2.3. Thảm thực vật rừng
2.3.2. Thảm thực vật thứ sinh
Những hoạt động của con người như canh tác nương rẫy, khai thác gỗ và lâm sản đã ảnh hưởng không nhỏ đến thảm thực vật nguyên sinh của rừng.
Một số nơi, thảm thực vật còn bị phá huỷ bởi chất độc hoá học trong chiến tranh. Sự mất đi của thảm thực vật nguyên sinh đã dẫn đến sự tái sinh của cây gỗ, cây bụi và cây cỏ, tạo nên các thảm thứ sinh. Tuỳ thuộc vào mức độ tác
động và thời gian phục hồi, thảm thực vật thứ sinh sẽ có nét đặc trưng khác nhau về diện mạo, cấu trúc, thành phần hệ thực vật. Tuy nhiên, tính đa dạng sinh học của thảm thứ sinh sẽ thấp hơn thảm nguyên sinh.
Rừng thứ sinh sau canh tác nương rẫy
Tại khu vực Bắc Hướng Hoá chủ yếu có dân tộc Vân Kiều sinh sống ở các khu vực thấp ven suối và canh tác nương rẫy không xa bản. Cây Ngô và Lúa đươc trồng chủ yếu, rừng thứ sinh sau canh tác nương rẫy không nhiều.
Những vùng sau canh tác được bỏ hoang từ 8-10 năm, rừng thứ sinh hình thành nhiều. Nét đặc trưng của rừng thứ sinh sau nương rẫy là hệ dây leo nói chung. Dây leo gỗ nói riêng rất ít. Tầng Cỏ quyết đơn điệu, nghèo nàn, độ phủ tầng này rất thấp. Tầng bì sinh (Phong lan, Dương xỉ sống bám) hầu như không có; có lẽ do độ ẩm thấp và chưa đủ thời gian cho những loài bì sinh, dưong xỉ hay Phong lan phát triển trở lại. Mặc dù có sự phân tầng nhưng tầng tán chưa thể hiện rõ rệt. Tầng 1 (Tầng ưu thế sinh thái), tầng này với các cây gỗ ưa sáng phát triển trở lại từ chồi hay hạt, cùng tuổi có chiều cao dao động từ 8-10 m, đường kính dao động từ 10-15 cm. Phổ biến ở tầng này là loài Bời lời (Litsea), Kháo (Machilus), Nang trứng (Lindera) thuộc họ Long não (Lauraceae), một số loài chi Ba soi (Macaranga spp.), chi Ba bét (Mallotus spp.), chi Sòi tía (Sapium spp.), chi Bi điền (Bridelia spp.), Vạng trứng (Endospermum sinensis) thuộc họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Một vài loài Trám (Canarium); Ba gạc lá xoan (Euolia melifolia), Bưởi bung (Acronychia pedunculata) thuộc họ Cam (Rutaceae), Ngát lông (Gironniera subaequalis), Hu đay (Trema orientalis), Sếu (Celtis sinensis) thuộc họ Du (Ulmaceae).
Một số loài họ Đậu (Fabaceae); họ Bồ hòn (Sapindaceae), họ Đào lộn hột (Anacardiaceae). Những khu vực ẩm là các loài thuộc chi Ficus. Tầng 2 (Tầng gỗ nhỏ cây bụi), có chiều cao 5-7 m. Thường gặp các loài thuộc họ Cà phê (Rubiaceae), chi Chè (Camellia), chi Súm (Eugenia) họ Chè (Theaceae). Một
số loài chi Cò ke (Grewia) họ Đay (Tilliaceae). Tầng 3 (tầng cây bụi dưới tán), tầng này không dày rậm, thường gặp một số loài thuộc họ Mua (Melastomataceae), họ Cà phê (Rubiaceae), chi Lồng đèn (Clerodendron) họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae); cây Lụi (Rapis excelsa) họ Cau (Arecaceae), có nơi có số lượng cá thể nhiều. Tầng 4 (Tầng cỏ quyết), trong tầng này của rừng thứ sinh gặp rất ít các loài dương xỉ. Phổ biến hơn là các loài họ Gừng (Zingiberaceae); Các loài Môn ráy, họ Ráy (Araceae). Những nơi có ánh sáng nhiều, gặp một số loài cỏ (họ Hoà thảo Poaceae). Nơi ẩm có thể có một số loài họ Cà phê (Rubiaceae), chi Cỏ vừng (Hedyotis); một số loài thuộc họ Ô rô (Acanthaceae), chi Staurogyne và chi Strobilanthes.
Trảng cây bụi, cỏ cao
Kiểu thảm này chiếm phần lớn diện tích của rừng, được đặc trưng bởi các loài cỏ cao thuộc họ Hoà thảo (Poaceae): Chè vè (Misclanthus floridulus), Chít (Thysanolaena maxima), Lách (Saccharum spontaneum), Cỏ tranh (Imperata cylindrica), Cỏ lau (Imperata conferta). Cấu trúc đơn điệu, những loài cỏ cao có chiều cao 1-2 m, độ phủ đạt 70-80%, rất ít những khoảng trống, rải rác có những cụm cây bụi, cây gỗ nhỏ, những loài ưa sáng cao 5-8 m.
Thành phần cây bụi có sự khác biệt ít nhiều phụ thuộc vào nguyên nhân làm mất rừng nguyên sinh và kiểu thảm nguyên sinh vốn có tại đó.
Ở những khu vực thấp dưới 600 m, đất sau nương rẫy bỏ hoang, trảng cây bụi cỏ cao là trạng thái bắt đầu của diễn thế thứ sinh. Cây bụi cỏ cao phát triển nhanh, ưu thế là những cây ưa sáng phát triển nhanh: Hu đay (Trema orientalis; Trema cannabina), Ba soi (Macaranga spp.), Ba bét (Mallotus spp.). Một số loài Bời lời, chi Bời lời (Litsea), Vối thuốc (Schima wallichii), Ba gạc lá xoan (Euodia melifolia), Bưởi bung (Acronychia pedunculata), Trám (Canarium spp.), Vạng trứng (Endospermum sinensis), một số loài họ Dẻ (Fagaceae) và do đất ẩm xốp, các loài cây như Chè vè (Misclanthus
floridulus), Chít (Thysanolaena maxima), Cỏ lau (Imperata conferta) phát triển mạnh tạo nên các bụi, cụm lớn phủ cao. Có nơi độ phủ cao đạt tới 70- 80%. Những diện tích rừng nguyên sinh bị rải chất độc hoá học trước đây và sau đó cháy đi cháy lại nhiều lần: ưu thế tuyệt đối thuộc những loài cỏ cao (Poaceae), Chè vè (Misclanthus floridulus), Chít (Thysanolaena maxima), Cỏ tranh (Imperata cylindrica), Lau (Imperata conferta) phát triển kém hơn, cằn cỗi, cao 1-1,5 m, rải rác có cây bụi gỗ nhỏ. Thường là những loài chịu khô, chịu cháy, sống trên đất thoái hoá nghèo mùn. Phổ biến là các loài họ Dẻ (Fagaceae), họ Óc chó (Juglandaceae), họ Chè (Theaceae), họ Trâm bùi (Aquifoliaceae), một số loài họ Long não (Lauraceae), họ Côm (Eleocarpaceae).
Trảng thứ sinh tre nứa (Trúc sặt) phân bố ở độ cao 600 m trở lên
Ở độ cao 700-1200 m, ưu thế thuộc về trảng thứ sinh Trúc sặt (Arundinaria peteloti). Cây cao từ 3-5 m có mật độ khá dầy, mọc tản (không hình thành bụi cụm) ưu thế tuyệt đối 60-70% độ phủ. Rải rác có cây gỗ thuộc họ Dẻ (Fagaceae), họ Chè (Theaceae), họ Bồ đề (Styraceae), họ Trâm bùi (Aquifoliaceae), họ Côm (Eleocarpaceae), một vài loài họ Ngọc lan (Magnoliaceae), họ Thích (Aceraceae). Tuy nhiên cây gỗ trong kiểu trảng này thưa thớt. Kiểu trảng thứ sinh này rất đặc trưng, thường phân bố ở độ cao từ 800-1500 m, gặp ở Ba vì, Tam Đảo, Phan Xi Păng. Có lẽ do một tác động nào đó (cháy rừng, chất độc hoá học) làm cho loài Trúc sặt (Arundinaria petelotii) - Một loaì thuộc họ Hoà thảo (Poaceae) ưa sáng thân ngầm lan nhanh, phát triển mạnh, ưu thế tuyệt đối nhờ sức cạnh tranh đã chiếm lĩnh nhanh chóng diện tích rừng nguyên sinh á nhiệt đới núi thấp bị mất. Cây gỗ, cây bụi thứ sinh phát triển chậm, sức cạnh tranh kém cũng bị loại, tạo nên kiểu trảng thứ sinh Trúc sặt gần như thuần loài, dầy đặc và ổn định.
Trảng cỏ cây bụi thấp
Trên những vùng đất bằng chân núi ở gần khu vực bản làng, đất canh tác nương rẫy diễn ra nhiều năm, đất bạc màu, tầng đất mỏng do bị xói mòn thì những loài cây bụi cỏ thấp phát triển trên nền đất thoái hoá nghèo dinh dưỡng. Khu vực này cũng chịu tác động mạnh mẽ của chăn thả gia súc. Mức độ tác động sẽ tạo ra sự khác nhau về ưu thế của cây bụi hay cây hoà thảo.
Những khu vực đất chưa bị thoái hoá nặng thành phần thực vật phong phú: thường gặp các loài cây bụi họ Cà phê (Rubiaceae), họ Ô rô (Acanthaceae), họ Cúc (Asteraceae), họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) và nhiều loài Mua (chi Melastoma, họ Mua – Melastomataceae). Một số loài cỏ cao thường gặp trong kiểu thảm này thuộc chi Cỏ đắng (Paspalum), cỏ Tranh (Imperata cylindrica), cỏ Sả (Cymbopogon spp.), cỏ Bông (Eragrostis spp.), cỏ Rác (Isachne spp.), cỏ Sâu róm (Sertaria spp.) cao tới 70-80 cm.
Ở những khu vực đất thoái hoá nặng, đất bị lèn chặt do gia súc giẫm đạp thường xuyên. Tầng cỏ thấp, chỉ cao 10-20 cm và có thể thấp hơn, thường gặp những loài cỏ thấp (chi cỏ Chỉ Digitaria spp.), cỏ Gà (Cynodon dactyla), cỏ May (Chrysopogon aciculatus), cỏ Đắng (Paspalum spp.). Cây bụi thấp:
họ Cỏ roi ngựa (Verbenaceae) – cây Đuôi chuột (Stachytarpheta jamaicensis), một hai loài Trinh nữ (Mimosa spp.), một vài loài họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae) chi Lindernia, thường gặp loài Cam thảo nam (Seoparia dulsis).
Những khu vực núi đất chua, cây bụi ưu thế là các loài Mua (Melastoma spp.) và cỏ thấp. Đơn điệu về cấu trúc, nghèo nàn về thành phần.
Một vài loài cỏ thấp thuộc chi cỏ Đắng (Paspalum spp.) hay thuần loại cỏ May (Chrysopogon aciculatus), cỏ Gà (Cynodon dactylon), cỏ Chỉ (Digitaria spp.)