CHƯƠNG 2. HOẠT ĐỘNG THU THẬP CHỨNG CỨ CỦA TÒA ÁN SƠ THẨM
2.1. Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án sơ thẩm trong giải quyết vụ án dân sự theo pháp luật Việt Nam hiện hành
2.1.2. Hoạt động thu thập chứng cứ do Tòa án thực hiện trong quá trình diễn ra phiên tòa sơ thẩm
Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại cấp sơ thẩm không chỉ được tiến hành trong giai đoạn chuẩn bị xét xử mà còn được tiến hành trong quá trình diễn ra phiên tòa sơ thẩm. Do pháp luật tố tụng dân sự hiện hành không giới hạn thời hạn cung cấp chứng cứ của đương sự, cho nên đương sự có thể cung cấp chứng cứ và Tòa án thu thập chứng cứ trong bất kỳ thời
145 Theo qui định tại Điều 187 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
điểm nào, kể cả tại phiên tòa sơ thẩm. Đối với những vụ án mà Tòa án phải mở phiên tòa để giải quyết thì tại phiên tòa, “Tòa án phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự và những người tham gia tố tụng khác; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án, trong trường hợp có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa”146.
Theo qui định của pháp luật tố tụng dân sự thì lời khai của đương sự, lời khai của người làm chứng cũng được coi là chứng cứ khi được khai bằng lời tại phiên tòa”147. Tại phiên tòa, Tòa án thu thập chứng cứ thông qua việc nghe lời trình bày của đương sự. Việc trình bày của đương sự cho Tòa án nghe phải bảo đảm theo đúng trình tự như sau: Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày yêu cầu của nguyên đơn và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp. Sau khi người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trình bày, nguyên đơn có quyền trình bày ý kiến bổ sung. Trong trường hợp vụ án do cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày về yêu cầu khởi kiện và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ và hợp pháp. Sau nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu phản tố, đề nghị của bị đơn và chứng cứ để chứng minh cho đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Bị đơn cũng có quyền bổ sung ý kiến cần thiết sau khi người đại diện của mình trình bày xong. Sau nguyên đơn, bị đơn thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày ý kiến của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đối với yêu cầu, đề nghị của nguyên đơn, bị đơn, yêu cầu độc lập, đề nghị của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và chứng cứ để chứng minh cho đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền bổ sung ý kiến khi xét thấy cần thiết.Trong trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình thì họ tự trình bày về yêu cầu, đề nghị của mình và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ và hợp pháp. Ngoài việc trình bày lời khai trực tiếp thì tại phiên tòa đương sự, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự cũng có quyền bổ sung chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị của mình148. Ngoài
146 Khoản 1 Điều 197 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
147 Khoản 4 Điều 83 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
148 Theo các qui định tại Điều 221 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
nghe lời trình bày trực tiếp của đương sự, tại phiên tòa, Tòa án có có thể nghe băng ghi âm, đĩa ghi âm, xem băng ghi hình, đĩa ghi hình tại phiên tòa, trừ trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu của đương sự149.
Sau khi nghe lời trình bày của đương sự, Tòa án còn tiến hành hỏi từng người về từng vấn đề của vụ án. Trình tự hỏi của Tòa án bắt đầu từ việc hỏi nguyên đơn, hỏi bị đơn, hỏi người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và hỏi người làm chứng. Đối với nguyên đơn, Tòa án chỉ hỏi những vấn đề mà nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau hoặc mâu thuẫn với những lời khai của họ trước đó, mâu thuẫn với lời trình bày của bị đơn, của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của những người này. Để trả lời cho Tòa án, nguyên đơn có thể tự trình bày hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn trình bày thay, sau đó nguyên đơn có quyền trình bày bổ sung khi thấy cần thiết150. Đối với việc hỏi bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Tòa án cũng tiến hành tương tự như với nguyên đơn, chỉ hỏi về những vấn đề còn chưa rõ, có mâu thuẫn với nhau. Bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có thể tự mình trả lời hoặc nhờ người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình trả lời thay, sau đó họ được bổ sung khi xét thấy cần thiết151.
Đối với người làm chứng, trước khi hỏi người làm chứng, Chủ tọa phiên tòa phải xác định rõ quan hệ giữa họ với các đương sự trong vụ án; với người làm chứng là người chưa thành niên, việc hỏi phải có sự hiện diện của người giám hộ và có thể hỏi thông qua người giám hộ của họ. Trước khi hỏi người làm chứng, Tòa án phải được nghe người làm chứng trình bày về những tình tiết của vụ án mà họ biết, sau đó Tòa án chỉ hỏi bổ sung những điểm chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc có mâu thuẫn với nhau. Trong trường hợp cần thiết, Tòa án phải bảo đảm an toàn cho ngườilàm chứng và những người thân thích của họ. Hội đồng xét xử có thể không tiết lộ những thông tin về nhân thân người làm chứng và cách ly người làm chứng, không để những người trong phiên tòa nhìn thấy họ152.
Việc thu thập chứng cứ tại phiên tòa bằng việc hỏi, Tòa án cũng có thể hỏi thêm người giám định khi xét thấy cần thiết. Để hỏi người giám định, Chủ tọa phiên tòa phải yêu cầu người giám định trình bày kết luận của mình về vấn đề được
149 Theo qui định tại Điều 227 và 228 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
150 Theo qui định tại Điều 223 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
151 Theo qui định tại Điều 224, 225 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
152 Theo qui định tại Điều 226 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
giao giám định. Khi trình bày, người giám định có quyền giải thích bổ sung về kết luận giám định, các căn cứ để đưa ra kết luận giám định. Trong trường hợp người giám định không có mặt tại phiên tòa thì chủ tọa phiên tòa công bố kết luận giám định. Ngoài chủ tọa, Kiểm sát viên, những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa có quyền hỏi người giám định về những vấn đề còn chưa rõ hoặc có mâu thẫn trong kết luận giám định, có quyền nhận xét về kết luận giám định, có quyền yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại. Nếu xét thấy việc giám định bổ sung, giám định lại là có cơ sở và cần thiết cho việc giải quyết vụ án thì Hội đồng xét xử quyết định yêu cầu giám định bổ sung, giám định lại; trong trường hợp này thì Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa153.
Để thu thập chứng cứ tại phiên tòa, Tòa án còn có thể công bố các tài liệu của vụ án. Việc công bố tài liệu của vụ án chỉ được tiến hành trong các trường hợp người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên tòa mà trong giai đoạn chuẩn bị xét xử đã có lời khai; những lời khai của người tham gia tố tụng tại phiên tòa mâu thuẫn với những lời khai trước đó và trong các trường hợp khác mà Hội đồng xét xử thấy cần thiết hoặc có yêu cầu của Kiểm sát viên, người tham gia tố tụng. Khi xét thấy cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật đời tư của cá nhân theo yêu cầu của đương sự thì Hội đồng xét xử có thể không công bố các tài liệu có trong hồ sơ vụ án154.
Hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án có thể được tiến hành thông qua việc xem xét vật chứng tại phiên tòa. Tòa án có thể yêu cầu đưa vật chứng, hình ảnh hoặc biên bản xác nhận vật chứng ra phiên tòa để xem xét công khai. Khi cần thiết, Hội đồng xét xử còn có thể đến xem xét tại chỗ đối với những vật chứng không thể đưa đến phiên tòa được155.
Tại phiên tòa, Tòa án còn có thể thu thập chứng cứ thông qua việc tranh luận.
Việc phát biểu tranh luận phải bảo đảm trình tự qui định. Bắt đầu việc tranh luận bằng ý kiến phát biểu tranh luận của nguyên đơn. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn phát biểu ý kiến trước, sau đó nguyên đơn có quyền bổ sung ý kiến. Trong trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện thì đại diện cơ quan, tổ chức trình bày ý kiến trước, người có quyền và lợi ích được bảo vệ có quyền có ý kiến bổ sung. Sau nguyên đơn thì bị đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có ý kiến tranh luận. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn, của người
153 Theo qui định tại Điều 230 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
154 Theo qui định tại Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
155 Theo qui định tại Điều 229 Bộ luật Tố tụng dân sự 2004 (sửa đổi, bổ sung 2011).
có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phát biểu phát biểu ý kiến tranh luận trước và bị đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền có ý kiến bổ sung. Trong trường hợp nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì họ phải tự mình phát biểu khi tranh luận156. Khi tranh luận, người tham gia tranh luận có quyền đáp lại ý kiến của người khác. Chủ tọa phiên tòa không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho những người tham gia tranh luận trình bày hết ý kiến, nhưng có quyền cắt những ý kiến không có liên quan đến vụ án157. Thông qua việc tranh luận, Hội đồng xét xử có thể thu thập thêm nhiều cơ sở, chứng cứ của vụ án do các bên trình bày, đối đáp, tranh luận với nhau. Nếu qua tranh luận, Hội đồng xét cử nhận thấy có tình tiết của vụ án chưa được xem xét, việc xem xét chưa được đầy đủ hoặc cần xem xét thêm thì Hội đồng xét xử quyết định trở lại việc hỏi; sau khi hỏi xong phải tiếp tục tranh luận158.
Như vậy, phiên tòa không chỉ là quá trình xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trước đó. Các hoạt động xem xét, đánh giá chứng cứ của Hội đồng xét xử tại phiên tòa không chỉ giới hạn trong các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập trong giai đoạn chuẩn bị xét xử cũng như lời khai của các đương sự, người tham gia tố tụng khác và việc cung cấp chứng cứ từ phía các đương sự, người tham gia tố tụng khác không chỉ giới hạn ở giai đoạn chuẩn bị xét xử. Tại phiên tòa, đương sự, người tham gia tố tụng khác có thể thay đổi, bổ sung lời khai, chứng cứ của vụ án và Tòa án bằng các hoạt động tại phiên tòa, có thể thu thập thêm những chứng cứ cần thiết, để từ đó có đủ cơ sở, chứng cứ quyết định về vụ án. Do đó, hoạt động thu thập chứng cứ của Tòa án cấp sơ thẩm trong quá trình giải quyết vụ án còn có thể được thực hiện qua các thủ tục tại phiên tòa sơ thẩm.