CHƯƠNG 2 ĐÁNH GIÁ HIỆN TRẠNG SÔNG THẠCH HÃN ĐOẠN QUA XÃ HẢI LỆ VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP
2.1. Mô tả hiện trạng và nguyên nhân sạt lở đoạn sông nghiên cứu
2.1.2. Nguyên nhân sạt lở đoạn sông nghiên cứu
Sạt lở đoạn sông nghiên cứu được phân tích đánh giá trên nhiều nguyên nhân khác nhau có thể kể đến như chế độ dòng chảy, địa hình, khí hậu, tập quán sinh hoạt của con người, … Tuy nhiên, trong đề tài này, tác giả kiến nghị đánh giá dựa trên trên 2 nguyên nhân chính là tự nhiên và do con người.
a. Nguyên nhân tự nhiên
▪ Điều kiện địa hình: Sông có độ dài ngắn, lòng sông dốc; mạng lưới sông hình nan quạt, đặc biệt lòng sông uốn khúc rất mạnh với nhiều đảo cát, bãi ngầm và bãi bồi tụ hai bên bờ lòng dẫn chính. Đặc điểm lòng dẫn kiểu này luôn gắn liền với quá trình uốn khúc - cắt thẳng - uốn khúc lặp đi, lặp lại theo các chu kỳ. Do địa hình khu vực không có hệ thống đê khống chế, vì vậy quá trình phát triển lòng dẫn diễn ra khá "tự do".
▪ Điều kiện địa chất, thổ nhưỡng: Trên các đoạn sông có bờ phải khá cao từ 7 đến 10 m (hình 2.7), cấu tạo từ cát cuội sỏi và đất loại sét ít chặt xen lẫn trầm tích Q mềm rồi có hướng chảy chung Tây – Đông, thường là sông uốn khúc và cường độ xói - bồi xảy ra tương đối mạnh.
Hình 2.7: Hiện trạng sạt lở bờ sông khu vực nghiên cứu (Ảnh chụp ngày 31 tháng 5 năm 2018)
Ngoài các trầm tích phân bố dọc thung lũng sông, các thành tạo đất đá trên toàn bộ lưu vực cũng có ảnh hưởng lớn tới quá trình xói - bồi của sông. Ở khu vực hạ lưu tồn tại các nhóm đất mềm bở rời có khả năng kháng xâm thực kém gồm: sét, sét pha, cát pha, bùn, đất hữu cơ và đất hạt thô như cát, cát cuội sỏi. Đặc biệt cát, cát pha, bùn và đất hữu cơ là những loại đất rất dễ bị xói lở, phân bố ở phần thấp của bờ sông, nên ngay cả mùa cạn cũng chịu tác động bào xói thường xuyên của dòng chảy.
▪ Điều kiện địa chất thuỷ văn: Do cấu tạo địa chất tuyến bờ chủ yếu là cát pha, bở rời, đã bão hoà nước sau những trận mưa dài ngày; lưu lượng trong sông giữa các mùa biến động lớn, đặc biệt lũ chính vụ trong hệ thống sông lên nhanh, xuống nhanh làm cho nước ngầm tuyến bờ dao động lớn, gradient thuỷ lực lớn; do sự thay đổi nhiệt độ - độ ẩm từ ngày này sang ngày khác, sự thay đổi trạng thái áp lực nước lên mặt đất (do dao động mực nước và sóng); thảm phủ thực vật tuyến bờ không phù hợp…; tất cả các nguyên nhân này góp phần làm cho địa chất tuyến bờ ngày càng yếu và để sạt lở.
▪ Chế độ khí tượng: chế độ khí tượng khu vực bao gồm nhiều yếu tố và nói chung có quan hệ với nhau, có ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp đến hoạt động xói - lở bờ sông. Các yếu tố ảnh hưởng chính đến hoạt động động lực sông có thể kể tới gió - bão, áp thấp nhiệt đới, mưa và biến động khí hậu toàn cầu (Enino và Lanina) trong những năm gần đây. Theo thống kê của Tổng cục Khí tượng thủy văn số cơn bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào miền Trung chiếm đến gần 70% tổng số bão, áp thấp nhiệt đới đổ vào Việt Nam, trong đó có hiện tượng bão xuất hiện sớm (tháng III - VI) hoặc muộn (tháng XII) và càng ngày càng dịch chuyển sâu hơn vào phía Nam. Bão, áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh trong điều kiện địa hình thuận lợi (các khối núi Đông Trường Sơn hứng chắn mưa) thường gây mưa với cường độ lớn (nhất là các trung tâm mưa) và là tác động gây lũ lụt bồi - xói mạnh ở các sông suối trong nhiều năm gần đây. Đặc biệt trong vòng mười năm gần đây mưa, bão, lũ diễn biến ngày càng phức tạp trên nước ta nói chung và hệ thống sông Thạch Hãn nói riêng: Bão tăng tần suất và cường độ, mưa ngày lớn nhất tăng (600 mm đến 800 mm mỗi đợt năm 1998 và 1999), tập trung trong một thời gian ngắn và xảy ra trên diện rộng của lưu vực làm cho quá trình tập trung lũ xảy ra rất nhanh, cường suất lũ cao (2-4 m/ngày) tạo lưu tốc lớn là động lực gây xói lớn. Ngoài bão và áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh gây mưa lớn và tập trung, chế độ mưa gần đây còn chịu tác động của sự biến đổi khí hậu toàn cầu có liên quan đến hiện tượng Enino và Lanina. Những năm trùng
hợp với Lanina như năm 1996, 1999, 2000, 2002, 2006, 2010 mưa lũ, bão lớn thường xảy ra với cường độ mạnh, kéo dài, làm cho tình hình xói lở bờ sông càng nghiêm trọng hơn.
▪ Chế độ thủy văn: chịu sự chi phối của địa chất, địa hình sông ngòi. Sông ngòi vùng nghiên cứu ngắn, lưu vực hẹp và dốc nên chế độ thuỷ văn thượng và hạ lưu tương phản rõ rệt. Thượng lưu sông rất dốc (độ dốc tới 35 đến 60 m/km) thung lũng hẹp, lũ về đột ngột, nhất là lũ quét với dòng chảy xiết có vận tốc vượt quá 4 đến 6 m/s. Ngược lại ở hạ lưu lòng sông mở rộng, uốn khúc quanh co, độ dốc rất thấp (0.0002) và vận tốc mùa lũ cũng ít khi vượt quá 1 đến 3 m/s. Đặc điểm hội lưu, phân lưu trên hệ thống sông khu vực nghiên cứu cũng có tác động rất lớn đối với quá trình xói - bồi lòng sông. Trong mùa mưa lũ do đặc điểm lưu vực, lượng mưa rơi không đều giữa các lưu vực nên dòng chảy lũ ở các sông không giống nhau. Chính lưu lượng dòng lũ chênh lệch nhau đó đã làm biến động trường vận tốc, hướng dòng chảy, gây ra xói lở bờ đối diện, bồi lấp lòng sông cục bộ với cường độ mạnh ở vị trí hội lưu hoặc phân lưu.
b. Nguyên nhân do con người
▪ Phá rừng: Đây là nhân tố làm suy giảm độ che phủ và khả năng điều tiết dòng chảy của rừng, đồng thời gia tăng cường độ xói mòn đất và khối lượng vật liệu phù sa đưa vào sông suối. Các hoạt động phá rừng có thể kể đến như: dân phát nương làm rẫy, đốt rừng làm rẫy, lấy than bán hay chặt rừng lấy gỗ, củi, …
Hình 2.8: Nạn phá rừng trên địa bàn xã Tân Hợp
(https://www.tienphong.vn/phap-luat/pha-rung-dau-nguon-nghiem-trong-o-quang-tri-1167600.tpo)
▪ Xây dựng hệ thống bậc thang thủy lợi, thủy điện: làm mất đất rừng cũng như ảnh hưởng nghiêm trọng đến các vấn đề dòng chảy trong sông. Đi đôi với các công trình ngăn nước nhằm mục đích thủy lợi hay tạo ra nguồn điện sử dụng, hàm lượng bùn cát bị giữ lại ở thượng nguồn, đồng bằng nghèo phù sa, bờ sông trở trên trơ và xói lở diễn ra thường xuyên hơn.
▪ Nạn khai thác cát bừa bãi: tình trạng khai thác cát thời gian vừa qua đã gây ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng bờ sông Thạch Hãn. Việc khai thác cát được diễn ra cả ngày lẫn đêm với nhiều tàu thuyền hoạt động. Điều này làm thay đổi mạnh mẽ chế độ dòng chảy cũng như làm mất mát lượng bùn cát ít ỏi trong sông. Là nguyên nhân trực tiếp gây nên sự mất mát đường bờ, các hiện tượng trượt và sạt lở đường bờ, gây hậu quả nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân.
Hình 2.9: Hiện trạng khai thác cát tại khu vực nghiên cứu (Ảnh chụp ngày 31 tháng 5 năm 2018)
c. Kết luận đánh giá hiện trạng khu vực nghiên cứu
Như vậy, dựa trên các đánh giá khách quan và chủ quan cũng như các nguyên nhân về tự nhiên hay do con người, thực tế hiện trạng sạt lở đường bờ đoạn sông nam Thạch Hãn đang ngày càng diễn ra mạnh mẽ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền nông nghiệp cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và đời sống nhân dân.