Chương 1: ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI, TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA PHAN CHÂU TRINH
1.2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA
1.2.1. Khái quát về thân thế, sự nghiệp và một số tác phẩm tiêu biểu của
Phan Châu Trinh tên chữ là Tử Cán, hiệu Tây Hồ, biệt hiệu Hy Mã, sinh ngày 9 tháng 9 năm 1872 tại làng Tây Lộc, huyện Hà Đông, phủ Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam (nay là thôn 5, xã Tam Phước, thị xã Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam).
Trong mắt các nhà chí sĩ đương thời, ông được xem như đại diện tiêu biểu nhất cho khuynh hướng dân chủ Việt Nam. Ông tự ví mình với nhà hoạt động chính trị Mazzini (Mã Chí Nê) ở Ý, do đó ông lấy biệt hiệu là Hy Mã (theo gương của Mã Chí Nê). Phan Châu Trinh là người con trai thứ ba trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Thân sinh là cụ Phan Văn Bình, theo nghề võ. Trước khi kinh đô Huế thất thủ, thân phụ của ông làm Quân cơ sơn phòng. Nhưng sau khi kinh đô Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị và xuống chiếu Cần Vương thì cụ Phan Văn Bình hưởng ứng phong trào Cần Vương, và tham gia tích cực Nghĩa hội Cần Vương và làm chuyển vận sứ. Mẹ của ông là bà Lê Thị Chung một người có học, thông thạo chữ Hán và am hiểu thi phú.
Ngay từ khi còn nhỏ, ông đã sớm chứng kiến cảnh đất nước bị xâm lăng, chính điều kiện lịch sử xã hội và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, quê hương, gia đình đã hun đúc lên bản lĩnh, tư tưởng Phan Châu Trinh. Ông được theo thân phụ học chữ, học võ và tham gia phong trào yêu nước khi lên chín tuổi.
Năm 1887, sau khi cha qua đời, ông trở về quê nhà và bắt đầu học tập theo lối cử nghiệp, nhưng con đường công danh của ông cũng gặp nhiều lận đận.
Năm 1900, ông đỗ Cử nhân. Năm 1901, ông đỗ Phó bảng, đồng khoa với tiến sĩ Ngô Đức Kế và Nguyễn Sinh Sắc. Năm 1902, ông vào học Trường Hậu bổ, sau ra làm Thừa biện Bộ Lễ. Ít lâu sau ông từ quan, hoạt động cứu nước.
Ông kết giao với nhiều sĩ phu yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, Phan Bội Châu… Năm 1905, Phan Châu Trinh cùng các đồng chí của mình như Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng đi vào Nam để khảo cứu tình hình, tập hợp lực lượng. Đến Bình Định, gặp kỳ thi khảo hạch, ông cùng hai đồng chí của mình làm bài thơ “Chí thành thông thánh” và bài phú “Danh sơn Lương Ngọc” gây chấn động trong giới trí thức.
Năm 1906, ông bí mật sang Nhật Bản gặp Phan Bội Châu, khởi xướng duy tân, cải cách nước nhà. Ông và Phan Bội Châu tâm đắc về nhiệt huyết cứu nước, nhưng ông không tán thành đường lối dựa vào Nhật để đấu tranh vũ trang chống Pháp cũng như chủ trương bạo động của Phan Bội Châu. Sau khi về nước, ông ra sức tuyên truyền chủ trương cải cách của mình và đã trở thành một trong những người lãnh đạo xu hướng cải lương hồi đầu thế kỷ XX. Tháng 7 năm 1907, Phan Châu Trinh ra Hà Nội tham gia giảng dạy ở Đông Kinh nghĩa thục, những buổi diễn thuyết của ông có rất đông người đến nghe. Ông mở rộng giao du với cả một số người Pháp để tranh thủ tạo dựng lực lượng. Năm 1908, vụ Hà thành đầu độc ở Hà Nội và phong trào chống thuế của nông dân Trung Kỳ nổ ra, sau đó phong trào bị thực dân Pháp đàn áp, ông bị bắt đày ra Côn Đảo.
Đến năm 1910, nhờ có Hội Nhân quyền Pháp can thiệp, ông được trả lại tự do, nhưng bị quản thúc tại Mỹ Tho. Tuy nhiên, ông viết thư cho Toàn quyền đòi được sang Pháp hoặc trở lại Côn Đảo, nhất định không chịu cảnh bị giam lỏng ở Mỹ Tho. Vì vậy, nhân dịp có nghị định ngày 31 tháng 10 năm 1908 của chính phủ Pháp về việc lập một nhóm giảng dạy tiếng Hán tại Pháp, năm 1911,
chính quyền Đông Dương cử một đoàn giáo dục Đông Dương sang Pháp, có cả Phan Châu Trinh và con trai là Phan Châu Dật. Sang Pháp, ông ở nhà luật sư Phan Văn Trường, mở một hiệu sửa ảnh, sống thanh bạch, Nguyễn Tất Thành cũng từng làm việc tại cửa hiệu của ông. Trong thời gian này, ông tìm cách liên hệ với những người trong Liên minh Nhân quyền và Đảng Xã hội Pháp. Ông cũng có những cuộc tiếp xúc với các nhóm Việt kiều và các đảng phái tiến bộ, thảo luận vấn đề độc lập, tự do, dân chủ.
Năm 1914, ông lại bị bắt giam vì tình nghi có liên hệ với nước Đức. Nhờ sự can thiệp của Đảng Xã hội Pháp, nên ông mới được thả ra. Ngày 19 tháng 6 năm 1919, ông cùng với Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền và Nguyễn Tất Thành soạn “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” gửi cho Hội nghị Versailles, ký tên chung là Nguyễn Ái Quốc, làm nổ ra “quả bom chính trị”
chấn động tại nước Pháp. Năm 1922 khi vua Khải Định sang Pháp dự đấu xảo Marseille, ông viết một bức thư dài buộc tội Khải Định 7 điều (Thất Điều Trần hay Thư Thất Điều) và khuyên vua về nước gấp, đừng làm nhục quốc thể.
Năm 1925, ông về Sài Gòn tiếp tục hoạt động theo xu hướng cải lương, kêu gọi dân quyền, dân sinh, dân khí. Tháng 12 năm 1925, bệnh tình của Phan Châu Trinh trở nặng; đến 21h30 ngày 24 tháng 3 năm 1926, ông mất tại Sài Gòn.
Là một nhà chính trị, nhà giáo dục, nhà thơ, nhà văn, Phan Châu Trinh để lại nhiều tác phẩm, nổi bật như:
- Tây Hồ thi tập;
- Santé thi tập (gồm hơn 200 bài thơ);
- Thư thất điều (Thất điều trần – thư vạch 7 tội của vua Khải Định);
- Giai nhân kỳ ngộ diễn ca;
- Tỉnh quốc hồn ca I, II (thơ hiệu triệu, thức tỉnh đồng bào, tạo dân khí mạnh, đề cao dân quyền);
- Trung Kỳ dân biến tụng oan mạt ký;
- Các bức thư gửi Toàn quyền Beau; thư gửi Nguyễn Ái Quốc; thư gửi người học trò tên Đông và các bài diễn thuyết về đạo đức và luân lý Đông – Tây, về quân trị chủ nghĩa và dân trị chủ nghĩa.
Con người và cuộc đời đấu tranh của Phan Châu Trinh là một sự nghiệp cứu nước vĩ đại. Bên cạnh những hoạt động thực tế, ông còn sáng tác rất nhiều thơ văn yêu nước, coi đó là một mặt hoạt động không thể thiếu trong sự nghiệp cao cả “vì nước vì dân”, đó cũng chính là những tài liệu hết sức quan trọng dành cho các thế hệ ngày nay có điều kiện tìm hiểu, nghiên cứu cuộc đời và sự nghiệp của một vị danh nhân đất nước đầu thế kỷ XX.