Chương 1: ĐIỀU KIỆN KINH TẾ - XÃ HỘI, TIỀN ĐỀ LÝ LUẬN HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA PHAN CHÂU TRINH
1.2. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG GIÁO DỤC CỦA
1.2.2. Các giai đoạn hình thành và phát triển tư tưởng về giáo dục của
- Trước năm 1911: Giai đoạn hình thành một cách cơ bản tư tưởng về giáo dục của Phan Châu Trinh
Với rất nhiều những biến động diễn ra trong xã hội và trong cuộc đời Phan Châu Trinh trước khi qua Pháp, giai đoạn trước năm 1911 là giai đoạn quan trọng giúp hình thành nên những nét cơ bản về tư tưởng giáo dục của Phan Châu Trinh. Trong giai đoạn này, ông đã thấy được những hạn chế của nền giáo dục phong kiến, ông cũng đã có một thời gian đi khảo cứu và đánh giá tình hình giáo dục, trình độ dân trí của đất nước; đồng thời nảy sinh tư tưởng nâng cao dân trí qua giáo dục.
+ Thấy được hạn chế của chế độ Phong kiến và bắt đầu nhìn nhận lại nền giáo dục Nho giáo
Phan Châu Trinh có một giai đoạn làm quan sau khi học hành đỗ đạt như mục đích của nền giáo dục Nho giáo. Tuy nhiên, trong giai đoạn này ông đã có con mắt nhìn khác lạ, cũng không có ảo vọng gì ở triều đình và quan lại. Điều này thể hiện rõ nét qua các bài thơ chữ Hán, Nôm của ông trong giai đoạn này, người ta thấy Tết năm 1903, ông có bài “Kinh thành nguyên đán” nói về cuộc
sống vô duyên, vô vị của quan lại ở kinh thành, trong đó có câu:
“Cố quốc duy dư nguyên đán hảo Thử thân thiên bị sổ kim khi”
(Nước cũ chỉ còn ngày tết là tốt,
Thân này thấy lụy vì mất đồng lương) [72; 144 - 145].
Không mưu cầu vinh thân phì gia như nền giáo dục nho giáo mang lại, ông coi thường quan lại triều đình, cả vua và tướng để gây ra tình cảnh bù nhìn và bất lực của họ trước thực trạng xã hội đương thời:
“Ba lão kép già ngồi vếch mỏ
Mấy thằng hiệu đói đứng khoanh tay” (Hát bội) [72; 186]
“Một ông tướng lác đứng trong cung
Sĩ tượng khoanh tay chẳng vẫy vùng” (Cờ tướng) [72; 185]
Chưa xác định được chủ trương, đường lối và chưa có đồng chí, do đó mặc dù đã thấy được những hạn chế của chế độ phong kiến mang lại, ngoài việc gửi gắm tâm sự vào bài thơ, ông vẫn sống như một người tài học: đọc sách, đánh cờ, câu cá, xướng họa… Chính Phan Châu Trinh cũng tự đánh giá bản thân mình trong thực trạng lúc bấy giờ: “Vì tôi từ nhỏ đến lớn, từ khi vào học cho đến khi thi đậu, làm quan, không có ai biết mình, mà cũng không có lúc nào đắc chí. Ấy là nhỏ ở nhà, nói ra những lời bi thời mẫn thế, anh em cho là ngu cuồng, hơi lớn đi học, làm văn bi thời mẫn thế, thầy học cho là ngu cuồng.
Đến khi thi đậu ra làm quan, thường thốt ra những lời than bi thời mẫn thế, quan bộ trưởng và các bạn làm quan cho là ngu cuồng, hoặc hỏi cớ sao lại ngu cuồng như thế, mà tôi cũng không tự biết, chỉ cười và vui vẻ nhận lấy mà thôi.
Đó là chân tướng của tôi vào thời đại khoa cử vậy” [74; 72].
+ Khảo cứu tình hình giáo dục và dân trí của đất nước
Qua quá trình khảo cứu tình hình dân trí và giáo dục của đất nước, Phan Châu Trinh nhận thấy đây là một trong những điểm yếu nhất của đất nước, là
lý do khiến đất nước rơi vào hoàn cảnh khó khăn hiện tại. Ông nhận thấy điểm hạn chế của nền giáo dục Nho giáo, khiến cho bộ phận trí thức đương thời xa rời cuộc sống thực tế, chỉ say sưa vào giấc mộng khoa bảng.
Để hiểu một cách thực chất tình hình dân trí của đất nước, tìm ra lý do đất nước ta rơi vào tình cảnh lúc bấy giờ, Phan Châu Trinh cùng Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp đi về phía Nam để nắm bắt, đánh giá tình hình. Các ông xuất phát từ Quảng Nam vào tháng 2 năm 1905, đi đến những nơi đô hội, nơi có nhiều học trờ đều dừng lại.
Đến Bình Định, gặp kỳ khảo hạch hàng năm để tuyển sinh, ba ông lẻn vào trường thi làm một bài thơ, một bài phú đều ký dưới bí danh Đào Mộng Giác. Phan Châu trinh làm bài thơ đầu đề “Chí thành thông thánh” (lòng thành thông đạo thánh) bộc lộ lòng phẫn khích đối với giặc Pháp không giấu diếm, còn nói nhiều đến việc gươm đao, tỏ ý sốt ruột chưa làm gì. Ông chất vấn bọn học trò “Muôn dân làm tôi tớ dưới ách cường quyền mà sao các anh vẫn còn say sưa trong giấc mộng cử nghiệp? Nếu mãi trăm năm cam chịu sỉ nhục thì biết ngày nào mới thoát khỏi chỗ cũi lồng” (Chí thành thông thánh, dịch nghĩa) [72; 16]. Nghĩ về tình cảnh non sông đất nước, ông ngậm ngùi:
“Trong cơn gió mưa, vỗ thanh kiếm lẻ loi mà thương cho non sông tấc đất tấc vàng” [72; 16].
Việc đánh giá trình độ dân trí của người dân Việt Nam so với nước ngoài được ông chú trọng thực hiện. Trong chuyến đi vào, khi đến Nha Trang, nghe đồn có tàu Nhật đến đỗ ở Cam Ranh, ba ông định xem họ tiến bộ như thế nào;
đến nơi mới biết đó là hai tàu trong hạm đội của đô đốc Rôgiêchoenxky do Nga hoàng phái từ biển Tây sang tiếp ứng cho hạm đội Thái Bình Dương. Hai tàu này đi tiền đạo đến Cam Ranh chuẩn bị cho đại quân đi sau ghé nghỉ ngơi và tu bổ trước khi lên biển Bắc. Ba ông giả làm người bán thức ăn, thuê thuyền ra tận nơi xem xét, nhưng vì không thông ngôn ngữ, các ông không hỏi han được gì, “chỉ
thấy rõ là chúng ta còn cách xa nền văn minh Âu Mỹ như trời vực.” [72; 16].
Phan Châu Trinh dưỡng bệnh ở Phan Thiết mấy tháng, tận dụng thời gian bàn bạc với anh em ông Nguyễn Trọng Lội về việc mở trường học, hội buôn, công ty nước mắm, xưởng dệt… khiến cho Phan Thiết về sau cũng trở thành một trung tâm cải cách.
Sau cuộc Nam du này đã mở đường cho một cuộc vận động duy tân rộng khắp trong nhân dân, ông mong đạt kết quả về dài lâu, không nôn nóng bạo động. (Theo Pháp việt liên hiệp hậu chi tân Việt Nam thì bấy giờ ông không bác hẳn việc bạo động mà vẫn liên lạc với Nguyễn Thành và theo dõi hoạt động của Phan Bội Châu, Đề Thám) [72; 16].
Năm 1906, Phan Châu Trinh xuống Hải Phòng, bí mật đáp tàu đi Quảng Đông gặp Phan Bội Châu. Phan Châu Trinh tán thành việc đưa thanh niên du học nước ngoài, nhưng kiên quyết bác chủ trương duy trì nền quân chủ, phương pháp bạo động vũ trang và việc mưu cầu ngoại viện. Phan Bội Châu tán thành khai dân trí, không tán thành nhân nhượng với Pháp và đề xướng dân chủ. Phan Châu Trinh chủ trương “không cần hô hào đánh Pháp, chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã giác ngộ được quyền lợi của mình, bấy giờ mới có thể dần dần mưu tính đến việc khác” [72; 17].
+ Xuất hiện tư tưởng nâng cao dân trí qua giáo dục, mở đầu cho tư tưởng
“khai dân trí” để “chấn dân khí, hậu dân sinh”
Đầu năm 1907, Phan Châu Trinh yếu mệt nhưng hoạt động không ngừng ở tỉnh nhà, cổ vũ phòng trào duy tân, ông viết Tỉnh quốc hồn ca I và một số bài ca giáo huấn. Trong Tỉnh quốc hồn ca I, sau khi phát huy quá khứ oanh liệt của dân tộc, ông nói đến sự lụn bại ngày nay và quy tội cho nhân tâm sa đọa, phong tục suy đồi, lối học hành cử nghiệp khiến con người không có chí hướng to tát và đề nghị phải canh tân lối sống. Trong 11 đoạn thơ đi vào mười một việc cụ thể, ông so sánh cách làm của mình và của người nước văn minh, khuyên học
tập làm theo họ, như: mỗi người phải học một nghề nghiệp, không được ngồi không ăn bám; đi đây đi đó, ra cả nước ngoài để học hỏi; thương yêu nhau, yêu nước yêu nòi:
“Người ta trọng có tài có nghiệp Kẻ không nghề cả kiếp khó hèn Dẫu rằng thợ mộc, thợ rèn,
Tài hay trí tốt tiếng khen vang rần.
Từ những đấng hoàng thân quý tộc,
Chẳng ai không đi học lấy nghề” [72; 345]
“Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Người trong một nước thì coi như nhà” [72; 349].
Tuy bài ca chưa trình bày sự việc thành một lý thuyết có hệ thống, nhưng hiện lên một cuộc duy tân theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Khẩu hiệu chính của phong trào Duy tân là: “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”.
Từ việc khảo cứu và nắm rõ thực trạng dân trí của Việt Nam, trong Thư gửi Toàn quyền Đông Dương Beau (còn gọi là Đầu Pháp chính phủ thư) ngày 1 tháng 10 năm 1906, Phan Châu Trinh chỉ ra thực trạng của Việt Nam thời bấy giờ: “Chao ôi! Một dân tộc đến 20 triệu người, kẻ có học thức cũng đến vài mươi vạn, mà tối tăm mù mịt, mềm yếu ươn hèn, không đủ sức bênh vực được nhau, để liệu cách sinh tồn, lại ù ù, cạc cạc, không biết rằng mình ở vào thế giới cường quyền thịnh hành, “hơn được kém thua” này, mà còn có cái mơ tưởng hão huyền như thế, dân trí thực cũng đáng thương vậy! Nhưng đã bao nhiêu năm nay người Nam ở dưới bóng cờ nước Bảo hộ, mà đến bây giờ nòi giống ngày một yếu hèn, không còn có kế sách gì cứu vớt lấy nhau, đến nỗi nóng nẩy điên khùng theo cái kế sách đê mạt, chỉ trông mong vào nước khác, thế thì vì ai mà nên nỗi thế?” [73; 53].
Ông cũng đã thẳng thắn tố cáo quan lại hà hiếp bóc lột nhân dân, vì chính phủ dung túng để dễ sai bảo, nhà nước bảo hộ lại khinh rẻ sĩ phu, gia tăng thuế khóa khiến cho “tình ý” giữa chính phủ và nhân dân không thông, yêu cầu cải lương chính sách bảo hộ. Bức thư gửi Toàn quyền Đông dương năm 1906 cho thấy Phan Châu Trinh xuất phát từ nội tình, ngoại thế để xác định rằng ngày nay không có quốc dân nội lực, thì làm gì cũng không có kết quả được. Người mình không lo khai thông dân trí, liên lạc đoàn thể, để làm cơ sở mà chỉ trông người ngoài, không những thế, học hội, dân đoàn là cần nhất không có không được và nên tổ chức đầu tiên.
Sau đó Phan Châu Trinh trở về Quảng Nam, hướng đến việc mở các trường học để nâng cao dân trí cho dân chúng. Bằng cách làm khôn khéo, “trong lễ khai giảng trường học, khánh thành hội buôn, hội trồng cây… các ông mời các quan chức Pháp, Nam trong địa hạt và tổng lý sở tại, cả cố đại lân cận đến dự: bài diễn văn khánh thành khi nào cũng vài câu cảm ơn sự “khai hóa” của nước Pháp” [72; 21].
Phương châm của Phan Châu Trinh đề xướng là “Ỷ Pháp tự trị” (trong Pháp Việt liên hiệp hậu chi tân), cũng có khi ông gọi là “Tự lực khai hóa” hoặc có người gọi: “Ỷ Pháp cầu tiến bộ”. Phương pháp làm việc của Phan Châu Trinh cùng các đồng chí của ông là làm việc gì cũng minh bạch, dựa trên những tuyên ngôn của Pháp và luật pháp hiện hành – tất nhiên theo cách giải thích có lợi cho dân nhất. Cũng vì thế mà Phan viết bức thư nổi tiếng gửi Toàn quyền (Đầu Pháp chính phủ thư) yêu cầu cải cách và sau này qua Pháp vận động, mong sao có được một chính sách thuộc địa rộng rãi để dựa vào mà tiến hành tự lực khai học, nghĩa là một cuộc duy tân từ cơ sở, do dân tự làm.
Phan Châu Trinh phê phán việc dựa vào Nhật để đuổi Pháp của Phan Bội Châu, ông chủ trương dựa vào Pháp vì Pháp là một quốc gia văn minh, có thể dựa vào Pháp để nâng cao dân trí cho nhân dân, vì ông cho rằng: “Người nước
Nam chui núp dưới chính thể chuyên chế đã trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dẫu có cậy sức nước ngoài, chỉ diễn cái trò “đổi chủ mà làm đầy tớ lần thứ hai” không có ích gì. Vả lại, nước Pháp là một nước làm tiên đạo văn minh cả hoàn cầu, nay hiện bảo hộ nước ta, mình nhân đó mà học theo, chuyên dụng tâm về mặt khai trí trị sinh các việc thực dụng. Dân trí đã mở, trình độ một ngày một cao, tức là cái nền độc lập ngày sau ở đó. Còn theo chính kiến “cậy sức nước ngoài” thì nó quanh co khúc chiết, mình không tự lập, ai là kẻ cứu mình, Triều Tiên, Đài Loan, cái gương rõ ràng, người Nhật chắc gì hơn người Pháp” [73; 91].
Để thực hiện mong muốn của mình, Phan Châu Trinh đã nhiều lần diễn thuyết công khai trước công chúng, đồng thời tìm cách dựa vào chính người Pháp để mở trường học, đẩy mạnh giáo dục. Cách làm của ông thể hiện một sự khôn khéo, hiệu quả mang lại rất đáng khích lệ: “Những cố gắng của tôi không phải là vô ích; ngay trong năm đó 40 trường học được lập ra để dạy chữ quốc ngữ và một ít tiếng Pháp. Những cuộc diễn thuyết được diễn ra khắp nơi; gần thành tỉnh, tại các làng, trong các chùa, các đình làng, các miếu; và để chứng tỏ sự minh bạch của công việc tuyên truyền này, mọi người đều được mời dự.
Không hề có kiểu nói bóng gió, không có từ ngữ lấp lửng, tất cả đều được trình bày bằng một ngôn ngữ bình dân, ai cũng hiểu được” [73; 148].
Vì lẽ đó, bản thân Phan Châu Trinh phản đối phương pháp bạo động. Ông cho rằng Việt Nam có thể theo bước của Pháp để trở thành một quốc gia văn minh, từng bước đòi lại quyền chính đáng của dân tộc bằng chính trí tuệ và sự khéo léo của người Việt Nam và dựa vào sự ủng hộ của những người Pháp tiến bộ: “Cầm vũ khí nổi lên và chống lại là vô bổ… trái lại, đó là con đường ngắn nhất để tiêu vong. Chúng ta chẳng có gì để chống lại các phương tiện hủy diệt hiện đại cực mạnh… Phải đoàn kết muôn người như một, để đòi lại những quyền chính đáng của chúng ta. Viết lên báo chương, trình bày nguyện vọng,
kêu gọi các lý tưởng nhân đạo của nước Pháp… Trước hết phải dựa vào chính mình! Phải làm cho người ta phải thừa nhận bằng trí tuệ và sự khéo léo của mình. Tiến bộ lên nhờ đầu óc của mình cái đã, tiếp đến hãy dựa vào những người Pháp Cộng hòa chân thành” [74; 226].
- Từ 1911 trở đi: giai đoạn hoàn chỉnh về nội dung và phương pháp giáo dục, hoàn chỉnh tư tưởng “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”
Trong thời gian từ năm 1911 trở đi, Phan Châu Trinh khi ở Pháp có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nền văn minh phương Tây, nhìn rõ được nền giáo dục phương Tây, là giai đoạn tư tưởng giáo dục của Phan Châu Trinh được hoàn thiện cả về nội dung, phương pháp giáo dục, chủ trương “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh” của Phan Châu Trinh tiếp tục được thực hiện, mặc dù đã có lần Phan Châu Trinh nhắc đến sự bất đồng ý kiến giữa ba ông:
Nguyễn Ái Quốc, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường: “Anh không ưa cái phương pháp khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của tôi, còn tôi thời lại không thích cái phương pháp ngọa ngoại chiêu hiền, đãi thời đột nội của anh và cái phương pháp dụng lý thuyết thâu nhân tâm của anh Phan Văn Trường”
[72; 38 – 39]. Phan Châu Trinh khuyên Nguyễn Ái Quốc trở về “ẩn náu trong thôn dã, hô hào quốc dân đồng bào đồng tâm hiệp lực đánh đổ cường quyền áp chế” [72; 39], lấy gương Mác và Lênin khuyên Nguyễn Ái Quốc về nước mà cổ động “dụng nội triệt ngoại”.
Vẫn quyết tâm thực hiện cải cách với chủ trương khai dân trí, Phan Châu Trinh thông qua các kiến nghị của mình với chính quyền Pháp đã dần thể hiện được trọn vẹn nội dung giáo dục của ông. Bên cạnh việc chú trọng học ngoại ngữ như một phương tiện tiếp thu nền văn minh thế giới, phải học để biết cái hay, cái dở nhằm vận dụng vào phát triển và mở mang dân trí; phê phán nền học vấn Nho giáo không còn phù hợp. Để thực hiện được những nội dung của giáo dục, Phan Châu Trinh không chỉ dừng lại ở việc đưa kiến nghị, viết báo,
diễn thuyết, lập Hội (hội buôn, hội học)… đều là những việc Phan Châu Trinh đã từng làm ở trong nước. “Mười bốn năm ở Pháp, ông vẫn cứ tập trung vào các hoạt động nói trên, song với một nỗ lực cao hơn trong một môi trường chính trị thuận lợi hơn: Quyền tự do ngôn luận và hội họp ở Pháp và sự hỗ trợ của các nhà hoạt động chính trị yêu nước khác như Phan Văn Trường, Nguyễn Ái Quốc…, của những người bạn Pháp như Thiếu tá Roux, giáo sư Sylvain Lévy, luật gia Deloustal, Luật gia Pressensé (Hội trưởng Hội nhân quyền), Marius Moutel (Hạ nghị sĩ)… nên hiệu quả mang lại lớn hơn nhiều so với quãng thời gian ông ở Việt Nam trước năm 1911” [73; 33], Phan Châu Trinh khi thì trực tiếp, khi thì thông qua các nhân vật nói trên, liên tục gửi chính phủ Pháp những kiến nghị, lên án bộ máy quan lại Nam triều, sự thiếu trách nhiệm của chính quyền Bảo hộ ở Việt Nam, yêu cầu chính phủ Pháp thực hiện những cải tổ giúp người Việt Nam tiến bộ mọi mặt để có thể hưởng chế độ tự trị dưới sự bảo trợ của nước Pháp, từng bước đòi quyền lợi về mặt giáo dục cho người Việt Nam.
Qua đó, những hoạt động, những tác phẩm của Phan Châu Trinh mang nhiều ý nghĩa về mặt giáo dục, trong đó có sự bổ sung thêm về nội dung và phương pháp cho nền giáo dục Việt Nam, lên án nền giáo dục Nho giáo lạc hậu, lỗi thời đã bóp chặt tư tưởng và tinh thần của người Việt Nam.
Chẳng hạn, để nâng cao dân trí, phát triển giáo dục, ông đề nghị bãi bỏ các biện pháp cấm sách Trung Hoa, cho lập các hội dịch sách Trung Hoa sang chữ quốc ngữ, mở các phòng đọc sách, vì ông cho rằng: “Mấy năm gần đây, dân chúng An Nam rất xôn xao: những quy định ở Đông Dương cấm nhiều thứ sách Trung Hoa vì cho rằng những sách ấy kích động dân chúng căm ghét chính phủ Pháp. Nhưng người ta đã không thấy được là tất cả những sách ấy đều có ích cho dân; như là các sách Âu châu cũng như sách Pháp đã được dịch sang tiếng Trung Hoa và cũng nhờ có các sách ấy mà những người biết chữ Nho được mở mang trí tuệ. Người ta cũng lại không nhận ra rằng: nếu triệt bỏ những sách ấy