a. Thực hiện trên xác người
Năm 2007, Pádua tiến hành nghiên cứu qua nội soi hốc mũi của 61 xác người để xác định sự có mặt của mào sàng, vị trí của lỗ bướm khẩu cái và lỗ phụ của nó [23]. Đồng thời, nghiên cứu cũng xác định số nhánh động mạch đi ra khỏi lỗ. Sự xuất hiện của mào sàng có ở tất cả các trường hợp, lỗ thông phụ chiếm 9,83%. Lỗ bướm khẩu cái gặp ở ngang vị trí chuyển tiếp giữa khe mũi trên và khe mũi giữa 86,9% và khe mũi trên 13,1%, không thấy xuất hiện ở ngang khe mũi giữa. Khoảng cách thành dưới lỗ bướm khẩu cái đến gai mũi trước: 66mm (50-81mm).
Năm 2008, Prades và cộng sự thực hiện phẫu tích trên sọ khô và sọ người có bắt thuốc mạch máu nhằm xác định khoảng cách giữa bờ dưới lỗ bướm khẩu cái đến một số điểm trong hốc mũi, kích thước lỗ bướm khẩu cái [26]. Khoảng cách từ bờ dưới lỗ bướm khẩu cái đến mảnh ngang xương khẩu cái là 18,27mm (15,09–20,87mm), đến cuốn mũi dưới là 13,04mm (9,01–14,85mm), đến thành sau xoang hàm là 10mm. Bên cạnh đó, xác định kích thước trên dưới của lỗ bướm khẩu cái là 6,13mm (5,24–6,84mm). Hình dạng của lỗ được tìm thấy là hình đồng hồ cát với hẹp ở giữa.
Năm 2009, Scanavine và cộng sự thực hiện trên 54 bán sọ nhằm xác định số lượng lỗ bướm khẩu cái và vị trí lỗ bướm khẩu cái [31]. Với số lượng lỗ bướm khẩu cái thường gặp nhất là lỗ đơn (87%); vị trí thường gặp nhất là ngang
khe mũi trên (81,5%) và chuyển tiếp giữa khe mũi trên và khe mũi giữa 14,8%;
vị trí lỗ bướm khẩu cái ở ngang khe mũi giữa chỉ 1 trường hợp (1,9%).
Năm 2011, Tolosana và cộng sự thực hiện trên 32 bán sọ người nhằm tìm vị trí, kích thước của lỗ bướm khẩu cái cũng như sự xuất hiện của mào sàng [35]. Lỗ bướm khẩu cái xuất hiện ở vị trí chuyển tiếp của khe mũi trên và khe mũi giữa chiếm phần lớn 56,24% quan sát mào sàng xuất hiện ngang với bờ trước lỗ bướm khẩu cái, kế đến thấy lỗ nằm ở ngang khe mũi trên với 37,5%
(12 mẫu) quan sát thấy cuốn mũi giữa tiếp giáp với bờ dưới lỗ bướm khẩu cái, khe mũi giữa 2 trường hợp (6,25%) nơi cuốn mũi giữa bám vào bờ trên lỗ bướm khẩu cái. Lỗ thông phụ tìm thấy ở 50% các trường hợp, đa phần ở khe mũi giữa.
Kích thước trung bình trên dưới của lỗ bướm khẩu cái là 6,8±3mm và kích thước trước sau của lỗ là 7,5±3mm. Mào sàng xuất hiện trong tất cả các trường hợp và ở phía trước lỗ bướm khẩu cái.
Vào năm 2012, Rezende và cộng sự [27] nghiên cứu trên 56 hốc mũi ở 28 xác người trưởng thành cho kết quả: Mào sàng trình diện 96,4% các trường hợp, đa phần nằm phía trước lỗ. Mào sàng 2 bên hốc mũi chiếm 92,8% (26 trường hợp), mào sàng 1 bên mũi trái chiếm 3,6% (1 trường hợp), mào sàng vắng mặt ở 2 bên hốc mũi 3,6% (1 trường hợp). Lỗ bướm khẩu cái ở ngang vị trí chuyển tiếp của khe mũi trên và khe mũi giữa trong tất cả các trường hợp.
Năm 2014, Alherabi và cộng sự [6] tiến hành nghiên cứu nội soi giải phẫu trên xác của 16 thành mũi ngoài để có được vị trí thường xuất hiện của lỗ, sự xuất hiện của lỗ phụ, sự xuất hiện mào sàng và các số đo từ cửa mũi đến lỗ bướm khẩu cái, mào sàng và các mốc liên quan khác. Nghiên cứu chỉ ra vị trí chuyển tiếp ở khe mũi trên và khe mũi giữa thường hay gặp nhất chiếm 75%
(12 trường hợp), khe mũi trên 25% (4 trường hợp), không có trường hợp nào ở khe mũi giữa. Lỗ phụ có 3 trường hợp chiếm (18,7%) nằm ở khe giữa. Mào sàng xuất hiện 100% trường hợp. Mào sàng vẫn là một mốc đáng tin cậy tìm lỗ
bướm khẩu cái và lỗ bướm khẩu cái có thể mở rộng xuống bờ dưới mào sàng.
Do vậy, trong phẫu thuật tìm động mạch bướm khẩu cái cần lật vạt niêm cốt mạc xuống phía dưới bờ dưới mào sàng nhằm tránh sót phần nằm ngang khe mũi giữa của lỗ bướm khẩu cái và lỗ phụ. Khoảng cách từ cửa mũi đến lỗ bướm khẩu cái là 64,4±6mm và từ sàn mũi đến bờ dưới lỗ là 19,3±1mm.
Trong nghiên cứu năm 2014 của Morales-Cadena và cộng sự thực hiện qua nội soi trên 5 xác người Mexico [19]. Các tác giả đưa ra vị trí thường gặp cuả lỗ bướm khẩu cái trong hốc mũi, sự xuất hiện của mào sàng và xác định vị trí mào sàng so với lỗ bướm khẩu cái cũng như xác định khoảng cách từ cột mũi đến lỗ bướm khẩu cái, mào sàng trên nội soi. Với vị trí thường gặp nhất của lỗ bướm khẩu cái là chuyển tiếp giữa khe mũi giữa và khe mũi trên (60%).
Có 100% trường hợp có mào sàng nằm phía trước lỗ bướm khẩu cái. Không tìm thấy lỗ thông phụ trong nghiên cứu và kết quả không có sự khác biệt thống kê 2 bên giữa các mẫu.
Nghiên cứu của Aggarwal và cộng sự năm 2016 tiến hành trên 32 bán sọ ngâm Formon giúp xác định số lượng lỗ, vị trí lỗ và khoảng cách từ lỗ bướm khẩu cái đến một số mốc giải phẫu, sự xuất hiện của mào sàng [4]. Kết quả lỗ bướm khẩu cái đa phần là lỗ đơn; lỗ phụ chỉ chiếm 36,75%. Vị trí thường gặp của lỗ bướm khẩu cái là chuyển tiếp giữa khe mũi giữa và khe mũi trên 17 trường hợp (53,12%) kế đến là nằm ở ngang khe mũi trên với 8 trường hợp (25%); ngang khe mũi giữa ít phổ biến hơn với 5 trường hợp (15,62%). Nghiên cứu tiến hành đo lường khoảng cách từ lỗ bướm khẩu cái đến gai mũi trước 60,69±4,72mm (55-65mm), đến hố lê 61,9±5,57 (60-70mm), đến van mũi trong 54,26±3,23 (50-60mm), đến sàn mũi 22,16±2mm (18,67-26mm), phần sau của cuốn mũi dưới 13,14±2,55 (8-15mm) và góc hợp bởi lỗ bướm khẩu cái, gai mũi trước và sàn mũi là 20-30o. Mào sàng quan sát thấy rõ ở 30 trường hợp (93,75%).
b. Thực hiện qua hình ảnh học
Một nghiên cứu tiến cứu được thực hiện năm 2015 của Nalavenkata và cộng sự thực hiện trên 102 bệnh nhân qua chụp CT xoắn ốc nhằm đo lường khoảng cách từ lỗ bướm khẩu cái đến thóp sau và cuốn mũi dưới [20]. Nhằm tìm ra và đánh giá sự hữu ích của mốc giải phẫu trên hình ảnh CT cho phẫu thuật nội soi. Hai điểm được xác định để đo lường đến lỗ bướm khẩu cái là thóp sau và cuốn mũi dưới. Khoảng cách từ thóp sau đến lỗ bướm khẩu cái là 14,1±2,13mm và khoảng cách từ bờ dưới lỗ bướm khẩu cái đến chỗ bám của cuốn mũi dưới là 14,13mm. Tác giả đánh giá 2 điểm này là 2 mốc đáng tin cậy để tìm kiếm lỗ bướm khẩu cái. Bên cạnh đó, nghiên cứu còn tìm độ rộng lỗ bướm khẩu cái là 4,62±1,55mm.
Nghiên cứu của El-Shaarawy và Hassan [14] năm 2017 ứng dụng phẫu tích xác, hình ảnh học chụp CT và nội soi trên sọ khô để xác định số lượng, hình dạng và vị trí lỗ bướm khẩu cái. Kết quả nghiên cứu cho thấy số lượng lỗ bướm khẩu cái là lỗ đơn chiếm đa số (khoảng 80%); chiều cao lỗ trong khoảng từ 3-9mm, trung bình 6±2mm và độ rộng trong khoảng 3-8mm, trung bình 5,5±1mm; hình dạng đa dạng: bầu dục, tròn, tam giác, tứ giác, hình dạng khác;
vị trí thường gặp là ở ngang khe mũi trên (Trên sọ khô là 67,5% và trên hình ảnh học là 62,5%) kế đến là chuyển tiếp giữa khe mũi trên và khe mũi giữa, không phát hiện lỗ nằm ở ngang khe mũi giữa.
Trong nghiên cứu của Maxwell và cộng sự [18] năm 2017, các tác giả dùng các mốc phẫu thuật dễ xác định như đường hàm trên, đầu trước cuốn giữa, mảnh nền, vòm cửa mũi sau và sàn mũi để đo lường đến lỗ bướm khẩu cái thông qua hình chụp CT xoang của 50 người với độ tuổi trung bình 47,5 (trong khoảng 18-78 tuổi) và tỉ lệ nam:nữ là 1:1. Qua đó, có được các thông số để ước lượng nhanh vùng lỗ bướm khẩu cái, giúp cho các phẫu thuật viên có cái nhìn toàn cảnh trước khi tiến hành phẫu thuật và hỗ trợ xác định nhanh vùng lỗ bướm
khẩu cái khi phẫu thuật. Khoảng cách trước sau trung bình đến lỗ bướm khẩu cái từ: đường hàm trên (36,7±5,5mm), đầu trước cuốn giữa (33,8±6,7mm), mảnh nền cuốn giữa (11,8±1,9mm), vòm cửa mũi sau (9,2±1,4mm) và sàn mũi (26,6±2,6mm).
Nghiên cứu năm 2019 của El-Anwar và cộng sự khảo sát phim CT của 70 bệnh nhân nhằm xác định và ước lượng khoảng cách từ các mốc phẫu thuật thiết yếu đến lỗ bướm khẩu cái [13]. Khoảng cách đến lỗ bướm khẩu cái từ sàn mũi là 25,6 ± 2,4mm, cửa mũi sau là 8,5 ± 1,38mm, đường hàm trên là 36,4 ± 2,6mm, đầu trước cuốn giữa là 34,6 ± 4,26mm, mảnh nền là 8,1 ± 1,27mm và thóp sau là 13,7 ± 1,7 mm. Các giá trị khoảng cách được đo lường từ sàn mũi, cửa mũi sau và thóp sau đến lỗ bướm khẩu cái ở nữ nhỏ hơn nam có khác biệt đáng kể.
Nghiên cứu trong nước
Năm 2004, tác giả Bùi Thái Vi trong luận án Tiến sĩ nghiên cứu giải phẫu học Động mạch hàm ở người Việt Nam trưởng thành tại TP.HCM đã tiến hành khảo sát lỗ bướm khẩu cái và mào sàng trên 30 mẫu sọ cắt dọc giữa từ 15 sọ để tìm mào sàng, lỗ bướm khẩu cái và xác định mối tương quan của lỗ bướm khẩu cái với mào sàng và mào sàng với cuốn mũi giữa nhằm ứng dụng qua nội soi thắt hoặc đốt động mạch bướm khẩu cái để xử trí chảy máu mũi sau [3]. Trong nghiên cứu này, đường kính của lỗ bướm khẩu cái khi không còn niêm mạc được tính là: ngang 4,5±1,6mm và dọc 5,2±1,3mm. Đa số lỗ bướm khẩu cái nằm ngang ẳ sau đuụi của cuốn mũi giữa chiếm 93%; 7% nằm phớa trờn cuốn mũi giữa. Hình dạng lỗ bướm khẩu cái đa phần là hình bầu dục chiếm 40% kế đến là hình quả thận (số 8) với 36,6%, hình tròn là 6,7% và hình khác (trái đào, khe) là 16,7%. Tỉ lệ có 1 mào sàng là 53,3%, có 2 mào sàng là 46,7%. Khoảng cách từ gai mũi trước đến điểm trước nhất của lỗ bướm khẩu cái là 54,2±2,5mm; điểm thấp nhất là 53,9±2,8mm và điểm sau nhất là 54,4±3,8mm.
Đến nay, những nghiên cứu khảo sát về lỗ bướm khẩu cái trên xác hoặc trên hình ảnh học ở nước ta chưa nhiều.
CHƯƠNG 2