Trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi gây ra

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi gây ra theo pháp luật việt nam (Trang 32 - 46)

1.3.1.Trách nhiệm của cha, mẹ

Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân theo quy định của pháp luật xuất phát từ năng lực chủ thể của cá nhân khi tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự. Điều 606 BLDS năm 2005, quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân phụ thuộc mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản và khả năng bồi thường của cá nhân. Khả năng nhận thức của mỗi cá nhân có mối liên hệ với năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, là cơ sở quan trọng để xác định hình thức lỗi khi cá nhân có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại, khả năng nhận thức của cá nhân được đánh giá dựa trên độ tuổi của cá nhân đó.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý và người có trách nhiệm BTTH bất luận là người có khả năng hay không có khả năng tạo dựng tài sản vì nguyên tắc quan trọng của BTTH ngoài hợp đồng được quy định tại Điều 605 BLDS năm 2005: “Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời”. Vì vậy khả năng tạo lập tài sản của cá nhân không thể coi là tiêu chí cơ bản khi xác định năng lực chịu trách nhiệm

BTTH của cá nhân khi xem xét đến chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường, nó chỉ được xem là tiêu chí có ý nghĩa bổ sung. Điều 606 BLDS năm 2005 quy định về năng lực chịu trách nhiệm BTTH phụ thuộc vào độ tuổi và sự phát triển nhận thức, trí tuệ của cá nhân khi gây thiệt hại cho người khác ở ba mức độ khác nhau: Người từ đủ mười tám tuổi trở lên; người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi, người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi; người mất năng lực hành vi dân sự.

Theo quy định tại Điều 19, 20 BLDS năm 2005 về năng lực chủ thể của cá nhân thì điều kiện để cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là cá nhân đó phải thỏa mãn hai yếu tố là độ tuổi (từ đủ 18 tuổi trở lên) và yếu tố nhận thức. Chính nhờ hai yếu tố này giúp cá nhân biết suy nghĩ, suy xét mọi hiện tượng, sự việc trong xã hội, nhận thức được hành vi, hậu quả của hành vi trước khi thực hiện và chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Trong thực tế, người gây thiệt hại cho người khác có thể là bất kỳ ai, nhưng không phải người nào cũng có đủ khả năng BTTH. Do vậy, các nhà làm luật đã tìm ra những cơ chế để buộc người không trực tiếp gây thiệt hại BTTH do hành vi của người khác gây ra và một trong những cơ chế này là cha mẹ BTTH do con của mình gây ra. Theo quy định tại khoản 2 Điều 606 BLDS năm 2005: “Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Điều 621 của Bộ luật này”. Quy định này được giữ nguyên lại tại khoản 2 Điều 586 BLDS năm 2015, tuy nhiên cụm từ “Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi” được thay bằng cụm từ “người chưa đủ mười lăm tuổi”

trong BLDS năm 2015 cho thống nhất với chế định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân được quy định tại phần chung của BLDS. Trường hợp này, người gây thiệt hại trực tiếp và chủ thể có trách nhiệm bồi thường là khác nhau. Có thể thấy những người ở độ tuổi này không có năng lực hành vi tố tụng dân sự và không tự mình có khả năng thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự. Vì vậy, việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho những người ở độ tuổi này tại Toà án phải do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện. Trong trường hợp này Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP quy định cha mẹ của người gây thiệt hại là bị đơn dân sự.

Người chưa đủ sáu tuổi, theo quy định tại Điều 21 BLDS năm 2005 là người không có năng lực hành vi dân sự. Họ không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, họ không thể tự mình xác lập các giao dịch dân sự mà đều phải được người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện. Như vậy, cá nhân không có năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác thì cha,

mẹ là người đại diện đương nhiên của họ và có trách nhiệm BTTH do người dưới sáu tuổi gây ra.

Người từ đủ sáu tuổi đến dưới mười lăm tuổi là những người có năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ (một phần). Những người trong độ tuổi này khả năng nhận thức còn nhiều hạn chế, họ chỉ có thể xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm trong một giới hạn nhất định do pháp luật dân sự quy định. Đó là những giao dịch dân sự nhằm phục cho nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi. Ngoài ra, những giao dịch khác khi họ xác lập, thực hiện phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý. Như vậy, những người dưới mười lăm tuổi là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý, chưa nhận thức được hết những hậu quả cho xã hội của hành vi mình gây ra.

Người dưới mười lăm tuổi là người chưa có năng lực chịu trách nhiệm dân sự độc lập, những người dưới mười lăm tuổi là những người chưa phát triển đầy đủ về thể chất, tâm sinh lý, chưa nhận thức được hết những hậu quả cho xã hội do hành vi của mình gây ra. Để bảo vệ người dưới mười lăm tuổi pháp luật quy định trách nhiệm của cha mẹ trong việc quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng con. Khoản 1 Điều 24 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 quy định trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em: “Cha mẹ, người giám hộ là người trước tiên chịu trách nhiệm về việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, dành điều kiện tốt nhất cho sự phát triển của trẻ em;…”, khoản 1 Điều 98 Luật trẻ em năm 2016, “cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em và các thành viên trong gia đình có trách nhiệm trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý, giáo dục trẻ em;…”.

Trên những cơ sở đó, BLDS khi quy định về BTTH ngoài hợp đồng rất coi trọng trách nhiệm và nghĩa vụ của cha mẹ trong việc BTTH do hành vi trái pháp luật của con dưới mười lăm tuổi gây ra. Chính vì thế, cha mẹ của những người gây thiệt hại trong độ tuổi này là người đại diện hợp pháp đương nhiên cho con; cha, mẹ có nghĩa vụ bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật của con; còn chính cá nhân gây thiệt hại lại hoàn toàn không có năng lực hành vi tố tụng dân sự trước Tòa án. Tuy nhiên, luật cũng quy định trong trường hợp tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà người con dưới mười lăm tuổi có tài sản riêng thì lấy tài sản của người con để bồi thường phần còn thiếu. Người con dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại không có trách nhiệm phải bồi thường, mà trách nhiệm bồi thường thuộc về cha mẹ của người đó. Người dưới mười lăm tuổi chỉ bồi thường khi thỏa mãn một số điều kiện nhất định. Trách nhiệm của cha mẹ là trách nhiệm pháp lý, không cần điều kiện lỗi của cha mẹ trong việc quản lý, giám sát hành vi của con mình.

Quy định này có ý nghĩa không những về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa cả về mặt thực tiễn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thiệt hại,

theo nguyên tắc thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Ở đây, theo tinh thần của Điều 606 BLDS năm 2005 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường về thiệt hại của cá nhân thì không phải con dưới mười lăm tuổi là chủ thể có nghĩa vụ, trách nhiệm phải bồi thường mà trách nhiệm bồi thường luôn luôn trực tiếp thuộc về cha mẹ42.

Bộ luật dân sự có quy định về chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường mà người chịu trách nhiệm không phải là người gây thiệt hại. Ở đây, chúng ta có một người gây thiệt hại nhưng có một chủ thể khác chịu trách nhiệm bồi thường. Tuy nhiên, để áp dụng các quy định này, pháp luật có đưa ra các điều kiện về mối quan hệ giữa người gây thiệt hại và người chịu trách nhiệm bồi thường. Do đó, vẫn phải xác định người gây thiệt hại để từ đó xác định người chịu trách nhiệm BTTH. Theo đoạn một khoản 2 Điều 606 BLDS, ở đây người gây thiệt hại là người dưới mười lăm tuổi còn người chịu trách nhiệm bồi thường là cha mẹ. Do đó, để áp dụng quy định này, nhằm truy cứu trách nhiệm bồi thường đối với cha mẹ, chúng ta phải xác định ai là người gây thiệt hại và người liên quan có là cha mẹ của người gây thiệt hại hay không.

Theo quy định đoạn một khoản 2 Điều 606 BLDS năm 2005, trách nhiệm của cha mẹ chỉ phát sinh đối với thiệt hại do con gây ra. Điều đó có nghĩa là giữa người gây thiệt hại và người bị quy trách nhiệm phải có quan hệ cha mẹ - con. Trong thực tế có thể gặp trường hợp một người bị truy là cha ruột và được Tòa án tuyên là cha của đứa trẻ nhưng một thời gian sau quyết định tuyên họ là cha bị hủy. Nếu trong thời gian được tuyên là cha và trước khi hủy quyết định tuyên này mà trẻ chưa thành niên gây thiệt hại thì chúng ta giải quyết như thế nào? Trong trường hợp này, theo một tác giả, việc hủy quyết định công nhận là cha có giá trị hồi tố, tức là người được nhận là cha không được coi là cha nên họ không chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt hại của trẻ chưa thành niên43. Tác giả thống nhất với quan điểm này, vì theo quy định tại khoản 2 Điều 606 BLDS năm 2005, người chịu trách nhiệm BTTH do con dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại phải là cha mẹ của người dưới mười lăm tuổi. Như vậy, trong trường hợp người được nhận là cha không được coi là cha thì không có lý do gì để buộc người này phải bồi thường.

Bộ luật Hồng Đức quy định trách nhiệm bồi thường của cha mẹ và nêu đối với “các con còn ở nhà với cha mẹ”44. Theo khoản 2 Điều 1384 Dân luật Pháp, khoản 3 Điều 714 Dân luật Bắc và khoản 1 Điều 764 Dân luật Trung, các cha mẹ chịu trách nhiệm về những sự tổn hại do các con vị thành niên đang ở cùng cha mẹ khi con chưa thành niên gây ra thiệt hại cho người khác.

42Bùi Minh Nhất, tlđd 6.

43Đỗ Văn Đại, tlđd 41, tr. 57.

44Đỗ Văn Đại, tlđd 41, tr. 58.

Như vậy nếu người con đã “thoát quyền”, cha mẹ sẽ không phải chịu trách nhiệm về các tổn hại do người con gây ra45. Khoản 2 Điều 606 BLDS năm 2005 không quy định điều kiện là con dưới mười lăm tuổi phải sống cùng cha mẹ. Do vậy, cha mẹ phải BTTH ngay cả khi con không ở hay sống cùng cha mẹ. BLDS không phân biệt cha mẹ chưa ly hôn với cha mẹ đã ly hôn nên trong mọi trường hợp đều có thể quy trách nhiệm bồi thường cho cha mẹ.

Đồng thời, khoản 1 Điều 81 Luật HN & GĐ năm 2014 quy định: Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan. Cha mẹ chưa ly hôn hay đã ly hôn đều có nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên nên không có lý do gì để phân biệt trách nhiệm của cha mẹ không ly hôn với trách nhiệm của cha mẹ đã ly hôn trong việc BTTH do con dưới mười lăm tuổi gây ra.

Khoản 2 Điều 606 BLDS năm 2005 quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cha mẹ phụ thuộc vào độ tuổi của con. Đối với thời điểm xác định tuổi của con gây thiệt hại có hai quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất, cho rằng cần xác định tuổi của người con vào thời điểm có hành vi gây thiệt hại. Quan điểm thứ hai, cần xác định tuổi của người con vào thời điểm giải quyết bồi thường thiệt hại. Quan điểm thứ hai bất lợi cho người bị thiệt hại và do vậy không phù hợp với tinh thần của quy định tại Điều 606 (quy định nhằm tạo điều kiện cho người bị thiệt hại sớm được bồi thường). Bởi lẽ, càng xác định tuổi muộn thì khả năng áp dụng chế định này càng ít và do đó người bị thiệt hại không có nhiều cơ hội căn cứ chế định này để quy trách nhiệm cho cha mẹ của người gây thiệt hại. Khoản 2 Điều 606 BLDS năm 2005 quy định “người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại”. Ở đây, BLDS đề cặp đến tuổi của người con khi “gây thiệt hại”. Tác giả thống nhất với quan điểm của một tác giả về thời điểm xác định tuổi của con gây thiệt hại: “Thiết nghĩ, khi áp dụng những quy định tại Điều 606 Bộ luật dân sự thì cần xác định tuổi của con vào thời điểm có hành vi gây thiệt hại”46.

Khi con gây thiệt hại là người dưới mười lăm tuổi thì việc sử dụng tài sản của ai để bồi thường phụ thuộc vào tài sản của cha mẹ, tài sản của người dưới mười lăm tuổi. Điều 606 BLDS năm 2005, Điều 586 BLDS năm 2015 quy định “...nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu,…”.

45 Vũ Văn Mẫu (1968), Việt Nam Dân luật lược khảo, Nxb Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản, tr. 547,549-550.

46Đỗ Văn Đại, tlđd 41, tr. 62.

Như vậy, để áp dụng chế định này chúng ta phải xác định tài sản của cha mẹ, của người dưới mười lăm tuổi để từ đó quy định trách nhiệm của cha mẹ đối với thiệt hại do con của họ gây ra. Tài sản của một chủ thể thay đổi theo thời gian. Việc xác định tài sản tại thời điểm nào, hiện có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất, xác định tài sản tại thời điểm có hành vi gây thiệt hại, tức là thời điểm xác định tuổi và xác định tài sản là giống nhau. Quan điểm thứ hai, xác định tài sản tại thời điểm bồi thường. Dễ dàng để nhận thấy giải pháp thứ hai khả thi hơn giải pháp thứ nhất. Vì, nếu xác định tài sản tại thời điểm có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại thì chúng ta phải quay lại trong quá khứ trong khi đó xác định tài sản trong quá khứ khó hơn việc xác định tài sản hiện tại, mặt khác mục đích của quy định tại Điều 606 BLDS là nhằm tạo thuận lợi cho việc bồi thường người bị thiệt hại. Do vậy, quan trọng là ở thời điểm giải quyết bồi thường, người liên quan có khả năng bồi thường hay không, tức là có tài sản để thực hiện trách nhiệm bồi thường hay không.

Do đó, cần xác định tài sản vào thời điểm giải quyết bồi thường. Trước thời điểm có hành vi gây thiệt hại, hay tại thời điểm gây thiệt hại các chủ thể này có thể có đủ tài sản nhưng tại thời điểm giải quyết bồi thường họ không có đủ điều kiện bồi thường thì không đem lại lợi ích cho người được bồi thường.

Hơn nữa BLDS quy định “nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường”

nên có thể hiểu rằng tài sản ở đây là tài sản “để bồi thường”. Có quan điểm cho rằng: “Bộ luật dân sự dường như hướng chúng ta tới việc xác định tài sản vào lúc bồi thường thiệt hại”47. Tác giả thống nhất với quan điểm này, việc xác định tài sản vào lúc BTTH sẽ phù hợp với tinh thần tại Điều 606 BLDS năm 2005, tạo điều kiện tốt nhất cho người bị thiệt hại được bồi thường.

Điều 606 BLDS năm 2005 quy định “Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; (…)”. Như vậy, BLDS quy trách nhiệm bồi thường của cha mẹ mà không đặt điều kiện lỗi của cha mẹ như trường hợp của người giám hộ, không quan tâm tới vai trò của cha mẹ trong việc giám sát, giáo dục con dưới mười lăm tuổi, trách nhiệm của cha mẹ luôn bị suy đoán là có lỗi và phải chịu trách nhiệm bồi thường khi con dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại.

Trong vụ việc về BTTH do người dưới mười lăm tuổi gây ra, chúng ta có cha mẹ và con dưới mười lăm tuổi. Bộ luật dân sự quy định trách nhiệm bồi thường hoặc của cha mẹ, hoặc của con dưới mười lăm tuổi đều này phụ thuộc tài sản để bồi thường. Khi con dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại trách nhiệm bồi thường trước tiên là của cha mẹ, nếu tài sản của cha mẹ không đủ để bồi thường thì mới xem xét đến trách nhiệm của con dưới mười lăm tuổi,

47Đỗ Văn Đại, tlđd 41, tr. 69.

Một phần của tài liệu Bồi thường thiệt hại do người dưới mười lăm tuổi gây ra theo pháp luật việt nam (Trang 32 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(79 trang)