và cs (2017) tại Ethiopia trong thời gian 2016-2017 về độ mẫn cảm của các chủng P. multocida với các loại kháng sinh, kết quả công bố phát hiện 13 trâu, bò dương tính với vi khuẩn P. multocida chiếm tỷ lệ 3,39% trong tổng số 384 mẫu kiểm tra. Kết quả kiểm tra kháng sinh đồ của các chủng vi khuẩn phân lập được với các loại kháng sinh cho thấy mức độ kháng và mẫn cảm rất khác nhau các chủng P. Multocida với các loại kháng sinh, cụ thể tỷ lệ mẫn cảm 15,4% với tetracycline, 61,5% với streptomycin; và tỷ lệ kháng 15,4% với streptomycin, clindamycin 69,2% với tetracycline. Kết quả khẳng định streptomycin, clindamycin là những thuốc có thể sử dụng để điều trị bệnh do Pasteurella multocida.
1.3.Tình hình nghiên cứu về bệnh Tụ huyết trùng ở bò trên thế giới và Việt Nam