Phân loại khía cạnh nạn nhân của tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản

Một phần của tài liệu Khía cạnh nạn nhân của tội cướp tài sản, cướp giật tài sản và vấn đề phòng ngừa tội phạm (Trang 20 - 23)

1.1 Khái niệm và phân loại khía cạnh nạn nhân của tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản

1.1.2 Phân loại khía cạnh nạn nhân của tội cướp tài sản và tội cướp giật tài sản

Khía cạnh nạn nhân của tội phạm nói chung, khái cạnh nạn nhân của tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản nói riêng là một khái niệm có nội dung nghiên cứu rộng. Vì vậy, để có thể hiểu chính xác về khái niệm này là việc không dễ dàng.

Xuất phát từ lý do trên, tác giả đã tiến hành phân loại khía cạnh nạn nhân của tội phạm cụ thể (tội cướp tài sản, cướp giật tài sản) nhằm mục đích cung cấp những nội dung cần thiết cho việc nghiên cứu nội dung khía cạnh nạn nhân của tội phạm cụ thể. Từ đó, góp phần định hướng cho công tác phòng ngừa tội phạm từ phía nạn nhân đạt hiệu quả.

- Căn cứ vào nội dung khía cạnh nạn nhân, chúng ta có thể chia khía cạnh nạn nhân thành 3 loại gồm: Hành vi của nạn nhân; Các đặc điểm nhân thân của nạn nhân và mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội.

Thứ nhất, về hành vi của nạn nhân của tội phạm. Trong cơ chế hành vi phạm tội cướp tài sản, cướp giật tài sản, hầu hết, nạn nhân đều có hành vi sơ hở, mất cảnh giác trong quá trình bảo quản tài sản của mình. Điển hình là trường hợp, nạn nhân vừa điều khiển xe vừa nghe điện thoại di động; để tiền ở những nơi dễ thấy như: baga xe máy, trong túi áo; một số người nhẹ dạ, cả tin, ăn uống những đồ có chứa thuốc mê của kẻ phạm tội; những tiệm vàng không trang bị lực lượng bảo vệ, camera, hệ thống chống trộm… Một số trường hợp nạn nhân có hành vi tiêu cực như: mua dâm, ngoại tình, đánh bạc, quan hệ với người đồng tính…

Thứ hai, đặc điểm nhân thân của nạn nhân. Qua nghiên cứu những nạn nhân của tội phạm cướp, cướp giật tài sản, chúng ta thấy rằng, những nạn nhân của tội phạm này, phần lớn là phụ nữ, trẻ em, người già, người bệnh tật hoặc những người

12

không có, hạn chế khả năng bảo vệ tài sản của bản thân nhưng lại có nhiều tài sản, những gia đình có điều kiện về kinh tế như kinh doanh vàng bạc, đá quý, buôn bán… cũng là mục tiêu bọn tội phạm này hướng tới. Những người làm việc trong hoàn cảnh thời gian, không gian khá đặc biệt (lúc đêm tối, ở những nơi vắng người qua lại, những nơi có tình hình trật tự xã hội phức tạp…) như tài xế taxi phục vụ khách 24/24 giờ, mọi lúc mọi nơi, người chạy xe ôm, học sinh đi làm thêm về khuya, công nhân làm ca đêm… rất dễ trở thành nạn nhân của tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản.

Thứ ba, mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội. Hầu hết giữa nạn nhân và người phạm tội trong cơ chế hành vi phạm tội cướp tài sản, cướp giật tài sản không có mối quan hệ quen biết từ trước. Đặc điểm này nhận thấy rõ nét trong đặc điểm khía cạnh nạn nhân của tội cướp giật tài sản vì loại tội phạm này thường xảy ra ở những nơi công cộng, nơi có nhiều thành phần xã hội.

- Căn cứ vào mức độ tác động của khía cạnh nạn nhân trong cơ chế hành vi phạm tội, chúng ta có thể chia khía cạnh nạn nhân của tội phạm thành: Khía cạnh nạn nhân tác động tích cực đến hành vi phạm tội và khía cạnh nạn nhân ảnh hưởng một cách thụ động đến hành vi phạm tội.

Khía cạnh nạn nhân tác động tích cực đến hành vi phạm tội gồm những hành vi mang tính chủ động của nạn nhân tác động ảnh hưởng trực tiếp, đóng vai trò là nguyên nhân của tội phạm. Nạn nhân của tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản thường có hành vi sơ hở, thiếu cảnh giác trong quá trình bảo quản tài sản, vận chuyển tài sản hay trong một số trường hợp nạn nhân có hành vi trái pháp luật, trái đạo đức như: mua dâm, ngọai tình… Những hành vi của nay nạn nhân tạo tình huống, hoàn cảnh thuận lợi cho người phạm tội hình thành động cơ phạm tội, lên kế hoạch và thực hiện tội phạm.

Bên cạnh những đặc điểm khía cạnh nạn nhân có tác động tích cực đến hành vi phạm tội còn có những đặc điểm khía cạnh nạn nhân ảnh hưởng một cách thụ động đến hành vi phạm tội có thể kể tới như: Đặc điểm về nhân thân nạn nhân: phụ nữ, trẻ em mang nhiều trang sức có giá trị, người già, người tàn tật, người hạn chế khả năng bảo vệ tài sản… hay mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội. Tuy những đặc điểm này không trực tiếp tạo ra nguyên nhân của tội phạm nhưng nó lại có vai trò lớn trong việc tạo ra điều kiện để tội phạm thực hiện trên thực tế.

13

- Căn cứ lỗi của nạn nhân, khía cạnh nạn nhân có thể chia thành: khía cạnh nạn nhân thể hiện lỗi của nạn nhân và khía cạnh nạn nhân không có lỗi của nạn nhân.

Thứ nhất, khía cạnh nạn nhân thể hiện lỗi của nạn nhân. Trong nội dung này, lỗi của nạn nhân được thể hiện ở hai phương diện: Nạn nhân có hành vi tiêu cực như: mua dâm, ngoại tình, đánh bạc, quan hệ đồng tính… dẫn đến việc họ trở thành nạn nhân của tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản. Trường hợp này, nạn nhân được coi là người có lỗi cố ý, lỗi nặng trong cơ chế hành vi phạm tội cụ thể.

Bên cạnh những hành vi tiêu cực, nạn nhân còn có hành vi cẩu thả, mất cảnh giác trong bảo vệ tài sản của bản thân như: vừa đi xe vừa sử dụng điện thoại di động, lấy tiền từ ngân hàng hay trạm ATM nhưng không cất cẩn thận mà bỏ ở túi áo, baga xe máy… Những hành vi này, tuy không mang tính trực tiếp biến họ trở thành nạn nhân của tội phạm nhưng cũng có tác động tiếp tay cho hành vi phạm tội. Trong trường hợp này, nạn nhân được coi là người có lỗi vô ý trong cơ chế hành vi phạm tội.

Thứ hai, khía cạnh nạn nhân được coi là không có lỗi của nạn nhân như đặc điểm nhân thân nạn nhân, mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội.

Việc phân loại khía cạnh nạn nhân của tội cướp tài sản, tội cướp giật tài sản giúp chúng ta nhận thức thật đầy đủ và khách quan về những đặc điểm tình huống, hoàn cảnh liên quan tới nạn nhân của tội phạm trong cơ chế hành vi phạm tội cụ thể. Cần phải hiểu rằng chỉ những yếu tố gắn với nạn nhân hoặc do nạn nhân tạo ra đóng vai trò là nguyên nhân hoặc tạo điều kiện phạm tội thì mới được coi là khía cạnh nạn nhân của tội phạm nói chung, của tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản nói riêng. Như vậy, không phải bất kỳ yếu tố nào gắn liền với chủ thể là cá nhân hay tổ chức chịu thiệt hại trực tiếp bởi hành vi phạm tội đều được coi là khía cạnh nạn nhân của tội phạm.

Như vậy, việc nghiên cứu nạn nhân của tội phạm có một vai trò quan trọng trong quá trình xác định phạm vi những cá nhân, tổ chức chịu tác động của hành vi phạm tội. Từ đó xác định chính xác tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, cũng như có những căn cứ để xây dựng các chính sách bồi thường và trợ giúp nạn nhân của tội phạm. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải có nhận thức đúng đắn rằng

14

không phải mọi tội phạm đều có nạn nhân (tội phạm buôn lậu, tội trốn thuế không xuất hiện nạn nhân của tội phạm) và có vai trò của nạn nhân (tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm chống loài người, tội phạm chiến tranh… không tồn tại vai trò tác động của nạn nhân). Trong quá trình giải quyết vụ án có nạn nhân cần xác định đúng đắn mức độ ảnh hưởng của nạn nhân trong cơ chế hành vi phạm tội (nạn nhân có ảnh hưởng mang tính chủ động hay chỉ mang tính thụ động đối với hành vi phạm tội). Qua đó, góp phần xây dựng chính sách hình sự phù hợp, xác lập các tình tiết định khung hình phạt, những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trong luật hình sự, và trong giải quyết vụ án hình sự góp phần tăng cường hiệu quả hoạt động đấu tranh chống và phòng ngừa tội phạm, đảm bảo giữ gìn vững chắc an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Một phần của tài liệu Khía cạnh nạn nhân của tội cướp tài sản, cướp giật tài sản và vấn đề phòng ngừa tội phạm (Trang 20 - 23)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(73 trang)