CHƯƠNG 3: CÁC NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN KỲ THỊ XÃ HỘI VÀ ỨNG PHÓ VỚI SỰ KỲ THỊ XÃ HỘI CỦA NGƯỜI ĐỒNG TÍNH NỮ
3.2 Ứng phó với sự kỳ thị xã hội của người đồng tính nữ
3.2.1 Che giấu xu hướng tình dục
Trong xã hội phụ hệ và coi trọng nam giới, bản thân người đồng tính nữ đã chịu sự kỳ thị vì họ là nữ giới và họ càng là đối tượng dễ bị kỳ thị hơn khi họ là
nhóm thiểu số tình dục. Chính vì vậy, người đồng tính nữ thường chọn giải pháp che giấu xu hướng tính dục với gia đình, bạn bè và những người xung quanh.
Theo kết quả nghiên cứu của iSEE, do hình dung trước thái độ bị kỳ thị của cộng đồng từ trong gia đình cho đến ngoài xã hội nên phần lớn người đồng tính đều phải che giấu khuynh hướng tính dục. Kết quả khảo sát trực tuyến với 2.483 người đồng tính cho thấy, chỉ có khoảng 1/10 số người trả lời cho biết họ cởi mở hoàn toàn với các thành viên trong gia đình về khuynh hướng tính dục của mình. Việc giữ bí mật xu hướng tính dục chủ yếu do sợ xã hội kỳ thị (41%), sợ gia đình không chấp nhận (39%), sợ bị trêu chọc, bắt nạt hoặc mất việc.
Trong các phỏng vấn sâu của đề tài thực hiện với người đồng tính nữ cũng cho kết quả tương tự với nghiên cứu trên. Lý do chính khiến người đồng tính nữ giấu cha mẹ xu hướng tính dục của mình vì họ thương cha mẹ và vì lo lắng cho bản thân mình. Họ sợ rằng việc họ công khai sẽ tạo gánh nặng lên cha mẹ, làm mất danh
dự của cha mẹ và cộng đồng.
“Em không cho gia đình biết, em sẽ giấu vì em không muốn bố mẹ mình
buồn, tại em luôn sống cho người khác, gia đình là trên hết, nên em sẽ không nói đâu.”, có bạn chia sẻ rằng “em sẽ chờ đến lúc xã hội chấp nhận có những người như em thì em mới nói với bố mẹ và mọi người, làm như vậy thì dễ sống hơn chứ cứ suốt ngày bị chỉ trỏ, xoi mói, sợ lắm” (Đồng tính nữ, 22 tuổi, HCM).
Trong những người nữ đồng tính chúng tôi đã gặp và nói chuyện, họ cho rằng không cha mẹ nào biết mà vui vẻ chấp nhận sự thật về xu hướng tính dục của con cái. Họ lo sợ cha mẹ sẽ buồn, sẽ suy nghĩ, sẽ đau khổ và sẽ bị sốc. Là con, họ giấu cha mẹ để bảo vệ chính cha mẹ mình.
“Em nghĩ là lúc đấy em đủ... nói chung là bị dồn vào đường cùng quá, bị thúc giục quá, hoặc là bị phát hiện ra 1 điều gì đấy, thì đến lúc đấy sẽ phải comeout,, còn nói chung là nếu không thì chắc là sẽ để cho bố mẹ em tự biết”
(Đồng tính nữ 23 tuổi, HCM)
Bên cạnh việc che giấu để bảo vệ cha mẹ thì che giấu còn là cách để người đồng tính nữ bảo vệ chính mình. Họ lo sợ khi cha mẹ biết họ sẽ bị ngăn cản, cấm đoán, tìm mọi cách can thiệp vào các mối quan hệ của họ. Việc giấu xu hướng tính dục với cha mẹ đồng nghĩa với việc họ phải giấu tình yêu và người yêu của mình.
Theo nghiên cứu “Sống trong một xã hội dị tính” của Viện nghiên cứu xã hội kinh
tế và môi trường (2010), rất nhiều người đồng tính nữ giả vờ mình với người yêu là bạn thân. Bạn gái chơi thân là chuyện phổ biến nên nhiều gia đình không nhận thấy
họ là người yêu.
“Trước mặt bố mẹ em, em cũng phải gọi bằng chị đấy chứ. Ngượng mồm chết đi được, ngượng mồm lắm. Còn bạn ấy thì gọi tên, bạn ấy hơn em hai tuổi. Gọi chị cho nó ngọt ngào mẹ nghe. Thường em toàn gọi bạn ấy là em xưng anh. Nhưng bố mẹ em toàn nói chị em người lớn tuổi thì phải gọi là chị, không xưng tên xách mé…”(Đồng tính nữ, 24 tuổi, Hà Nội).
Không chỉ giấu gia đình, người đồng tính nữ còn thận trọng che giấu người yêu của mình với những người khác để cha mẹ không qua họ mà biết được. Do vậy
đa số người nữ yêu nữ kín đáo chuyện tình cảm của mình. Có những người không
để cho ai biết ngoài người mình yêu. Có người chỉ có những người trong giới mới biết. Có người nói với bạn bè thân là người dị tính. Một số người come-out rộng hơn, nhưng thường có chọn lọc, và thường nghĩ sao cho không đến tai cha mẹ mình, nếu cha mẹ chưa biết.
“Chưa bao giờ em với nó (người yêu) thể hiện, chỉ là đi chơi với bạn, không bao giờ mà mình nói chuyện…chỉ mày tao, hai đứa đều mày tao hết, bạn bè bình thường, không bao giờ đi chơi mà nắm tay hay là quan tâm nhiều. Quen thì có quen nhưng vẫn như một người bạn chứ không có mà…trừ khi nhắn tin hay qua cuộc điện thoại nói là quen” (Đồng tính nữ, 22 tuổi, HCM).
Hoặc chọn cách im lặng những lời đồn đại của người xung quanh “Hàng xóm
nhìn thấy em cắt tóc ngắn thì cũng nói này nọ kia nhưng em im lặng không nói gì thì cũng qua, nhưng em cũng sẽ không cho mọi người biết” (đồng tính nữ, 22 tuổi, HCM).
Nếu không may bị gia đình phát hiện, người đồng tính nữ sẽ bị ngăn cấm.
Nếu may mắn, họ sẽ được gia đình chấp nhận vì họ sợ mất con:
“Em cũng có nhỏ bạn cũng giống em, nói chung gia đình nó cũng hai anh
em, có anh lớn với mình nó, dạng như nó quen xong rồi nó cũng cho gia đình
nó biết nó cũng quen vậy, nó cũng dẫn nhỏ bạn về nhà, bây giờ gia đình cấm hoài, cấm thì đến mức độ nào cũng chán thôi, dẫn về rồi người nhà nó cũng chấp nhận rồi, giờ nó đang ở ngoài sài gòn, ở thủ đức á, nhỏ bồ nó thì đang làm bên Bình Tân, hai đứa cũng đã quen 5,6 năm rồi. Nói chung gia đình nó cũng cấm này nọ, nó cũng giấu diếm nhưng nhiều khi nó không muốn giấu, gia đình nó cũng phải chấp nhận, không chấp nhận thì mất con” (Đồng tính
nữ, 22 tuổi, HCM).
Che giấu xu hướng tính dục với gia đình và người xung quanh là cách ứng phó với sự kỳ thị của xã hội của người đồng tính nữ. Họ phải tạo ra vỏ bọc để ứng phó với dư luận xã hội, tránh định kiến xã hội và kỳ thị của xã hội. Qua đó có thể thấy sức mạnh của dư luận xã hội và sự kỳ thị xã hội đối với người đồng tính nữ vô cùng to lớn buộc họ phải che dấu xu hướng tính dục của mình. Che dấu xu hướng tính dục khiến người đồng tính nữ rơi vào trong hoàn cảnh bị ép buộc kết hôn, nếu không kết hôn cũng sẽ bị dư luận chỉ trích.