Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
4.2.3. Nội dung phối hợp chiến đấu phong phú, toàn diện
Sự phối hợp chiến đấu giữa LLVT Quân khu 4 và quân dân Lào được thể hiện trong việc phối hợp xây dựng lực lượng, căn cứ địa, tổ chức tác chiến, mở và bảo vệ các tuyến đường chiến lược.
Về xây dựng lực lượng, ngay từ khi có mặt ở chiến trường Lào, dưới sự chỉ đạo của Bộ Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam, LLVT Quân khu 4 đã phối hợp với quân dân Lào bắt tay ngay vào xây dựng lực lượng chính trị vàlực lượng vũ trang. Tháng 8/1956, Quân khu 4 cử 25 cán bộ sang Thượng Lào xây dựng cơ sở chính trị, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ nhân dân, đào tạo cán bộ nòng cốt, duy trì phong trào cách mạng. Với phương châm đào tạo là “cầm tay chỉ việc”, các tổ công tác của Quân khu 4 đã hướng dẫn tỉ mỉ, cụ thể công việc. Khi cán bộ Lào thành thạo công việc thì mọi công việc do cán bộ Lào tự quyết định, tự làm lấy, cán bộ Việt Nam chỉ đóng vai trò vai trò cố vấn. Nhận thức sâu sắc quan điểm có dân là có tất cả, các tổ công tác của LLVT Quân khu 4 đã phối hợp với cán bộ nòng cốt của cách mạng Lào thực hiện phương châm: “hai bám” (bám dân, bám bản, mường) và “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để tuyền truyền, giác ngộ nhân dân, hướng dẫn nhân dân tham gia cách mạng. Khi đội ngũ cán bộ Lào đã trưởng thành thì lực lượng chuyên gia Quân khu 4 cùng với họ trao đổi, bàn bạc công việc kháng chiến trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau.
Với sự phối hợp của LLVT Quân khu 4, ở các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlikhămxay, Khăm Muộn, Xavannakhẹt, Áttôpư và Xaravan đã có hàng vạn quần chúng nhân dân các bộ tộc Lào được giáo dục, giác ngộ, tích cực tham gia kháng chiến. Sau Hiệp định Viêng Chăn (năm 1973), dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và Trung ương Neo Lào Hăcxạt cùng với sự giúp đỡ của LLVT Quân khu 4, nhân dân ở các tỉnh trên đã nổi dậy giành chính quyền.
Cùng với xây dựng lực lượng chính trị, LLVT Quân khu 4 giúp cách mạng Lào tập trung sức phát triển lực lượng vũ trang với ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích. Xây dựng lực lượng vũ trang trở thành vấn đề sống, còn của cách mạng Lào lúc này. Tháng 11/ 1955, quân chủ lực Pathet Lào tập kết về tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Phongxalì, ở 10 tỉnh do chính quyền Vương quốc quản
lý không còn bộ đội chủ lực. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ hàng đầu của cách mạng Lào khi bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ là xây dựng bộ đội chủ lực ở 10 tỉnh do chỉnh phủ Vương quốc Lào quản lý đủ mạnh để có thể tự giải phóng đất đai, giải phóng nhân dân, tiêu diệt sinh lực địch, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị. LLVT Quân khu 4 đã cố gắng vượt qua những khó khăn trở ngại, nỗ lực giúp đỡ quân dân Lào tại các tỉnh này xây dựng bộ đội chủ lực. Xác định cán bộ là gốc của phong trào cách mạng, năm 1959, Trường Quân sự Quân khu 4 đã đào tạo 60 cán bộ nòng cốt cho cách mạng Lào. Trong hoàn cảnh phong trào cách mạng gặp khó khăn, số cán bộ này ra trường đã kịp thời bổ sung về các đơn vị phát triển lực lượng vũ trang và tổ chức chiến đấu. Tháng 6/1959, sau khi giải vây thành công Tiểu đoàn 2 Pathet Lào, Quân khu 4 đã đưa Tiểu đoàn này về tập kết tại miền Tây Nghệ An. Từ lực lượng nòng cốt là cán bộ, chiến sỹ Tiểu đoàn 2, Quân khu 4 đã xây dựng thành 3 tiểu đoàn chính quy. Đây là những đơn vị chủ lực đầu tiên của cách mạng Lào trong kháng chiến chống Mỹ được xây dựng và phát triển trên địa bàn Quân khu 4. Quân khu 4 còn thành lập hai trung tâm đào tạo cán bộ ở Xuân Thành (Phủ Quì - tỉnh Nghệ An) và thị xã Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) để đào tạo cán bộ cho cách mạng Lào. Từ năm 1960, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chỉ huy tối cao Quân GPND Lào và sự giúp đỡ của Quân khu 4, các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlikhămxay, Khăm Muộn, Xavannakhẹt, Áttôpư và Xaravan đã từng bước thành lập các đại đội, tiểu đoàn chủ lực có khả năng tác chiến cao. Đến năm 1972, cùng với các quân khu khác của Việt Nam, LLVT Quân khu 4 đã phối hợp với quân dân Lào xây dựng được 2 cụm chủ lực ở Trung - Hạ Lào, mỗi cụm tương đương một trung đoàn. Sau Hiệp định Viêng Chăn (năm 1973), lực lượng chủ lực ở Trung - Hạ Lào tiếp tục được bổ sung về vũ khí, trang bị, đủ sức tự đảm nhiệm trên chiến trường, trực diện với kẻ thù, làm nòng cốt cho phong trào đấu tranh chính trị của quần chúng ở các đô thị trong năm 1975.
Cùng với phát triển bộ đội chủ lực là xây dựng bộ đội địa phương, với sự giúp đỡ của Quân khu 4, ở mỗi mường các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlikhămxay, Khăm Muộn, Xavannakhẹt, Áttôpư và Xaravan đều duy trì từ một đến hai đại đội bộ đội địa phương. Ngoài việc cùng dân quân, du kích bảo vệ bản mường, trừ gian, dẫn đường, cứu thương, tải đạn, địch vận, phối hợp với bộ đội chủ lực diệt phỉ, biệt kích; bộ đội địa phương còn tham gia mở đường, tác chiến trên chiến trường như một mũi tiến quân độc lập với qui mô nhỏ. Đến năm 1973, các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlikhămxay,
Khăm Muộn, Xavannakhẹt, Áttôpư và Xaravan đã xây dựng bộ đội địa phương cấp tiểu đoàn và nhiều đại đội độc lập. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ quần chúng nổi dậy, giành chính quyền năm 1975.
Song song với phát triển bộ đội địa phương, LLVT Quân khu 4 giúp cách mạng Lào phát triển dân quân, du kích. Từ năm 1955 đến 1975, các bản, mường trong vùng giải phóng đều có đơn vị du kích. Dân quân, du kích được huấn luyện cách đánh du kích, cách phòng gian, bảo mật, phối hợp với bộ đội địa phương chiến đấu bảo vệ bản, mường, dẫn đường cho bộ đội chủ lực và bộ đội địa phương điều tra tình hình địch, cứu thương, tải đạn, thực hiện binh vận, dân vận, tăng gia sản xuất...
Sau Hiệp định Viêng Chăn (năm 1973), lực lượng dân quân, du kích phát triển lên đến hàng ngàn người, trong đó có 1/3 được trang bị vũ khí. Đây là lực lượng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ bản, mường và vùng giải phóng.
Một trong những hình thức phối hợp mang lại kết quả thiết thực cho cách mạng Lào, đó là phối hợp xây dựng căn cứ địa. Sau Hiệp định Giơnevơ (1954), cách mạng Lào chỉ chỉ giải phóng được tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Phongxalì. Để làm chỗ đứng chân và phát triển lực lượng cách mạng, từ năm 1959 đến năm 1972, LLVT Quân khu 4 đã phối hợp với các tiểu đoàn Pathet Lào mở nhiều chiến dịch và các hoạt động quân sự dọc biên giới Lào - Việt Nam, giải phóng địa bàn dọc biên giới Việt Nam- Lào từ tỉnh Xiêng Khoảng đến tỉnh Áttôpư và xây dựng thành căn cứ địa của cách mạng Lào. Đến năm 1975, một vùng đất rộng lớn kéo dài từ tỉnhXiêng Khoảng đến Áttôpư có chiều sâu tính từ biên giới Lào - Việt Nam hàng chục kilômét, được nối liền với các tỉnh Quân khu 4 đã trở thành căn cứ địa vững chắc của cách mạng Lào. Ở vùng giải phóng, chính quyền cách mạng đã được xây dựng từ mường đến tỉnh, thực hiện các chủ trương kháng chiến của Đảng Nhân dân Lào và Neo Lào Hăcxạt. Đây thực sự là hậu phương vững mạnh của cách mạng Lào, nơi cung cấp nhân lực, vật lực cho cách mạng. Từ đây, tạo bàn đạp cho cách mạng Lào tiến về giải phóng vùng đồng bằng và đô thị, giành chính quyền trong cả nước. Có thể nói, không có vùng giải phóng ở các tỉnh Xiêng Khoảng, Bôlikhămxay, Khăm Muộn, Xavannakhẹt, Áttôpư và Xaravan thì cuộc kháng chiến của nhân dân Lào khó có thể giành thắng lợi hoàn toàn trong năm 1975.
Sự phối hợp sôi động còn thể hiện trên lĩnh vực tác chiến. Song song với việc xây dựng căn cứ địa và phát triển lực lượng cách mạng, LLVT Quân khu 4 đã cùng
với quân dân Lào tổ chức tác chiến để mở rộng vùng giải phóng, tiêu diệt sinh lực địch. Nhiều chiến dịch quân sự cùng hàng trăm trận đánh lớn, nhỏ khác được LLVT Quân khu 4 phối hợp với quân dân Lào thực hiện, như Chiến dịch 128 (năm 1964), Mặt trận X và Mặt trận Z (năm 1970), Chiến dịch 972 (năm 1972)... đã tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hủy phương tiện chiến tranh khổng lồ của địch, kìm chân một lực lượng lớn của địch, tạo điều kiện cho các chiến trường khác giành thắng lợi. Sự phối hợp tác chiến đã giải phóng được một vùng rộng lớn từ tỉnh Xiêng Khoảng đến tỉnh Xaravan tạo điều kiện để cách mạng Lào xây dựng hậu phương vững chắc, một bàn đạp vững chắc để tiến về đồng bằng và đô thị, đồng thời đảm bảo an ninh biên giới phía Tây Quân khu 4, bảo vệ Tuyến vận tải chiến lược 559.
Đầu những năm 60 của thế kỷ XX, ở địa bàn này, lực lượng cách mạng Lào vừa thiếu, vừa yếu, trang bị chưa tốt, nên trong quá trình phối hợp tác chiến với các đơn vị chủ lực Quân khu 4, quân Pathet Lào chủ yếu là tác chiến ở các hướng thứ yếu với qui mô cấp đại đội và đảm nhận công tác dân vận, địch vận, tải thương, tải đạn, vũ khí... Từ nửa sau những năm 60 trở về sau, lực lượng vũ trang Pathet Lào đã lớn mạnh, được trang bị tốt, có trình độ tổ chức và tác chiến cao, nên việc tham gia phối hợp tác chiến đã lên tới cấp tiểu đoàn và đủ sức tác chiến ở hướng chính của chiến dịch, như chiến dịch giải phóng Thị xã Mường Mày, tỉnh Áttôpư và chiến dịch giải phóng Thị xã Xaravan, tỉnh Xaravan. Kết quả của sự phối hợp tác chiến giữa LLVT Quân khu 4 và quân dân Lào góp phần tạo nên những quả “đấm thép” trên chiến trường, tạo áp lực đáng kể làm cho địch suy yếu, góp phần quyết định trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ ở Lào.
Sau Hiệp định Viêng Chăn (năm 1973) được ký kết, khi lực lượng Quân GPND Lào phát triển mạnh cả về số lượng và trình độ tác chiến, thì LLVT Quân khu 4 lùi về tuyến sau làm hậu thuẫn cho Quân GPND Lào, trực diện gây áp lực với phái Hữu, làm chỗ dựa cho lực lượng chính trị giành chính quyền.
Trên lĩnh vực mở đường chi viện chiến trường, LLVT Quân khu 4 phối hợp với quân dân Lào mở một số chiến dịch quân sự. Thắng lợi trong các Chiến dịch 128, Mặt trận X, Mặt trận Z, Chiến dịch 972... đã chuẩn bị được một địa bàn khá an toàn cho việc mở đường. Hoạt động mở đường chiến lược của LLVT Quân khu 4 đã nhận được sự ủng hộ hết lòng của chính quyền địa phương và nhân dân các bộ tộc Lào nơi có tuyến đường đi qua. Nhân dân Lào dời bản, mường và nương rẫy để dành đất cho
việc mở đường, đóng góp hàng vạn ngày công cùng bộ đội, thanh niên xung phong Việt Nam mở đường, sửa đường. Khi đường được mở, LLVT Quân khu 4 phối hợp với người dân địa phương tổ chức bảo vệ đường, xây dựng binh trạm, kho hàng,...
Sau 15 năm phối hợp mở đường, cùng với lực lượng của Đoàn 559, LLVT Quân khu 4 phối hợp với quân dân Lào đã góp phần hoàn thành Tuyến vận tải chiến lược 559. Trong đó, phần đi trên lãnh thổ Lào qua 7 tỉnh có chiều dài 800km và chiều rộng 100km [93; tr.399]. Các trục đường ngang (đường số 8, số 12, số 20) và hàng trăm đường nhánh nối Việt Nam và Lào thuộc địa bàn các tỉnh Bôlykhămxay, Khăm Muộn và Hà Tĩnh, Quảng Bình, khu vực Vĩnh Linh đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong tuyến đường chiến lược 559. Việc mở đường, đảm bảo sự thông suốt của con đường huyết mạch này trong những năm chống Mỹ là biểu hiện sinh động nhất sự phối hợp chiến đấu từ phía quân dân Lào, góp phần quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng của hai nước ViệtNam, Lào đến thắng lợi.