Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1.2. Cơ sở thực tiễn
Lào là quốc gia nằm phía Tây dãy Trường Sơn với diện tích 236.800 km2, có đường biên giới dài 4.700 ki lô mét tiếp giáp 5 nước: Myanmar, Trung Quốc, Việt Nam, Campuchia và Thái Lan [14; tr.15]. Trong số 2060 ki lô mét đường biên giới với Việt Nam, có gần 800 km giáp với các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 4 dọc theo dãy Trường Sơn từ Nghệ An đến huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị.
Gần 80% diện tích của Lào là rừng núi. Hệ thống sông suối khá dày đặc với dòng chủ lưu là sông Mê Công và các phụ lưu, chi lưu. Hệ thống giao thông đường bộ của Lào chủ yếu hình thành dưới thời Pháp thuộc nhằm phục vụ cho việc khai thác tài nguyên và cơ động lực lượng từ Việt Nam sang và ngược lại để đàn áp phong trào cách mạng hai nước Lào, Việt Nam. Đường số 13 được coi là tuyến giao thông huyết mạch nối từ Bắc xuống Nam Lào. Từ Lào đến miền Trung Việt Nam có các tuyến quốc lộ: đường số 7 nối tỉnh Xiêng Khoảng với tỉnh Nghệ An, đường số 8 nối tỉnh Bôlikhămxay với tỉnh Hà Tĩnh, đường số 12 nối tỉnh Khăm Muộn với tỉnh
Quảng Bình. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trước yêu cầu chi viện của cách mạng ba nước Đông Dương, được sự nhất trí của Đảng Nhân dân Lào, Đoàn 559 đã mở tuyến vận tải chiến lược phía Tây Trường Sơn từ Trung Lào xuống Hạ Lào đi qua 7 tỉnh có chiều dài 800km và chiều ngang 100km [93; tr.399].
Lào có khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt. Mùa mưa từ khoảng tháng 5 đến tháng 10 hàng năm, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Mùa mưa có lượng mưa lớn, sông suối chảy xiết, mùa khô ít mưa, sông suối cạn nước.
Nằm ở khu vực Bắc Trung bộ Việt Nam, địa bàn các tỉnh Quân khu 4 là một dải đất hẹp chạy từ tỉnh Nghệ An vào đến khu vực Vĩnh Linh dài 440 km, từ 18,35o đến 17,00o vĩ bắc và từ 103o đến 108o kinh đông, với phía đông giáp biển có chiều dài 538km, phía Tây là dãy Trường Sơn có chung với Lào gần 800 km đường biên, phía Bắc giáp tỉnh Thanh Hóa, phía Nam giáp sông Bến Hải. Địa hình Quân khu 4 hẹp dần về phía Nam, nghiêng về phía Đông với tổng diện tích tự nhiên trên 45.000km2 [99; tr.37], trong đú ắ là rừng nỳi. Phần lớn sụng, suối trờn địa bàn Quõn khu 4 đều bắt nguồn từ dãy Trường Sơn rồi đổ ra biển. Hệ thống giao thông đường bộ được xây dựng từ thời Pháp thuộc như: tuyến đường sắt Bắc - Nam, quốc lộ 1A - tuyến giao thông huyết mạch từ Bắc vào Nam. Các tuyến đường nối Quân khu 4 với Lào là các đường số 7, số 8, số 12. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, quân dân Việt Nam - Lào đã xây dựng tuyến đường mòn Hồ Chí Minh với điểm khởi đầu trên địa bàn Quân khu 4. Nhiều chặng của tuyến đường này chạy trên lãnh thổ Lào.
Ngoài hệ thống đường bộ, địa bàn Quân khu 4 còn có đường vận tải biển với trên 10 cảng lớn, nhỏ như Cảng Bến Thủy, Cảng Cửa Lò (Nghệ An), Cảng Gianh (Quảng Bình)… có giá trị chiến lược cao, là nơi xuất phát các chuyến hàng chi viện cho miền Nam và là nơi tiếp nhận viện trợ quốc tế.
Các tỉnh địa bàn Quân khu 4 có khí hậu nhiệt đới gió mùa với hai mùa rõ rệt:
mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường có lượng mưa lớn, sông suối chảy xiết, gây khó khăn cho việc đi lại và cơ động lực lượng quân sự. Mùa khô, sông, suối khô cạn, thuận lợi cho việc đi lại và cơ động lực lượng quân sự.
Điều kiện tự nhiên đã hình thành ở địa bàn các tỉnh Quân khu 4 ba vùng chiến lược kinh tế và quốc phòng, đó là chiến trường chiến đấu bảo vệ hậu phương tại chỗ, chiến trường bảo vệ Mặt trận Trị - Thiên, Mặt trận đường số 9 - Bắc Quảng Trị và chiến trường Lào. Vùng rừng núi của Quân khu 4 chạy dài theo dãy Trường Sơn có
nhiều vách chắn như Đèo Ngang có ưu thế về kinh tế và quốc phòng, thuận lợi bố trí phòng thủ chiến lược. Vùng trung du, đồng bằng với địa thế rộng ở phía Bắc, hẹp dần về phía Nam, có nhiều sông ngòi, đất đai phì nhiêu, nối liền với vùng duyên hải trù phú, có thế mạnh về kinh tế, là nơi cung cấp nhân lực và vật lực cho các cuộc kháng chiến chống xâm lược.
Về mặt quân sự, địa bàn Quân khu 4 và các tỉnh thuộc Trung - Hạ Lào liên kết với nhau tạo thành một “địa bàn đặc biệt quan trọng về chiến lược” [62; tr.271].
Trong hai cuộc chiến tranh ở Đông Dương (1946 - 1975), địa bàn Quân khu 4 và các tỉnh Trung Lào là một chiến trường. Các nhà quân sự cho rằng, chiếm được địa bàn Quân khu 4 và các tỉnh Trung Lào sẽ cắt chiến trường Đông Dương ra làm đôi, do đó có thể khống chế cả Đông Dương. Không phải ngẫu nhiên mà ngay từ những ngày đầu trở lại xâm lược Đông Dương năm 1946, thực dân Pháp đã dùng mọi thủ đoạn để đánh chiếm khu vực Trung Lào, từ đó làm bàn đạp tiến công các tỉnh Bắc Trung Bộ Việt Nam. Chính vì vậy, tướng Henri Navarre, Tổng chỉ huy quân viễn chinh Pháp ở Đông Dương ngay khi vừa nhậm chức đã thấy rõ tầm quan trọng chiến lược quân sự của khu vực vĩ tuyến 18, cho nên H. Navarre cho xây dựng Sênô thành căn cứ quân sự để bảo vệ khu vực Trung Lào. Tổng thống Mỹ David Dwight Eisenhower đánh giá cao vị trí chiến lược của Lào khi ông cho rằng “…nếu chúng ta để Lào mất (vào tay cộng sản) thì chúng ta sẽ mất toàn bộ vùng này”. Vì vậy, trước khi mãn nhiệm, D. Eisenhower khuyên Tổng thống John Fitzgerald Kennedy:“phải ra sức bảo vệ Lào để giữ gìn Đông Nam Á”1.
Trong chiến tranh xâm lược Đông Dương, không quân Mỹ đã trút xuống khu vực này hàng triệu tấn bom, hàng triệu lít chất độc hóa học, thiết lập “hàng rào điện tử” và tổ chức các cuộc hành quân qui mô lớn để cắt đôi chiến trường Đông Dương nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam, từ Việt Nam sang Lào và Campuchia.
Đường biên giới của Lào với các tỉnh Quân khu 4 nằm trong khu vực dãy Trường Sơn, phía Đông thuộc về các tỉnh Quân khu 4, phía Tây thuộc về Lào. Dãy
1. Dẫn theo Nguyễn Phú Đức (2009), Tại sao Mỹ thua ở Việt Nam, Nxb Lao động, tr.120.
Trường Sơn có một vị trí chiến lược quan trọng đối với cách mạng hai nước, đó là
“cột sống vững chắc”, là “một lá chắn chiến tranh”, “vị trí tiếp giáp lưng dựa vào lưng”, và cũng là nơi có điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển các mối giao lưu, quan hệ quốc phòng - an ninh, kinh tế, văn hóa giữa Lào với các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, địa bàn Quân khu 4 vừa là hậu phương, vừa là tiền tuyến, là một địa bàn có nhiều thuận lợi để phát triển liên minh chiến đấu giữa quân đội cách mạng hai nước Việt Nam, Lào cũng như giữa LLVT Quân khu 4 với quân dân Lào.
Với tầm quan trọng về vị trí chiến lược như vậy, Nguyễn Phú Đức1 cho rằng, do Cộng sản kiểm soát địa bàn Lào để mở Đường mòn Hồ Chí Minh đưa người và phương tiện chiến tranh sang Lào, Campuchia và vào tận cửa ngõ Sài Gòn, nên đã thắng trong cuộc chiến chống xâm lược. Vì vậy,“số phận của Nam Việt Nam đã được giải quyết ở Lào” [59; tr.122].
Với cách nhìn địa - chính trị như vậy, nên khi tiến hành chiến tranh xâm lược, thực dân Pháp, phát xít Nhật và đế quốc Mỹ đều tấn công cả ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, ra sức chia rẽ khối đoàn kết giữa ba nước, dùng lãnh thổ nước này để xâm chiến nước kia, coi Đông Dương là một chiến trường. Trong chiến lược “Đông Dương là một chiến trường”, các nước đế quốc đều coi Việt Nam là chiến trường chính, Lào và Campuchia là chiến trường phối hợp.
Như vậy, với hệ thống giao thông thuận tiện, sự liền kề vềvị trí địa lý, điều kiện khí hậu khá thuận lợi là những yếu tố quan trọng cho việc cơ động lực lượng, vận chuyển vũ khí, hậu cần từ Quân khu 4 sang Lào nhanh, bí mật, an toàn. Với vị trí địa lý trên đã tạo thuận lợi cho LLVT Quân khu 4 phối hợp với quân dân Lào trong việc xây dựng căn cứ địa cách mạng bí mật, an toàn. Địa bàn Quân khu 4 không chỉ là “cửa ngõ” của cách mạng Lào để tiếp nhận sự viện trợ của Việt Nam và quốc tế mà còn là nơi xuất phát trực tiếp để vận chuyển người và vũ khí cho cách mạng miền Nam qua Tuyến vận tải chiến lược 559.
2.1.2.2. Sự tương đồng về kinh tế, văn hóa
1. Năm 1967, Nguyễn Phú Đức là cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu; năm 1973, là Tổng trưởng Ngoại giao kiêm cố vấn Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.
Về kinh tế, sau khi thực dân Pháp đặt ách đô hộ Lào và thực hiện chính sách khai thác thuộc địa, kinh tế tư bản dần dần xâm nhập vào Lào. Một số thành phố với các cơ sở chế biến gỗ, nông sản nhỏ được hình thành. Sau cuộc kháng chiến chống Pháp, mặc dù ở các thành phố, thị xã, kinh tế tư bản khá phát triển, nhưng nhìn chung, Lào vẫn là nước nông nghiệp lạc hậu. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở vùng giải phóng, được sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam, nền kinh tế Lào có bước phát triển mới. Một số cơ sở sản xuất được xây dựng như nhà máy chế biến nông, lâm sản.Tuy vậy, kinh tế ở vùng giải phóng Lào vẫn là nền kinh tế nông nghiệp chưa phát triển; công nghiệp và thương nghiệp hầu như chưa có. Vì vậy, đời sống của nhân dân các bộ tộc Lào rất thấp, nhất là ở vùng nông thôn và miền núi.
So với Lào, kinh tế của các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 4 phát triển hơn.
Cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở các tỉnh Bắc miền Trung đã hình thành khu công nghiệp Vinh - Bến Thủy và một số nhà máy chế biến nông, lâm sản nằm rải rác ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, được sự giúp đỡ của các nước XHCN, nền kinh tế của các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 4 có những bước phát triển mới. Nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp được hình thành, các cơ sở sản xuất thủ công nghiệp phát triển mạnh, nhiều thành tựu khoa học - kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất đã góp phần tăng năng suất, sản lượng. Các hợp tác xã nông nghiệp, thủ công nghiệp ra đời và phát triển mạnh, góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn. Tuy nhiên, nhìn chung, nền kinh tế các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4 vẫn là một nền kinh tế nông nghiệp chưa phát triển, đời sống của nhân dân ở khu vực miền núi còn nhiều khó khăn.
Về văn hóa, quá trình sinh sống của cư dân Việt Nam và cư dân Lào trên địa bàn biên giới của hai nước đã phản ánh sinh động mối quan hệ gần gũi từ xa xưa của nhân dân hai nước. Đời sống văn hóa của nhân dân Lào và Việt Nam, nhất là nhân dân các dân tộc ở hai bên dãy Trường Sơn có nhiều nét tương đồng. Qua tài liệu của các nhà dân tộc học cho thấy, từ thời tiền sử, cư dân đã có mặt ở hai bên dãy Trường Sơn đã có mối quan hệ trao đổi với nhau [63; tr.47]. Trong các dân tộc nói tiếng Môn - Khơme, có các tộc người Khơmú và Tà Ôi sinh sống ở miền Tây các tỉnh Quân khu 4. Các tộc người nói tiếng Mông - Dao đều cư trú dọc cả hai bên dãy Trường Sơn, do đó đã có sự tương đồng về phong tục, tập quán. Từ thế kỷ IX, sự di cư của người Thái từ Vân Nam (Trung Quốc) xuống phía Nam đã làm cho cư dân nói tiếng Lào
thay ở Lào và miền Tây Nghệ An ngày gia tăng. Các dân tộc dọc hai bên dãy Trường Sơn như Thái, H’mông có quan hệ dân tộc, thân tộc, dòng họ gắn bó, mật thiết với nhau, có nhiều nét tương đồng về văn hóa như ăn mặc, tiếng nói, nhà ở, lễ hội, tập quán. Chính điều này đã góp phần hình thành một cách tự nhiên sự hiểu biết và đoàn kết, gắn bó yêu thương lẫn nhau giữa cư dân dọc biên giới. Sự chuyển cư của cư dân Lào và cư dân các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 4 còn diễn ra mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi cuộc khởi nghĩa Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh) tan rã và trong các chương trình khai thác thuộc địa của thực dân Pháp ở Đông Dương.
Giao lưu kinh tế giữa Lào và các địa phương trên địa bàn Quân khu 4 diễn ra khá sớm. Vào cuối thế kỷ XVIII, cửa khẩu Quy Hợp (nay thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) là nơi buôn bán khá sầm uất giữa Lào và miền Trung Việt Nam. Từ giao lưu kinh tế dẫn đến giao lưu văn hóa. Nét tương đồng văn hóa của nhân dân ở hai bên dãy Trường Sơn được biểu hiện ở các mặt: kiến trúc, trang phục, lễ hội...
Biểu hiện rõ nhất là các dân tộc ở phía Tây tỉnh Nghệ An và tỉnh Xiêng Khoảng.
Phật giáo có vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh của người Lào và người Việt. Quá trình tiếp thu và lan tỏa văn hóa Phật giáo ở Lào và ở các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 4 trong một chừng mực nào đó đã dẫn đến sự gần gũi giữa người Lào và người Việt.
Sự tương đồng giữa văn hóa làng - nước của nhân dân các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 4 và văn hóa bản - mường của người Lào bắt nguồn từ chính nền tảng chung của văn minh nông nghiệp lúa nước Đông Nam Á [6; tr.17]. Sự tương đồng văn hóa là một trong những cơ sở để hai dân tộc Việt Nam và Lào cũng như giữa nhân dân ở các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 4 và Lào sẵn sàng đồng cam, cộng khổ trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước.
Sự gần gũi về địa lý gắn liền với sự tương đồng về văn hóa giữa hai nước Lào, Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên sự gần gũi, hiểu biết lẫn nhau và tạo nên sự gắn kết giữa hai dân tộc, hai quân đội của hai nước trong kháng chiến chống xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
2.1.2.3. Truyền thống đoàn kết chiến đấu chống ngoại xâm
Truyền thống đoàn kết chiến đấu chống kẻ thù xâm lược của nhân dân các bộ tộc Lào với nhân dân ở các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu 4 có từ rất sớm. Vào năm 713 và năm 722, các bộ tộc Lào đã đưa quân sang giúp nghĩa quân Mai Thúc Loan
chống lại ách đô hộ nhà Đường. Năm 1421, vua Lào là Lan Khem Dèng đưa quân sang giúp Lê Lợi kháng chiến chống quân Minh. Năm 1793 và năm 1827, vương triều Tây Sơn, vương triều Nguyễn đã sử dụng địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và tỉnh Nghệ An làm bàn đạp phối hợp với triều đình phong kiến Lào kháng chiến chống quân Xiêm.
Cuối thế kỷ XIX, Việt Nam và Lào bị thực dân Pháp đô hộ. Từ đó, cả hai dân tộc có chung kẻ thù là thực dân Pháp và cùng chung một mục đích đấu tranh là giành độc lập dân tộc.
Ở Việt Nam, năm 1885, hưởng ứng Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, nhân dân Việt Nam đã đứng lên kháng chiến chống thực dân Pháp. Tiêu biểu cho phong trào Cần Vương là cuộc khởi nghĩa của Phan Đình Phùng diễn ra suốt 10 năm trên địa bàn chủ yếu là tỉnh Hà Tĩnh. Nhân dân Lào đã tạo điều kiện giúp đỡ nghĩa quân Phan Đình Phùng thiết lập con đường vận chuyển vũ khí từ Xiêm qua Lào về Việt Nam. Khi cuộc khởi nghĩa tan rã, nghĩa quân phải lánh nạn sang đất Lào và họ đã được nhân dân Lào đùm bọc, che chở.
Ở Lào, ách thống trị của thực dân Pháp đã làm bùng nổ phong trào đấu tranh mạnh mẽ. Phần lớn các phong trào, các cuộc đấu tranh đó đều có sự phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau giữa nhân dân hai nước Lào và Việt Nam, tiêu biểu trong số đó là cuộc khởi nghĩa Patchay (1919 - 1922).
Đầu thế kỷ XX, nhiều chí sỹ yêu nước Việt Nam bí mật vượt biên giới sang Lào, rồi từ đó nhờ vào sự cưu mang, giúp đỡ của nhân dân các bộ tộc Lào tìm đường sang Xiêm (Thái Lan), Trung Quốc, Nhật Bản hoạt động cách mạng.
Sự phối hợp chiến đấu giữa nhân dân Lào với nhân dân Việt Nam trước khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời không mang lại kết quả như mong muốn, vì nó mang tính chất tự phát, thiếu sự lãnh đạo đúng đắn và sự phối hợp thiếu khoa học.
Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời mở ra bước ngoặt phát triển cho cách mạng hai nước Việt Nam, Lào. Tình đoàn kết chiến đấu giữa Lào và Việt Nam bước vào giai đoạn mới, đó là hình thành liên minh chiến đấu dựa trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn tinh thần yêu nước với chủ nghĩa quốc tế vô sản chân chính.Sau khi phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, nhân dân hai nước Việt Nam, Lào đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Ngày 2/9/1945, Việt Nam tuyên bố độc lập. Hơn một tháng sau đó, ngày 12/10/1945, Lào tuyên bố độc lập.