CHƯƠNG 3: MỘT SỐ PHƯƠNG DIỆN NGHỆ THUẬT TRONG TỰ TRUYỆN CỦA TÔ HOÀI
3.1. Nghệ thuật kể chuyện
3.1.2. Trần thuật theo trình tự dòng hồi ức
Trình tự theo dòng hồi ức, nhớ gì kể đó, các sự kiện được tác giả sắp xếp theo một dòng hồi ức. Tác phẩm tự truyện, hồi kí thường có thiên hướng lý giải cuộc sống đã qua (của tác giả) như một chỉnh thể, tạo ra những đường nét mạch lạc cho cuộc sống kinh nghiệm của mình. Người viết nhiều khi cũng vận dụng hư cấu “thêm thắt”
“sắp xếp lại”, các chi tiết của cuộc đời mình, nhằm làm cho sự trình bày về cuộc đời
ấy trở nên hợp lý, nhất quán. Tô Hoài khi viết tự truyện, hồi kí đã trần thuật theo dòng
hồi ức. Nghệ thuật tái hiện hồi ức thông qua cái tôi trong tự truyện – hồi kí Tô Hoài.
Người kể lại câu chuyện đời mình là người đi tìm gương mặt chính mình. Là người khám phá và sáng tạo ra cái tôi bằng chính cái tôi. Đó là thế giới của hồi ức, thời gian thuộc về quá khứ có một khoảng lùi. Nhà văn đứng trong thời điểm hiện tại khi đã trưởng thành, khi đứng tuổi để nghĩ về quá khứ trong đó có gia đình, quê hương bối cảnh xã hội được nhớ lại. Quay lại trở về với thời thơ ấu, tuổi trẻ để ôn lại những vui – buồn, được – mất trong cuộc đời của mình, cũng là để ôn lại, tìm ra những kinh nghiệm trong cuộc sống. Trọng tâm của tự truyện là sự đánh giá, suy nghiệm lại về số phận mình; câu chuyện là hành trình tìm kiếm bản thân mình trong quá khứ để thấy bản thân mình trong hiện tại. Bởi vậy thời gian sẽ trôi chảy như một dòng sông. Ở Tự
truyện diễn biến thời gian xoay quanh nhân vật tôi được hiện diện thật sống động. Ở
đó có những ngày thơ ấu (Cỏ dại), những ngày cắp sách đến trường (Mùa hạ đến, mùa
xuân đi), những ngày hoạt động trong nhóm ái hữu (Những ngày thơ dệt),những ngày
lang thang tìm việc làm (Đi làm), những ngày thất nghiệp (Hải Phòng)…Theo dòng
hoài niệm, thời gian tâm tưởng cứ tuôn chảy, đôi khi đứt đoạn nhưng lại được móc nối ngay vào khoảnh khắc của hiện tại. Thời gian nghệ thuật trong hồi kí Tô Hoài vì thế mà diễn ra sinh động, hấp dẫn. Hồi tưởng là phương thức chủ yếu để xây dựng hình
tượng thời gian trong tự truyện. Trong nhiều tác phẩm, hồi tưởng luôn trở đi trở lại trong tác phẩm với mật độ đậm đặc, nhiều lớp, nhiều tầng: hồi tưởng của chủ thể, hồi tưởng của nhân vật….đan cài chồng chéo lên nhau, tạo nên những thế giới hình tượng phong phú. Đi vào trong thế giới của tự truyện, hồi kí, thấy rất nhiều nhân vật mang theo trong mình một quá khứ sâu thẳm và ngập đầy những nỗi day dứt, nuối tiếc, xót xa. Ngã sáu Hàng Kèn, cái “ngã sáu đường đời” lúc nào cũng “leo loét ngọn đèn con”
trở thành không gian chỉ dành cho hồi tưởng, một thánh đường của hồi tưởng. “Mỗi
đêm ngã sáu từng người tìm về với kỷ niệm của mình” [15, tr.37]. “Nguyễn Tuân
chẳng thiết cái quán bát nháo của ông lão 81. Nhưng đến đây là một cơ hội để nhớ.
Tách cà phê bít bất hay chén rượu có nhạt cũng không quan tâm, chỉ bởi nó đem lại được cái cớ” [15, tr.36]. Nguyễn Tuân mỗi lần đến đây là một lần bỏ lạnh ly cà phê để
nhớ đến người hầu bàn cũ. “Cứ ngồi đây mình lại nhớ nó. Không hiểu sao…” [15, tr.16]. Nơi ngã sáu của hồi tưởng này, con người sống với dĩ vãng nhiều hơn là sống với hiện tại, ám ảnh day dứt vì dĩ vãng đã qua nhiều hơn là buồn vui vì những nỗi
niềm trong hiện tại. Bởi lẽ dù hiện tại có đau buồn hơn, hạnh phúc hơn hay hứa hẹn hơn thì dĩ vãng cũng vẫn thổn thức ở tận đấy tâm hồn – nơi mà không có gì có thể chạm đến được. Cho nên Tô Hoài mới ngậm ngùi: “Ôi, tội cho những người nhớ lâu”
[15, tr.40].Tô Hoài là người có trí nhớ rất tuyệt vời. Vì lẽ đó, những câu chuyện qua
hoài niệm của ông cứ tuôn ra dào dạt không dứt. Quá khứ được nhà văn hiện tại hóa.
Điều này được bộc lộ rõ qua việc sử dụng phép đồng hiện giữa quá khứ và hiện tại, giữa quá khứ gần và quá khứ xa: Nghệ thuật trần thuật trong hồi kí Tô Hoài thường gắn với dòng ý thức, dòng tâm tưởng. Kí ức được Tô Hoài sắp xếp không theo trật tự biên niên mà lan man, rối rắm, nhớ đến đâu, kể đến đó. Nghệ thuật trần thuật trong tác
phẩm Tự truyện, hồi kí của Tô Hoài có sự xâu chuỗi các chi tiết, sự kiện. Thông thường với cách hồi tưởng thì các sự kiện, sự việc được xâu chuỗi theo mạch cảm xúc.
Trong tác phẩm Cỏ dại tác giả kể về cuộc đời của mình từ ấu thơ cho đến lúc trưởng
thành. Cho nên các chi tiết, sự kiện phần lớn được sắp xếp theo trình tự thời gian. Kiểu
“tự sự phi cốt truyện” này là hệ quả tất yếu của kĩ thuật hồi cố. Chính từ cách trần thuật này, trung tâm điểm của kết cấu truyện đã chuyển đổi từ chiều rộng cuộc sống với hệ thống những sự kiện và biến cố phong phú sang chiều sâu tâm lý với một loạt những cảm xúc, tâm trạng, cảm giác...đã đẩy cốt truyện xuống hàng thứ yếu để thiên về khắc họa những ấn tượng, tình cảm còn lại qua thời gian của người trần thuật. Khi nhân vật rời khỏi bình diện hành động để chuyển sang bình diện hồi tưởng, khi cốt truyện di chuyển từ chuỗi biến cố cấu trúc nên lai lịch một đời người sang lịch sử hình thành nhân cách cá nhân nhìn từ thời hiện tại, chỉ còn lại những ấn tượng, cảm xúc,
tâm trạng và nhận thức của chủ thể trước những hành động, biến cố, tình huống ấy.
Chính ý thức đó đã biến thời gian đã qua thành một thời gian “của riêng mình”, một thời gian đã chuyển từ bên ngoài vào bên trong của con người, một thời gian sống lại từ những kí ức đời thường của cái “tôi” đã tự nhận ra mình là một thực thể có giới hạn
sống riêng. Dù trong dòng tự sự có mặt hay không có mặt “thời hiện tại” thì ý thức của nhà văn về “thời hiện tại” ấy vẫn không hề vắng mặt, cái “ngày nay” đối diện và đối thoại với cái “ngày xưa” như là một thời quá khứ đã tách ra khỏi mình chứ không phải chỉ đơn thuần là một khoảng thời gian đã qua. Thế giới trong hồi ức, hồi tưởng được lọc qua trí nhớ, cuộc đời khúc xạ qua tâm hồn và suy nghĩ của tác giả nên thấm đẫm cảm xúc trữ tình, suy tư trải nghiệm có thể là sự ý thức, sự suy ngẫm rất thực về cuộc sống hay về chính mình…Nhà văn không gợi lại quá khứ chỉ vì quá khứ, mà vì hiện tại mình đang sống, và quá khứ trong quan hệ với hiện tại cũng là điều bảo chứng cho một định hướng trong tương lai. Theo những ý nghĩa ấy, cuộc sống có thể không trải dài qua thời gian mà mở rộng xuống chiều sâu của tinh thần.
3.1.3. Kết hợp trần thuật theo diễn biến sự kiện và trần thuật theo dòng hồi ức
Trần thuật trong tự truyện, hồi kí thường theo trình tự dòng hồi ức, nhớ gì kể đó.
Mặt khác tự truyện, hồi kí luôn tôn trọng sự thật nhưng đôi khi phải giải quyết mâu thuẫn, hài hòa giữa diễn biến sự kiện trong dòng hồi ức nên phải kết hợp dòng hồi ức
và diễn biến câu chuyện. Như khi ở trong quá khứ lại quay về hiện tại để làm sáng rõ hơn sự việc. Lúc này tác giả dùng nghệ thuật trần thuật là đảo thuật. Còn khi tác giả đang ở độ tuổi hai mươi hoặc thời kì tham gia cách mạng, nhân có một sự kiện lại nhớ về tuổi thơ của mình, nhớ về quá khứ xa hơn thì đó là kĩ thuật hồi cố. Đặng Thị Hạnh đã nhận thấy: “Dòng hoài niệm trong Cát bụi chân ai chạy lan man, rối rắm như ba
mươi sáu phố phường, những phố hẹp của Hà Nội cổ đan xen nhau dày đặc, với những rẽ ngoặt quanh co(…). Thời gian hồi tưởng như ngẫu hứng, cũng chạy lông bông theo dòng hoài niệm, móc vào đâu đấy, dừng lại một lát rồi lại đi,...đi ngược về trước hoặc lùi về sau, có khi hàng chục năm. Tưởng đó cũng là bình thường khi “trò chơi lớn” của văn viết hồi kí là đặt chồng lên nhau các lớp thời gian” [15, tr.398].
Trong tự truyện, hồi kí Tô Hoài thường phá vỡ trình tự trần thuật, không tái hiện sự kiện theo trật tự biên niên mà xáo trộn chúng bằng “dòng ý thức” miên man. Theo dòng hoài niệm, thời gian tâm tưởng cứ tuôn chảy, đôi khi đứt đoạn nhưng lại được móc nối ngay vào khoảnh khắc của hiện tại. Nghệ thuật trong tự truyện, hồi kí Tô Hoài
vì thế mà diễn ra sinh động, hấp dẫn: "Ba anh em tôi ngồi lù lù đầu hè. Như ba ông
đầu rau đen đủi ngồi trong bếp gio. Giờ đây tôi tưởng lại những buổi sáng thiểu não ấy. Nhâm ơi Nhâm! Tôi gọi Nhâm vu vơ dưới ngòi bút, trong ánh đèn dầu đêm mùa
xuân này. Có khi nào những dòng kí ức của anh mà em đọc đến, hẳn em không giấu được mỉm cười ngạc nhiên rằng sao anh khéo nhớ ma mãnh thế. Nhâm đã quên và chắc là bây giờ chẳng còn những ngày rầu rĩ như thế. Tôi thì tôi nhớ dai, nhớ lắm, em ạ. Cây viết lê đến dòng kẻ này, mắt tôi nhìn vào bóng đêm câm lặng lẽ vẫn thấy lại buổi sáng chúng tôi ngồi phơi đầu bùn trước hè, bên cạnh bậc hòn đá" [15, tr.101].
Trong nhiều tự truyện, hồi kí cách thức kết hợp tràn thuật này nhấn mạnh sự nhận thức, suy ngẫm của nhân vật. Câu văn hồi tưởng đầy suy tư và thẫm đẫm cảm xúc của nhân vật. Nhiều khi kết thúc tác phẩm trong sự bừng tỉnh của tác giả trước thực tại, sự
bừng tỉnh đầy cay đắng, xót xa. Từng mảnh của cái hiện tại chia lìa tan tác được xé nhỏ ra, cài vào trong dòng hồi tưởng miên man của nhân vật và của chủ thể như những nhận thức đau xót về cái đã có và cái đã mất của con người. Trần thuật kết hợp với
cảm nhận bằng tâm trạng: "Cái thuở xa xôi ấy không còn nữa. Bà Ba tôi mất đã năm
sáu năm nay rồi....Từ ngày đó, tôi càng thưa về quê nội. Con đường càng ngại. Con đường càng xa. Sao con đường trở về quê lại xa quá thế! Trong đời, tôi đã qua những đoạn đường dài gấp trăm ngàn nó mà không hề nghĩ ngợi đến nỗi xa xôi như khi tôi bước trên đường về làng nội. Con đường ấy xa hơn hết và xa mãi mãi. Như vẫn dài thăm thẳm từ thuở tôi còn nhỏ, mỗi lần theo u về quê" [15, tr.35]. Theo dòng hoài niệm, thời gian tâm tưởng cứ tuôn chảy, đôi khi đứt đoạn nhưng lại được móc nối ngay vào khoảnh khắc của hiện tại. Nghệ thuật trần thuật trong hồi kí Tô Hoài vì thế mà diễn ra sinh động, hấp dẫn. Thời gian quá khứ và hiện tại hòa lẫn vào nhau. Những nếp gấp thời gian ken dày trong chuỗi tâm sự, nhập nhòe, đan quyện giữa một thời đang sống, một thời đang hồi tưởng và một thời được hồi tưởng. Sự có mặt của hiện tại trong quá khứ và quá khứ trong hiện tại làm bật lên cái nhìn so sánh, phân tích, nghiền ngẫm. Nghệ thuật trần thuật kết hợp vừa đảo thuật vừa hồi cố trong hồi kí, tự truyện của Tô Hoài được lồng ghép, đan cài vào nhau. Thảm thương nhất là những ngày thất
nghiệp ở Hải Phòng. "Ngày lại ngày, tôi đi tìm việc. Thấy cái giấy dán ở đầu tường
nào tôi cũng đến đọc, thấy cửa hiệu to, tôi ghé nghiêng nhòm vào rồi hỏi. Chẳng đâu ăn thua.. Tôi vẫn may rủi hàng ngày vẩn vơ đi tìm việc, mà việc vẫn xa lắc xa lơ đâu không biết...Tôi vẫn miên man mải miết, qua từng phố. Thấy cửa hiệu nào có quầy trả tiền, có người đứng bán hàng, hay có người ngồi ghi ghi, chép chép, tôi hiểu là ở đấy có việc làm, có thể mượn người làm, tôi vào hỏi .Nhưng vẫn không có việc ở đâu đợi tôi" [15, tr.192]. Những kỉ niệm đáng nhớ đến mức: "mà thời gian dù mài tròn đi thế nào, vẫn còn nhớ". Trong những ngày tìm việc nương nhờ vợ chồng người bạn nhưng
họ cũng nghèo quá, nhà của Cần được tác giả miêu tả: “Có lẽ đây là cái buồng tắm cũ.
Kê vừa vặn được chiếc giường nhỏ. Thò chân ra ngoài thành giường đã đụng vào tấm cánh sào che hiên”. "Tôi đã ở với vợ chồng Cần trong cái xó xỉnh tí tẹo như thế, thật kỳ lạ và oái oăm, thật gian nan mà mỗi lần nghĩ lại bao giờ cũng ngậm ngùi"
[15,tr.191]. Chính vì không gian ở quá chật hẹp ấy khiến cho những kẻ ác miệng lời ra tiếng vào: "Những lời nghi kỵ và xúc phạm kia không gây một điều nghĩ ngợi nào
trong chúng tôi nhưng đã khiến chúng tôi đau đớn, nhức nhối trong lòng". Qua cách kể của nhân vật tôi ta thấy sự trải nghiệm chua xót, đắng cay và nhận thấy đời quả thật đáng buồn! Các sự kiện nối chồng chéo chằng chịt khiến cùng một lúc, người đọc có thể được chứng kiến nhiều sự kiện quan trọng của lịch sử. Khi là thời gian ở rừng Thượng Yên, khi lại là những sự kiện báo chí làm ầm ĩ cả giới văn nghệ sĩ: “Chúng tôi
bị kiểm điểm qua loa: Bỏ lớp học quan trọng đi ăn mừng đường xe lửa được khôi phục, việc không cần thiết. Báo Nhân Văn ra đến số 6 bị tịch thu tại nhà in. Các báo hoan nghênh việc đó. Một số văn nghệ sĩ chúng tôi chẳng biết ai chủ trương cũng ra
tuyên bố tán thành sự tịch thu báo Nhân Văn. Nhà xuất bản Minh Đức đóng cửa. Hồi ấy, báo in còn ít, chỉ tính số nghìn. Nhưng một tờ báo bị cấm thì ầm ĩ ngay. Bấy giờ, cuối năm 1956” [15, tr.77]. Sự kiện này có tác động không nhỏ tới đời sống tinh thần
của nhiều nhà văn cũng như độc giả. Vào thời điểm lịch sử lúc bấy giờ việc tịch thu báo Nhân Văn được sự ủng hộ của rất nhiều người. Đó là thời điểm "cuối năm 1956”.
Việc một tờ báo bị cấm trở thành sự kiện “ầm ĩ”. Và những hệ lụy của sự kiện này sẽ không bao giờ lịch sử có thể quên. Sự kiện này không chỉ thể hiện cái nhìn của chân thực của tác giả mà còn là cái mốc lịch sử không quên. Những sự kiện ấy ăn sâu vào
tiềm thức của nhiều người và gây không ít ảnh hưởng trong giới văn nghệ sĩ một thời gian dài. Chính vì thế mà có “những cuộc họp tập thể này gọi là chỉnh huấn”. “Mùa
đông 1951, ở rừng Chiêm Hóa, hai tháng dự lớp đầu tiên chỉnh huấn gọi là “theo phương pháp Hoa Nam" [15, tr.111].Với nghệ thuật trần thuật kết hợp, ta càng hiểu
hơn về nhà văn Tô Hoài. Không chỉ là nhà văn ông còn là một chiến sĩ, không chỉ là một người yêu nước gắn bó với từng bước đi của cách mạng. Nghệ thuật trần thuật
trong Tự truyện, hồi kí lúc này tác giả dùng kết hợp trần thuật theo diễn biến sự kiện và trần thuật theo dòng hồi ức: hiện tại – quá khứ có khi quá khứ – hiện tại. Những nếp gấp thời gian ken dày trong chuỗi tâm sự, nhập nhòe, đan quyện giữa một thời đang sống, một thời đang hồi tưởng và một thời được hồi tưởng. Sự có mặt của hiện tại trong quá khứ và quá khứ trong hiện tại làm bật lên cái nhìn so sánh, phân tích, nghiền ngẫm: Thứ nhất đó là sự tự thương mình. Thứ hai so sánh để thấy tình người thật
thấm thía. Thứ ba ngẫm lại để thấy: đời đẹp và buồn. Như vậy trần thuật lại một quãng đời của một đời người, tuy không phải là dài nhưng lại chất chứa bao kỷ niệm vui buồn. Cảnh buồn cứ hiện ra trước mắt người đọc dường như bao trùm lên toàn cảnh vật và con người trong cuộc sống. Tô Hoài đã sử dụng nghệ thuật trần thuật sắp xếp thời gian giãn cách để kể lại các sự kiện liên quan đến các mốc thời gian. Tác giả dùng nghệ thuật trần thuật kết hợp vừa đảo thuật vừa hồi cố để đảo ngược trình tự thời
gian kể và trình tự các sự kiện trong chuỗi sự kiện gắn với cuộc đời của nhân vật tạo ấn tượng sâu sắc cho người đọc. Với từng mốc thời gian gắn với mỗi chặng đường đã qua của cuộc đời con người, càng để người đọc có thể hình dung đầy đủ hơn về nhân vật. Rõ ràng là, mỗi sự kiện trong cuộc đời nhà văn đều là một sự kiện có ý nghĩa.
Nghệ thuật trần thuật trong Tự truyện, hồi kí Tô Hoài vừa miên man theo dòng hồi ức, khiến các sự kiện không hiện diện theo trình tự, vừa có sự xắp xếp chồng chéo để các sự kiện về xã hội lịch sử, về đời tư của mỗi nhà văn hiện lên khá đầy đủ. Từ đó người đọc có sự hình dung rõ nét về cuộc sống con người của mỗi nhân vật trong những thời điểm lịch sử khác nhau và trong tính cách của họ.