QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT ĐẾN KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ MÔI TRƯỜNG
3.1. Đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đến nguồn thu từ việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất và chi phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.
Phương án điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 tỉnh Bình Định đã xác định các vùng quy hoạch theo các khu chức năng: khu sản xuất nông nghiệp, khu lâm nghiệp, khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng hoá sinh học, khu phát triển công nghiệp, khu đô thị, khu thương mại – dịch vụ, khu dân cư nông thôn. Trong từng khu chức năng đã xác định cụ thể danh mục công trình, dự án đưa vào quy hoạch đến năm 2020. Việc lập quy hoạch chi tiết, cụ thể theo từng khu chức năng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất, làm tăng giá trị sử dụng đất, qua đó làm tăng nguồn thu từ việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, hạn chế chi phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở mức thấp nhất.
- Tổng nguồn thu từ việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất: 7.675,994 tỷ đồng.
- Tổng chi phí cho việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư,..: 6.429,922 tỷ đồng.
- Cân đối: dư 1.246,072 tỷ đồng; cân đối dư bình quân mỗi năm: 249,214 tỷ đồng/năm.
3.2. Đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đến khả năng bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã bố trí xây dựng các công trình thuỷ lợi lớn như hệ thống kênh Thượng Sơn, các công trình
hồ thuỷ lợi như hồ Đá Mài, hồ Đồng Mít,… đã góp phần làm tăng diện tích lúa được tưới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ lúa 01 vụ sang 02 vụ ổn định (dự kiến
trong kỳ quy hoạch chuyển đổi 500 ha lúa 01 vụ sang trồng lúa 02 vụ tại vùng tưới kênh Thượng Sơn). Diện tích lúa tăng thêm phần nào đã bù đắp được diện tích lúa mất đi do chuyển sang đất phi nông nghiệp.
Theo phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 thì diện tích đất canh tác trồng lúa có 52.255 ha/99.479 ha gieo trồng (cao hơn quy
hoạch cũ được duyệt 1.253 ha canh tác/4.696 ha gieo trồng), sản lượng thóc ước đạt 398 ngàn tấn, bình quân đạt 230 kg/người/năm góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn tỉnh.
Như vậy, phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất tỉnh Bình Định đến năm 2020 đã đáp ứng được yêu cầu về an ninh lương thực của tỉnh, đồng thời cũng giải quyết được nhu cầu chuyển mục đích từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp
3.3. Đánh tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đối với việc giải quyết quỹ đất ở, mức độ ảnh hưởng đến đời sống các hộ dân phải di dời chỗ ở, số lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do chuyển mục đích sử dụng đất.
- Phương án quy hoạch sử dụng đất đã tạo thêm quỹ đất ở tại đô thị 1.454
ha, đất ở tại nông thôn 945 ha để bố trí tái định cư cho các hộ bị giải tỏa, thu hồi đất khi thực hiện các dự án xây dựng công trình công cộng (giao thông, thủy lợi, khu công nghiệp, du lịch, phát triển đô thị,…); bố trí đất cho các hộ tăng thêm tự nhiên, dãn dân và tăng cơ học cho dân số đến các khu công nghiệp, đô thị mới
của tỉnh; đồng thời tạo quỹ đất để phát triển thị trường bất động sản tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương.
- Theo phương án quy hoạch, diện tích đất nông nghiệp chuyển sang đất phi nông nghiệp khoảng 15.492 ha (trong đó: đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, đất làm muối chuyển 12.094 ha chủ yếu của các hộ gia đình, cá nhân; đất lâm nghiệp 3.381 ha chủ yếu của lâm trường), tương đương gần 40.300 lao động mất đất sản xuất (bình quân hiện nay mỗi lao động nông nghiệp canh tác 0,31 ha đất sản xuất nông nghiệp, đất NTTS và đất làm muối). Tuy nhiên việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp, phát triển các khu du lịch, sản xuất kinh doanh và việc mở rộng thêm trên 14.711 ha đất nông nghiệp đã cơ bản giải quyết được số lao động thiếu việc làm do mất đất sản xuất. Tuy nhiên, do diện tích đất sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản,… bị chuyển mục đích tập trung chủ yếu ở vùng đồng bằng ven biển trong khi diện tích đất nông, lâm
nghiệp mở rộng thêm chủ yếu ở các huyện miền núi. Vì vậy, cần triển khai đồng bộ các giải pháp đào tạo nghề cho các lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp từ nông nghiệp sang lao động phi nông nghiệp.
3.4. Đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng.
Phương án quy hoạch sử dụng đất đã bố trí quỹ đất phát triển đô thị theo
quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội được Chính phủ phê duyệt để đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2020 tỉnh Bình Định sẽ có thêm thị xã Tây Sơn và
thị xã Hoài Nhơn. Diện tích đất đô thị đến năm 2020 tăng thêm 24.515 ha so với năm 2015 do đẩy mạnh đô thị hóa, phát triển khu kinh tế Nhơn Hội và 02 thị xã mới (Hoài Nhơn và Tây Sơn). Phương án quy hoạch đã đáp ứng nhu cầu sử dụng đất cho việc phát triển hạ tầng có tầm quan trọng quốc gia như đất xây dựng giao thông (đường cao tốc Bắc-Nam, hầm đèo Cù Mông, đường giao
thông kết nối sân bay Phù Cát với KKT Nhơn Hội, kết nối khu Becamex Bình Định đến cảng Quy Nhơn, mở rộng QL19,…) và các công trình cơ sở hạ tầng quan trọng của tỉnh về giao thông, thủy lợi, hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, phát triển hạ tầng xã hội (văn hóa, y tế, giáo dục-đào tạo, thể dục-thể thao).,…
3.5. Đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đối với việc tôn tạo di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, bảo tồn văn hoá các dân tộc.
Các di tích lịch sử -văn hóa, danh lam thắng cảnh được tạo quỹ đất để xây dựng, bảo vệ, tôn tạo góp phần phát huy giá trị các di tích lịch sử -văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển du lịch.
Phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đã xác định quỹ đất có di tích, danh thắng tăng thêm 118 ha nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc quản lý các Di tích lịch sử, di tích văn hoá trên địa bàn tỉnh.
3.6. Đánh giá tác động của phương án quy hoạch sử dụng đất đến khả năng khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên; yêu cầu bảo tồn, phát triển diện tích rừng và tỷ lệ che phủ.
- Phương án Điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đã khai thác khá triệt để các vùng đất chưa sử dụng vào sản xuất nông nghiệp, trồng mới và khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên tùy theo mức độ thích hợp; đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo khả năng thích nghi với từng loại cây trồng theo hướng sản xuất
hàng hóa và bảo vệ môi trường như: chuyển các vùng đất canh tác nương rẫy trên đất dốc sang trồng rừng, trồng cây lâu năm; chuyển đất rừng nghèo, đất trồng cây hàng năm khác sang trồng cây lâu năm,…để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và giải quyết nhu cầu đất sản xuất cho các vùng thiếu đất sản xuất nông nghiệp.
- Phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đã xác định các khu vực bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Theo đó trên địa bàn tỉnh Bình Định có 05 khu bảo tồn thiên nhiên do UBND tỉnh quản lý gồm có: Khu dự trữ thiên nhiên An Toàn (xã An Toàn, huyện An Lão); và 03 khu bảo vệ cảnh quan gồm:
Khu bảo vệ cảnh quan Núi Bà (huyện Phù Cát); khu bảo vệ cảnh quan vườn cam Nguyễn Huệ (xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Thạnh, khu bảo vệ cảnh quan Quy Hòa - Ghềnh Ráng (phường Ghềnh Ráng, thành phố Quy Nhơn) và khu bảo tồn loài và sinh cảnh đầm Trà Ổ (huyện Phù Mỹ).
- Diện tích đất rừng các loại điều chỉnh quy hoạch đến năm 2020 với diện tích 380.109 ha, chiếm 62,66% tổng DTTN toàn tỉnh, trong đó rừng phòng hộ có diện tích 186.973 ha, đất rừng đặc dụng có diện tích 32.813 ha góp phần hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo vệ đất và môi trường.