Chương 3. CĂN CỨ TỈNH ỦY CẦN THƠ TRONG GIAI ĐOẠN
3.1. Hoạt động xây dựng căn cứ
3.1.3. Về văn hóa – xã hội
Về giáo dục, từ năm 1965, Tỉnh ủy Cần Thơ đã cho xây dựng trường trung học nội trú Tây Đô, trường đóng trong vùng giải phóng thuộc địa bàn xã Vĩnh Viễn huyện Long Mỹ. Trường đã thu nhận con em của các cán bộ, thương binh, liệt sĩ vào học. Trường Tây Đô có nhiệm vụ đào tạo và cung cấp những học sinh có trình độ và văn hóa cho các cơ quan, ban, ngành, đơn vị địa phương trong tỉnh. Sau khi học xong hết chương trình lớp 7 (hết cấp 2 phổ thông) hầu hết học sinh làm đơn nhập ngũ, nhiều học sinh của trường đã trưởng thành nhanh chóng và sớm trở thành những cán bộ chỉ huy trong quân đội; bên cạnh đó công tác giáo dục xóa mù chữ cũng được chú trọng, phong trào Bình dân học vụ và Bổ túc văn hóa có bước phát triển mới. Ngành giáo dục Cần Thơ đã tiến hành song song hai nhiệm vụ: một là xóa mù chữ - chống tái mù, hai là bổ túc văn hóa. Đến cuối năm 1965, Tỉnh ủy Cần Thơ đã đào tạo được 1.221 hướng dẫn viên (báo cáo viên) 1.040 người thoát nạn mù chữ. Mở được 19 lớp bổ túc văn hóa công nông cho 420 cán bộ đảng viên và giáo viên. Mở 12 lớp đào tạo giáo viên có 320 người dự. Đặc biệt, nhân dân xã Xà Phiên (Long Mỹ) căn bản đã xóa nạn mù chữ. Bước sang năm 1966, địch chia cắt chiến trường Cần Thơ ra từng vùng để đánh phá và bình định. Tuy nhiên, phong trào học tập văn hóa vẫn diễn ra sôi nổi, phát triển rộng khắp trong vùng căn cứ. Tỉnh đã khai giảng được 44 điểm trường, mở 9 lớp bổ túc văn hóa, 33 lớp bình dân học vụ với 2.208 học viên. Có 10 ấp được công nhận thoát dốt. Đặc biệt xã Xà Phiên huyện Long Mỹ là lá cờ đầu trong toàn tỉnh về phong trào giáo dục. Cuối năm 1966, trường phổ thông cấp II Tây Đô tổ chức bế giảng khóa I, khai giảng khóa II. Trong năm 1967, mặc dù phải gấp rút chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, Tỉnh ủy Cần Thơ vẫn mở lớp khai giảng 102 điểm trường, thu hút 5.416 học sinh đến học, đồng thời mở 20 lớp bình dân học vụ cho trên 1.000 người theo
học, những thay đổi ở vùng nông thôn giải phóng đã tạo ra một không khí phấn khởi tin tưởng, thúc đẩy thi đua giữa tiền phương và hậu phương. Đây là điều kiện quan trọng cho quân dân Cần Thơ tiến hành cuộc tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968. Trong giai đoạn từ 1969 – 1972, trước tình hình địch bắn phá ngày càng dữ dội Tỉnh ủy Cần Thơ chủ trương “Bám đất – bám dân – bám trụ”, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, giáo viên trong vùng giải phóng quyết giữ căn cứ lõm, bám dân, bám trụ vì thế nhiều trường ở vùng giải phóng đã đạt kết quả cao trong công tác giáo dục như các xã Phương Bình, Hòa Mỹ, Hiệp Hưng, Tân Phước của huyện Phụng Hiệp, xã Xà Phiên, Vĩnh Viễn, và Hỏa Lựu của huyện Long Mỹ. Từ năm 1972, để chuẩn bị cho hoạt động sau Hiệp định Paris, đồng thời thực hiện Chỉ thị của Trung ương Cục và Khu ủy Khu 9 vào những tháng cuối năm, Tỉnh ủy mở đợt học tập giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng cho toàn Đảng bộ và quân dân trong tỉnh. Tỉnh ủy cũng tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy. Nghị quyết có tác dụng thúc đẩy phong trào giáo dục, văn hóa, văn nghệ trong phát triển. Thông qua việc thực hiện Nghị quyết Tỉnh ủy về giáo dục. Trường cấp 2 Tây Đô, trường Nguyễn Việt Hồng, trường Sư Phạm (xã Vĩnh Viễn) đã vượt qua hoàn cảnh khó khăn và tồn tại cho đến ngày 30 – 04 – 1975.
Trên lĩnh vực báo chí, sau Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, báo Giải Phóng Cần Thơ đổi tên thành Cần Thơ Quyết Thắng đến 1972 đổi tên thành báo Cần Thơ. Nhà in chữ chì của tỉnh có tên là Nhà in Giải Phóng trực thuộc Ban Tuyên huấn tỉnh Cần Thơ. Báo vẫn xuất bản mỗi tháng 2 kỳ, có bốn trang in chữ chì, mỗi kỳ phát hành 3.000 số, vào những ngày kỷ niệm lớn của đất nước, báo Cần Thơ ra số đặc biệt, in hai màu, đến tết có báo xuân in 12 trang, bìa in tranh xuân 3 màu, báo chí Cần Thơ trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước ngoài việc phát hành rộng rãi trong vùng giải phóng còn bí mật đến với học sinh, sinh viên, công chức và nhân dân lao động trong vùng địch tạm chiếm,
góp phần động viên quân và dân tỉnh nhà vượt qua khó khăn gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giành thắng lợi hoàn toàn.
Trong vùng căn cứ, các tổ chức: Nông hội, Thanh niên, Phụ nữ, dân quân tự vệ, du kích các xã - ấp tiếp tục được củng cố và phát triển chỉ tính riêng năm 1966, ta đã phát triển 589 đảng viên, 2.288 hội viên nông hội, thành lập thêm 5 chi đoàn mới và bốn Ban chấp hành Nông hội xã; 1.618 hội viên phụ nữ giải phóng, phát triển 1.518 du kích, 1.678 dân quân tự vệ, ba trung đội địa phương quân huyện. Ngoài ra phong trào văn hóa – văn nghệ quần chúng phát triển, các đoàn văn công, ca vũ ở các xã trong vùng giải phóng đã khắc phục mọi khó khăn để hoạt động: tổ chức hội diễn mùa xuân và biểu diễn văn nghệ phục vụ quần chúng. Đoàn văn công và đội điện ảnh của tỉnh liên tục phục vụ quần chúng ở vùng giải phóng và vùng ven. Đặc biệt từ khi vào Đông – Xuân các đội văn công xung kích được thành lập. Các đội văn công này được phân công đi phục vụ những vùng hướng tấn công của tỉnh, thu hút được nhiều người xem, có cả đồng bào trong thị xã, thị trấn, các gia đình binh sĩ, nhân viên ngụy quyền xem gây ảnh hưởng tốt. Phong trào và sinh khí học tập văn hóa sôi nổi, phát triển rộng khắp.
Trong lĩnh vực y tế, để chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là sau lũ lụt, Ban dân y tỉnh khắc phục mọi khó khăn xây dựng và khôi phục lại các nhà bảo sanh, trạm y tế, đưa cán bộ y tế đến phục vụ điều trị bệnh, đỡ đẻ cho hàng trăm lượt quần chúng. Mở 3 lớp đào tạo, với 165 y tá, 2 lớp hộ sinh có 39 học viên, 114 cô đỡ, 162 cứu thương và 294 vệ sinh viên. Đầu năm 1967, cán bộ y tế, các đoàn văn công, đội chiếu phim của tỉnh phối hợp với các huyện, tiểu đoàn Tây Đô, địa phương quân huyện Châu Thành A phục vụ đồng bào từ mùng 1 đến mùng 5 tết ở tuyến lộ Vòng Cung, các xã bắc Ô Môn, một phần Thốt Nốt…với 98.130 lượt quần chúng và khám chửa bệnh cho hàng ngàn lượt quần chúng. Ngoài ra ta còn trao báo Xuân, thiệp chúc Tết, ảnh Hồ Chủ tịch, ảnh Võ Thị Sáu, ảnh Nguyễn Văn Trỗi cho đồng bào thị xã, thị trấn.
Như vậy, từ năm 1965, đế quốc Mỹ nhảy vào nước ta tiến hành chiến tranh xâm lược trực tiếp miền Nam Việt Nam với những âm mưu mới, những thủ đoạn đánh phá tàn bạo hơn cộng thêm tiềm lực quân sự hùng hậu của Mỹ nhưng vẫn không đè bẹp được ý chí của quân và dân Cần Thơ. Thông qua các hoạt động xây dựng căn cứ của Tỉnh ủy Cần Thơ ta có thể thấy rằng, Tỉnh ủy Cần Thơ vẫn đứng vững và phát triển về mọi mặt về chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội góp phần tạo thêm thế và lực mới để tiến hành cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Sau tổng tiến công và nổi dậy tết Mậu Thân 1968, từ năm 1969 – 1970, Tỉnh ủy Cần Thơ đã phát triển thêm 1.000 đảng viên, 1.100 đoàn viên, trên 9.000 hội viên đoàn thể, 2.000 du kích vận động trên 460 tân binh. Bầu cử dân chủ 7 Huyện ủy, 25 chi ủy xã, 57 chi ủy ấp bổ sung trên 100 chi ủy viên. Trường Đảng tỉnh đã mở 10 lớp bồi dưỡng cho 132 cán bộ cơ sở, 3 lớp bồi dưỡng cho 35 chi ủy viên. Tỉnh đội mở 2 lớp tập huấn cho 30 cán bộ xã đội, 13 cán bộ đại đội, trung đội huấn luyện đặc công cho cho du kích xã cho vùng căn cứ. Trong vùng căn cứ, tuy dân bị tát, bị gom, nhưng từng lúc ta vẫn duy trì được sinh hoạt chính trị: như họp nhóm, mít tinh… các đoàn văn công, điện ảnh, xung kích hoạt động liên tục phụ vụ cho du kích và quần chúng bám trụ. Đặc biệt trường văn hóa cấp I của tỉnh vẫn duy trì trong suốt những năm khó khăn, ác liệt.
Từ ngày 09 và 10 – 03 – 1973, trong Hội nghị bàn về nhiệm vụ của cách mạng miền Nam trong việc thi hành Hiệp định Paris của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã chỉ ra rằng: tình hình miền Nam chưa ổn định và diễn biến phức tạp. Cuộc chiến tranh giữa chính quyền cách mạng và quân đội Sài Gòn không còn quyết liệt như trước đây nhưng cũng chưa có hòa bình mặc dù Hiệp định đã được ký kết, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa phá hoại Hiệp định rất nghiêm trọng và có hệ thống, còn ta đấu tranh buộc địch phải thi hành Hiệp định, trước mắt đòi ngừng bắn đẩy lùi địch từng bước, tiến tới ổn định tình hình.
Phải tích cực xây dựng, củng cố thật vững mạnh vùng giải phóng và căn cứ địa
cách mạng nhất là lực lượng quân sự. Tuy nhiên, Hội nghị nhấn mạnh: “ở vùng giải phóng phải tập trung lực lượng, củng cố quốc phòng, kinh tế, văn hóa, xã hội… để tạo thế và lực vững mạnh có đủ sức phối hợp với phong trào đô thị và vùng yếu, để đánh sập cơ sở của địch ở tận sào huyệt” [48, tr.1194]. Thực hiện chủ trương trên, Tỉnh ủy Cần Thơ đã đẩy mạnh phát triển vùng giải phóng trên các lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục. Tính đến quý 3 – 1973, toàn tỉnh đã có 3.661 đảng viên, có 03 chi bộ xã ly hương: 1.841 đoàn viên, 14.733 đoàn thể hội viên các đoàn thể (nông, thanh, phụ); có 775 du kích xã, 1.440 du kích ấp, 349 địa phương quân huyện. Trong vùng căn cứ, trường Đảng tỉnh mở lớp bồi dưỡng cho 68 học viên, trong đó có một lớp bồi dưỡng về công tác xây dựng chi bộ vững mạnh và một lớp chuyên về sản xuất cho cán bộ đi chỉ đạo cơ sở, các trường học văn hóa, nhà bảo sanh từng bước được phục hồi. Báo chí, tập san văn nghệ, tin tức, thông tấn với tư cách là một thứ vũ khí sắc bén của trận địa chính trị - tư tưởng đã vượt qua mọi khó khăn, góp phần động viên tinh thần chiến đấu và sản xuất của quân và dân Cần Thơ. Bước sang năm 1974, cùng với việc đẩy mạnh tiến công địch trên chiến trường, công tác xây dựng vùng giải phóng, vùng căn cứ của ta cũng phát triển mạnh mẽ. Các cấp ủy Đảng quan tâm chăm lo đời sống nhân dân như: mở thêm trạm y tế, nhà bảo sanh, sản xuất thuốc trị bệnh cho nhân dân. Về giáo dục, mỗi xã có một trường tiểu học, bên cạnh đó phong trào văn hóa – văn nghệ, thông tin báo chí cũng hoạt động tốt, báo Cần Thơ, tập san Văn nghệ Cần Thơ phát hành rộng rãi trong vùng giải phóng; Đoàn Văn công Cần Thơ phục vụ đông đảo chiến sĩ và bà con trong vùng giải phóng, các đội văn nghệ xã, ấp cũng được xây dựng lại phục vụ quần chúng thường xuyên.
Như vậy sau trận Mậu Thân năm 1968, Tỉnh ủy Cần Thơ đã từng bước khắc phục khó khăn, xây dựng căn cứ Tỉnh ủy vững mạnh trên tất cả các lĩnh vực chính trị, văn hóa, xã hội tạo những điều kiện thuận lợi mới tiến tới giải phóng hoàn toàn tỉnh nhà ngày 30 – 04 – 1975.