1 4 Nhiệm vụ phân tích hoạt động kinh doanh
5.1.3 Sự cần thiết phân tích tình hình tài chính
1. Vị trí của phân tích tình hình tài chính
Trong cơ chế quản lý kinh tế mới, phân tích các hoạt động kinh tế được sử dụng để nhận thức các hiện tượng và kết quả kinh tế, để xác định quan hệ cấu thành và quan hệ nhân quả cũng như để phát hiện quy luật tạo thành và phát triển của chúng từ đó mà những căn cứ khoa học cho các quyết định đúng đắn trong tương lai. Điều đó có thể hiểu nếu không dựa trên kết luận được rút ra từ phân tích các hoạt động kinh tế thì những quyết định đưa ra sẽ không đúng căn cứ khoa học và không có tính thực tiễn. Nếu tổ chức thực hiện các quyết định không có tính thực tiễn này sẽ không đạt được kết quả mong muốn và ngược lại có thể mang lại những hậu quả nghiêm trọng cho các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Hơn nữa, để tồn tại và phát triển trong hoạt động kinh doanh thì các hoạt động của doanh nghiệp phải được đặt trên cơ sở của công tác hoạch định cả về mặt chiến lược và chiến thuật.
- Về mặt chiến lược, phải xác định rõ mục tiêu kinh doanh, các hoạt động dài hạn nhằm phát triển doanh nghiệp và chính sách tài chính của doanh nghiệp.
- Về mặt chiến thuật, phải xác định được những công việc trong thời hạn ngắn, những tác nghiệp cụ thể để phục vụ cho kế hạch chiến lược của doanh nghiệp.
Các quyết về mặt chiến lược và chiến thuật được lựa chọn chủ yếu dựa trên cơ sở sự phân tích, sự cân nhắc về mặt tài chính.
Bởi vậy, phân tích tình hình tài chính chiếm một vị trí quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Nó cung cấp thông tin về tài chính cho các nhà quản lý để họ đưa ra những quyết định tài chính đúng đắn và tổ chức thực hiện các quyết định ấy một cách kịp thời và khoa học, giúp doanh nghiệp có thể đứng vững và phát triển.
2. Phân tích tình hình tài chính – công cụ quan trọng trong quản lý kinh tế:
Phân tích tình hình tài chính rất cần thiết đối với mỗi doanh nghiệp. Nó không những chiếm vị trí quan trọng trong doanh nghiệp mà nó còn là công cụ quan trọng trong quản lý kinh tế. Thật vậy:
• Đối với doanh nghiệp: Trên cơ sở phân tích tình hình tài chính, các nhà quản trị doanh nghiệp đánh giá được thực trạng tài chính, thực trạng quản lý tài chính của doanh nghiệp mình, nguồn vốn doanh nghiệp có thể huy động khi tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh… Đồng thời đưa ra được các quyết định về mặt chiến lược và chiến thuật, tổ chức thực
hiện các quyết định đó một cách kịp thời và khoa học, giúp doanh nghiệp tối đa hoá lợi nhuận, tăng giá trị doanh nghiệp và tăng khả năng cạnh tranh từ đó doanh nghiệp có thể đứng vững và phát triển trên thị trường.
• Đối với các nhà quản lý kinh tế: Trên cư sở những thông tin mà phân tích tình hình tài chính cung cấp họ có thể nhận biết được những mặt yếu kém, tồn tại của doanh nghiệp, những hạn chế của các chính sách quản lý kinh tế… Từ đó đưa ra được các chính sách quản lý kinh tế phù hợp với sự phát triển của từng ngành như: chính sách tín dụng, thuế, những chính sách mang tính chất ưu đãi về tài chính đối với từng ngành… Cũng qua những thông tin mà phân tích tình hình tài chính cung cấp, các nhà quản lý kinh tế có được quyết định tuyên bố phá sản doanh nghiệp hay tiếp tục duy trì hoạt động của doanh nghiệp.
• Đối với các nhà cho vay, người đầu tư, các chủ ngân hàng: Thông tin mà phân tích tình hình tài chính cung cấp sẽ giúp họ đưa ra các quyết định đúng đắn là có đầu tư hay không?.
• Đối với các cơ quan tài chính, những người lao động…: Thông tin mà phân tích tình hình tài chính cung cấp sẽ giúp họ xác định được quyền lợi và trách nhiệm của họ đối với doanh nghiệp trong hiện tại và trong tương lai.
Vậy, phân tích tình hình tài chính là một trong những công cụ không thể thiếu được trong quản lý kinh tế và nó thực sự cần thiết cho công tác quản lý ở một doanh nghiệp. Đặc biệt trong điều kiện kinh doanh theo cơ chế thị trường thì nó càng trở nên cần thiết và cấp bách.