Chương 1: TỔNG QUAN NHỮNG CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU LIÊN
1.4. Khái quát giá trị các công trình khoa học đã tổng quan và những vấn đề đặt
1.4.1. Khái quát giá trị các công trình khoa học liên quan đến luận án đã tổng quan
Những công trình nghiên cứu được tổng quan, với các cách tiếp cận khác nhau đã đề cập và luận giải về mặt lý luận những vấn đề như: sức mạnh mềm, văn hóa, sức mạnh mềm văn hóa, vai trò sức mạnh mềm của văn hóa, và những nhân tố tác động đến việc phát huy sức mạnh mềm của văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch. Đây là những tài liệu tham khảo có giá trị để nghiên cứu sinh luận giải những vấn đề về cơ sở lý luận liên quan đến nội dung của luận án. Có thể khái quát những nội dung nghiên cứu và giá trị của những công trình khoa học đã được tổng quan ở các khía cạnh cơ bản sau:
Thứ nhất, quá trình tổng quan cơ sở lý luận sức mạnh mềm văn hóa đã cho
thấy, đây là vấn đề mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều quan tâm. Từ nhiều góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau, các công trình nghiên cứu đã hình thành hệ thống lý luận sức mạnh mềm văn hóa bao gồm nội hàm khái niệm, nguồn lực, cấu trúc, vai trò, v.v.. Đây là căn cứ quan trọng để nghiên cứu sinh xác định được những nội dung
lý luận về sức mạnh mềm văn hóa theo mục đích và phạm vi nghiên cứu của luận án.
Tổng quan các nghiên cứu ở nước ngoài cho thấy, học thuyết của J. Nye đã được sử dụng khá phổ biến trong quan hệ quốc tế, mặc dù có một số ý kiến trái chiều về học thuyết sức mạnh mềm của J. Nye, tuy nhiên không thể phủ nhận những giá trị trong những công trình của J. Nye, lý luận sức mạnh mềm của Nye vẫn được coi là cơ sở lý luận cho các công trình nghiên cứu về sức mạnh mềm hiện nay.
Ngoài Joseph Nye, có khá nhiều học giả phương Tây tiếp tục phát triển nghiên cứu sức mạnh mềm từ nhiều góc độ như quan hệ quốc tế, nghiên cứu chính sách đối ngoại, văn hóa, kinh tế, chính trị,... Các công trình nghiên cứu là sự phát triển, bổ sung thêm của các học giả trên thế giới có tính chất phản biện và nối dài thêm các chiều kích, cách nhìn nhận về sức mạnh mềm, nhất là trong bối cảnh thế giới diễn ra quá trình toàn cầu hóa, sự bùng nổ của cách mạng khoa học và công nghệ, và đặc biệt là sự khủng hoảng, mất cân đối của các mô hình phát triển xã hội xem nhẹ phát triển văn hoá.
Ở trong nước, những nghiên cứu về sức mạnh mềm văn hoá triển khai muộn hơn so với các quốc gia khác (bắt đầu từ cuối thập kỷ đầu tiên của thế kỷ XXI đến nay). Các công trình nghiên cứu phần lớn tập trung phân tích hệ thống lý luận sức mạnh mềm, sức mạnh mềm văn hoá của Nye và những vấn đề liên quan đến nguồn lực, thành tố, phương thức gia tăng sức mạnh mềm, sức mạnh mềm văn hoá. Một số công trình nghiên cứu đã đưa ra cách tiếp cận mới mẻ chuyên sâu về phát huy sức mạnh mềm văn hoá từ phương diện tổng kết kinh nghiệm lý luận và thực tiễn của Việt Nam và các quốc gia trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, dự báo xu hướng phát triển của sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam đến năm 2030.
Thứ hai, các công trình được tổng quan đã góp phần làm rõ thực trạng phát huy sức mạnh mềm văn hoá, thực trạng phát triển kinh tế du lịch. Các công trình nghiên cứu bởi các học giả nước ngoài đều có điểm chung là khẳng định vai trò, tầm quan trọng của sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia; kinh tế du lịch là một trong những ngành xuất khẩu lớn nhất và có mức tăng trưởng nhanh nhất. Kinh tế du lịch không chỉ mang lại lợi ích cho các quốc gia mà còn thúc đẩy quá trình hội nhập nhanh chóng và bền vững. Kết
quả của các công trình nghiên cứu ở nước ngoài đã cung cấp cách nhìn tổng thể về quá trình phát triển kinh tế du lịch ở một số vùng và quốc gia có điều kiện tương đồng và khác biệt so với khu vực miền núi phía Bắc. Đồng thời, những công trình này đã rút ra những bài học kinh nghiệm về phát triển kinh tế du lịch một cách toàn diện, cả mặt thành công cũng như chưa thành công. Đây thực sự là nguồn tư liệu hữu ích để luận án kế thừa.
Các công trình nghiên cứu của các học giả trong nước đã khái quát những kết quả đạt được và những hạn chế về thực trạng phát huy sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch. Về kết quả đạt được, cụ thể như thành tựu trong việc lan toả các giá trị văn hoá thông qua hoạt động ngoại giao văn hoá, hoạt động sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm văn hoá, hoạt động truyền thông đại chúng, thông qua phát triển du lịch; những thành tựu đạt được trong triển khai các thành tố của sức mạnh mềm văn hoá thông qua các kênh truyền dẫn, các kênh truyền thông, từ đó khai thác sức hấp dẫn của văn hoá Việt Nam trong hoạt động du lịch, tăng cường giao lưu văn hoá trong các hoạt động ngoại giao văn hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế về sức mạnh mềm văn hoá thông qua các ngành công nghiệp văn hoá.
Đồng thời, các công trình được tổng quan cũng làm rõ những hạn chế hiện nay đối với phát huy sức mạnh mềm văn hoá trong hoạt động kinh tế du lịch, như: Các ngành công nghiệp văn hoá chưa phát huy được hết khả năng chuyển đổi từ các nguồn tài nguyên thành sức mạnh mềm văn hoá, chưa tạo được cơ chế phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các kênh truyền dẫn sức mạnh mềm văn hoá, hoạt động của kinh tế du lịch chưa có sự phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ của các ngành liên quan cũng như các địa phương, công tác bảo tồn tài nguyên và bảo vệ môi trường du lịch còn nhiều bất cập, công tác quản lý nhà nước về du lịch còn nhiều khó khăn và hiệu lực quản lý còn thấp, chưa có nhiều sản phẩm du lịch chủ lực đặc thù mang dấu ấn bản sắc văn hoá dân tộc, kết cấu hạ tầng còn thiếu đồng bộ nhất là ở những vùng sâu, vùng xa, núi cao, hải đảo.
Thứ ba, các công trình nghiên cứu được tổng quan đã đề xuất một số giải pháp
chủ yếu nhằm tiếp tục phát huy sức mạnh mềm văn hoá, phát triển kinh tế du lịch gắn với phát huy sức mạnh mềm văn hoá trên những phương diện nhất định. Trong những
công trình đã được tổng quan, các tác giả nhấn mạnh đến một số giải pháp tiêu biểu như: Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về phát huy sức mạnh mềm văn hoá, phát triển kinh tế du lịch; Xây dựng khung chiến lược phát huy sức mạnh mềm văn hoá Việt Nam phù hợp với khung tiêu chí Soft Power 30; Xác định rõ hơn những nội dung sức mạnh mềm văn hoá cần phát huy phù hợp với tiềm năng và lợi thế quốc gia; Đổi mới và nâng cao hiệu quả các phương thức phát huy sức mạnh mềm văn hoá; Liên kết các thành tố cấu thành sức mạnh mềm văn hoá; Phát huy khả năng phối hợp, liên kết của các kênh truyền dẫn; Tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm an ninh, an toàn để thu hút khách và phát triển du lịch; Tăng cường quản lý nhà nước về du lịch.
Các công trình khoa học được tổng quan đã có những ý nghĩa nhất định đối với các nội dung liên quan đến phát huy sức mạnh mềm văn hoá, phát triển kinh tế du lịch. Tuy nhiên, hầu hết các công trình liên quan đến sức mạnh mềm văn hóa chủ yếu trình bày các lý luận chung trên phạm vi thế giới và ở Việt Nam, chưa có công trình nào nghiên cứu về mối tương quan giữa sức mạnh mềm văn hoá và phát triển kinh tế du lịch. Đối với khu vực miền núi phía Bắc, các công trình có đề cập đến trong các nghiên cứu, nhưng chủ yếu khai thác ở phương diện văn hóa, chưa có công trình nào nghiên cứu có tính hệ thống dưới góc độ triết học đề cập đến sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch ở khu vực miền núi phía Bắc.
1.4.2. Những vấn đề đặt ra mà luận án cần tiếp tục nghiên cứu
Các công trình khoa học được tổng quan là những nghiên cứu có giá trị tham khảo về mặt lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, tác giả nhận thấy, các công trình vẫn còn còn có những khoảng trống bỏ ngỏ nhất định do cách tiếp cận khác nhau mà luận án cần tiếp tục nghiên cứu, đó là:
Một là, làm rõ một số vấn đề lý luận về sức mạnh mềm văn hoá trong phát
triển kinh tế du lịch ở miền núi phía Bắc hiện nay qua việc làm rõ quan niệm về sức mạnh mềm văn hoá, kinh tế du lịch, nội dung sức mạnh mềm văn hoá và vai trò sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch ở miền núi phía Bắc và những nhân tố tác động đến sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch ở miền núi phía Bắc hiện nay.
Hai là, phân tích làm rõ thực trạng phát huy sức mạnh mềm văn hoá trong phát
triển kinh tế du lịch ở miền núi phía Bắc, bao gồm những kết quả đạt được và hạn chế dựa trên ba khía cạnh cơ bản: Mặt nhận thức, tính tích cực của các chủ thể nhằm phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch; Mặt nội dung phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch; Mặt phương thức phát huy sức mạnh mềm văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch. Trên cơ sở phân tích thực trạng, chỉ rõ những vấn đề đặt ra hiện nay cần phải giải quyết.
Ba là, căn cứ vào cơ sở lý luận, thực tiễn nghiên cứu và phân tích thực trạng
phát huy sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch cùng với những vấn đề đặt ra, luận án đề xuất các giải pháp chủ yếu phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch ở khu vực miền núi phía Bắc hiện nay.
Tiểu kết chương 1
Trong chương 1, luận án đã làm rõ các nội dung sau: Thứ nhất, đã tổng quan được tình hình nghiên cứu liên quan đến những nội dung lý luận về sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch; Thứ hai, đã tổng quan được các công trình nghiên cứu liên quan đến du lịch và thực trạng phát huy sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch; Thứ ba, tổng quan các công trình nghiên cứu liên quan đến giải pháp phát huy sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch; Thứ tư, đưa ra những đánh giá về giá trị của các công trình nghiên cứu đã tổng quan liên quan đến đề tài luận án và những vấn đề đặt ra mà luận án tiếp tục nghiên cứu.
Từ việc khảo cứu các nguồn tài liệu liên quan đến đề tài luận án, có thể khẳng định đã có nhiều công trình nghiên cứu bàn về văn hoá, sức mạnh mềm văn hoá, kinh tế du lịch. Tuy nhiên, qua tổng quan các công trình nghiên cứu, có thể thấy rằng, cho đến hiện nay chưa có công trình nghiên cứu nào đi sâu tìm hiểu sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch ở miền núi phía Bắc Việt Nam dưới góc độ triết học. Khu vực miền núi phía Bắc được coi là vùng “phên giậu”, là “lá phổi” của Tổ Quốc, là “cội nguồn” của dân tộc, “cái nôi” của cách mạng Việt Nam và là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Tuy nhiên, trong thời gian qua hoạt động kinh tế du lịch vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định, nhiều tiềm năng và lợi thế chưa được khai thác hiệu quả, triệt để. Chính vì vậy, nghiên cứu thực trạng sức mạnh mềm văn hoá trong phát triệt kinh tế du lịch, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm phát huy hiệu quả sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch ở miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo sức bật góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Những khoảng trống về mặt lý luận cũng như tầm quan trọng của vấn đề nghiên cứu trong bối cảnh mới hiện nay đã thôi thúc tác giả lựa chọn vấn đề “Sức mạnh mềm văn hoá trong phát triển kinh tế du lịch ở miền núi phía Bắc Việt Nam hiện nay” làm đề tài nghiên cứu của luận án. Các công trình được tổng quan ở chương 1 đã cung cấp những chất liệu quan trọng để trên cơ sở đó tác giả hệ thống hóa, tổng hợp, phân tích các vấn đề ở các chương tiếp theo của luận án.