CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU
1.2 Cơ sở thực tiễn vấn đề nghiên cứu
1.2.1 Tổng quan nghiên cứu
Kỳ thị xã hội là một nội dung quan trọng trong nghiên cứu khoa học xã hội.
Nội dung này thường xuất hiện trong nghiên cứu các nhóm thiểu số như thiểu số tình dục, dân tộc thiểu số, người nhiễm HIV, người khuyết tật…Là một nội dung quan trọng trong các nghiên cứu của thế kỷ 21, tuy nhiên ở Việt Nam, vấn đề này hiện nay mới bắt đầu được chú ý và chú trọng vào nghiên cứu.
Công trình nổi tiếng nhất về kỳ thị trong khoa học xã hội là cuốn sách của Erving Goffinan, Stigma: Notes on the Management of spoiled Identity. Xuất bản lần đầu vào năm 1963, Stigma xem xét kinh nghiệm/ trải nghiệm của cả phía cá nhân và xã hội khi một người bị xem là “không bình thường” vì một lý do này hoặc khác. Theo Goffinan, việc kỳ thị một người/ nhóm người có chức năng bảo vệ người kỳ thị về mặt tâm lý chống lại ý tưởng/ sự lo lắng rằng họ có thể dễ dàng bị ảnh hưởng bởi những thuộc tính (bị) kỳ thị (của những nhóm người kia).
Nghiên cứu “Sống trong một xã hội dị tính- câu chuyện của 40 người nữ yêu nữ- Câu chuyện với cha mẹ” (2010) của Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường điển cứu tại địa bàn Hà Nội. Nghiên cứu đã nêu ra mối quan hệ của người
đồng tính nữ đối với cha mẹ bao gồm việc giấu cha mẹ; comeout…và bị lộ; cha mẹ phản đối; Cố gắng làm người dị tính; cha mẹ chấp nhận con; không danh chính ngôn thuận nhưng hòa nhập với gia đình. Qua đó, các tác giả đã đưa ra những bàn luận làm cơ sở cho những vận động chính sách cho người người đồng tính nữ.
Tổng luận các nghiên cứu “Người đồng tính, song tính và chuyển giới ở Việt Nam” (2013) do tiến sỹ Phạm Quỳnh Phương biên soạn. Trong tổng luận này, tác giả đã phác họa một diện mạo chung về những vấn đề đã và đang tồn tại của cộng đồng LGBT (người đồng tính nữ, người đồng tính nam, người song tính và người chuyển giới) ở Việt Nam, khuôn khổ luật pháp của việc công nhận quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới, đồng thời tổng hợp những đề xuất kiến nghị nhằm giúp các nhà làm luật có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này.
Trong báo cáo “Là người đồng tính song tính và chuyển giới ở Việt Nam ở Châu Á, Báo cáo quốc gia Việt Nam” của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã tổng hợp môi trường pháp lý và xã hội cho các cá nhân, tổ chức dân sự của người đồng tính, song tính và chuyển giới. Trong báo cáo này, các tác giả có nhắc đến kỳ thị xã hội đối với người LGBT ở Việt Nam trong các lĩnh vực việc làm, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, gia đình, truyền thông, các quyền và luật pháp, cộng đồng. Báo cáo cũng đã cung cấp cái nhìn khách quan về lịch sử LGBT tại Việt Nam, điểm lại những phát triển gần đây, đề cập đến những chiến lực chủ chốt trong việc cải thiện quyền của những người LGBT thông qua vận động chính sách, các dịch vụ hỗ trợ, thể hiện trên truyền thông và nghiên cứu. Báo cáo cũng tìm hiểu sự phát triển cơ cấu và tăng cường năng lực của các tổ chức liên quan đến cộng đồng LGBT và những bên liên quan chính khác trong lĩnh vực quyền LGBT.
Nghiên cứu “Thông điệp về người đồng tính trên báo in và báo mạng” của Viện nghiên cứu xã hội kinh tế và môi trường phối hợp với Học viện báo chí và tuyên truyền. Nghiên cứu này đã phân tích các nội dung các bài viết trên báo in và báo mạng cho thấy một tỉ lệ lớn các nhà truyền thông sử dụng ngôn ngữ làm tăng định kiến, nhấn mạnh khuôn mẫu giới và đánh đồng các khái niệm để khắc họa
chân dung ngươi đồng tính, từ đó vẽ nên hình ảnh nhóm người đồng tính là nhóm
có khả năng tình dục mạnh khác thường, hành vi tình dục không được chấp nhận, đời sống tình dục ẩn chứa nhiều hiểm họa, không có khả năng duy trì quan hệ đôi lứa lâu dài, tư cách đạo đức không tốt và không có những biểu hiện rõ ràng về nhu cầu ngoài nhu cầu tình dục.
Những nghiên cứu hiện nay mới chỉ đánh giá tổng quát sự kỳ thị xã hội ở góc độ chung về người đồng tính luyến ái ở Việt Nam, tập trung vào việc tìm hiểu kiến thức và các hành vi nguy cơ liên quan đến lây nhiễm HIV. Kết quả là sự tồn tại của nhóm đồng tính luyến ái nữ và thái độ của cộng đồng xã hội đối với hiện tượng đồng tính luyến ái nữ gần như không được chú ý đến, hoặc có những nghiên cứu có
đi vào vấn đề này nhưng mới chỉ là góc nhìn một chiều từ người đồng tính nữ chứ chưa có đánh giá đa chiều.
Nghiên cứu về “Kỳ thị, Phân biệt đối xử và Bạo lực với người LGBT tại trường học” (CCIHP 2011) cho thấy 45% số học sinh- sinh viên là LGBT cho rằng
đã từng bị bạo lực và phân biệt đối xử ở trường học với nhiều hình thức (thể chất, tinh thần, tình dục và kinh tế); 18% những trường hợp bạo lực và phân biệt đối xử gây ra bởi các thầy cô giáo và cán bộ trong trường; 38% những người bị bạo lực khi còn đi học cho biết họ thấy mất niềm tin vào tương lai; 31% các em bị bạo lực có ý định tự tử.
Trong luận văn thạc sỹ ngành công tác xã hội của Lê Thị Thu (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn) về vấn đề Bạo lực đối với người đồng tính tại
Hà Nội (năm 2014) đã hệ thống hóa cơ sở lí luận về người đồng tính và các vấn đề liên quan. Nghiên cứu thực trạng người đồng tính bị bạo lực tại Hà Nội. Tìm hiểu các nguyên nhân khác nhau dẫn đến người đồng tính bị bạo lực. Trình bày các hậu quả tác động của vấn đề bạo lực đối với người đồng tính. Đưa ra các biện pháp hỗ trợ của Công tác xã hội đối với vấn đề này để bảo vệ quyền của người đồng tính và giúp mọi người hiểu hơn về đồng tính để tạo điều kiện để người đồng tính được sống như bao người bình thường khác
Trong luận văn này sẽ phân tích nhận thức và thái độ cũng như hành vi của
xã hội đối với người đồng tính nữ để cho thấy sự kỳ thị của xã hội đối với đồng tính
nữ đang ở mức độ nào và từ đó hướng tới các giải pháp nhằm giúp người dân tiếp cận được với kiến thức chính thống về người đồng tính nữ, hướng tới giảm sự kỳ thị của xã hội. Đồng thời, qua nghiên cứu này, chúng tôi mong muốn các nhà làm luật, các nhà truyền thông hiểu và quan tâm hơn đến nhóm thiểu số tình dục, từ đó có những chương trình hoặc những sửa đổi về pháp luật để đảm bảo quyền của mỗi cá nhân.