ĐẶC ĐIỂM LÂM SÀNG VÀ CẬN LÂM SÀNG

Một phần của tài liệu Tìm hiểu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và cắt lớp vi tính ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) (Trang 57 - 60)

Trong tổng số 40 bệnh nhân được nghiên cứu, chúng tôi thấy tỉ lệ nam chiếm 87,5%, nữ chiếm 12,5%, tỉ lệ nam/nữ là 7/1. Sự chiếm ưu thế của nam giới trong nghiên cứu này cũng tương tự với kết quả nghiên cứu của các tác giả trong và ngoài nước. Trong nghiên cứu của tác giả Thái Doãn Kỳ năm 2015 trên đối tượng BN UTBMTBG được nút mạch bằng hạt vi cầu ở viện 108, tỉ lệ nam giới cao hơn nữ giới, chiếm 95,2% [11]. Nguyên nhân của tỉ lệ mắc ung thư gan ở nam giới cao hơn nữ giới có thể do nam giới tiếp xúc nhiều với các yếu tố nguy cơ hơn nữ giới. Nam giới có tỉ lệ viêm gan B,C cao hơn, nghiện rượu, thậm chí là tiếp xúc với các hóa chất độc hại nhiều hơn. Cũng có giả thuyết đưa ra về việc hormon sinh dục cũng làm ảnh hưởng đến tỉ lệ nam giới mắc bệnh, cụ thể là estrogen ở nữ có tác dụng ức chế quá trình viêm thông qua interleukin 6, do đó làm giảm sự tổn thương tế bào gan. Tuy nhiên chúng ta cần thêm nhiều dữ kiện để khẳng định giả thuyết này.

Về phân bố tuổi, tuổi mắc UTBMTBG thay đổi tùy khu vực, phụ thuộc vào tỉ lệ mắc, phân bố giới và cả nguyên nhân gây bệnh. Trong nghiên cứu này, tuổi trung bình của bệnh nhân là 65,15±11.1, trong đó bệnh nhân trẻ nhất là 34 tuổi, lớn nhất là 92 tuổi. Như vậy mật độ tuổi ở đây trải khá rộng, có những bệnh nhân tuổi còn khá trẻ cũng như có bệnh nhân rất lớn tuổi. Nhóm tuổi có tỉ lệ mắc bệnh cao nhất trong nghiên cứu là từ 51-70 tuổi, chiếm tỉ lệ 57,5%. Tiếp đến là nhóm tuổi >70 tuổi (35%) và cuối cùng là nhóm tuổi < 50 tuổi (7,5%). Kết quả này tương tự như các nghiên cứu về UTBMTBG ở Việt Nam nhưng lại có sự khác biệt so với thế giới. Tại Việt Nam, nghiên cứu của tác giả Lê Trà My năm 2014 trên các bệnh nhân UTBMTBG được điều trị bằng ĐNSCT tại khoa Chẩn đoán hình ảnh bệnh viện Bạch Mai cũng có kết quả nhóm tuổi trung bình mắc cao nhất là từ 51-70 tuổi (51%) và tuổi trung bình mắc là 57,8±10,1 [13]. Ở các nước phương Tây, yếu tố nguy cơ thường thấp nên nhóm tuổi mắc bệnh có xu hương cao hơn. Ở Anh,

tỉ lệ mắc UTBMTBG cao nhất là ở nhóm tuổi 70-80 tuổi [43]. Sự khác biệt về tuổi mắc bệnh có vẻ như liên quan tới nguyên nhân thường gặp gây ung thư gan trong cộng đồng do loại virus viêm gan nào, tuổi nhiễm và sự tác động của các yếu tố nguy cơ khác. HCV thường mắc ở người trưởng thành trong khi hầu hết những người mang HBV bị nhiễm từ lúc nhỏ. Tại Nhật Bản, tuổi mắc UTBMTBG trung bình do HCV đạt đỉnh ở tuổi 65 trong khi Hàn Quốc, nước có tỉ lệ mắc ung thư gan chủ yếu do HBV, độ tuổi trung bình mắc bệnh là 55[31].

4.1.2. Đặc điểm triệu chứng lâm sàng

Trong nghiên cứu này, số bệnh nhân đi khám có triệu chứng đau hạ sườn phải cao nhất, chiếm 72,5% tổng số bệnh nhân, tiếp đến là gầy sút cân với 22,5% các trường hợp. Triệu chứng lâm sàng của UTBMTBG tương đối nghèo nàn, thường có biểu hiện khi ở giai đoạn muộn. Kết quả nghiên cứu cho thấy chỉ có 8 bệnh nhân có biểu hiện vàng da chiếm 20% và chỉ có 2 bệnh nhân có cổ chướng, chiếm 5%. Trên lâm sàng cũng phát hiện được 6 bệnh nhân có gan to, chiếm 15% tổng số, trong đó kích thước gan lớn nhất khám được là dưới bờ sườn 6cm chỉ có

1 bệnh nhân. UTBMTBG trong giai đoạn sớm thường không có triệu chứng và hầu hết được chẩn đoán ở giai đoạn tiến triển, đặc biệt là không có triệu chứng nào là đặc hiệu cho bệnh. Trong một nghiên cứu của các tác giả Đài Loan cũng cho thấy triệu chứng đau bụng hạ sườn phải hay gặp nhất chiếm 75,5%, triệu chứng chán ăn, gầy sút cân là triệu chứng hay gặp trong bệnh lý ung thư nói chung, trong đó có UTBMTBG và thường là ở giai đoạn muộn[42]. Nghiên cứu của Lê Trà My năm 2014 thì chỉ ra rằng triệu chứng thực thể hay gặp nhất là gan to (11,5%), sau đó đến vàng da (5,4%) và cổ chướng (4,6%) [13]. Tỉ lệ bệnh nhân có triệu chứng vàng da và gan to ở nghiên cứu này có sự khác biệt với nghiên cứu của chúng tôi có thể do các bệnh nhân trong nghiên cứu ĐNSCT của Lê Trà My có tỉ lệ phát hiện bệnh tình cờ cao nên triệu chứng thực thể ít.

4.1.3. Đặc điểm cận lâm sàng

Trong nghiên cứu, các giá trị xét nghiệm trung bình và trung vị của bệnh nhân hầu hết nằm trong khoảng giá trị bình thường. Đối với men gan, giá trị trung

vị và trung bình tăng so với ngưỡng giá trị bình thường do nghiên cứu có 4 trường hợp men gan tăng trên 5 lần giới hạn trên của giá trị bình thường và đặc biệt có 1 trường hợp men gan tăng cao >1000. Giá trị trung bình của AST và ALT trong nghiên cứu lần lượt là 131,6 U/L và 116,5 U/L, đều khá cao so với các nghiên cứu khác. Trong nghiên cứu của Đào Việt Hằng về kết quả điều trị UTBMTBG bằng đốt nhiệt sóng cao tần, các bệnh nhân có giá trị trung bình AST và ALT trước điều trị là 66,9U/L và 59,3 U/L [7]. Có sự khác biệt lớn trong giá trị này có thể do các bệnh nhân trong nghiên cứu của chúng tôi vào viện trong giai đoạn tiến triển, các tế bào gan bị hủy hoại nặng nề nên chỉ số men gan tăng cao, điển hình có bệnh nhân cả hai giá trị đều trên 1000U/L. Còn với nghiên cứu của Đào Việt Hằng, các bệnh nhân được lựa chọn để điều trị bằng phương pháp đốt nhiệt sóng cao tần nên các giá trị sẽ nằm trong khoảng bình thường.

Chất chỉ điểm khối u quan trọng nhất trong chẩn đoán UTBMTBG là AFP.

Nồng độ AFP có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và tiên lượng bệnh. Trong nghiên cứ này, 20 bệnh nhân (50%) có nồng độ AFP thấp hơn 20ng/ml, chi có 8 bệnh nhân (20%) có nồng độ AFP cao hơn 200ng/ml, trong đó có 7 bệnh nhân (17,5%) có nồng độ AFP trên 400ng/ml. Trong nghiên cứu của tác giả Đào Văn Long có 25,9% bệnh nhân có nồng độ AFP <20ng/ml và 35,8% bệnh nhân có nồng độ AFP > 500ng/ml[12]. Một nghiên cứu thực hiện năm 2012 của tác giả Hoàng Thị Quyên khảo sát nồng độ AFP ở các bệnh nhân UTBMTBG và bệnh nhân mắc bệnh lý gan mạn tính khác ghi nhận ở 66 bệnh nhân, có 24.3% bệnh nhân có AFP < 20ng/ml và 45,5% bệnh nhân có AFP cao >350ng/ml[15]. Như vậy nghiên cứu của chúng tôi có tỉ lệ bệnh nhân với nồng độ AFP <20ng/ml cao hơn so với các nghiên cứu khác trong nước. Hiện nay cả AASLD và EASL đều không còn khuyến cáo sử dụng AFP trong chẩn đoán UTBMTBG do độ đặc hiệu thấp hơn mong đợi.

AFP cũng tăng trong trường hợp ung thư đường mật trong gan hoặc một số trường hợp di căn từ ung thư đại tràng. Việc chẩn đoán UTBMTBG hiện nay sẽ dựa trên các phương tiện chẩn đoán hình ảnh và mô bệnh học. Khuyến cao của APASL năm 2010 cũng đưa ra nhận định rằng AFP đơn thuần không được sử dụng để chẩn đoán UTBMTBG và khi phối hợp, ngưỡng

chẩn đoán của AFP là 200ng/ml[37].

4.1.4. Tình trạng xơ gan của bệnh nhân

Phần lớn bệnh nhân UTBMTBG thường phát triển trên nền gan xơ. Cho đến nay thì thông số thường được áp dụng đánh giá chức năng gan xơ một cách đầy đủ nhất trên lâm sàng đó là phân độ Child-Pugh. Phân độ Child-Pugh ở đây không những giúp chúng ta đánh giá tình trạng xơ gan cho bệnh nhân mà còn hỗ trợ cho việc tiên lượng và lựa chọn phương pháp điều trị cho bệnh nhân. Trong nghiên cứu của chúng tôi, tỉ lệ xơ gan chiếm 57,5% trong đó phần lớn là xơ gan Child-Pugh A với 32,5%. Trong nghiên cứu về đặc điểm hình ảnh MSCT trên bệnh nhân UTBMTBG của Nguyễn Hoàng Sâm năm 2019 cũng chỉ ra tỉ lệ xơ gan cao hơn với 64,4% [17].

Một phần của tài liệu Tìm hiểu đặc điểm lâm sàng, cận lâm sàng và cắt lớp vi tính ung thư biểu mô tế bào gan (HCC) (Trang 57 - 60)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(74 trang)
w