Nhận xét kết quả thực nghiệm sư phạm

Một phần của tài liệu Bồi dưỡng năng lực thực nghiệm của học sinh thông qua xây dựng và sử dụng các thí nghiệm về dao dộng cơ có kết nối với điện thoại thông minh (Trang 156 - 162)

Chương 3. Thực nghiệm sư phạm

3.6. Nhận xét kết quả thực nghiệm sư phạm

Qua kết quả thu nhận được từ quá trình thực nghiệm, rút ra nhận xét:

- Đối với lớp thực nghiệm, kiến thức mà HS thu thập được thể hiện trong quá trình HS tham gia vào học tập. Điểm quá trình đánh giá được toàn bộ hoạt động học tập của HS chứ không phải chỉ thiên về mặt kiến thức, đáp ứng được nhu cầu bồi dưỡng năng lực thực nghiệm và vẫn đảm bảo đầy đủ kiến thức.

- Thực tế, HS lớp TNg có tinh thần hào hứng hơn trong giờ học vật lí, trong buổi thảo luận trên lớp HS tỏ ra hăng hái phát biểu, xây dựng kiến thức bài học. Thông qua việc được sử dụng thiết bị thí nghiệm và phần hướng dẫn tự tạo TN ở nhà cho HS tỏ ra rất thích thú hào hứng với môn học. Trái lại, HS lớp ĐC chưa được tích cực trong các giờ vật lí biểu hiện qua sự chưa chú ý, còn mất trật tự, chỉ có HS khá giỏi có ý thức học tập tích cực, HS còn lại không tập chung và tỏ ra hời hợt trong quá trình tiếp thu kiến thức, HS không có cơ hội trải nghiệm các hoạt động kích thích khả năng thực nghiệm.

- Thông qua phân tích, xử lí số liệu về điểm kiểm tra của hai lớp TNg và ĐC cho thấy khả năng hiểu và phân tích kiên thức của HS lớp TNg cao hơn so với lớp ĐC. HS lớp TNg được dạy các bước làm TN, cách sử dụng ngôn ngữ vật lí, cách làm TN đơn giản. Vì thế HS có sự hiểu biết sâu sắc về kiến thức đồng thời có những kỹ năng riêng của HS học vật lí. Đối với HS lớp ĐC được giảng dạy theo phương pháp truyền thống nên dẫn đến HS thụ động, HS ghi nhớ kiến thức thông qua ghi chép và nghe giảng nên không hiểu rõ hiện tượng, quy luật vật lí.

- Xét về mặt vận dụng kiến thức, khả năng vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề thực tiễn, đặt ra những vấn đề sâu vào kiến thức của bài, tìm tòi, vận dụng chế tạo các dụng cụ đơn giản của lớp TNg. Đây là dấu hiệu đáng mừng để có thể áp dụng phương pháp dạy học có sử dụng TN theo hướng bồi dưỡng năng lực thực nghiệm này vào trường phổ thông.

- Việc học sinh mới tiếp cận công nghệ Arduino vào xây dựng thiết kế thí nghiệm ban đầu còn khó khăn trong khâu xử lí các thuật toán, đa phần với các thiết bị HS thiết kế đều dưới sự hướng dẫn của GV về mặt thuật toán điều kiển Arduino.

Tuy khó khăn nhưng thông qua đó kích thích sự sáng tạo của học sinh, có thể chế tạo các thiết bị thiết yếu khác, cũng như giải thích được các cơ chế của các thiết bị tự động.

- Thông qua HĐNK, HS không chỉ được bổ trợ, củng cố về kiến thức phần dao động cơ mà bên cạnh đó, HS được bồi dưỡng năng lực thực nghiệm, rèn luyện thêm những kỹ năng cần thiết như: kỹ năng thuyết trình, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng tiến hành TN, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thu thập và xử lí thông tin,...

KẾT LUẬN CHƯƠNG 3

Trong quá trình TNSP, thông qua việc tổ chức, theo dõi và phân tích diễn biến các giờ dạy thực nghiệm, qua việc xử lí kết quả thu được từ bài kiểm tra NLTN về mặt định tính và định lượng, tôi rút ra một số kết luận sau:

Một là với các giáo án có sử dụng thiết bị TNKNĐTTM đã đề xuất, HS tham gia tích cực hơn vào các hoạt động, HS tỏ ra hứng thú, tự giác, chủ động trong các hoạt động của giờ học. Năng lực thực nghiệm được nhắc lại và bỗi dưỡng thông qua từng giai đoạn của giáo án, và thể hiện rõ rệt các mức độ bồi dưỡng năng lực thực nghiệm.

Hình thành cho học sinh cơ sở để phát huy khả năng thực nghiệm.

Hai là kết quả thống kê bài kiểm tra của nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng cho thấy: NLTN của HS ở nhóm thực nghiệm là cao hơn so với HS ở nhóm đối chứng.

Những kết quả trên cho phép khẳng định: Nếu thiết kế và chế tạo mới được các thiết bị thí nghiệm về phần dao động cơ có kết nối với điện thoại thông minh, và xây dựng được tiến trình sử dụng các thiết bị này với các phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp thì sẽ bồi dưỡng được năng lực thực nghiệm của học sinh. Điều đó có nghĩa rằng, giả thuyết khoa học mà đề tài đã đặt ra là đúng đắn, và kết quả nghiên cứu của đề tài hoàn toàn có thể vận dụng vào thực tế giảng dạy vật lí ở các trường THPT hiện nay.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Mục đích nghiên cứu của đề tài là thiết kế, chế tạo và sử dụng một số thiết bị thí nghiệm về phần dao động cơ thuộc chương trình và SGK Vật lí lớp 12, có kết nối với điện thoại thông minh nhằm bồi dưỡng năng lực thực nghiệm của học sinh THPT. Và nếu giả thuyết khoa học của đề tài là “Nếu thiết kế và chế tạo mới được các thiết bị thí nghiệm về phần dao động cơ có kết nối với điện thoại thông minh, và xây dựng được tiến trình sử dụng các thiết bị này với phương pháp và hình thức tổ chức dạy học phù hợp thì sẽ bồi dưỡng được năng lực thực nghiệm của học sinh”. Chúng tôi đã xác định và triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể. Dựa trên kết quả mà chúng tôi nghiên cứu, được trình bày trong luận văn, chúng tôi có một số kết luận như sau:

Luận văn đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ nghiên cứu đạt ra, khẳng định được giả thuyết khoa học của đề tài, cụ thể

- Luận văn đã hệ thống được cơ sở lý luận của việc xây dựng và sử dụng các thí nghiệm về dao động cơ có kết nối với điện thoại thông minh nhằm bồi dưỡng năng lực thực nghiệm của học sinh trong dạy học vật lí ở trường phổ thông. Cụ thể, đã làm rõ các cơ sở lý luận về việc bồi dưỡng năng lực thực nghiệm, về việc thiết kế, chế tạo và sử dụng thiết bị thí nghiệm vật lí, về thiết bị kết nối với phương tiện số.

- Luận văn đã tìm hiểu và nêu lên được thực trạng chương “Dao động cơ” trong việc sử dụng thiết bị thí nghiệm và bồi dưỡng năng lực thực nghiệm của học sinh. Từ đó là cơ sở xây dựng và sử dụng TNKNĐTTM trong dạy học nhằm bồi dưỡng năng lực thực nghiệm của học sinh.

- Luận văn đã phân tích được nội dung chương trình và SGK Vật lí 12 THPT chương “Dao động cơ”.

- Luận văn đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ thí nghiệm “Dao động cơ” có kết nối với ĐTTM và soạn thảo các tiến trình dạy học (3 giáo án) chương “Dao động cơ” với TNKNĐTTM đã xây dựng nhằm bồi dưỡng năng lực thực nghiệm của HS.

- Luận văn đã tổ chức thực nghiệm sư phạm các tiến trình dạy học được soạn thảo. Kết quả TNSP đã cho thấy việc xây dựng và sử dụng TNKNĐTTM đã chế tạo trong dạy học chương “Dao động cơ” theo ý tưởng sư phạm và các tiến trình dạy học

đã soạn thảo là khả thi, và đã bồi dưỡng được năng lực thực nghiệm của HS, góp phần nâng cao chất lượng dạy học.

Một số hạn chế trong kết quả nghiên cứu của luận văn

- Kết quả TNSP mang tính thống kê chưa cao vì mẫu điều tra và thực nghiệm còn nhỏ. Số lượng bài dạy theo hướng đề xuất của đề tài còn ít nên chưa đánh giá được hết tính khả thi của đề tài.

- Bộ thiết bị TNKNĐTTM được thiết kế còn một số chức năng chưa hoàn thiện, chưa tích hợp được các cảm biến nên thiết bị còn rườm rà, chưa đạt thẩm mĩ.

- Việc bồi dưỡng năng lực thực nghiệm cho HS trong dạy học vật lí muốn đem lại hiệu quả cao phải có nhiều công sức, thời gian chuẩn bị của GV và phải được tiến hành trong suốt quá trình dạy học, tuy nhiên thời gian thực nghiệm lại ngắn nên hiệu quả chưa cao.

Những hạn chế trên, do các nguyên nhân

- Thời gian nghiên cứu và kinh nghiệm nghiên cứu của tác giả còn nhiều hạn chế, tuy cố gắng nhưng không tránh khỏi chủ quan khi nghiên cứu.

- Thực tế tổ chức dạy học chương “Dao động cơ” hiện nay có tác động không hề nhỏ từ mục đính thi đại học của HS, vì vậy gây khó khăn trong việc triển khai hoạt động thực nghiệm sư phạm.

Một số kiến nghị

- Đối với các cơ quan quản lí giáo dục, cần quan tâm hơn nữa đến việc chỉ đạo kiểm tra đánh giá kết quả học tập của HS dựa vào năng lực, đặc biệt đối với bộ môn vật lí cần chú trọng nhiều đến NLTN. Cần tăng cường đầu tư trang thiết bị, dụng cụ TN đầy đủ và chất lượng tạo điều kiện tốt cho HS và GV trong quá trình dạy học.

- Đề nghị thực hiện tiếp các nghiên cứu để hoàn thiện và phát triển thiết bị TNKNĐTTM, cải tiến, nâng cao xây dựng thêm các thiết bị khác đáp ứng nhu cầu thí nghiệm trong chương trình vật lí.

Hướng phát triển mới của đề tài

Cải tiến các bộ phận của thiết bị, xây dựng các thiết bị khác mở rộng phạm vi nghiên cứu cho các chương, các phần khác trong chương trình vật lí phổ thông

Một phần của tài liệu Bồi dưỡng năng lực thực nghiệm của học sinh thông qua xây dựng và sử dụng các thí nghiệm về dao dộng cơ có kết nối với điện thoại thông minh (Trang 156 - 162)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(227 trang)