CHƯƠNG 1 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CÔNG TÁC THANH TRA XÂY DỰNG CƠ BẢN
1.2. Kinh nghiệm thực tiễn và bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước về thanh tra xây dựng cơ bản
1.2.1. Kinh nghiệm về quản lý nhà nước về thanh tra xây dựng cơ bản tại một số đơn vị trong nước
1.2.1.1. Kinh nghiệm về quản lý nhà nước về thanh tra XDCB tại Thanh tra thành phố Hà nội
Những năm qua, Thanh tra thành phố Hà Nội với vai trò quan trọng là cơ quan tham mưu, giúp UBND thành phố trong quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng. Công tác thanh tra của thành phố Hà Nội có những chuyển biến mạnh mẽ cả về chiều rộng và chiều sâu, phạm vi thanh tra được triển khai rộng khắp trong phạm vi của thành phố, ở các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước, củng cố trật tự quản lý trong các lĩnh vực kinh tế xã hội của thành phố. Ngoài việc phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, hoạt động thanh tra của thành phố Hà Nội cũng đã có nhiều kiến nghị có giá trị, giúp các cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để hoàn thiện cơ chế quản lý, tạo lập hành lang pháp lý và môi trường lành mạnh cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như bình ổn an sinh xã hội.
Tính từ năm 2014 đến tháng 6/2017, Thanh tra TP Hà Nội đã triển khai 313 cuộc thanh tra theo kế hoạch và đột xuất do Thành ủy, UBND thành phố giao, trong đó có những Đoàn thanh tra phức tạp, báo chí và dư luận xã hội quan tâm như thanh tra việc thực hiện thay thế một số cây xanh trên địa bàn thành phố; thanh tra toàn
diện việc phá dỡ, cấp phép xây dựng các nhà biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và tư nhân; thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai tại các dự án nhà ở do DNTN số 1, tỉnh Điện Biên thực hiện trên địa bàn thành phố; thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng tại 8B Lê Trực; thanh tra toàn diện việc quản lý và sử dụng diện tích đất khu sân bay Miếu Môn tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức... Kết quả thanh tra phát hiện sai phạm 3.353 tỷ đồng; kiến nghị thu hồi 2.346 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 1.007 tỷ đồng và 8.875 ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 440 tập thể; 226 cá nhân thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý dẫn đến sai phạm; kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra 15 vụ.
Để có được những kết quả trên là do có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Thanh tra Chính phủ, Thành ủy, UBND thành phố; sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức cơ quan, sự phối kết hợp chặt chẽ với các sở, ban ngành, quận, huyện. Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra đi vào thực chất, phụ thuộc rất lớn vào việc nhận thức và triển khai thực hiện đầy đủ các kết luận, kiến nghị sau thanh tra được thực hiện như thế nào?
Ở thành phố Hà Nội, UBND thành phố đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra tại nhiều đơn vị ở thành phố Hà Nội chưa nghiêm túc, kịp thời, thể hiện ở một số nội dung sau:
- Chậm chỉ đạo xử lý kết luận thanh tra; không quan tâm đến việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm phải thi hành kết luận thanh tra (quyết định thu hồi tiền, thu hồi đất, giảm trừ quyết toán, xử lý vi phạm hành chính, xử lý hành chính...), chậm triển khai tổ chức thực hiện hoặc thực hiện thiếu nghiêm túc, không đầy đủ nội dung, không báo cáo tổ chức thực hiện.
- Tỷ lệ thu hồi sau thanh tra còn hạn chế. Việc xử lý trách nhiệm của các tập thể và cá nhân có vi phạm ở một số đơn vị còn hình thức, chưa nghiêm túc, chủ yếu là rút kinh nghiệm.
- Việc chuyển cơ quan điều tra các vụ việc có dấu hiệu tội phạm có nơi, có lúc còn bất cập (có đơn vị chậm chuyển hồ sơ; cơ quan Cảnh sát điều tra chậm tiếp nhận hồ sơ, không thông tin phản hồi về kết quả khởi tố vụ án...).
- Công tác quản lý nhà nước về công tác thanh tra tại nhiều đơn vị còn hạn chế; một số đơn vị thiếu nghiêm túc trong việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo về công tác thanh tra, việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra. Việc tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra, chỉ đạo xử lý sau thanh tra của các cơ quan cấp trên (thành phố, trung ương) còn nhiều bất cập.
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong việc tổ chức thực hiện các kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý sau thanh tra, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, UBND thành phố Hà Nội đã có các văn bản số 7619/UBND-NC ngày 11/10/2013 chỉ đạo thực hiện Thông tư 01/2013/TT-TTCP ngày 12/3/2013 của Thanh tra Chính phủ về việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; Công văn số 6295/UBND-NC ngày 14/9/2015 chỉ đạo thực hiện Nghị định số 33/2015/NĐ-CP ngày 27/3/2015 của Chính phủ về việc thực hiện kết luận thanh tra, yêu cầu các đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; chỉ đạo các cơ quan thanh tra tăng cường phối hợp, trao đổi với các Bộ ngành, cơ quan trung ương trong quá trình thực hiện thanh tra, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.
UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị kiểm tra, rà soát việc tổ chức thực hiện kết luận thanh tra theo chỉ đạo của các cơ quan trung ương như triển khai tự kiểm tra công tác xử lý sau thanh tra theo Kế hoạch số 1840/TTCP- GS,TĐ&XLSTT ngày 11/8/2014 của Thanh tra Chính phủ, triển khai rà soát các đoàn thanh tra kinh tế xã hội từ năm 2011 đến năm 2014 theo Hướng dẫn số 06- HD/BNCTW ngày 16/4/2015 của Ban Nội chính Trung ương và Kế hoạch số 157- KH/TU ngày 15/5/2015 của Thành ủy Hà Nội. Qua kiểm tra, rà soát để đánh giá tình hình, kết quả công tác thanh tra; những khó khăn, vướng mắc, hạn chế và đề xuất những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra.
1.2.1.2. Kinh nghiệm về quản lý nhà nước về thanh tra XDCB tại tỉnh Quảng Ninh Trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn 2016-2018 UBND tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về thanh tra XDCB, cụ thể
ở các mặt:
- Lập, trình duyệt kế hoạch thanh tra nói chung, thanh tra XDCB nói riêng theo đúng yêu cầu của ngành;
- Quy trình quản lý nhà nước về thanh tra XDCB được phân cấp rõ ràng theo từng cấp, thực hiện theo quy định: cấp nhà nước, cấp tỉnh, cấp huyện;
- Thực hiện các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước về thanh tra XĐCN, cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tế và yêu cầu ngành;
- Công tác tuyên truyền, quản lý nhà nước về thanh tra XDCB được thực hiện nghiêm túc, đa dạng hình thức như truyền hình địa phương, báo địa phương và tờ rơi ở các cơ quan thanh tra, website của cơ quan thanh tra.
- Công tác đánh giá và kiểm tra công tác quản lý nhà nước về thanh tra XDCB được thực hiện thường xuyên hàng năm, hình thức đánh giá bao gồm theo kế hoạch và đột xuất, mang tính khách quan và công khai.
- Bên cạnh đó UBND tỉnh Quảng Ninh thường xuyên tổ chức họp ngành thanh tra, báo cáo, tổng kết rút kinh nghiệm nhằm nâng cao năng lực quản lý và hoạt động chuyên môn trong công tác thanh tra.
1.2.2. Bài học kinh nghiệm về quản lý nhà nước về thanh tra xây dựng cơ bản Từ kinh nghiệm quản lý công tác thanh tra XDCB tại một số tỉnh, thành trong nước cho thấy một số bài học được đút rút như sau:
Thứ nhất, lập kế hoạch quản lý nhà nước về thanh tra XDCB: Xây dựng định hướng hoạt động hàng năm cho ngành Thanh tra, xây dựng chương trình, kế hoạch thanh tra thường xuyên cho Thanh tra bộ, ngành, tỉnh, thành phố. Tránh sự chồng chéo, trùng lắp trong chương trình, kế hoạch thanh tra. Tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với các cơ quan có chức năng thanh tra, kiểm tra (Viện kiểm soát, công an, kiểm tra đảng) để xây dựng chương trình, kế hoạch của mỗi ngành, tránh chồng chéo. Tăng cường vai trò các vụ chức năng của cơ quan Thanh tra nhà nước trong việc thực hiện quản lý nhà nước.
Thứ hai, xây dựng, phê duyệt kế hoạch tiến hành thanh tra định kỳ: Thường xuyên tổ chức, rút kinh nghiệm hoạt động công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Chú trọng vào thanh tra các chuyên đề, thanh tra diện rộng, những vụ việc phức tạp, từ đó có các bài học kinh nghiệm phổ biến chung cho toàn ngành. Bổ sung và nâng cao lý luận về nghiệp vụ công tác thanh tra. Kiện toàn các tổ chức Thanh tra các cấp, các ngành, nhất là Thanh tra sở, ngành, huyện, quận. Chú trọng tới thanh tra các địa phương miền núi, trung du.
Thứ ba, tăng cường đào tạo bồi dưỡng cán bộ công tác quản lý và thanh tra:
Bố trí cán bộ lãnh đạo đúng tiêu chuẩn, tuyển chọn bổ nhiệm cán bộ, Thanh tra viên bảo đảm đúng năng lực, đúng trình độ. Xây dựng chiến lược về cán bộ đảm bảo ngành Thanh tra phát triển theo định hướng chính quy hiện đại.
Thứ tư, thực hiện quản lý nhà nước về thanh tra XDCB: Thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra các cấp, các ngành trong việc thực hiện pháp luật về thanh tra, về khiếu nại, tố cáo. Đôn đốc kiểm tra các cấp, các ngành, các đơn vị trong việc thực hiện các kết luận, quyết định, kiến nghị về thanh tra, các quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo đã có hiệu lực pháp luật.
Thứ năm, kiểm tra, thanh tra quản lý nhà nước về thanh tra XDCB: Đánh giá, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành về công tác thanh tra để phát hiện những quy định bất hợp lý, chồng chéo, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền ban hành những văn bản bổ sung, khắc phục những khiếm khuyết, những điểm bất hợp lý của Pháp lệnh thanh tra.
CHƯƠNG 2