CHƯƠNG 1: TỔNG QUAN VỀ TÌNH TRẠNG NGẬP LỤT HẠ DU SÔNG TRÀ BỒNG VÀ CÁC MÔ HÌNH MÔ PHỎNG NGẬP LỤT
1.2. Tổng quan các công trình nghiên cứu ngập lụt ở miền trung
Nước ta là một trong những nước trên thế giới chịu tác động nhiều nhất của sự biến đổi khí hậu toàn cầu. Những năm gần đây do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, hiện tượng lũ lớn, lũ quét đã xảy ra với tần suất, qui mô và cường độ ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở các lưu vực sông miền Trung. Theo một số tài liệu điều tra gần đây; mưa lũ năm 1996 gây thiệt hại rất lớn. Số người chết và mất tích lên tới 605 người và tổng thiệt hại ước tính lên tới 2.142,117 tỷ đồng.
Năm 1999, lũ lịch sử ở miền Trung, chỉ trong vòng hơn 1 tháng (từ 1 XI đến 6 XII), đã có 2 đợt lũ, diện rộng hiếm thấy trong lịch sử, làm ngập lụt nghiêm trọng, dài ngày, thiệt hại lớn cho kinh tế, dân sinh, môi trường: hơn 700 người chết, gần 500 người bị thương, hàng 6 vạn hộ gia đình bị mất nhà cửa, tài sản, thiệt hại ước tính lên tới gần 5.000 tỷ đồng.
Hiện tượng lũ quét, xói lở, sạt trượt các sườn núi, bờ sông xảy ra rộng khắp ở các huyện miền núi, đồng bằng ven biển của Quảng Ngãi. Lũ lụt miền Trung nói chung và tỉnh Quảng Ngãi nói riêng đã trở thành một tai hoạ tự nhiên thường xuyên đe doạ cuộc sống của người dân trong vùng. Nhận thức được vấn đề nghiêm trọng của lũ, lụt các Bộ, ngành và các địa phương đã triển khai một loạt các chương trình, đề tài, đề án điều tra, nghiên cứu vềlũ lụt nhằm đưa ra các giải pháp giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt gây ra. Có thể nêu một số công trình nghiên cứu tiêu biểu:
KS. Hoàng Tấn Liên, 2001. Xây dựng Bản đồ ngập lụt và dự báo nguy cơ ngập lụt hạ lưu sông Trà Bồng, sông Trà Khúc, sông Vệ. Đài KTTV khu vực Trung Trung bộ.
TS. Nguyễn Lập Dân - Nghiên cứu cơ sở khoa học cho các giải pháp tổng thể phòng tránh lũ lụt ở miền Trung (đề tài KHCN cấp Nhà nước KC-08-12) năm 2001 - 2004. Đề tài đã đưa ra các giải pháp tổng thể phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai lũ lụt ở miền Trung trong đó có các giải pháp trước mắt và lâu dài, các biện pháp công trình và phi công trình; xây dựng được chương trình dự báo lũ trên lưu vực sông Hương và sông Thu Bồn.
Đài khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ đã xây dựng bản đồ ngập lụt cho tỉnh Bình Định, mục tiêu nghiên cứu xây dựng phương án dự báo lũ ở các sông Lại Giang, La Tinh, Kôn, Hà Thanh và bản đồ nguy cơ ngập lụt khu vực hạ lưu sông trên và đề xuất các giải pháp phương án ứng phó và tiêu thoát lũ do ngập lụt gây ra tại Bình Định.
Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam 2010 đã nghiên cứu tính toán thủy lực sông Tra Khúc và sông Vệ nhằm đề xuất phương án phòng, chống và tiêu thoát lũ sông Trà Khúc và sông Vệ tỉnh Quảng Ngãi.
Năm 2010, Hà Văn Khối, trình bày một số ý kiến cũng như kết quả tính toán sơ bộ về vai trò chống lũ hạ du của hồ chứa A Vương và xem xét khả năng giao thêm nhiệm vụ chống lũ hạ du cho các hồ chứa trên sông Vu Gia – Thu Bồn.
Năm 2011, Ngô Lê Long đã áp dụng mô hình MIKE 11, mô phỏng hệ thống liên hồ chứa sông Srêpook với mục đích cắt giảm lũ cho hạ du, tác giả đã ứng dụng kết hợp với mô đun vận hành công trình (SO) mô phỏng vận hành các công trình cửa van.
Năm 2011, Nguyễn Hữu Khải, Đã nghiên cứu tính toán điều hành hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông Ba trong mùa lũ và mùa cạn, tác giả đã áp dụng mô hình HEC-RESSIM, MIKE 11 để mô phỏng tính toán thủy văn, điều tiết hồ chứa, thủy lực, các kết quả nghiên cứu làm cơ sở để tác giả đề xuất Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Ba.
Năm 2012, Tô Thúy Nga, Lê Hùng, đã nghiên cứu áp dụng mô hình MIKE FLOOD mô phỏng lại trận lũ năm 2009 và đánh giá ảnh hưởng của việc xả lũ hồ A Vương đến ngập lụt hạ du.
Năm 2013 Lê Hùng, Tô Thúy Nga, đã áp dụng mô hình HEC-RESSIM - mô phỏng hệ thống hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn.
Năm 2013, Đặng Thanh Mai, Vũ Đức Long, Vũ Văn Hiếu [8], đã trình bày các kết quả xây dựng công nghệ giám sát, cảnh báo, dự báo lũ, ngập lụt và điều tiết hồ chứa cho hệ thống sông Ba dựa trên việc tích hợp các mô hình thủy văn, thủy lực và điều tiết hồ.
Năm 2014, Lê Hùng, Tô Thúy Nga, đánh giá vận hành hệ thống hồ chứa thủy điện trên các lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn sao cho đảm bảo lợi ích mục tiêu phát điện của các hồ chứa, đồng thời giảm thiểu thiệt hại do lũ gây ra cho hạ du.
Năm 2014, TS. Tô Thúy Nga đã nghiên cứu mô hình dự báo thời gian thực trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn, đã xây dựng được chương trình điều hành hệ thống hồ chứa thời gian thực trên lưu vực Vu Gia - Thu Bồn dựa trên số liệu dự báo mưa từ 3-5 ngày của Trung tâm Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ.
Năm 2018, Viện Quy hoạch Thủy lợi – Bộ NN và PTNT thực hiện Dự án:
Lập Quy hoạch phòng chống lũ và chỉnh trị sông Trà Bồng (đoạn từ xã Trà Bình đến cửa Sa Cần) đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhìn chung các công trình nghiên cứu ở khu vực miền Trung sử dụng mô hình mô phỏng là công cụ chủ yếu để mô phỏng ngập lụt vùng hạ du các lưu vực sông, cũng như dự báo lũ lụt. Kết quả mô phỏng là cơ sở để ứng dụng vào thực tiễn công tác quản lý, điều hành, ứng phó với thiên tai hiện nay.