Về văn hoá - tín ngưỡng: trước tiên đình là nơi thờ Thành hoàng làng, Tiền hiền Hậu hiền là những người có công khai sơn phá thạch, lập làng lập chợ mở ra một vùng đất mới để con cháu có được một cuộc sống mới. Thành hoàng người Việt không hoàn toàn là vị thần bảo vệ làng xóm mà hơn nữa đó là những nhân vật có công với làng xóm, đất nước trong việc lập làng, đánh giặc hoặc đó là ông tổ nghề, một người đầy lòng nhân từ và đức hạnh... Việc thờ thần là những người có đạo đức, tài giỏi cũng thể hiện lòng yêu tài mến đức của người dân, là tấm gương sáng để con cháu noi theo, vì vậy nó không chỉ đơn thuần mang sắc thái văn hoá tín ngưỡng mà hơn nữa còn là động lực tinh thần cho sự phấn đấu, dấn thân, quan điểm sống nhân nghĩa.
Đình cũng có thể được xem là “trung tâm tín ngưỡng”, đây cũng là nơi họ gởi gắm những tâm tư, tình cảm sâu kín nhất đời sống của mình. Để nam thanh nữ tú đến cầu duyên mong tìm được người thương như ý, để các sĩ tử tìm niềm tin, sự vững tâm trước những kỳ thi, để người mẹ người bà đến cầu xin sự yên ấm, no đủ trong gia đình... Người dân nay vẫn tìm đến đình trước những sự kiện đáng nhớ của cuộc đời, dù vòng xoay của cuộc sống hiện đại kéo họ ra khỏi “vòng lẩn quẩn của tôn giáo” nhưng trong sâu thẳm con người vẫn muốn tìm một điểm tựa vô hình nhưng mạnh mẽ cho tâm linh mình.
Đến đình, tâm hồn con người như lắng lại. Ai cũng tự nhận thức được vị trí của mình, vị trí đây chính là con người đang xem xét lại bản thân mình, thời gian qua mình đã làm gì? Sai hay đúng? Thần linh luôn biết tất cả, lòng sợ trỗi dậy và nó níu kéo con người về với lòng thương, sự xám hối.
Nơi chốn linh thiêng, không gian tĩnh lặng của lễ và ồn ào của hội cũng làm cho con người ta mở lòng hơn, lòng người ấm áp hơn và vô tình nó trở
co, chạy việt dã, đập om...cũng là dịp để mọi người thể hiện cái tôi của mình nhờ vậy mà dân làng biết được “tài lẻ” của người láng giềng, người bạn của mình và hiểu hơn về họ khi đây còn là dịp cùng trò chuyện, vui chơi, tâm sự.
Tuy không còn các bản phổ hệ, các sắc phong, bài vị nhưng vị thần ấy vẫn mãi được người dân tôn thờ dù thời cuộc có biến đổi, dân giàu sang hay nghèo túng, dù làng có chuyển nơi cư trú bao nhiêu lần...đó phải chăng là lòng chung thuỷ, sắt son và sự khắc cốt ghi tâm người có ơn với mình. Các bản thần tích (hay còn gọi là ngọc phả, thần phả) không còn được phổ biến trong người dân Tam Kỳ, đó cũng là một trong những tổn thất đáng kể. Hệ thống câu đối, những bài văn cúng đi liền với lễ hội đình làng cũng có thể xem là những tác phẩm văn học địa phương, nếu thần phả là dòng văn học dân gian với những câu chuyện có phần hư cấu về vị thần của mình thì các câu đối và bài văn cúng là dòng văn học bác học do các nhà nho của làng viết nên nhằm tôn vinh công lao của các bậc tiền nhân, ca ngợi phong cảnh hữu tình của quê hương... Đó cũng là một trong những đóng góp của đình làm đẹp thêm, phong phú thêm làng quê Tam Kỳ, làng quê Việt.
Lễ hội đình diễn ra trong sự chuẩn bị chu đáo của bà con trong làng, mỗi người một ít dù nghèo dù giàu, mọi người đều chung vui, tinh thần cộng đồng của người dân như trở nên mặn nồng hơn vào lúc này, nơi này. Các hình thức diễn xướng, lễ thức cũng được xem là một dạng của mô hình “sân khấu hoá” truyền thống, thu hút khá nhiều khán giả. Như vậy, đây cũng chính là môi trường lý tưởng lưu giữ các loại hình văn nghệ dân gian.
Bên cạnh đình, lệ làng còn có những quy định về thờ cúng như việc cắt cử ông Từ trông coi đình thì phải làm tốt bổn phận của mình, nếu không phải chịu trách nhiệm với dân làng; vị chủ lễ thì không được ăn thịt cầy trong suốt cuộc đời của mình, lễ cúng phải gồm hai món chay và mặn...
Trong dân gian cũng lưu truyền một số câu ca dao tục ngữ liên quan đến đình làng, vẻ đẹp của đình cùng sự linh thiêng của nó còn góp phần làm nên vẻ đẹp của làng quê, ví dụ như:
- Chuông làng nào làng ấy đánh Thánh làng nào làng ấy thờ.
- Nhất La Oa, nhì Thành Mỹ, ba Chiên Đàn. - Ra đình ngả nón trông đình
Đình bao nhiêu ngói thương mình bấy nhiêu.
Về lịch sử: quá trình ra đời của đình gắn liền với sự ra đời của làng xã, thậm chí việc dựng đình được xem là công việc đầu tiên của những người đi mở đất lập làng, vì dù cuộc sống ổn định hay chưa thì đình làng cùng vị thần của nó sẽ giúp đỡ, chở che cho họ. Văn hoá, lịch sử của đình vì vậy cũng đi liền với lịch sử văn hoá của một địa phương, và đây cũng chính là khâu mắt xích quan trọng giúp chúng ta, những người đang quay về tìm hiểu nguồn cội cha ông thực hiện được nguyện vọng của mình.
Về kiến trúc - nghệ thuật: đình được xem là gương mặt kiến trúc Việt cổ. Và ở Tam Kỳ, nó in dấu bàn tay tài hoa của những người thợ địa phương mà tiêu biểu là làng mộc Kim Bồng (Hội An) và Văn Hà (Tam Thành, nay đã bị mai một). Cũng như nhiều nơi khác, những ngôi đình trên đều quay mặt ra bờ sông, đảm bảo yếu tố “tụ thuỷ”, tuy không còn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ song hầu hết vẫn giữ được khung sườn gỗ, tránh, kèo nguyên thuỷ. Số lượng các cột gỗ khá nhiều, đều được làm bằng gỗ mít, được điêu khắc hình rồng, hoa văn khá tỉ mĩ, tinh xảo và mềm mại, thể hiện được cái hồn của cảnh, của người.
Khí hậu miền Trung nói chung và Tam Kỳ nói riêng khá khắc nghiệt, nóng lắm mưa nhiều nên phần mái của đình Tam Kỳ thường có độ cong nhiều hơn, xuôi và mái thấp hơn để tránh ảnh hưởng của thiên nhiên.
Đây còn là mảnh đất của điêu khắc dân gian thể hiện đời sống thẩm mĩ của người dân, các chi tiết được chạm khắc trong kiến trúc đình đem lại sự bắt mắt cho người xem, những biểu tượng, hình ảnh quen thuộc như tứ linh, bát bửu, cá hoá long, rồng, phong cảnh làng quê...đều được gởi gắm những tâm tình, quan niệm sống như quan niệm về âm dương hoà hợp, tự hào về vẻ đẹp quê
mang những nét riêng như cách đắp nổi sành sứ, kiến trúc đình nhỏ hơn so với các ngôi đình ở Huế hay Bắc Bộ.
Hệ thống đình làng ở thành phố Tam Kỳ còn mang khá nặng tính địa phương, tuy có sự tương đồng về niên đại, kiến trúc, thời gian tổ chức lễ hội song mỗi làng tồn tại một hệ thống thờ riêng. Đồng hành nhưng không song hành hoàn toàn trong quan niệm và tập tục, đời sống người dân làng nào cao hơn thì có lẽ Thánh làng ấy thiêng hơn.
Với những làng không có đình thì người dân lại hướng niềm tin của mình đến những ngôi đình trong vùng được xem là linh thiêng hơn cả. Người dân nơi đây còn khá “chân quê”, họ hết mực với ngôi đình làng mình, góp công quỹ để xây dựng đình mà không cần đến sự kêu gọi nhiều lần của Ban trị sự, biến tướng của lòng tin vào sự linh thiêng như lên đồng, mê tín dị đoan hầu như không tồn tại ở các ngôi đình của Tam Kỳ.
Ngôi đình làng linh thiêng tồn tại hằng hữu, thường trực trong tâm thức của người dân Tam Kỳ hơn so với những vùng lân cận như huyện Núi Thành, Phú Ninh bằng chứng là chúng được quan tâm nhiều hơn, được tu bổ và thờ phụng hương khói chu đáo hơn, không bị bỏ rơi như những phế tích (dù có nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan khác nhau) xét trên mặt bằng chung của hệ thống đình.
Nếu ngày xưa đình còn là trung tâm hành chính, nơi họp bàn việc làng việc nước thì nay vai trò ấy đã không còn nữa, xưa là nơi “lọn tóc của ả đào bị bắt vạ rơi xuống” thì nay người dân yên tâm bởi những cơ quan thi hành pháp luật, nếu sân đình xưa là nơi dân làng giải trí bởi các gánh tuồng, gánh hát về làng thì nay đã có trung tâm văn hoá - giải trí của thành phố... Như vậy, vai trò của đình hôm nay, tại thành phố Tam Kỳ đã có sự giảm sút - mà đó chính là quy luật tất yếu của sự phát triển, dù vậy đình vẫn không hề mất hẳn các giá trị vốn có của mình, đó vẫn là một “tôn giáo” có khá đông tín đồ, một nơi lưu giữ những gì thuộc về truyền thống, thuần phong mỹ tục.