7. Bố cục luận văn
1.1 Cơ sở lý luận
+ Tín ngƣỡng
Tín ngưỡng là một thuật ngữ thường được sử dụng khi muốn nói đến những dạng thức sinh hoạt tâm linh của một nhóm người hay một bộ phận tộc người nào đó có cùng niềm tin vào một hiện tượng đúc kết từ hiện thực trong cuộc sống.
X. A. Tocarev cho rằng: “Tín ngưỡng là sự phản ảnh về một tư tưởng, trình độ phát triển nhất định của nền sản xuất vật chất và thể hiện sự bất lực của người nguyên thủy trước hoàn cảnh tự nhiên và xã hội bao quanh họ”. [78, tr.18].
Tương đương với thuật ngữ tín ngưỡng, trong tiếng Anh có
“belief”, được Đại bách khoa toàn thư Anh định nghĩa: “là một trạng thái tâm lý trong hoàn cảnh một mệnh đề nào đó không đủ nhận thức lý trí để bảo đảm nó là chân thực mà vẫn tiếp thu hay đồng ý mệnh đề đó”.
[59, tr. 661].
Theo Ngô Đức Thịnh thì “Tín ngưỡng là niềm tin của con người vào cái gì đó thiêng liêng, cao cả, siêu nhiên hay nói gọn lại là niềm tin, ngưỡng vọng vào “cái thiêng”, đối lập với cái “trần tục”, hiện hữu mà ta có thể sờ mó, quan sát được”. [23, tr.16].
Nguyễn Đăng Duy cho rằng: “Tín ngưỡng là một cách từ thực tế cuộc sống cộng đồng, con người ý thức về một dạng thần linh nào đó, rồi cộng đồng con người ấy tin theo, tôn thờ lễ bái, cầu mong cho hiện thực cuộc sống, tạo thành một nếp sống xã hội theo niềm tin thiêng liêng ấy”. [30, tr.22].
Như vậy, tín ngưỡng là cách mà con người tự ý thức về thần linh với một niềm tin mãnh liệt để cầu mong cho những hiện thực trong cuộc sống.
+ Cầu tự
Cầu tự là một thuật ngữ thường dùng để chỉ việc đi khẩn cầu thần linh để được ban con.
Trong sách Phong tục Việt Nam, Toan Ánh cắt nghĩa: “Cầu tự nghĩa là đi lễ bái để cầu xin một đứa con”. [57, tr.377]
Trong Tìm hiểu lễ thức vòng đời người ở Hà Nội, Lê Văn Kỳ giải thích:“Cầu tự tức là cầu Thần-Phật ban cho mình đứa con để nuôi”. [22, tr.17].
Như vậy, tín ngưỡng cầu tự là cách mà con người tự ý thức về việc thần linh ban con với một niềm tin mãnh liệt trong hiện thực cuộc sống.
1.1.2.Lý thuyết nghiên cứu + Thuyết chức năng
Lý thuyết chức năng chủ yếu nhấn mạnh tính liên kết chặt chẽ của các bộ phận cấu thành nên một chỉnh thể mà mỗi bộ phận đều có chức năng nhất định góp phần đảm bảo sự tồn tại của chỉnh thể đó với tư cách là một cấu trúc tương đối ổn định.Thuyết chức năng xuất hiện vào nửa đầu thế kỷ XX, gắn liền với tên tuổi của Bronislaw Malinowski (1884- 1942) và Arthur Reginald Radcliffe-Brown (1881-1995). Quan điểm của hai ông là không xem những tập tục của các xã hội có quy mô nhỏ như là tàn dư của một thời kì trước đó, mà phải giải thích theo chức năng hiện thời của chúng.
B. Malinowski thuộc chức năng về tâm lý, cho rằng chức năng của các tập tục là để thỏa mãn những nhu cầu sinh học chủ yếu của cá nhân thông qua phương tiện văn hóa. Theo ông, để giải thích các tập tục phải dựa vào chức năng hiện có của chúng và điều này sẽ làm cho việc kiểm chứng được dễ dàng và khoa học hơn. Ông đưa ra ví dụ người dân đảo
Trobriand, trong những trường hợp được xem là nguy hiểm như khi đóng thuyền đi biển, trong quá trình hoàn tất chiếc thuyền, người thợ thường đọc những “thần chú” hoặc khi đi đánh bắt ngoài biển khơi, họ luôn thực hiện những nghi lễ “bùa phép”. Giải thích cho hai trường hợp này, B. Malinowski cho rằng việc “đọc thần chú” và “làm bùa phép” là nhằm trấn an tâm lý của con người, giúp cho người thợ có sự tự tin để hoàn thành con thuyền và người đánh cá sẽ an tâm hơn khi đối mặt với biển cả. Do đó, những tập tục xuất hiện trong đời sống cộng đồng đều gắn liền với một chức năng nào đó về mặt tâm lý của con người và những tập tục xuất hiện theo nguyên tắc của nó. [1, tr.25-26]
Theo B. Malinowski, môi trường xã hội càng bất trắc, nguy hiểm thì con người càng cần đến bùa chú, cúng kiếng. Chức năng tâm lý của tôn giáo là làm dịu đi lo lắng về những điều nguy hiểm trong đời sống mà con người thường phải đối mặt. Khi cuộc sống con người còn khó khăn, nhiều hiện tượng thiên nhiên chưa lý giải được, trình độ khoa học kỹ thuật hạn chế thì họ càng tin rằng cúng kiếng sẽ giúp ngăn ngừa các thế lực đe dọa cuộc sống của mình. Khác với B. Malinowski, Radcliffe- Brown quan tâm đến chức năng văn hóa theo hướng cấu trúc, khi ông cho rằng chức năng của mỗi tập tục là vai trò mà nó nắm giữ trong việc duy trì sự toàn vẹn của hệ thống xã hội. Bất kỳ một hệ thống nào cũng được xác định bằng các đơn vị (yếu tố) cấu thành nó và các quan hệ giữa chúng. Do đó, chức năng của một tập tục là sự đóng góp của nó vào đời sống liên tục của “cơ chế xã hội”. Radcliffe-Brown định nghĩa sự thống nhất chức năng là “một tình trạng trong đó tất cả mọi thành phần của một hệ thống xã hội cùng làm việc với nhau ở một mức độ hài hòa hoặc thống nhất nội bộ (để tiếp tục như một hệ thống), tức là không tạo ra những xung đột kéo dài mà không giải quyết hoặc điều chỉnh được”
[tr.37].
Ông cũng nhận định khi cơ cấu của một cơ thể động vật hiển thị một cách trực tiếp thì cơ cấu xã hội không thể thấy trực tiếp được mà
phải suy luận từ việc quan sát những điều lặp đi lặp lại trong các hành động của những người tham dự. Theo ông, trong một hệ thống xã hội, một tập tục hay thể chế có thể được thay thế bởi một cái khác mà chính hệ thống xã hội không bị tan vỡ.Các xã hội có thể thay đổi theo cách mà các cơ thể động vật thường không thay đổi được. [2]
Rõ ràng có sự biện chứng để chứng minh tín ngưỡng có chức năng thỏa mãn các nhu cầu chủ yếu của con người.
+ Thuyết đặc thù lịch sử
Franz Boas (1858-1942) trong thuyết Đặc thù luận lịch sử, nhấn mạnh đến “tính phức tạp bề ngoài của sự biến đổi văn hóa và nhận thấy rằng những nét văn hóa riêng lẻ phải được nghiên cứu trong bối cảnh văn hóa của xã hội mà nó đã xuất hiện” và “văn hóa của mỗi dân tộc được hình thành trong quá trình lịch sử gắn liền với môi trường xã hội nhất định và trong điều kiện địa lý cụ thể”[1, tr.23-24]
Tín ngưỡng thông qua các biến động lịch sử thường để lại dấu vết qua các nghi thức và hoạt động chiều sâu của nó, vì vậy, khi nghiên cứu phải đặt tín ngưỡng trong bối cảnh lịch sử đặc thù, nơi nó được sinh ra, lan tỏa và phát triển. Văn hóa của cộng đồng di dân sẽ thể hiện rõ nét lịch sử, từ yếu tố văn hóa “gốc” và được tương tác với văn hóa ở môi trường mới.