Ý nghĩa về mặt lý luận: Trong quá trình nghiên cứu về cơ chế hành vi của tội phạm nói chung, tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản nói riêng, bên cạnh việc tìm hiểu về tội phạm, người phạm tội, còn đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu những nguyên nhân và điều kiện khách quan từ phía nạn nhân của tội phạm. Việc nghiên cứu khía cạnh nạn nhân là vịêc làm quan trọng và cần thiết, có vai trò đặc biệt đối với những tội phạm có tồn tại nạn nhân như tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản. Muốn đánh giá chính xác mức độ phạm tội, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội của tội phạm cần tìm hiểu những đặc điểm, hành vi của nạn nhân có tác động như thế nào đến cơ chế hành vi phạm tội (tình huống do nạn nhân tạo ra là nguyên nhân hay chỉ có vai trò điều kiện dẫn tới hành vi phạm tội).
Ý nghĩa về mặt thực tiễn: Như đã phân tích, khía cạnh nạn nhân được hiểu là những nguyên nhân, điều kiện liên quan tới nạn nhân và có ảnh hưởng tới cơ chế hành vi phạm tội của tội phạm cụ thể. Vì vậy, việc nghiên cứu khía cạnh nạn nhân của tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản sẽ giúp cho việc tìm hiểu, đánh giá các nguyên nhân từ phía nạn nhân làm phát sinh hành vi phạm tội hoặc là những yếu tố kích thích làm hình thành các ý định phạm tội và thúc đẩy việc thực hiện hành vi phạm tội.
15
Tìm hiểu đặc trưng của các nhóm người có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng những định hướng cũng như các biện pháp ngăn ngừa những rủi ro, hạn chế các nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm, đảm bảo an toàn cho tính mạng, sức khỏe, tinh thần, tình cảm, tài sản cũng như các lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức trong xã hội.
Nghiên cứu khía cạnh nạn nhân, đề ra những biện pháp phòng ngừa tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản xuất phát từ phía nạn nhân một cách khả thi và hiệu quả, hạn chế tới mức thấp nhất sự có mặt của nạn nhân trong cơ chế hành vi phạm tội. Mặt khác, phòng ngừa tội phạm có hiệu quả phần nào giúp nhà nước tiết kiệm chi phí điều tra, xét xử, khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra cho nạn nhân, xã hội bớt nhiều gánh nặng, con người được sống trong môi trường an toàn hơn.
Ý nghĩa về mặt lập pháp hình sự và giải quyết vụ án hình sự: Nghiên cứu khía cạnh nạn nhân của tội cướp tài sản, cướp giật tài sản có vai trò quan trọng cho việc xây dựng và thực hiện tốt các chính sách hình sự, chính sách xã hội.
Trong luật hình sự, đặc điểm nhân thân và hành vi của nạn nhân có ý nghĩa là tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội. Phạm tội với phụ nữ có thai, trẻ em… là các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm h, khoản 1 điều 48 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
Thông qua việc nghiên cứu khía cạnh nạn nhân của tội phạm trong tội phạm học sẽ đem lại những hiểu biết đầy đủ hơn về tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm, người phạm tội và những nhân tố khác thuộc về nạn nhân chưa được quy định trong luật hình sự. Là cơ sở định hướng hoàn thiện pháp luật hình sự và thực tiễn áp dụng luật hình sự.
Trong lĩnh vực tố tụng, luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định cách thức, trình tự, thủ tục cũng như quy định quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia quá trình tố tụng nhằm phục vụ mục đích chung “xét xử đúng người, đúng tội và đúng pháp luật”. Nạn nhân của tội phạm tham gia tố tụng với tư cách là người bị hại hay nguyên đơn dân sự. Vì vậy, nghiên cứu nạn nhân trong tố tụng hình sự nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của nạn nhân được tôn trọng. Sự tham gia tích cực của nạn nhân góp phần giải quyết vụ án được nhanh chóng và chính xác bởi họ là người bị hành vi phạm tội trực tiếp xâm hại, thường biết rõ tình tiết của vụ án, liên quan tới người phạm tội. Bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của nạn nhân bằng việc quy
16
định về cơ chế bảo vệ nạn nhân, xây dựng quỹ bồi thường cho nạn nhân đảm bảo bồi thường thiệt hại, khắc phục những mất mát mà nạn nhân phải gánh chịu là những chính sách cần được hoàn thiện và bổ sung trong luật tố tụng hình sự nhằm nâng cao tinh thần tích cực tham gia tố tụng, tố giác tội phạm của nạn nhân, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác phòng ngừa tội phạm nói chung, tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản nói riêng.
Như vậy, thông qua việc phân tích khái niệm khía cạnh nạn nhân của tội phạm, kết hợp giữa phân biệt nạn nhân của tội phạm cướp tài sản, cướp giật tài sản với khía cạnh nạn nhân của tội phạm này cùng với việc so sánh khía cạnh nạn nhân của hai tội phạm này, chúng ta có thể thấy rõ ý nghĩa quan trọng của khía cạnh nạn nhân trong cơ chế hành vi phạm tội. Mặt khác, trên cơ sở phân loại khía cạnh nạn nhân của tội cướp tài sản, cướp giật tài sản giúp chúng ta nhận thức đúng đắn về vị trí, vai trò của từng yếu tố cấu thành nên khía cạnh nạn nhân của tội phạm. Từ đó, tạo tiền đề thuận lợi để đưa ra những biện pháp phòng ngừa tội phạm này một cách khả thi và đạt hiệu quả cao trên thực tế.
Chương 2