Chương 2: SỨC MẠNH MỀM VĂN HÓA TRONG PHÁT TRIỂN KINH TẾ DU LỊCH Ở MIỀN NÚI PHÍA BẮC VIỆT NAM HIỆN NAY– MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN
2.1. Quan niệm về sức mạnh mềm văn hóa và sức mạnh mềm văn hóa trong phát triển kinh tế du lịch
2.1.1. Quan niệm về sức mạnh mềm văn hóa
2.1.1.1. Sức mạnh mềm
“Sức mạnh” là khái niệm thường được giới học thuật phương Tây sử dụng để chỉ khả năng làm thay đổi cách hành xử của người khác để đạt được những gì mình muốn. Max Weber (1864 – 1920) đã định nghĩa: “Sức mạnh là khả năng mà một người hoặc nhóm người có thể đạt được mục đích mong muốn bất chấp sự chống đối”2 [149, tr. 152]. Joseph Samuel Nye cho rằng “sức mạnh là khả năng làm được việc và trong các tình huống xã hội là khả năng tác động người khác để có được kết quả mong muốn”3 [145, tr.6].
Trong Từ điển tiếng Việt định nghĩa: “Sức mạnh là khả năng tác động, ảnh hưởng đến người khác để có thể đạt được điều mình mong muốn” [103, tr. 805]. Tác giả Hoàng Khắc Nam cho rằng “sức mạnh chính là khả năng tác động đến hành vi của các chủ thể khác nhằm có được kết quả như mong muốn, dù kết quả này có thể trùng khớp hoặc không trùng khớp với nguyện vọng, ước muốn, lợi ích của chủ thể khác [76, tr. 7]. Tác giả Nguyễn Thị Thu Phương khẳng định: “Sức mạnh hay quyền lực là khả năng của chủ thể này sử dụng, phát huy năng lực hiện có khiến một hoặc các chủ thể khác phải thực hiện điều mà mình muốn thông qua các công cụ, các kênh truyền dẫn, hay các tác động cụ thể trong mối quan hệ tương tác qua lại đan xen và tương thuộc lẫn nhau” [88, tr.47].
Trong luận án, tác giả tiếp cận nội hàm khái niệm sức mạnh trên hai phương diện gồm: nguồn lực (cái làm nên thực chất của sức mạnh và cung cấp công cụ cho
1 Toàn bộ các chú thích trong luận án được đưa về phần cuối của luận án ở mục CHÚ THÍCH – Trang 190.
2 Xem chú thích số (1)
3 Xem chú thích số (2)
sức mạnh) và quan hệ (là địa bàn và điều kiện của quyền lực, quyền lực xuất hiện trên cơ sở so sánh năng lực giữa các chủ thể và trong sự tương tác giữa chúng). Chỉ khi có nguồn lực thì một chủ thể mới có thể thực thi sức mạnh và gây tác động lên đối tượng và chỉ trong sự tương tác giữa các chủ thể thì sức mạnh mới hình thành. Theo cách tiếp cận này, tác giả quan niệm sức mạnh là tổng hợp các nguồn lực của chủ thể tác động
có chủ đích đến chủ thể khác để lôi cuốn, thu hút họ thực hiện theo điều mà mình mong muốn thông qua những phương thức khác nhau mà chủ thể lựa chọn.
Theo cách diễn tả của người phương Tây hiện đại, người ta đưa ra ba phương thức để thực hiện sức mạnh, đó là: đe dọa (cây gậy); dụ dỗ, mua chuộc, mê hoặc (củ cà rốt); và lôi cuốn, hấp dẫn, chinh phục bằng vẻ đẹp công lý, lương tâm, lẽ phải, chính nghĩa (sức mạnh mềm) [143]. Và cũng đã có nhiều quan điểm khác nhau khi phân chia sức mạnh trong quan hệ quốc tế, mỗi cách phân loại đều được được xây dựng trên một tiêu chí nào đó tuỳ thuộc vào đối tượng, mục đích trong nghiên cứu và thực tiễn. Trong phạm vi nghiên cứu của luận án, tác giả tiếp cận cách phân loại sức mạnh theo cách phân chia dựa trên phương thức thực hiện sức mạnh thành sức mạnh cứng và sức mạnh mềm.
Cuối thế kỷ XX, thuật ngữ sức mạnh mềm chính thức được Joseph Samuel Nye hoàn thiện về mặt khái niệm và từng bước tạo dựng thành một hệ thống lý luận có khả năng ứng dụng phổ biến trong quan hệ quốc tế. Năm 1990, lần đầu tiên Nye giới thiệu khái niệm sức mạnh mềm trong cuốn sách Ràng buộc để dẫn dắt: Bản chất
sức mạnh đang thay đổi của Mỹ (Bound to Lead: The changing Nature of American
Power) thông qua phân tích sự thay đổi trong chiến lược phát triển của các quốc gia trong truyền thống và hiện đại, từ sử dụng sức mạnh chủ yếu dựa vào lợi thế về tài nguyên và tiềm lực quốc phòng sang cái được gọi là “bộ mặt thứ hai” của quyền lực [142, tr. 5]. Năm 2004, trong cuốn sách Quyền lực mềm: Phương tiện đạt đến thành
công trong chính trị thế giới (Soft Power: The Means to Succes in World Politics), J.
Nye đã bổ sung, hoàn thiện khái niệm sức mạnh mềm: “Sức mạnh mềm là khả năng đạt được những gì bạn muốn thông qua sự hấp dẫn hơn là ép buộc hoặc thanh toán.
Nó nảy sinh từ sự hấp dẫn của nền văn hóa, lý tưởng chính trị và các chính sách của một quốc gia” [144, tr. x].
Ở phương Đông, Giáo sư Shin Wha Lee, Khoa Chính trị học và Quan hệ quốc tế, Đại học Hàn quốc, nhấn mạnh sức mạnh mềm “là sự hấp dẫn về lý tưởng và văn hóa nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược của quốc gia” [140, tr. 11-18]. Giáo sư Lee Shin-wha với bài viết Lý thuyết và thực tế sức mạnh mềm: tiếp cận thực tiễn tại
Đông Á (The Theory and Reality of Soft Power: Practical Approaches in East Asia),
mô tả sức mạnh mềm là “một dạng thức sức mạnh quốc gia dựa trên sự hấp dẫn về ý tưởng và văn hóa, được thực hiện một cách vô ý hoặc có chủ ý bởi các chủ thể trong quan hệ quốc tế nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược” [140, tr.11].
Ở Việt Nam cũng đã có một số quan điểm về khái niệm sức mạnh mềm như:
Tác giả Trần Văn Phòng cho rằng “sức mạnh mềm là sức mạnh thông qua sức hấp dẫn, sức lôi cuốn chứ không phải bằng bạo lực để ép buộc người khác, dân tộc khác đi theo mình” [82]. Tác giả Nguyễn Minh tiếp cận nội dung khái niệm sức mạnh mềm bao gồm 7 khía cạnh: (1) Sức hấp dẫn và sự ảnh hưởng của văn hóa; (2) Sức hấp dẫn về hình thái ý thức xã hội, các quan niệm về giá trị và chính sách quốc gia; (3) Chính sách đối ngoại đúng đắn; (4) Xử lý các mối quan hệ trong nước vừa có tình vừa có lý; (5) Sức hấp dẫn của đường lối phát triển và hình thức chế độ; (6) Năng lực chỉ đạo, hoạch định và kiểm soát các quy phạm quốc tế, tiêu chuẩn quốc tế và cơ chế quốc tế; (7) Mức độ ủng hộ, tán dương của dư luận quốc tế đối với hình ảnh quốc gia [70, tr. 103]. Đồng tình với quan điểm trên, tác giả Lê Văn Toan bổ sung thêm một nội dung nữa khi đưa ra quan điểm về sức mạnh mềm, đó là khả năng chuyển hoá sức mạnh cứng thành sức mạnh mềm. Tác giả Lê Thuý Hằng đưa ra khái niệm: “Sức mạnh mềm là năng lực khiến người khác làm những gì mà mình muốn bởi vì bản thân những người khác cũng muốn như vậy. Đó là năng lực mang tính lôi cuốn, hấp dẫn mà không phải là ép buộc” [39, tr.84].
Tiếp cận từ góc độ triết học, tác giả cho rằng sức mạnh mềm là tổng thể các
nguồn lực của chủ thể, có tác động đến các chủ thể khác để lôi cuốn, thu hút, hấp dẫn họ thực hiện hoạt động như mình mong muốn. Sức mạnh mềm là sự hấp dẫn tự
thân của chủ thể của nó, khiến cho đối tượng chịu tác động của sự hấp dẫn ấy, tự nguyện thực hiện những việc mà chủ thể của sức mạnh mềm mong muốn.
Sức mạnh mềm được biểu hiện ở nhiều cấp độ, từ cấp độ đa dạng, cấp độ hẹp như trong quan hệ giữa các cá nhân trong xã hội, tới cấp độ rộng hơn như quan hệ giữa các tổ chức, tập đoàn và rộng hơn nữa là cả cấp độ quốc gia cũng như những mối quan hệ trong chính trị quốc tế. Trong luận án, sức mạnh mềm được nghiên cứu ở cấp độ quốc gia, là nhân tố quan trọng tạo nên sức mạnh tổng hợp của quốc gia nói chung và của vùng, miền nói riêng.
Sức mạnh mềm được xem như đối lập với “sức mạnh cứng” về mặt phương thức tác động. Sức mạnh cứng là khả năng một chủ thể cưỡng ép hoặc mua chuộc đối tượng khác nhằm buộc họ phải làm theo những điều mình mong muốn. Sức mạnh cứng thường được sử dụng thông qua việc can thiệp quân sự hoặc trừng phạt kinh tế để gia tăng lợi ích quốc gia. Trong bối cảnh hiện đại, khi các quốc gia ngày càng tham gia vào quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, thì việc sử dụng sức mạnh mềm càng cho thấy ưu thế và sự phù hợp hơn so với sức mạnh cứng. Mặc dù cho thấy nhiều ưu thế, song không vì thế mà sức mạnh mềm trở thành yếu tố duy nhất để củng cố và phát triển sức mạnh quốc gia. Sức mạnh cứng và sức mạnh mềm là hai yếu tố không thể tách rời nhau, có tác động và chuyển hóa lẫn nhau để tạo nên sức mạnh tổng hợp của một quốc gia. Một quốc gia chỉ có sức mạnh mềm mà không dựa trên cơ sở sức mạnh cứng nhất định thì sự phát triển cũng bị hạn chế. Trong khi đó, một quốc gia chỉ nhắm vào việc phát triển sức mạnh cứng về quân sự, kinh tế mà sức mạnh mềm không theo kịp, thì ảnh hưởng quốc tế cũng giảm sút đi rất nhiều. Giữa sức mạnh cứng và sức mạnh mềm có những mối tương quan cũng như sự khác biệt trong việc đạt được mục tiêu. Chính vì vậy, trên thực tế, các quốc gia thường sử dụng kết hợp cả sức mạnh cứng và sức mạnh mềm để đạt hiệu quả cao nhất.
2.1.1.2. Sức mạnh mềm văn hóa
Khái niệm văn hóa đã xuất hiện từ thời cổ đại ở cả phương Đông và phương Tây.
Cùng với sự phát triển của tư duy con người, nghĩa của thuật ngữ “văn hóa” không ngừng được mở rộng với nhiều cách tiếp cận hết sức đa dạng. Từ các góc độ tiếp cận khác nhau, khái quát lại, chúng ta có thể thấy có ba cách quan niệm về văn hóa: Cách
thứ nhất, quan niệm văn hóa như là thuộc tính bản chất của con người, dùng để chỉ
toàn bộ năng lực lao động sáng tạo của con người hướng tới cái đúng-chân, cái tốt-
thiện và cái đẹp (khoa học, đạo đức và thẩm mỹ) để thúc đẩy sự phát triển của xã hội và hoàn thiện nhân cách con người; Cách thứ hai, quan niệm văn hóa bao gồm các hoạt động sáng tạo tinh thần của con người, là một bộ phận của kiến trúc thượng tầng, chịu sự quy định của cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và có tác động năng động đối với cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội. Cách thứ ba, quan niệm văn hóa như một bộ phận trong kiến trúc tổng thể của xã hội bao gồm chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Từ góc độ tiếp cận của luận án, khi coi văn hóa là một nguồn lực quan trọng tạo nên “sức mạnh mềm”, cả ba quan niệm này đều giúp ích cho việc xác định vị trí và vai trò của văn hóa trong tương quan với các lĩnh vực khác như kinh tế, chính trị, xã hội trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước phù hợp với hoàn cảnh lịch sử - cụ thể ở mỗi giai đoạn khác nhau. Như vậy, có thể hiểu văn hóa theo nghĩa rộng nhất là tổng thể những giá trị (bao gồm cả vật chất và tinh thần) do con người sáng tạo ra trong hoạt động thực tiễn. Văn hóa là do con người tạo ra, nhưng sau khi ra đời, văn hóa lại chi phối sự tồn tại và phát triển của xã hội, quy định bản sắc của một cộng đồng người, thậm chí quyết định chiều hướng phát triển của một dân tộc. Một nền văn hóa chỉ thực sự phát triển khi cả hai mặt tích hợp và lan tỏa vận hành đồng thời một cách thông suốt, nghĩa là nền văn hóa đó không chỉ biết tiếp thu những giá trị văn hóa từ bên ngoài để làm giàu có, phong phú thêm cho văn hóa bản địa mà còn lan tỏa được những giá trị văn hóa của mình ra bên ngoài. Do đó, văn hóa trở thành một nguồn lực quan trọng – nguồn lực “sức mạnh mềm” để tạo nên sức hấp dẫn, thu phục đối với các quốc gia khác.
Dựa trên những nguồn lực sức mạnh mềm sẵn có, mỗi quốc gia sẽ có những chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể để chuyển hóa những nguồn lực đó thành sức mạnh mềm. Về nguồn sức mạnh mềm, theo J. Nye, có ba loại: (1) Văn hóa; (2) hệ giá trị chính trị (ở trong và ngoài nước); (3) các chính sách đối nội và đối ngoại quốc gia. Trong ba nguồn tạo nên sức mạnh mềm, J. Nye đặc biệt đề cao nguồn lực về văn hóa. J. Nye chia văn hoá làm hai loại, là văn hóa dành cho tầng lớp tinh hoa (elite culture) và văn hóa phổ thông (popular culture). Theo J. Nye: “Văn hóa có nhiều biểu hiện khác nhau. Thường người ta hay phân biệt giữa văn hóa cao cấp như văn chương, nghệ thuật, và giáo dục, vốn rất thu hút giới trí thức, và văn hóa đại chúng vốn nhằm
phục vụ mục đích giải trí cho đại đa số quần chúng” [144, tr.44]. Khi một nền văn hóa mang trong mình những giá trị phổ quát và thông qua các chính sách quảng bá, đã nhận được sự chia sẻ từ các quốc gia khác thì nền văn hóa ấy sẽ giúp quốc gia tăng cường sức mạnh mềm. Ngược lại, những nền văn hóa với giá trị hẹp hòi và cục bộ sẽ hiếm khi tạo được sức mạnh mềm. Quá trình chuyển hóa những nguồn lực văn hoá thành sức mạnh mềm văn hoá chính là quá trình triển khai sức mạnh mềm văn hoá.
Để sức mạnh mềm văn hoá được triển khai hiệu quả, cần một quá trình tích lũy lâu dài qua nhiều thế hệ, và cần có sự đầu tư dài hạn về bề rộng lẫn chiều sâu, cả về nhân lực cũng như vật lực.
Việc đo lường sức mạnh mềm văn hoá dựa trên kết quả tương tác về sức mạnh, thể hiện qua khả năng sử dụng các thành tố sức mạnh mềm văn hoá thông qua các kênh truyền dẫn và mức độ tiếp nhận của chủ thể ở các mức độ khác nhau. Văn hoá là những giá trị vật chất và tinh thần, chính vì vậy thực chất của phát huy vai trò sức mạnh mềm văn hoá cần phải có điều kiện tiên quyết là thông qua hoạt động thực tiễn của con người (tương tác giữa chủ thể và nguồn lực văn hóa, giữa chủ thể tác động và chủ thể tiếp nhận). Cụ thể là, nguồn lực văn hoá gắn với chiến lược, phương thức thực hiện hiệu quả để tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn của các nguồn lực văn hoá thông qua hoạt động thực tiễn của con người, đây chính là chìa khoá để mang lại hiệu quả trong phát huy vai trò sức mạnh mềm văn hoá. Tuy nhiên, tiếp cận vấn đề sức mạnh mềm văn hoá trên phương diện thế giới quan triết học, khi coi văn hoá như là sức mạnh mềm không đồng nghĩa với việc tuyệt đối hóa vai trò văn hoá, theo kiểu duy văn hoá dẫn đến việc xem nhẹ sức mạnh cứng, sức mạnh quân sự hay nhiều sức mạnh khác, tức là xem xét sức mạnh mềm của văn hoá phải đặt trong mối quan hệ biện chứng với các loại hình sức mạnh khác. Vì vậy, muốn tăng cường sức mạnh tổng hợp quốc gia một cách hiệu quả, cần phải sử dụng sức mạnh mềm và sức mạnh cứng theo nguyên tắc bổ trợ, lồng ghép hoặc chuyển hóa linh hoạt giữa các nguồn sức mạnh.
Trên cơ sở đó, luận án đưa ra quan điểm về sức mạnh mềm văn hoá như sau:
Sức mạnh mềm văn hoá được hiểu là tổng thể các nguồn lực văn hoá, tạo ra sự thu hút, hấp dẫn, ảnh hưởng, thuyết phục mạnh mẽ đối với con người. Sức hấp dẫn, lôi
cuốn của văn hóa chính là chìa khóa của sức mạnh mềm văn hoá và do đó giúp gia
tăng sức mạnh mềm của quốc gia. Sức mạnh mềm văn hóa có một số đặc điểm cơ bản sau: Thứ nhất, sức mạnh mềm văn hoá là một giá trị, đó là những giá trị nền tảng, căn bản, cốt lõi, độc đáo gắn với truyền thống văn hóa, bản sắc văn hóa của mỗi dân tộc/quốc gia, có sức ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng nơi nó khởi phát, có khả năng lan tỏa và thâm nhập vào cộng đồng văn hóa khác và tạo ra sức hấp dẫn, lôi cuốn, thái độ chủ động tiếp nhận các hiện tượng văn hóa từ chủ thể/cộng đồng mà nó tác động; Thứ hai, sức mạnh mềm văn hoá thuộc lĩnh vực tinh thần của đời sống xã hội; Thứ ba, sức mạnh mềm văn hoá mang tính lịch sử, tạo nên tính đặc thù của sức mạnh mềm văn hoá.
2.1.1.3. Quan điểm của Đảng và Nhà nước Việt Nam về văn hoá, sức mạnh mềm văn hoá
Nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam về sức mạnh mềm văn hoá được hình thành dựa trên những cơ sở lý luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và điều kiện lịch sử cụ thể của đất nước.
Trong Bản thảo kinh tế - triết học viết năm 1844, C. Mác đã đưa ra quan niệm:
“Văn hóa là toàn bộ những thành quả được tạo ra nhờ hoạt động lao động sáng tạo của con người - hoạt động sản xuất vật chất và tái sản suất ra đời sống hiện thực của con người” [64, tr.136-137]. Khẳng định vai trò của văn hoá, C. Mác coi văn hóa là
“giới tự nhiên thứ hai” do con người sáng tạo ra, đó là giới tự nhiên đảm bảo cho sự tồn tại và sự phát triển của con người, của xã hội loài người, được chính con người
“xây dựng theo các quy luật của cái đẹp” [64, tr.137].
Khẳng định vai trò của văn hoá, V. I. Lênin cho rằng, để đưa công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội đến thắng lợi hoàn toàn, giai cấp vô sản cách mạng Nga phải đồng thời tiến hành những hoạt động cách mạng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó không thể không có lĩnh vực văn hoá: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thì phải văn minh đã”, “phải đạt tới một trình độ văn hoá nhất định” [60, tr.433].
Dựa lập trường của chủ nghĩa Mác - Lênin, chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định một cách rõ ràng rằng, cách mạng văn hoá là một bộ phận cấu thành của cách mạng Việt Nam; đường lối xây dựng và phát triển nền văn hoá mới xã hội chủ nghĩa là một