Chương 1 TỔNG QUAN TÌNH HÌNH NGHIÊN CỨU
2.1.3. Cơ sở pháp lý
2.1.3.1. Tình hình Việt Nam và Quân khu 4, chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam đối với cách mạng Lào trong những năm 1955 - 1975
Ngày 16/5/1955, miền Bắc Việt Nam được giải phóng. Năm 1956, lực lượng kháng chiến Việt Minh ở miền Nam đã hoàn thành việc tập kết về miền Bắc Việt Nam. Từ thực tế của tình hình đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III (tháng 9/1960) của Đảng Lao động Việt Nam chủ trương “Đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước” [78; tr.325]. Trong điều kiện hòa bình (1954 - 1964), dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, được sự giúp đỡ của
các nước XHCN, miền Bắc Việt Nam tiếp tục thực hiện cải cách ruộng đất, hàn gắn vết thương chiến tranh, bước đầu xây dựng cơ sở vật chất cho CNXH và đạt nhiều thành tựu “chưa từng thấy trong lịch sử dân tộc. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới” [11; tr.89]. Từ năm 1965 đến năm 1972, mặc dù hai lần đế quốc Mỹ gây ra chiến tranh phá hoại, nhưng nhân dân miền Bắc vừa xây dựng đất nước, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, vừa chi viện cho cách mạng miền Nam, cách mạng Lào và cách mạng Campuchia.
Ở miền Nam Việt Nam, Mỹ dựng lên chính quyền Ngô Đình Diệm, tổ chức khủng bố, đàn áp những người kháng chiến. Mỹ triển khai Chiến tranh đặc biệt, Chiến tranh cục bộ, Việt Nam hóa chiến tranh để chống lại cách mạng miền Nam.
Trước âm mưu và thủ đoạn của kẻ thù, cách mạng Việt Nam phải đoàn kết với cách mạng Lào chống đế quốc Mỹ xâm lược.
Về tình hình Quân khu 4, ngày 3/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 017/SL thành lập các quân khu, trong đó có Quân khu 4. Địa bàn Quân khu 4 bao gồm các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Khu vực Vĩnh Linh.
Bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân khu 4 có những thuận lợi và khó khăn nhất định. Về thuận lợi, ngày 18/8/1954, toán lính Pháp cuối cùng rời khỏi thị xã Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, đánh dấu mốc địa bàn Quân khu 4 sạch bóng quân thù. Quân khu 4 có được một khoảng thời gian 10 năm xây dựng trong hòa bình (1954 - 1964). Quân khu 4 thường xuyên nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bên cạnh những thuận lợi, Quân khu 4 cũng phải đối mặt với không ít khó khăn. Sau 9 năm chiến tranh, hệ thống giao thông, đê, đập, nhà máy, các cơ sở sản xuất bị tàn phá nặng nề. Chủ trương tiêu thổ kháng chiến trong cuộc kháng chiến Pháp,... làm cho sức sản xuất bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Ở Thị xã Vinh, có 301 ngôi nhà tầng bị đánh sập, 120km đường sắt bị bóc dỡ, 45 cầu lớn bị phá, 77 đầu máy xe lửa, 750 toa tàu bị phá hỏng, trên 10.000ha ruộng đất bị bỏ hoang, hơn 1/3 số lượng trâu, bò bị cướp, giết, nhiều làng mạc, thôn, xóm bị đốt cháy [99; tr.71-72]. Tỉnh Quảng Bình có trên 2000 người di tản trở về không có việc làm, việc phục hồi sản xuất gặp khó khăn bởi hệ thống bom, mìn của địch để lại. Hậu quả của chiến tranh đã làm hàng ngàn người trên địa bàn Quân khu 4 bị đói nghiêm trọng, nhất là nhân dân ở các huyện Kỳ Anh, Can Lộc, Hương Khê (Hà Tĩnh), Quảng Trạch (Quảng Bình)
[99; tr.71-72]. Mỹ và chính quyền Sài Gòn ra sức phá hoại khu vực giới tuyến ở phía Nam Quân khu 4, cấu kết với lực lượng phái Hữu Lào phá hoại phía Tây Quân khu 4.
Phái Hữu bố trí quân đội chốt chặn ở Nọong Hét, Bản Ban nhằm kiểm soát đường số 7 từ Nghệ An sang; chốt chặn Na Pê nhằm kiểm soát đường số 8; chất chặn ở đèo Mụ Giạ, bản Na Phạu, Lằng Khằng… nhằm kiểm soát đường số 12 [13; tr.70]; tuyên truyền, kích động, lôi kéo nhân dân vùng biên giới phía Tây, nhân dân theo đạo Thiên chúa trên các tỉnh địa bàn Quân khu 4 nhằm gây rối loạn trật tự an ninh biên giới. Tháng 9/1955, quân đội Sài Gòn đã tung biệt kích vào vùng Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) để lôi kéo nhân dân di cư sang Lào; cuối năm 1954, các tổ chức phản động đã lôi kéo hơn 19.600 đồng bào Công giáo di cư vào Nam đã làm rối loạn trật tự, an ninh ở các tỉnh Quân khu 4 [99; tr.75-76]. Ngoài ra,những tàn dư của chế độ cũ còn tồn tại dai dẳng, trình độ sản xuất còn lạc hậu. Những khó khăn trên là trở ngại không nhỏ cho công cuộc xây dựng chế độ mới ở các tỉnh trên địa bàn Quân khu 4. Sau 10 năm hòa bình, hàn gắn vết thương chiến tranh, từ năm 1965 đến năm 1972, hai lần đế quốc Mỹ gây ra chiến tranh phá hoại, Quân khu 4 trở thành hậu phương trực tiếp cho cách mạng miền Nam và cách mạng Lào, là nơi đối mặt trực tiếp với chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Vì vậy, trong đường lối chung xây dựng và phát triển miền Bắc XHCN, Quân khu 4 được Trung ương Đảng xác định là “địa bàn chiến lược trọng yếu…, là “tuyến đầu” của miền Bắc xã hội chủ nghĩa,…là hậu phương chiến dịch của Mặt trận Trị - Thiên, của các chiến dịch mở trên chiến trường Lào” [99; tr.80].
Khi mới thành lập, tổng quân số chủ lực của toàn Quân khu 4 là 13.356 người.
Lực lượng vũ trang địa phương gồm 18 đại đội, 2 trung đội và 12.000 dân quân [118;
tr.26]. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, Quân khu 4 đã xây dựng được 3 sư đoàn bộ binh, 12 trung đoàn pháo phòng không, 1 trung đoàn pháo binh, 2 trung đoàn tên lửa; bộ đội địa phương ở thời điểm cao nhất (từ năm 1968 đến năm 1972) là 4 vạn người; lực lượng dân quân tự vệ luôn được duy trì trên 32 vạn người. Từ năm 1968 đến năm 1972 là thời kỳ lực lượng dân quân tự vệ có số lượng cao nhất: 38 vạn người [99; tr.227-228].
LLVT Quân khu 4 có tư tưởng chính trị vững vàng, tin tưởng và trung thành với Đảng, tổ quốc, được tôi luyện và trưởng thành trong chiến đấu, sẵn sàng nhận nhiệm vụ bất kỳ nơi nào; về trình độ tác chiến của cán bộ, chiến sĩ ngày càng được
nâng cao; về vũ khí, ngày càng được trang bị hiện đại đầy đủ, có nhiều kinh nghiệm phối hợp với quân dân Lào chiến đấu chống ngoại xâm.
Nhìn chung, lực lượng vũ trang của Quân khu 4 ngày càng lớn mạnh theo hướng chính qui và hiện đại, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
2.1.3.2. Chủ trương của Đảng Lao động Việt Nam đối với cách mạng Lào Trước âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ và theo đề nghị của Chính phủ kháng chiến Pathet Lào, ngày 15/7/1954, Hội nghị lần thứ Sáu của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam chủ trương tiếp tục “Giúp đỡ Pathet Lào” [8;
tr.371] nhằm đưa cách mạng Lào vượt qua những khó khăn, thử thách mới và bảo vệ thành quả cuộc kháng chiến chống Pháp. Ngày 22/7/1954, trong lời kêu gọi sau khi ký kết Hiệp định Giơnevơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định thắt chặt tình đoàn kết với hai nước Campuchia, Lào để bảo vệ thành quả Hiệp định Giơnevơ [77; tr.374].
Để giúp Trung ương theo dõi, nắm tình hình Lào, Campuchia và có những quyết định đúng đắn trong việc giúp đỡ phong trào cách mạng ở hai nước này, ngày 10/8/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết số 20-NQ/TW thành lập Ban Lào - Miên Trung ương do ông Lê Đức Thọ làm Trưởng ban [83; tr.466].
Ngày 6/7/1959, Ban Bí thư Trung ương Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết số 78-NQ/TW thành lập Ban công tác Lào do ông Võ Nguyên Giáp làm Trưởng ban, với nhiệm vụ theo dõi tình hình cách mạng Lào, từ đó giúp Trung ương xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện giúp đỡ cách mạng Lào [84; tr.33]. Cùng ngày, Ban Bí thư Đảng Lao động Việt Nam ra Nghị quyết số 79-NQ/TW cử một đoàn cán bộ giúp Trung ương Đảng Nhân dân Lào, lấy tên là Đoàn Công tác miền Tây [85; tr.35].
Theo đó, Đoàn Công tác miền Tây có trách nhiệm giúp cách mạng Lào xây dựng Đảng Nhân dân Lào, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, củng cố và xây dựng cơ sở chính trị, xây dựng lực lượng vũ trang và phát động đấu tranh vũ trang; tháng 9/1961, đại biểu của Đảng nhân dân Lào, Đảng Lao động Việt Nam, Đảng Cộng sản Liên xô, Đảng Cộng sản Trung Quốc họp bàn thống nhất về việc viện trợ cho cách mạng Lào.
Tháng 9/1960, Đại hội Đại biểu lần toàn quốc thứ III của Đảng Lao động Việt Nam được tổ chức. Đại hội chủ trương: “…ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Lào hiện nay nhằm chống đế quốc Mỹ, nhằm đưa nước Lào lên con đường hòa hợp dân tộc, độc lập, thống nhất và hòa bình, trung lập” [78; tr.328]. Để gúp đỡ cách mạng Lào vượt qua khó khăn, ngày 5/12/1961, Hội đồng Chính phủ ban hành
Quyết nghị số 208-CP qui định về việc giúp cách mạng Lào. Trong đó, Điều 2 qui định rõ nhiệu vụ Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm về giúp đỡ quân sự.
Sau hai lần thành lập Chính phủ Liên hiệp, tình hình Lào vẫn hết sức phức tạp, phái Hữu vẫn ra sức chống phá cách mạng. Để đưa cách mạng Lào vượt qua những khó khăn, tháng 7/1963, lãnh đạo Đảng Lao động Việt Nam và lãnh đạo Đảng Nhân dân Lào thống nhất chủ trương phối hợp xây dựng lực lượng mạnh cả về quân sự và chính trị để chiến đấu lâu dài [20; tr.152].
Ngày 27/3/1964, Hội nghị Chính trị đặc biệt của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khẳng định ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Lào, chống sự xâm lược của đế quốc Mỹ [11; tr.97]. Ngày 25/8/1967, Hội đồng Chính phủ Nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa ra Nghị quyết số 136/CP về tổ chức viện trợ kinh tế và văn hóa cho cách mạng Lào. Ngày 21/11/1967, Thủ tướng Chính phủ ra Thông tư số 196-TTg/TN về nhiệm vụ và chỉ đạo thực hiện viện trợ kinh tế, văn hóa cho Lào. Theo đó, các bộ, ngành, các tỉnh, Quân khu có trách nhiệm phối hợp tổ chức thực hiện việc giúp cách mạng Lào.
Ngày 9/3/1970, Chính phủ nước Việt Nam DCCH ra tuyên bố ủng hộ giải pháp chính trị cho vấn đề Lào do Trung ương Neo Lào Hắcxạt đưa ra. Từ ngày 24 đến ngày 25/4/1970, trước sự leo thang chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương, Hội nghị Cấp cao nhân dân ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia được tổ chức. Tham dự Hội nghị có: Đoàn Việt Nam DCCH do Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu; đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ dẫn đầu; đoàn đại biểu Campuchia do Quốc trưởng Xihanúc dẫn đầu và đoàn đại biểu Lào do Hoàng thân Xuphanuvông dẫn đầu.
Các đại biểu đã nhất trí tăng cường đoàn kết, phối hợp cùng nhau kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Ngày 30/5/1971, thay mặt nước Việt Nam DCCH, Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng tuyên bố: “Nhân dân Việt Nam, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nguyện làm tròn nghĩa vụ quốc tế của mình, hết lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Lào cho đến thắng lợi cuối cùng…” [126; tr.244-245].
Mặc dù Hiệp định Viêng Chăn đã được ký kết vào ngày 21/2/1973, song Mỹ, Thái Lan và phái Hữu vẫn tìm mọi cách chống phá cách mạng Lào. Trước tình hình đó, để tiếp tục đưa cách mạng Lào giành thắng lợi, tại cuộc hội đàm giữa lãnh đạo hai
Đảng vào tháng 12/1973, theo đề nghị của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương tiếp tục giúp đỡ cách mạng Lào [20; tr.212-213].
Như vậy, sau Hiệp định Giơnevơ, trước âm mưu xâm lược của đế quốc Mỹ, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương đoàn kết với Nhân dân Lào và nhân dân Campuchia cũng như lực lượng tiến bộ trên thế giới chống đế quốc Mỹ. Đối với Lào, Đảng Lao động Việt Nam chủ trương giúp đỡ Nhân dân Lào trong cuộc kháng chiến chống Mỹ và tay sai với phương châm toàn diện, cơ bản, liên tục, lâu dài [86; tr.184].
Tuy nhiên, cách mạng Lào phải do nhân dân và cán bộ Lào làm lấy [111; tr.464]. Lần lượt các đoàn cố vấn, chuyên gia, các đơn vị lực lượng vũ trang được cử sang giúp cách mạng Lào xây dựng lực lượng, căn cứ địa, tổ chức chiến đấu, như các Đoàn:
100, 959, 565, 968,…
Về phía Quân khu 4 đã có đủ các điều kiện để Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam giao trọng trách phối hợp với quân dân Lào chiến đấu chống đế quốc Mỹ trên chiến trường Trung - Hạ Lào và tỉnh Xiêng Khoảng [118;
tr.78, tr.436-438].
Tháng 5/1959, Bộ Quốc phòng trực tiếp giao nhiệm vụ cho Quân khu 4 tổ chức lực lượng giải vây cho Tiểu đoàn 2 (Pathet) Lào [120; tr.51]; Tháng 7/1959, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam và Trung ương Đảng Nhân dân Lào chủ trương mở một đợt hoạt động quân sự ở Lào. LLVT Quân khu 4 và Quân khu Tây Bắc được giao nhiệm vụ phối hợp với quân dân Lào tổ chức thực hiện [20; tr.119 - 120]. Ngày 3/1963, Bộ Tổng tham mưu ra Mệnh lệnh số 458-TM1, lệnh cho Quân khu 4 chuẩn bị cho Trung đoàn 101 (thuộc Sư 325) sẵn sàng chiến đấu ở Trung - Hạ Lào. Ngày 31/7/1963, Bộ Tổng tham mưu giao nhiệm vụ chính thức cho LLVT Quân khu 4 phối hợp với quân dân Lào chiến đấu “khi địch mở cuộc tiến công lớn” vào khu vực Trung - Hạ Lào1 [13; tr.75-76].
2.1.3.3. Tình hình Lào và chủ trương liên minh, đoàn kết chiến đấu với Việt Nam của Đảng Nhân dân Lào
Thực hiện Hiệp định đình chỉ chiến sự ở Lào (1954), tháng 11/1954, quân tình nguyện Việt Nam rút hết khỏi Lào. Tháng 2/1955, lực lượng Pathet Lào gồm 9138 người được tập kết về tỉnh Phongxalì và tỉnh Hủa Phăn [142; tr.195]. Trước tình hình
1 . Để tiện theo dõi, những chủ trương của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam giao nhiệm vụ cho Quân khu 4 phối hợp với cách mạng Lào, tác giả trình bày theo diễn biến của quá trình phối hợp.
mới, cách mạng Lào phải đối mặt với những thử thách nặng nề: Đội ngũ cán bộ chủ chốt thiếu nghiêm trọng, phương thức hoạt động và tư tưởng một số cán bộ, nhân dân chưa theo kịp tình hình; vùng giải phóng chỉ có hai tỉnh Hủa Phăn1, tỉnh Phongxalì và một hành lang với diện tích 2200km2.
Từ cuối tháng 11/1954, được Mỹ hỗ trợ, phái Kàtày Đônxaxôrít và Phủi Xananicon đẩy mạnh đàn áp, khủng bố những người kháng chiến, tổ chức tuyên truyền chống phá nước Việt Nam DCCH dọc biên giới Lào - Việt Nam, tổ chứcđánh chiếm vùng giải phóng tỉnh Hủa Phăn và tỉnh Phongxalì,...Những hoạt động phá hoại của phái Hữu làm cho tình hình Lào trở nên nghiêm trọng. Hình thái cách mạng Lào chuyển từ“chiến tranh sang hòa bình, nhưng hòa bình chưa được củng cố; đã từ đấu tranh vũ trang chuyển sang đấu tranh chính trị, song đấu tranh chính trị cũng không kém phần gian khổ, gay go” [31; tr.8].
Từ năm 1955 đến năm 1973, Mỹ thực hiện Chiến tranh đặc biệt (1960 - 1968) và Chiến tranh đặc biệt tăng cường (1969 - 1973) ở Lào. Theo đó, Mỹ đã viện trợ cho quân đội phái Hữu, đưa quân đội Sài Gòn, quân đội Thái Lan tham chiến ở Lào, mở hàng trăm chiến dịch quân sự đánh vào vùng giải phóng, tổ chức nhiều cuộc đảo chính Chính phủ Liên hiệp, ám sát những người thuộc phe đối lập,... Ngoài ra, Mỹ tập trung đánh phá Đường Hồ Chí Minh nhằm cắt đứt sự chi viện từ Việt Nam cho cách mạng Lào, Campuchia và cách mạng miền Nam Việt Nam.
Tình hình thế giới và ở Lào sau năm 1954 đã đặt nhân dân Lào trước những thách thức to lớn. Chính phủ Kháng chiến Pathet Lào và nhân dân Lào phải tiếp tục đấu tranh để đưa cách mạng đi đến thắng lợi. Ngay sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết, ngày 23/7/1954, Thủ tướng Chính phủ Kháng chiến Pathet Lào Xuphanuvông kêu gọi cán bộ, nhân dân Lào đoàn kết chặt chẽ với nhân dân Việt Nam đấu tranh thực hiện độc lập, thống nhất, dân chủ [75; tr.377].
Để đáp ứng tình hình mới, cách mạng Lào đòi hỏi phải có một đảng chân chính lãnh đạo. Ngày 22/3/1955, tại tỉnh Hủa Phăn, Đại hội thành lập Đảng Nhân dân Lào được tổ chức, Đảng Nhân dân Lào chính thức ra đời. Đại hội Đảng Nhân dân Lào xác định kẻ thù của cách mạng Lào là đế quốc Mỹ, từ đó chủ trương: đoàn kết toàn dân; đoàn kết các dân tộc, đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng
1. Nhiều tài liệu viết tỉnh Sầm Nưa. Thực tế, Sầm Nưa là thủ phủ của tỉnh Hủa Phăn.