Những định hướng dạy học môn Toán theo hướng tăng cường liên hệ với thực tiễn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC: THIẾT KẾ TÌNH HUỐNG DẠY HỌC HÌNH HỌC GẮN VỚI THỰC TIỄN Ở TRƯỜNG THPT (Trang 24 - 29)

TRUNG HỌC PHỔ THÔNG

2.1. Những định hướng dạy học môn Toán theo hướng tăng cường liên hệ với thực tiễn

Phần này được trình bày dựa theo [29, tr.32- 50].

• Định hướng 1: Đảm bảo sự tôn trọng và kế thừa chương trình, sách giáo khoa, kế hoạch dạy học hiện hành.

Hiện nay việc dạy học môn Toán gắn với thực tiễn trở thành một nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên cần phải liên hệ chặt chẽ với sách giáo khoa cũng như kế hoạch giảng dạy hiện hành để phù hợp với tình hình nước ta.

• Định hướng 2: Tăng cường đưa những tình huống trong cuộc sống vào dạy học ở bậc phổ thông, rèn luyện cho học sinh khả năng và ý thức ứng dụng Toán học vào thực tế.

Trong quá trình dạy học giáo viên cần giúp học sinh thấy được nhu cầu vận dụng toán học vào thực tế, thấy được tính hữu ích của toán học trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời rèn luyện khả năng ứng dụng toán học vào thực tiễn. Để làm được điều đó bên cạnh những bài tập sách giáo khoa giáo viên cần biết tận dụng triệt để nguồn gốc thực tiễn của các tri thức toán học, bổ sung thêm những tình huống, bài tập có nội dung thực tế vào chương trình giảng dạy. Hoạt động này cần phải tiến hành thường xuyên và lâu dài. Bên cạnh đó, muốn vận dụng toán học vào thực tế, học sinh phải biết cách chuyển đổi thông tin tình huống thực tế ban đầu về dạng ngôn ngữ toán học và xử lý

nó dựa trên nền những kiến thức toán học đã có, đó chính là khả năng toán học hóa.

• Định hướng 3: Tăng cường các hoạt động thực hành nhằm rèn luyện các kĩ năng thực hành toán học gắn với thực tiễn.

Các kĩ năng thực hành toán học gắn với thực tiễn gồm: kỹ năng tính toán trên các số; kỹ năng dựng và đọc hiểu đồ thị, biểu đồ; kỹ năng thu thập và sử lý thông tin…Việc dạy học môn Toán gắn với thực tiễn giúp tăng cường các hoạt động thực hành, rèn luyện các kĩ năng thực hành toán học gắn với thực tiễn.

Kĩ năng tính toán trên các số chẳng hạn như: tính nhanh, tính nhẩm, tính gần đúng, tính có sử dụng công cụ (bảng tính, máy tính bỏ túi…) là kĩ năng toán học nền tảng, không những là cơ sở cho những kỹ năng tính toán khác trong môn Toán mà còn cần thiết cho các môn học khác và không thể thiếu được trong những hoạt động thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau.

Kĩ năng dựng và đọc biểu đồ như: nhìn vào biểu đồ có thể thấy được biểu đồ đó đang nói lên điều gì, khả năng vẽ biểu đồ dựa trên các số liệu đã cho (vẽ bằng tay, máy tính). Kĩ năng này khá quan trọng trong các lĩnh vực như khí tượng thủy văn, phân tích tình trạng kinh tế…

Kĩ năng thu thập và xử lí thông tin: Thông tin có tầm quan trong đặc biệt trong việc giải quyết mọi vấn đề trong cuộc sống. Muốn ra được quyết định đúng, nhất thiết phải có đủ thông tin cần thiết và đa chiều. Chỉ khi có đầy đủ thông tin chính xác, khách quan cần thiết, công việc mới có thể được giải quyết hợp lý, hữu hiệu. Thông tin giúp con người học hỏi được những kinh nghiệm của người khác, nâng cao hiểu biết, năng lực giải quyết vấn đề, tránh mất thời gian công sức lặp lại những điều người khác đã làm, đã khám phá.

Ngược lại thông tin không đầy đủ, phiến diện hoặc sai lệch sẽ làm ảnh hưởng tới kết quả giải quyết công việc. Cần cảnh giác đối với những thông tin được truyền lại từ người khác, vì chúng phụ thuộc vào sự trung thực và quan điểm của người phản ảnh. Thu thập thông tin là một trong những bước đi cơ bản để mở rộng tầm nhìn khi giải quyết vấn đề. Thông tin có thể thu thập được từ nhiều nguồn như: sách báo, trên mạng internet, các tài liệu lưu trữ...Thông tin có thể thu thập qua nhiều con đường như: trao đổi ý kiến, quan sát, khảo sát thực tế, điều tra, thăm dò ý kiến bằng phiếu, phỏng vấn… Cần lưu ý là thông tin mình có thường không đầy đủ và không giống thông tin mà người khác có được.Thông tin thu thập được là cơ sở để suy luận, tính toán, từ đó xây dựng các giả thuyết, đồng thời kiểm chứng các giả thuyết đó. Việc sử dụng thông tin đòi hỏi phải qua quá trình kiểm tra, phân tích, đánh giá về ý nghĩa, tầm quan trọng và độ chính xác của từng thông tin. Cần tìm sự tương đồng cũng như sự khác biệt, mâu thuẫn và các mối liên hệ giữa các mẫu thông tin. Phân biệt sự thật và dư luận, nguồn thông tin khởi nguồn và thứ cấp, ý kiến khách quan và chủ quan, lập luận logic và ngụy biện. Những thông tin mới khác với những gì đã biết có thể đòi hỏi nhận diện lại vấn đề. Sau khi đã thu thập được đầy đủ thông tin thì đi đến việc xử lí thông tin. Xử lý thông tin là việc tác động vào thông tin như: loại bỏ thông tin nhiễu, liên kết thông tin theo những mối liên hệ bản chất, vốn có, nhằm rút ra những thông tin thật sự có giá trị, phục vụ cho việc giải quyết vấn đề. Thông tin tự nó không có giá trị, giá trị của nó là do việc sử dụng nó như thế nào. Vì vậy, cần có những phương pháp hiệu quả trong xử lý thông tin như: tập hợp và phân loại thông tin; tóm tắt thông tin; tổng hợp thông tin; phân tích thông tin; xác định độ tin cậy của thông tin; lựa chọn thông tin.

Các kỹ năng trên là yếu tố không thể thiếu được để học tập hay đi vào cuộc sống lao động. Như vậy kỹ năng thực hành toán học gắn với thực tiễn là kỹ năng cần thiết của mỗi người dù họ ở bất kỳ lĩnh vực nào. Trong thực tế cuộc sống các kỹ năng này không tách rời mà thường đan xen, hỗ trợ lẫn nhau cùng phối hợp ở các mức độ khác nhau trong các hoạt động vận dụng toán học vào thực tế của mỗi cá nhân.

Để việc dạy học toán gắn với thực tiễn thành công thì cần chú ý các yêu cầu sau:

(1) Giáo viên có hiều biết về các ứng dụng của toán học trong thực tiễn.

Hiện nay, những hiểu biết của giáo viên về các ứng dụng của toán học trong thực tiễn còn rất hạn chế. Để việc dạy học môn Toán gắn với thực tiễn được thực hiện rộng rãi, trước hết giáo viên cần phải có hiểu biết về các ứng dụng của toán học trong thực tiễn và dạy học môn Toán gắn với thực tiễn là như thế nào, tác động của nó đến hiệu quả dạy học.

Do đó, giáo viên cần được cung cấp những thông tin cần thiết trên qua sách báo, tài liệu tham khảo…, để giáo viên có thể dạy học môn Toán gắn với thực tiễn một cách hiệu quả.

(2) Tăng cường nhận thức của giáo viên, sinh viên sư phạm về tầm quan trọng của việc dạy học môn Toán gẵn với thực tiễn.

Trong chương trình phổ thông hiện nay, môn Toán đóng vai trò hết sức quan trọng. Vì vậy dù thích hay không thích thì học sinh vẫn phải học môn này. Tuy nhiên một câu hỏi luôn đặt ra với học sinh là: Học toán để làm gì?

Điều này xuất phát từ những hạn chế về trình độ của bản thân giáo viên. Bởi vậy cần có những tài liệu hướng dẫn cụ thể, tập huấn định kì giúp nâng cao

nhận thức về tầm quan trọng của môn Toán trong thực tế cuộc sống. Việc bồi dưỡng này cũng cần tiến hành đồng thời với cả những sinh viên ngành sư phạm Toán.

(3) Bổ sung những ví dụ, bài tập có nội dung thực tế vào hệ thống ví dụ, bài tập sách giáo khoa.

Hiện nay việc đưa các bài toán có nội dung thực tiễn vào dạy học đang được quan tâm, tuy nhiên số lượng bài tập sẵn có chưa nhiều và đa dạng. Bởi vậy, việc có hệ thống bài tập bổ sung vào hệ thống bài tập đã có trong sách giáo khoa là rất hữu ích và cần thiết. Để việc dạy học môn Toán gắn với thực tiễn có hiệu quả, giáo viên cần nghiên cứu, tìm kiếm các bài toán, tình huống phù hợp vào dạy học, chẳng hạn có thể sử dụng để gợi động cơ, luyện tập, củng cố, dạy học kiến thức mới, rèn luyện kỹ năng…trong dạy học chính khóa hay hoạt động ngoại khóa. Hệ thống bài tập, ví dụ được xem là cơ sở quan trọng trong việc lồng ghép những bài toán thực tiễn vào dạy học.

(4) Tăng cường đưa những bài tập có nội dung thực tế vào kiểm tra đánh giá.

Một trong các nguyên nhân khiến việc dạy học môn Toán gắn với thực tiễn chưa thực sự được quan tâm trong các trường là bởi nội dung toán học gắn với thực tiễn không được đặt ra trong quá trình đánh giá. Các bài toán yêu cầu khả năng vận dụng kiến thức toán học vào thực tế xuất hiện rất ít trong các kì thi nước ta. Nếu cách kiểm tra đánh giá có những thay đổi phù hợp sẽ tạo ra động cơ cho giáo viên để nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác các bài toán có nội dung thực tiễn vào dạy học, cũng như tạo động cơ học tập tích cực cho học sinh.

2.2. Một số tình huống dạy học hình học gắn với thực tiễn ở trường

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN THẠC SĨ KHOA HỌC GIÁO DỤC: THIẾT KẾ TÌNH HUỐNG DẠY HỌC HÌNH HỌC GẮN VỚI THỰC TIỄN Ở TRƯỜNG THPT (Trang 24 - 29)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(89 trang)
w