Tỷ lệ trầm cảm, lo âu và stress ở học sinh tại một số Trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế bằng thang đo DASS-21

Một phần của tài liệu Nghiên Cứu Trầm Cảm, Lo Âu, Stress Và Một Số Yếu Tố Liên Quan Ở Học Sinh Tại Một Số Trường Trung Học Phổ Thông Trên Địa Bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế (Full Text).Docx (Trang 60 - 64)

4.2.1. Tỷ lệ trầm cảm, lo âu và stress bằng thang đo DASS-21 ở đối tượng nghiên cứu

Kết quả trong nghiên cứu của chúng tôi ở bảng 3.3 cho thấy tỷ lệ trầm cảm, lo

âu và stress của học sinh lần lượt là 52,7%, 65,4% và 46,6%. Kết quả này khá tương đồng với nghiên cứu của tác giả Tôn Thất Toàn và cộng sự cho thấy có 55,4% đối tượng nghiên cứu có biểu hiện trầm cảm, 64,8% đối tượng có biểu hiện lo âu [27]. Kết quả này cao hơn nghiên cứu của Nguyễn Văn Hùng và cộng sự cho thấy

tỷ lệ trầm cảm, lo âu và stress của học sinh THPT lần lượt chiếm 47,6%; 52,1% và 34,8% [13]. Hay nghiên cứu của Nguyễn Danh Lâm cho thấy có 43,6%, 49,0% và 41,7% học sinh có các biểu hiện trầm cảm, lo âu và stress [16]. Nghiên cứu của Ngô Anh Vinh và cộng sự trên 1111 học sinh cho thấy, trong 3 rối loạn của đối tượng nghiên cứu, lo âu là biểu hiện được ghi nhận mắc nhiều nhất với 422 học sinh, chiếm tỉ lệ 38%; tiếp theo là stress với 367 học sinh (33%) và trầm cảm là 290 học sinh chiếm tỷ lệ thấp nhất (26,1%) [41].

Mặt khác, nghiên cứu của chúng tôi có tỷ lệ học sinh biểu hiện lo âu và stress

là 65,4% và 46,6%, thấp hơn nghiên cứu của Ngô Thi Diệu Hường, khi cho thấy tỷ

lệ của 2 biểu hiện này lần lượt là 68,2% và 49,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ học sinh có biểu hiện trầm cảm ở nghiên cứu chúng tôi (52,7%) lại cao hơn so với nghiên cứu này (46,1%) [14]. Trong khi đó, nghiên cứu của Hoàng Tuấn Anh lại cho thấy 62,2% học sinh có biểu hiện trầm cảm, 59,2% học sinh có biểu hiện lo âu và 40,4% học sinh có biểu hiện stress. Kết quả này cao hơn nghiên cứu chúng tôi ở biểu hiện trầm cảm, nhưng ở biểu hiện lo âu và stress, kết quả của chúng tôi cho thấy cao hơn so với tác giả [1].

Sự khác nhau này cũng được tìm thấy ở nghiên cứu của Danh Thành Tín khi cho thấy tỷ lệ trầm cảm và lo âu (42,1% và 63,8%) thấp hơn nghiên cứu của chúng tôi, tuy nhiên tỷ lệ stress (52,1%) cao hơn so với nghiên cứu chúng tôi [26]. Điều tương tự cũng được tìm thấy khi so sánh các tỷ lệ với nghiên cứu của Kumar A. ở

New Delhi khi tỷ lệ biểu hiện trầm cảm, lo âu và stress trong nghiên cứu này lần lượt là 47,9%; 65,3% và 51,8% [49].

Kết quả ở bảng 3.4 cho thấy cả 3 biểu hiện đều có mức độ vừa với tỷ lệ khá cao, dao động từ 16,7% đến 27,6%. Tuy nhiên, tỷ lệ mức độ rất nặng cũng khá cao phân bổ ở biểu hiện lo âu (16,5%) và trầm cảm (6,3%). Kết quả này thấp hơn so với nghiên cứu của Hoàng Tuấn Anh cho thấy mức độ vừa của cả ba biểu hiện dao động từ 23,6% đến 39,3%. Tỷ lệ mức độ rất nặng ở hai biểu hiện lo âu (22,8%) và trầm cảm (4,9%) [1]. Sự khác biệt này có thể do trong nghiên cứu của Hoàng Tuấn Anh tiến hành với nhóm đối tượng học sinh trung học có bố mẹ ly hôn trên địa bàn thành phố với phần lớn học sinh chịu thiệt thòi hoặc gặp những tác động nhất định

từ cuộc ly hôn của bố mẹ, thiếu đi sự quan tâm, chăm sóc và tình yêu thương của gia đình toàn vẹn dẫn tới nhiều những tổn thương tâm lý.

Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy tỷ lệ học sinh có biểu hiện trầm cảm, lo âu

và stress từ mức độ vừa trở lên lần lượt là 33,5%, 55,9% và 30,0%. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Ngô Thị Diệu Hường cho thấy tỷ lệ này lần lượt là 28,9%, 57,9% và 32,4% [14]. Tuy nhiên, kết quả này cao hơn so với nghiên cứu của Nguyễn Danh Lâm khi cho thấy tỷ lệ này lần lượt là 31,3%, 37,8% và 23,0% [16]. Trong khi đó lại thấp hơn so với nghiên cứu của Hoàng Tuấn Anh, tỷ lệ này trong nghiên cứu của Hoàng Tuấn Anh lần lượt là 62,2%; 59,2% và 40,5% [1]. Từ những kết quả này cho thấy đây là nhóm đối tượng cần có sự can thiệp cũng như cần được phát hiện, chẩn đoán và điều trị kịp thời để phòng tránh những ảnh hưởng nghiêm trọng về sau, cụ thể là cần có sự trợ giúp về tâm lý.

Phiên giải cho sự khác biệt nghiên cứu của chúng tôi so với các tác giả sử dụng cùng thang đo được giải thích, trong mẫu nghiên cứu của chúng tôi bao gồm các trường THPT ở các vùng địa lý khác nhau của tỉnh Thừa Thiên Huế; Trong khi một số nghiên cứu cùng chung địa bàn, như nghiên cứu của Ngô Thị Diệu Hường chỉ tập trung vào một số trường ở thành phố Huế [14]; Hay như nghiên cứu của Hoàng Tuấn Anh lại tập trung ở địa bàn thành phố, học sinh THCS và cả THPT, cùng với đó là đối tượng khá đặc thù có bố mẹ ly hôn và ly thân [1]. Chính những điều này tạo nên sự khác biệt lớn về tỷ lệ các vấn đề SKTT ở các nghiên cứu.

Kết quả ở bảng 3.5 cho thấy đối tượng ở Nông thôn là nơi có tỷ lệ trầm cảm,

lo âu và stress cao nhất với tỷ lệ lần lượt là 62,9%, 74,6% và 51,3%. Trong khi đó đối tượng ở vùng ven biển có tỷ lệ trầm cảm, lo âu và stress thấp nhất (45,7%, 59,1% và 42,1%). Kết quả của Ngô Thị Diệu Hường cũng cho thấy học sinh hiện đang ở thị trấn, nông thôn có biểu hiện trầm cảm, lo âu, stress cao hơn nhóm đang ở thành phố. Tỷ lệ này lần lượt ở hai nhóm như sau: thị trấn, nông thôn (52,5%, 70,6% và 53,1%) và thành phố (44,9%, 67,7% và 48,9%) [14].

Bảng 3.6 cho thấy tỷ lệ trầm cảm, lo âu và stress ở học sinh thuộc các khối lớp khá tương đương nhau, trong đó khối lớp 12 có tỷ lệ trầm cảm, lo âu cao nhất với tỷ

lệ lần lượt là 55,2%, 67,1% và khối lớp 10 lại có tỷ lệ stress cao nhất (48,1%). Tác giả Ngô Thị Diệu Hường cũng cho thấy tỷ lệ biểu hiện trầm cảm, lo âu, stress giữa các khối lớp khá tương đương nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ trầm cảm cao nhất ở khối lớp

11 (47,7%), tỷ lệ lo âu cao nhất ở khối lớp 10 (68,7%) và tỷ lệ stress cao nhất ở khối lớp 12 (52,4%) [14]. Trong khi đó, nghiên cứu của Daya P. tại Ấn Độ lại cho biết tỷ

lệ trầm cảm, lo âu, stress ở khối lớp 10 cao hơn so với các khối còn lại [47]. Giải thích cho điều này, chúng tôi cho rằng hiện nay trầm cảm, lo âu, stress không chỉ nghiêm trọng ở học sinh cuối cấp mà nó còn ảnh hưởng đến tất cả học sinh THPT, tức là vấn đề này cũng xảy ra ở cả lớp 10 và lớp 11. Khi bắt đầu bước chân vào trường THPT, các em học sinh đã phải lo lắng về việc chọn nghề trong tương lai cũng như vâng theo định hướng nghề nghiệp của bố mẹ và để đạt được nguyện vọng, các em đã phải bắt đầu trau dồi kiến thức từ lớp 10, đặc biệt các môn sẽ thi vào đại học/cao đẳng chứ không chỉ riêng học sinh lớp 12 mới có nhiều lo lắng hơn học sinh hai khối còn lại. Vì vậy, việc đưa ra những giải pháp, những chính sách hỗ trợ nhằm phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe này là cần thiết.

Ở nghiên cứu của Ngô Thị Diệu Hường (2021) cho thấy học sinh trường THPT Chuyên Quốc Học có biểu hiện trầm cảm, lo âu, stress cao nhất trong 4 trường, trong đó, hơn 3/4 học sinh có biểu hiện lo âu (75,6%) [14]. Điều này có thể được lý giải là do môi trường học tập của các trường sẽ có những áp lực khác nhau hay có thể các tác động của xã hội thay đổi rất nhanh nhất là trong thời đại công nghệ số phát triển, học sinh tiếp cận với nhiều nguồn văn hóa trong đó có những nguồn thông tin độc hại tác động đến tâm lý và hành vi của học sinh, góp phần làm tăng tỷ lệ học sinh có các biểu hiện về SKTT.

Qua kết quả trên cho thấy, tỷ lệ trầm cảm, lo âu và stress của học sinh lần lượt

là 52,7%, 65,4% và 46,6%, tỷ lệ học sinh có biểu hiện trầm cảm, lo âu, stress từ mức độ vừa trở lên lần lượt là 33,5%, 55,9% và 30,0%. Tuy nhiên, theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh số liệu học sinh THPT đến khám ngoại trú tại Bệnh viện Tâm thần Huế năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 lần lượt là 882 lượt và

487 lượt, số lượt điều trị nội trú năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023 lần lượt là 15 lượt và 16 lượt [34]. Như vậy, các rối loạn trầm cảm, lo âu và stress tại cộng đồng đang còn nhiều tiềm ẩn, có thể các rối loạn này ở mức độ nhẹ và vừa nên triệu chứng lâm sàng không điển hình, thường biểu hiện nổi bật là các triệu chứng cơ thể

và triệu chứng thần kinh thực vật. Mặt khác, người dân còn mặc cảm với chuyên khoa tâm thần nên việc phát hiện bệnh còn gặp nhiều khó khăn hoặc công tác sàng lọc, phát hiện chưa được triển khai đồng bộ tại cộng đồng nói chung và trong y tế học đường nói riêng. Có thể nói, công tác đánh giá và sàng lọc các vấn đề SKTT ở lứa tuổi VTN là vô cùng cần thiết để xác định nhóm học sinh có nguy cơ và có vấn

đề cần được phát hiện và can thiệp kịp thời. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa được phổ biến ở các trường học hiện nay. Cụ thể, trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, công tác hỗ trợ học sinh vẫn được triển khai theo hình thức giáo viên chủ nhiệm và/ hoặc giáo viên tổng phụ trách thực hiện hoạt động này. Trong khi đó, họ không được đào tạo bài bản và chưa được tham gia các khóa tập huấn về công tác xã hội, nên khó khăn trong việc thực hiện hoạt động rà soát, phát hiện nguy cơ; phòng ngừa; can thiệp và trợ giúp cho học sinh một cách chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, nhiệm vụ và vai trò chính của giáo viên vẫn là hoạt động giảng dạy trên lớp, nên các hoạt động này chỉ mang tính chất kiêm nhiệm và thiếu các hoạt động hỗ trợ chuyên sâu [22]. Chính vì vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp chặt chẽ với ngành

Y tế để đẩy mạnh công tác truyền thông, đào tạo tập huấn đội ngũ chuyên trách và phát triển các chương trình CSSKTT dựa vào trường học. Chính những hành động thiết thực này sẽ góp phần đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ, xây dựng môi trường học đường an toàn cho học sinh và giảm thiểu những gánh nặng xã hội và kinh tế mà vấn đề SKTT có thể mang lại trong tương lai.

Một phần của tài liệu Nghiên Cứu Trầm Cảm, Lo Âu, Stress Và Một Số Yếu Tố Liên Quan Ở Học Sinh Tại Một Số Trường Trung Học Phổ Thông Trên Địa Bàn Tỉnh Thừa Thiên Huế (Full Text).Docx (Trang 60 - 64)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(90 trang)
w