Sơ lược quá trình phát triển của chế định chuyển quyền sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh

Một phần của tài liệu Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phát sóng trên truyền hình lý luận và thực tiễn (Trang 25 - 30)

CHƯƠNG 1: LÝ LUẬN VỀ CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG QUYỀN TÁC GIẢ ĐỐI VỚI TÁC PHẨM ĐIỆN ẢNH PHÁT SÓNG TRÊN TRUYỀN HÌNH

1.2. Khái quát về chuyển quyền sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phát sóng trên truyền hình

1.2.3. Sơ lược quá trình phát triển của chế định chuyển quyền sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh

Trên thế giới, quyền tác giả ra đời cùng với sự phát triển của kỹ thuật in ấn. Phát minh của Gutenberg (1450- 1455) đã đánh dấu sự ra đời của kỹ thuật in sử dụng những ký tự kim loại độc lập và có thể tháo rời. Sách bắt đầu được sản xuất hàng loạt với số lượng lớn và giá thành hạ. Do vậy, tác giả không thể kiểm soát, quản lý các bản sao của tác phẩm của mình có đến được đúng đối tượng đã trả tiền để sử dụng tác phẩm hay không. Tác động của máy in kèm theo sự ra đời của các học thuyết về các quyền mang tính sở hữu đối với lao động trí óc (hiện tượng sở hữu phi vật chất) – tài sản vô hình (intangible assets52) đòi hỏi quyền của tác giả với tác phẩm của mình phải được ghi nhận như một quyền năng pháp lý.

Anh là nước đầu tiên ban hành luật về quyền tác giả (Luật của nữ hoàng Anne năm 1790). Sự ra đời của luật này đã gây ra rất nhiều tranh cãi về việc thay đổi và thống nhất khái niệm tài sản đã có trước đó với khái niệm tài sản vô hình. Sự phản đối đối với tài sản vô hình xoay quanh nhiều vấn đề từ việc không thể gộp khái niệm tài sản hữu hình vào giới hạn định nghĩa cho đến việc chứng minh rằng những ý tưởng trí tuệ là có thể chiếm hữu – một yêu cầu cơ bản trong luật truyền thống về tài sản. Hệ thống pháp luật bản quyền của Anh cuối cùng đã dựa trên quan điểm:

đối với tài sản hữu hình thì “sức lao động” tích tụ là một đại lượng đếm được và với tài sản vô hình thì đây là dấu hiệu nhận dạng của chúng53. Luật của nữ hoàng Anne là luật quyền tác giả hiện đại đầu tiên, tuy nhiên phạm vi bảo hộ của luật này mới chỉ giới hạn trong các tác phẩm viết (chủ yếu là sách) chứ chưa bao gồm các hình thức khác của sản phẩm trí tuệ do con người sáng tạo ra.

Sau Anh, các quốc gia khác cũng ban hành luật Quyền tác giả: Mỹ (1790), Pháp (1791) và Đức. Có thể thấy quyền tác giả phát sinh ở các nước theo hệ thống thông

52 Gordon V. Smith, Russell L. Parr (2005), Intellectual property, validation, exploitation and infringement damages, John Wiley & Sons, United States of America, tr.3.

53 Graham Dutfield, Uma Suthersanen (2008), Global intellectual property law, Edward Elga Publishing, UK, tr.68.

luật (common law) rồi mới đến các nước theo hệ thống luật lục địa (civil law)54. Tuy nhiên cũng như luật Quyền tác giả của Anh, luật quyền tác giả của các quốc gia khác trong giai đoạn này cũng chỉ mới bảo hộ các tác phẩm viết chứ chưa đề cập đến các thể loại khác (luật Quyền tác giả của Hoa Kỳ năm 1790 bảo hộ quyền của tác giả, nhà xuất bản đối với tác phẩm sách và bản đồ)55.

Khác với các tác phẩm in ấn được ghi nhận như đối tượng được bảo hộ theo pháp luật SHTT từ lâu, các sản phẩm nghe nhìn (gồm tác phẩm điện ảnh và bản ghi âm thanh) chỉ mới được thừa nhận là tác phẩm bảo hộ bởi quyền tác giả từ nửa đầu thế kỷ XIX do sự xuất hiện muộn màng của các thể loại này – sản phẩm của việc áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật ở thế kỷ XIX – XX56 .

Theo công ước Berne năm 1886 (công ước duy nhất về quyền tác giả lúc bấy giờ), bản ghi âm thanh không phù hợp với các đối tượng trong phạm vi bảo hộ của công ước bởi lẽ các bản ghi cơ học không thể xem là tác phẩm. Luật năm 1936 của Áo đã giải quyết vấn đề pháp lý này bằng cách tách chế định quyền tác giả thành hai phần: quyền của tác giả (Urheberrecht) và quyền liên quan (Verwandte Schutzrechte) – quy định quyền của nhà sản xuất bản ghi âm và nhà phát sóng57.

Vấn đề tương tự cũng xảy ra với các sản phẩm điện ảnh – các tác phẩm tạo ra theo nguyên tắc điện ảnh (sản phẩm sáng tạo của tác giả) và để giải quyết vấn đề này, luật của Áo đã được thông qua tại nhiều nước châu Âu – nơi mà các đạo diễn phim được xem là những “tác giả sáng tạo” với đầy đủ các quyền tác giả được bảo hộ trong suốt cuộc đời và 70 năm sau khi mất, trong khi các nhà sản xuất phim chỉ được bảo hộ một số quyền nhất định nhằm bảo đảm việc thu lợi nhuận từ hoạt động đầu tư tài chính của họ trong việc sản xuất và phân phối sản phẩm phim. Một cách tiếp cận khác mang tính thực dụng hơn được thừa nhận ở các nước theo hệ thống thông luật, theo đó đạo diễn phim (người đóng góp sức sáng tạo cho sự ra đời của bộ phim) không được pháp luật bảo hộ về mặt pháp lý trong khi nhà sản xuất phim (người đầu tư về tài chính) được bảo hộ quyền tác giả đối với bộ phim với tư cách

54 Lê Nết, tlđd, tr.29.

55 Graham Dutfield, Uma Suther Sanen, tlđd, tr.68.

56 Cuốn phim ghi lại hình ảnh chuyển động lâu nhất còn được biết đến ngày nay là Roundhay Garden Sceneđược quay với tốc độ 12 khung hình trên giây tại Leeds, Anh năm 1888. Ngày khai sinh ra điện ảnh với tính chất là 1 môn nghệ thuật là ngày 28/12/1985 khi anh em Lumiere cho trình chiếu có bán vé một chuỗi các phim ngắn tại Salon Indien nằm dưới tầng hầm quán cà phê Grand Cafe ở Paris.

57 Graham Dutfield, Uma Suther Sanen, tlđd, tr.70.

là chủ sở hữu (duy nhất hay đồng sở hữu) của bộ phim trong suốt cuộc đời của họ và 70 năm sau khi chết 58.

Trải qua nhiều thế kỷ, cùng với sự phát triển rực rỡ của ngành công nghiệp điện ảnh – môn nghệ thuật thứ bảy, pháp luật SHTT của các quốc gia đã thừa nhận tác phẩm điện ảnh là một dạng tác phẩm được bảo hộ bởi quyền tác giả59. Nội dung này cũng được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền tác giả công ước Berne, công ước bảo hộ quyền tác giả toàn cầu.Về cơ bản, việc khai thác và sử dụng các tác phẩm này (chuyển quyền sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh) được thực hiện tương tự như khai thác các tác phẩm khác.

Ở Việt Nam, trước khi BLDS 1995 ra đời, các quy định về sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Báo chí năm 1989, Luật Xuất bản năm 1993, Bộ luật Hình sự năm 1985, Nghị định 142-HĐBT ngày 14 tháng 11 năm 1986 quy định về Quyền tác giả, Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả ngày 10 tháng 02 năm 1994. Các văn bản trên ra đời nhằm cụ thể hoá chủ trương của Đảng trong Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, ghi nhận tại điều 60 Hiến pháp nước Công hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992:

"Công dân có quyền nghiên cứu khoa học, kỹ thuật, phát minh, sáng chế,sáng kiến cải tiến kỹ thuật, hợp lý hoá sản xuất, sáng tác, phê bình văn học, nghệ thuật và tham gia các hoạt động văn hoá khác. Nhà nước bảo hộ quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp."

Các quy định về chuyển quyền sử dụng tác phẩm được ghi nhận tại chương III của Pháp lệnh Bảo hộ quyền tác giả. Trong Pháp lệnh này, “quyền tác giả” không được tiếp cận dưới góc độ là một loại tài sản, do vậy đối tượng của hợp đồng sử dụng là “tác phẩm” chứ không phải là “quyền tác giả”. Tuy vậy, Pháp lệnh vẫn sử dụng thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” thay vì “chủ sở hữu tác phẩm”.

Kể từ khi BLDS 1995 ra đời 60, vấn đề bảo hộ quyền SHTT ở Việt Nam đã có bước phát triển vượt bậc. Các quy định về sở hữu trí tuệ được tập trung trong BLDS 1995 (chương I phần thứ 6 từ điều 745 đến điều 779). Quy định về quyền tác giả trong BLDS 1995 đã kế thừa và phát triển các quy định của Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả, trong đó có các quy định về chuyển quyền sử dụng tác phẩm được ghi nhận

58 Graham Dutfield, Uma Suthersanen, tlđd, tr.73.

59 Khoản 1 Điều 2 Công ước Berne 1971, Điều 1 Công ước toàn cầu về quyền tác giả.

60 BLDS 1995 có hiệu lực thi hành vào ngày 01/7/1996.

tại điều 763 và Mục 3 Chương I phần thứ 6 Bộ luật (từ điều 767 đến điều 772). Tuy có sự kế thừa một số nội dung của Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả như về các quyền năng có thể chuyển giao, hình thức của hợp đồng, các nội dung cơ bản của hợp đồng song BLDS 1995 cũng có những thay đổi đáng kể như thay thuật ngữ “chủ sở hữu quyền tác giả” thành “chủ sở hữu tác phẩm” để phù hợp hơn với cách tiếp cận xem tác phẩm là đối tượng của hợp đồng. Bên cạnh đó, BLDS 1995 cũng bỏ quy định về quyền huỷ hợp đồng và yêu cầu bồi thường thiệt hại của chủ sở hữu quyền tác giả trong trường hợp hết thời hạn sử dụng tác phẩm mà bên sử dụng không công bố phổ biến tác phẩm61. Sự thay đổi này là hợp lý bởi lẽ bản chất của hợp đồng là sự thoả thuận của đôi bên, vì thế trừ những nội dung cơ bản nhất đòi hỏi pháp luật phải có sự can thiệp, các nội dung còn lại của hợp đồng nên do các bên tự quyết định trên cơ sở bình đẳng – tự nguyện.

Sau một thời gian thi hành BLDS 1995, việc bảo hộ quyền tác giả ở nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như bước đầu xây dựng được cơ sở pháp lý tập trung, thống nhất về quyền tác giả, tạo tiền đề cho Việt Nam mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế về lĩnh vực quyền tác giả (ngày 26 tháng 7 năm 2004 Việt Nam đã gia nhập công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học nghệ thuật, công ước Berne chính thức có hiệu lực ở Việt Nam ngày 26 tháng 10 năm 2004) .

Tháng 5 năm 2005, BLDS 1995 được sửa đổi bổ sung cơ bản (gọi tắt là BLDS 2005). BLDS 2005 thay thế BLDS 1995 từ ngày 01 tháng 01năm 2006. Trong BLDS 2005, các qui định về sở hữu trí tuệ đã được đơn giản và thu hẹp nhiều.

Chúng chỉ còn đóng vai trò hướng dẫn chung, cho thấy “quyền sở hữu trí tuệ về bản chất là một quyền dân sự, có những phương pháp điều chỉnh như phương pháp điều chỉnh của luật dân sự, song cũng có những tính chất riêng”62.

Xuất phát từ những tồn tại trong quá trình áp dụng các quy định về sở hữu trí tuệ trong BLDS cũng như tính chất phức tạp và đa dạng của các quan hệ sở hữu trí tuệ việc ban hành một luật riêng về sở hữu trí tuệ đã trở thành một nhu cầu bức thiết của xã hội đối với các nhà làm luật ở Việt Nam. Tại kỳ họp Quốc hội Khoá X, Kỳ họp thứ 10, vào ngày 29 tháng 11 năm 2005, Luật SHTT – Luật Số 50/2005/QH10 đã được Quốc hội ban hành với số phiếu gần như tuyệt đối (368/370), có hiệu lực từ

61 Điều 27 Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả số 38-L/CTN ngày 10 tháng 12 năm 1994: Khi thời hạn sử dụng tác phẩm chấm dứt, mà cá nhân hoặc tổ chức sử dụng tác phẩm không công bố, phổ biến tác phẩm thì tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả có quyền huỷ hợp đồng và yêu cầu cá nhân, tổ chức sử dụng tác phẩm bồi thường thiệt hại;

62 Lê Nết, tlđd, tr.40.

ngày 01 tháng 07 năm 2006. Như vậy Luật SHTT đã trở thành một ngành luật độc lập trong hệ thống pháp luật nước Việt Nam.

Trong Luật SHTT 2005, các quy định về vấn đề chuyển quyền sử dụng quyền tác giả được ghi nhận tại mục 2 chương IV phần thứ hai (điều 47 và 48). Vấn đề này cũng được quy định trong BLDS 1995 sửa đổi, bổ sung năm 2005 (điều 742 và 743 về chuyển giao quyền tác giả). Tháng 6 năm 2009, luật SHTT đầu tiên của nước ta được sửa đổi bổ sung một số nội dung63 trong đó có thời hạn bảo hộ tác phẩm điện ảnh. Sau khi Luật SHTT 2005 ra đời và được sửa đổi bổ sung năm 2009, nhiều văn bản đã được ban hành nhằm mục đích hướng dẫn thi hành có hiệu quả luật SHTT như:

Nghị định 105/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 9 năm 2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật SHTT.

Nghị định 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 sửa đổi Nghị đinh 105/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật SHTT.

Nghị định 100/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 9 năm 2006 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS và luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan.

Nghị định 85/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011 sửa đổi Nghị định 100/2006/NĐ-CP Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của BLDS và luật SHTT về quyền tác giả, quyền liên quan.

Nghị định 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và quyền tác giả nói riêng tiếp tục được ghi nhận tại Điều 62 Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013: “Nhà nước ưu tiên đầu tư và khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư nghiên cứu, phát triển, chuyển giao, ứng dụng có hiệu quả thành tựu khoa học và công nghệ; bảo đảm quyền nghiên cứu khoa học và công nghệ; bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ”.

Như vậy, có thể thấy so với các ngành luật khác thì pháp luật về SHTT vẫn còn khá mới mẻ và non trẻ trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Lịch sử phát triển của các quy định pháp luật về quyền tác giả nói chung và về chuyển quyền sử dụng quyền tác giả nói riêng ở Việt Nam ngắn hơn so với các quốc gia khác như Anh,

63 Luật số 36/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội sửa đổi bổ sung một số điều của luật SHTT có hiệu lực ngày 01 tháng 01 năm 2010.

Mỹ, Pháp…do những ảnh hưởng mang tính khách quan từ điều kiện kinh tế - xã hội ở nước ta. Tuy vậy, pháp luật Việt Nam về quyền SHTT mà cụ thể là quyền tác giả nhìn chung là tương đối đầy đủ và cũng đã đạt được những kết quả tích cực trong việc bảo hộ quyền tác giả, phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới.

Một phần của tài liệu Chuyển quyền sử dụng quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh phát sóng trên truyền hình lý luận và thực tiễn (Trang 25 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(84 trang)