Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm trong tố tụng dân sự của nước Cộng hòa Liên bang Đức

Một phần của tài liệu Hoạt động thu thập chứng cứ của tòa án sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án dân sự (Trang 28 - 31)

1.3. Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm trong giải quyết vụ án dân sự theo pháp luật tố tụng dân sự của một số nước

1.3.3. Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm trong tố tụng dân sự của nước Cộng hòa Liên bang Đức

Trong tố tụng dân sự của nước Cộng hòa Liên bang Đức, việc thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm cũng chỉ được tiến hành trong một số trường hợp hạn chế. Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Liên bang Đức qui định “Việc thu thập chứng cứ được thực hiện trước Tòa án xét xử. Chỉ trong các trường hợp cụ thể mà luật này qui định việc thu thập chứng cứ mới được giao cho một thành viên của Tòa xét xử hoặc một Tòa khác thực hiện51”. Về hình thức, “nếu việc thu thập chứng cứ cần có một thủ tục đặc biệt, thì sẽ có một quyết định về chứng cứ52”. Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Liên bang Đức qui định “Tòa án có thể ra một quyết định về chứng cứ trước thủ tục tranh tụng miệng”53, quyết định này có thể được thực hiện trước khi có thủ tục tranh tụng miệng nếu trong đó qui định: (1)Thu thập chứng cứ được thực hiện trước Thẩm phán theo ủy quyền hoặc Thẩm phán theo yêu cầu (Thẩm phán điều tra); (2)Yêu cầu cơ quan chức năng Nhà nước cung cấp thông tin; (3) Yêu cầu có văn bản trả lời câu hỏi về chứng cứ; (4) Trưng cầu kết quả giám định của giám định viên; (5) Xem xét tận nơi54. Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm Cộng hòa Liên bang Đức được giao cho một Thẩm phán của Tòa án xét xử (Thẩm phán được ủy quyền) hoặc Thẩm phán của Tòa án khác (Thẩm phán theo yêu cầu) thực hiện.

Thẩm phán được ủy quyền thu thập chứng cứ trong trường hợp như sau: (1) Nếu việc thu thập chứng cứ sẽ do một thành viên của Tòa án xét xử thực hiện, thì Thẩm phán chủ tọa công bố quyết định về chứng cứ sẽ xác định luôn Thẩm phán được ủy quyền và thời gian thu thập chứng cứ; (2) Nếu không có qui định về thời gian, thì thời gian sẽ do Thẩm phán được ủy quyền qui định; nếu Thẩm phán này bị cản trở không thực hiện được công việc được giao, thì Thẩm phán chủ tọa sẽ chỉ định một Thẩm phán thành viên khác của Tòa thực hiện thu thập chứng cứ55. Đối với Thẩm phán theo yêu cầu, hoạt động thu thập chứng cứ được thực hiện như sau:(1) Nếu việc thu thập chứng cứ sẽ do một thành viên của Tòa khác thực hiện, thì Thẩm phán chủ tọa sẽ ra văn bản yêu cầu Thẩm phán này thực hiện thu thập chứng cứ;(2)Thẩm phán được yêu cầu chuyển bản gốc kết quả thu thập chứng cứ đã thực

51 Điều 355 BLTTDS Cộng hòa Liên bang Đức.

52 Điều 358 BLTTDS Cộng hòa Liên bang Đức.

53 Điều 358 BLTTDS Cộng hòa Liên bang Đức.

54 Điều 358a BLTTDS Cộng hòa Liên bang Đức.

55 Điều 361 BLTTDS Cộng hòa Liên bang Đức.

hiện cho bộ phận hồ sơ của Tòa án; bộ phận hồ sơ thông báo cho các đương sự khi nhận được kết quả này56.

Bộ luật Tố tụng dân sự Cộng hòa Liên bang Đức cũng qui định Thẩm phán được ủy quyền hoặc Thẩm phán theo yêu cầu có thể chuyển việc thu thập chứng cứ:

“Sau khi có căn cứ cho thấy có những việc thu thập chứng cứ do một tòa khác thực hiện thì phù hợp, Thẩm phán được ủy quyền hoặc Thẩm phán theo yêu cầu có quyền yêu cầu này tòa này thu thập chứng cứ57”.

Như vậy, hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm Cộng hòa Liên bang Đức cũng được thực hiện trong một số trường hợp cần thiết. Việc thực hiện các hoạt động thu thập chứng cứ này do Thẩm phán thực hiện, tuy nhiên hoạt động thu thập chứng cứ có phân biệt do Thẩm phán được ủy quyền hoặc Thẩm phán theo yêu cầu tiến hành thực hiện.

56 Điều 362 BLTTDS Cộng hòa Liên bang Đức.

57 Điều 365 BLTTDS Cộng hòa Liên bang Đức.

Kết luận chương 1

Hoạt động thu thập chứng cứ do Tòa án sơ thẩm thực hiện trong giải quyết vụ án dân sự là hoạt động tố tụng dân sự, trong đó Tòa án sơ thẩm tiến hành xác minh, phát hiện, thu nhận, tập hợp các thông tin, tình tiết, sự kiện để làm căn cứ cho việc giải quyết vụ việc dân sự trong những trường hợp do pháp luật qui định. Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam có vai trò quan trọng trong việc giải quyết vụ án dân sự. Từ những hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án, sẽ góp phần bảo đảm đầy đủ chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án.

Hoạt động thu thập chứng cứ do Tòa án sơ thẩm thực hiện trong giải quyết vụ án dân sự là hoạt động thu thập chứng cứ đầu tiên của quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án nhằm hoàn tất hồ sơ vụ án; hoạt động này được thực hiện từ khi nhận được đơn khởi kiện đến khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm; được giới hạn trong phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập của các đương sự và bao gồm hoạt động tiếp nhận chứng cứ do các đương sự cung cấp và hoạt động thu thập chứng cứ do Tòa án thực hiện các biện pháp theo qui định của pháp luật tố tụng dân sự.

Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam ở những thời kỳ đầu lập pháp chưa được qui định rõ nét, nhưng ngày càng được các Nhà lập pháp Việt Nam quan tâm. Trong tiến trình Cải cách tư pháp hiện nay, pháp luật về hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm càng được nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện. Không riêng ở Việt Nam, ngày nay, hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm cũng không ngừng được hoàn thiện trong pháp luật tố tụng dân sự của các nước trên thế giới.

Để bảo đảm nguồn chứng cứ đầy đủ, giúp cho việc giải quyết vụ án dân sự được khách quan, chính xác, toàn diện thì hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm phải được Tòa án các cấp nhận thức, quán triệt thực hiện một cách đầy đủ, có tinh thần trách nhiệm cao trên cơ sở những qui định của pháp luật hoàn thiện của pháp luật.

Một phần của tài liệu Hoạt động thu thập chứng cứ của tòa án sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án dân sự (Trang 28 - 31)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(94 trang)