Chương 2: Ý NGHĨA CỦA TRIẾT LÝ NHÂN SINH TRONG BÀI THƠ “HỎI” CỦA HỮU THỈNH VỚI VIỆC GIÁO DỤC LỐI SỐNG ĐẸP
2.2. Ý nghĩa của triết lý nhân sinh trong bài thơ “Hỏi” với việc giáo dục lối sống đẹp cho sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay
2.2.3. Giáo dục cho sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội lối sống đan vào nhau
Tôi hỏi cỏ: Cỏ sống với nhau như thế nào?
Cỏ trả lời: Chúng tôi đan vào nhau làm nên những chân trời.
Cỏ đan vào nhau bền chặt là thế, vậy con người thì đan với nhau ra sao?
Cũng như loài cỏ kia, chúng ta phải biết đan chặt vào nhau để tạo nên sức mạnh, kết thành một khối thống nhất cùng hoạt động vì mục đích chung.
Để đoàn kết sinh viên lại, trường Đại học Sư phạm Hà Nội thành lập Hội sinh viên, đó là một tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh. Tiêu chí của tổ chức này là: đoàn kết, tập hợp rộng rãi mọi sinh viên cùng phấn đấu học tập, rèn luyện vì mục tiêu, lý tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh ; góp phần xây dựng nước Việt Nam hòa bình, độc lập, giàu mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì quyền lợi hợp pháp, chính đáng của sinh viên; đoàn kết và hợp tác bình đẳng với các tổ chức sinh viên, thanh niên tiến bộ và nhân dân các nước trên thế giới vì mục tiêu hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Rõ ràng là dù làm việc gì và ở đâu, con người cũng không thể tách mình ra khỏi tập thể,và khi sinh hoạt trong tập thể đó phải tuân theo những quy chế của tổ chức.
Là một sinh viên đang học tập và rèn luyện trong môi trường giảng đường đại học, được tham gia các hoạt động của Hội sinh viên sẽ giúp các bạn sinh viên tu dưỡng và rèn luyện nhiều điều và vững vàng hơn về bản lĩnh.
Bác Hồ đã từng nói: “Đoàn kết đoàn kết đại đoàn kết! Thành công thành công đại thành công”, bởi vì, đoàn kết chính là sức mạnh lớn tạo nên thành công vĩ đại. Khi biết đoàn kết, con đường đi tới thành công của ta sẽ ngắn hơn và dễ dàng hơn rất nhiều. Biết “đan vào nhau” để sống và tồn tại, ta không chỉ hoàn thiện được bản thân, được mọi người yêu quý mà còn giúp đỡ được những người xung quanh, những người cùng hợp tác với ta.
Hãy tưởng tượng mỗi chúng ta là một chiếc đũa, và khó khăn chông gai trong cuộc sống chính là đôi bàn tay để bẻ gãy những chiếc đũa đó. Khi bẻ một chiếc đũa đơn lẻ sẽ thật đơn giản, nhưng nếu bẻ gãy cả một bó đũa thì sẽ thật khó khăn. Nếu không có sự đoàn kết thì mỗi chúng ta sẽ trở nên đơn độc, không có được nguồn sức mạnh đủ lớn để vượt qua. Một giọt nước đơn thuần, nó không thể tồn tại nếu chỉ nằm một mình, có thể bị bốc hơi theo thời gian, khi ấy nó không còn là giọt nước. Nhưng nếu trả nó về đại dương, nơi mà vốn dĩ thuộc về nó thì cuộc sống của một giọt nước sẽ hồi sinh, không còn lo lắng về sự cô đơn. Đoàn kết là lối đi duy nhất để tồn tại một cách lâu dài giữa con người với nhau trong môi trường xã hội.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã cùng kề vai sát cánh bên nhau. Họ không chỉ giúp đỡ nhau trong học tập mà còn cùng nhau tham gia các hoạt động tình nguyện. Đã có rất nhiều chương trình do sinh viên tổ chức, thu hút nhiều người tham gia, nối vòng tay nhân ái, xây dựng tinh thần đoàn kết, hữu nghị cùng giúp nhau phát triển. Tố Hữu viết bài thơ “Từ ấy”, trong đó có câu” “Tôi buộc lòng tôi với mọi người/ Để tình trang trả với trăm nơi”. Tố Hữu đã khẳng định quan niệm mới về lẽ sống và sự gắn bó hài hòa giữa cái tôi cá nhân với cái ta chung của mọi người. Vậy nên việc mở rộng tấm lòng là sợi dây gắn kết con người lại với nhau để mỗi người biết rằng cuộc sống này vẫn tràn ngập tình yêu thương.
Tinh thần đoàn kết, gắn bó luôn cần thiết cho sự tiến bộ mỗi cá nhân cũng như sự tiến bộ chung của toàn xã hội. Khi bước vào cuộc sống đều có thể ta sẽ gặp phải những khó khăn, vướng mắc hoặc sai lầm, vấp ngã, nếu có sự ủng hộ, giúp đỡ của người khác ta có thể vượt qua và vươn lên, tinh thần thiện chí này sẽ giúp mỗi người tự hoàn thiện chính mình và góp phần hoàn thiện các cá nhân khác.
Biển đời mênh mông vô tận, trong lòng nó luôn chứa những con sóng ngầm, nó sẽ sẵn sàng kéo con thuyền ra xa và nhấn chìm bất kỳ lúc nào nếu ta không kịp tỉnh táo và đủ sức để đối phó. Vậy nên ta hãy đi với nhau như một bầy chim, hãy cùng những người thân siết chặt tay nhau để đủ sức vươn lên những cánh buồm lớn cho con thuyền lướt nhanh tới phía trước. Ta đừng kẹt vào tài năng hay sự may mắn rồi tự ban cho mình một vị trí quá lớn mà trở nên khó khăn để hòa nhập với mọi người chung quanh. Đó là một thiệt thòi rất lớn, vì sức mạnh của đoàn thể bao giờ cũng có tính chất chở che và soi sáng.
Ta không nhất thiết phải làm thuyền trưởng thì ta mới có thể tham sự trên con thuyền vượt khơi. Mỗi vị thủy thủ chỉ cần tự biết được trách nhiệm của mình và sẵn sàng hoán vị với người khác khi cần thiết để mình kịp thời lấy lại phong độ ứng phó với những đợt sóng phía trước. Hãy đi bên nhau để có cơ hội xích lại gần nhau hơn, để buông bỏ bớt lòng cố chấp, để tập nhường nhịn và hòa điệu với nhau. Đó là những yếu tố quan trọng làm nên bản lĩnh và thành công của con người.
Đi như một bầy chim Vượt vùng trời băng giá Đừng một mình ra khơi Biển đời nhiều sóng cả.
(Hiểu về trái tim - Thích Minh Niệm)
2.3. Một số giải pháp nâng cao việc giáo dục lối sống đẹp cho sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay
Cũng như một nét nhân cách, lối sống được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của xã hội thông qua hoạt động tích cực của bản thân và nó cũng biến đổi cùng với sự biến đổi của xã hội. Do đó, việc góp phần tạo nên lối sống đẹp cho sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội hiện nay là một việc làm cần thiết.
Xây dựng lối sống đẹp, lành mạnh cho thanh niên sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội là một công việc cốt lõi của việc hình thành phát triển nhân cách con người mới, đáp ứng với điều kiện mới. Nó đòi hỏi vai trò của các thành viên trong cộng đồng xã hội (nhà trường, gia đình và các đoàn thể) tham gia đóng gớp vào công tác giáo dục đào tạo, vai trò học tập, tự rèn luyện của chính thanh niên. Do đó, hơn lúc nào hết Đảng và chính quyền đoàn thể, Đoàn thanh niên và nhà trường phải tiến hành đồng bộ những giải pháp cần thiết để rèn luyện lối sống đẹp, lành mạnh cho sinh viên.
Thứ nhất, thường xuyên chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch cho sinh viên.
Đây là giải pháp cơ bản nhằm xây dựng, hình thành nhân cách con người mới xã hội chủ nghĩa cho sinh viên, vì đạo đức là “gốc của người cách mạng”.
Trước hết cần quan tâm giáo dục những vấn đề cơ bản về chủ nghĩa Mác -Lênin, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, nhằm xây dựng cho sinh viên thế giới quan, phương pháp luận đúng đắn để giải quyết những vấn đề do thực tiễn đặt ra. Chú trọng giáo dục làm cho sinh viên nhận thức đúng các giá trị chân, thiện, mỹ, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Nhà trường, gia đình, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải thường xuyên quan tâm bồi dưỡng cho thanh niên những tình cảm cao đẹp
về tình yêu quê hương, đất nước: “mình vì mọi người, mọi người vì mình”,
“thương người như thể thương thân”, quên mình vì nghĩa lớn... Từ đó hình thành cho họ lối sống trong sạch, lành mạnh, những hành vi đạo đức trong sáng phù hợp với các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc và thời đại.
Để việc giáo dục bồi dưỡng có hiệu quả, cần tổ chức tốt các phong trào hành động cách mạng của sinh viên mà tiêu biểu là phong trào: “Thanh niên lập nghiệp và tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”, “Chiến dịch mùa hè xanh”…Bên cạnh đó, cần phải duy trì và mở rộng các hoạt động nêu gương, biểu dương các điển hình tiên tiến, phải thức tỉnh sinh viên bằng những tấm gương cụ thể trong cuộc sống để hướng các em đến những hành vi và cách sống tích cực.
Hai là, phải kết hợp chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và xã hội trong việc giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho sinh viên.
Đây là vấn đề có ý nghĩa quan trọng nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các tổ chức, các lực lượng cùng chăm lo giáo dục, rèn luyện đạo đức, lối sống cho thanh niên, hình thành phẩm chất cao đẹp của con người mới xã hội chủ nghĩa.
Trước hết gia đình là nơi lưu giữ các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc, là môi trường đầu tiên hình thành đạo đức cho sinh viên. Gia đình là nơi mà tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Do đó trong gia đình, ông bà, cha mẹ phải thật sự mẫu mực, làm gương về đạo đức, yêu thương, chăm lo bồi dưỡng thế hệ trẻ.
Hiện nay do sức ép về lao động, việc làm khiến cho không ít các bậc làm cha, làm mẹ mải miết mưu sinh hoặc chỉ lo làm giàu mà thiếu quan tâm việc giáo dục đạo đức cho con cái, hoặc khoán trắng cho nhà trường và xã hội. Nhiều khi con cái vi phạm đạo đức hoặc vi phạm pháp luật mà cha mẹ không hề hay biết, hoặc không biết cách ngăn chặn, phòng ngừa. Để giáo dục đạo đức cho sinh viên, mỗi gia đình cần giữ gìn đạo đức, nề nếp gia phong, phát huy các giá trị đạo đức truyền thống, làm cho các giá trị đó ngày càng toả sáng, góp phần bồi dưỡng tư tưởng tình cảm cao đẹp cho thế hệ con cháu.
Nhà trường không chỉ dạy chữ, dạy nghề mà còn là nơi dạy người. Giáo dục lý tưởng, đạo lý làm người là nội dung giáo dục hàng đầu trong nhà trường hiện nay và phải đặc biệt coi trọng. Một số nhà trường mới chỉ quan tâm trang bị kiến thức chuyên môn, tay nghề mà xem nhẹ hoặc thiếu quan tâm giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.
Sinh viên Đại học Sư phạm Hà Nội ngày nay đang sống trong thời kỳ bùng nổ thông tin, kinh tế tri thức phát triển mạnh mẽ, giao lưu quốc tế ngày càng mở rộng. Sinh viên lại là người đã có trình độ nhận thức nhất định vì vậy họ tiếp cận với những thông tin khoa học rất nhạy bén. Tuy vậy họ đã và đang chịu ảnh hưởng cả mặt tích cực và mặt tiêu cực từ môi trường kinh tế, xã hội.
Đòi hỏi các tổ chức, đoàn thể, các ban ngành trong nhà trường và xã hội cần quan tâm định hướng tạo môi trường thuận lợi để sinh viên phấn đấu, rèn luyện, trưởng thành. Cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể, và nhất là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động phong phú, đa dạng để thu hút, tập hợp sinh viên, rèn luyện sinh viên theo các chuẩn mực đạo đức cách mạng. Kịp thời biểu dương, nhân rộng cách làm hay và kiên quyết uốn nắn những thiếu sót, lệch lạc, những biểu hiện lệch chuẩn trong đạo đức, lối sống của sinh viên.
Ba là, phát huy vai trò tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của sinh viên.
Sinh viên là lớp người trẻ, khoẻ, có nhiệt tình cách mạng, nhạy cảm với cái mới, cái tiến bộ. Phát huy vai trò của sinh viên trong tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức lối sống là biện pháp quan trọng giúp họ nhanh chóng tiến bộ, trưởng thành. Đó còn là điều kiện quyết định kết quả rèn luyện của mỗi cá nhân. Trước hết phải hình thành cho sinh viên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, làm cho mỗi người có ý thức làm chủ, ham học hỏi, cầu tiến bộ, vươn lên tự khẳng định mình. Cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để sinh viên phấn đấu, rèn luyện; đồng thời phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đánh giá kết quả, định hướng phấn đấu cho sinh viên. Quan tâm đáp ứng những nhu cầu chính đáng của sinh viên về vật chất, tinh thần; giao nhiệm vụ phù hợp với sở trường, năng
khiếu đặc điểm tâm, sinh lý của họ sẽ tạo điều kiện tốt để sinh viên rèn luyện đạo đức, lối sống. Mỗi sinh viên phải xác định rõ trách nhiệm trước Tổ quốc và nhân dân, sống có lý tưởng, có hoài bão, khát khao vươn tới cái mới, cái tiến bộ.
Bản thân mỗi người tự giác rèn luyện, biết tự kiềm chế, biết vượt qua những cám dỗ và tiêu cực xã hội, những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, thực dụng, lợi mình hại người. Sinh viên cần phải tự tin vào chính mình, giữ vững niềm tin trong cuộc sống, vào các giá trị chân, thiện, mỹ; vượt qua mọi khó khăn gian khổ như Bác Hồ đã dạy: gian nan rèn luyện mới thành công.
Thứ tư, xây dựng môi trường, sân chơi lành mạnh cho sinh viên.
Với sinh viên, việc xây dựng môi trường xã hội, môi trường văn hóa giáo dục có một ý nghĩa thiết thực. Thông qua các hoạt động sinh hoạt câu lạc bộ dưới nhiều hình thức phong phú, đa dạng, hấp dẫn và đáp úng nhu cầu sở thích của sinh viên sẽ giúp các em hình thành kỹ năng sống và sự mạnh dạn hơn trong giao tiếp. Nên tập hợp, thu hút họ vào các hoạt động bổ ích, thiết thực như câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, nữ sinh thanh lịch, các hội thi khoa học trẻ, tìm hiểu về truyền thống dân tộc và các mạng, hoạt động văn hóa thể thao, mà nổi bật như: “Rung chuông vàng”, các hoạt động từ thiện... thông qua đây nhằm xã hội hóa giáo dục, cá thể hóa nhân cách lối sống của sinh viên.
Cần phải đổi mới cách tổ chức và phương thức tiến hành sao cho mọi hoạt động, mọi phong trào ngày càng thiết thực, gần gũi với cuộc sống của sinh viên:
trẻ trung , sinh động, học thức và văn hóa đúng hình ảnh thực thế giới tinh thần của tuổi trẻ.
Thực hiện tốt một số giải pháp xây dựng lối sống đạo đức cho sinh viên trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế thế giới là góp phần đào tạo, giáo dục thế hệ sinh viên vừa “hồng”, vừa “chuyên”, là những chủ nhân tương lai đưa nước nhà, những thầy cô giáo trẻ trong tương lai gần, vững bước tiến cùng các dân tộc tiên tiến, xứng đáng với mong ước của Bác Hồ kính yêu.
Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, sinh viên có nhiều cơ hội để thực hiện ước mơ, khát vọng của mình, đồng thời cũng đứng trước những thách thức mới. Xây dựng lối sống văn minh, hiện đại, thấm nhuần sâu
sắc đạo đức truyền thống dân tộc sẽ góp phần tạo nên bản lĩnh của sinh viên, giúp họ vượt qua những khó khăn, thực hiện lý tưởng cao đẹp của tuổi trẻ.
Sự nghiệp đổi mới còn nhiều khó khăn và thách thức ở trước mắt, mỗi sinh viên chúng ta hãy biết kế thừa những truyền thống hào hùng của lớp thanh niên đi trước và dân tộc, hãy vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” mà sinh viên tự rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, sống lành mạnh, trở thành những người có ích cho xã hội.
Cuối cùng tôi xin mượn lời của nhà sử học Mỹ, Bà I. StenSon để thay cho lời kết của mình: Một số đông người đã tha hóa chạy theo cuộc sống hưởng thụ vật chất, bất chấp cả nhân phẩm đạo đức, coi sự hưởng thụ là mục đích của cuộc sống thì nhân loại lại hướng về tấm gương sáng ngời nhân cách Hồ Chí Minh, một tấm gương cho mọi thế hệ tiếp nối.