7. Kết cấu của luận văn
1.3. Ý nghĩa tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận ở nước ta hiện nay Trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta khẳng
định: “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; coi đó là công việc thường xuyên của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, đơn vị gắn với chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”[12, tr. 202]; Là một nội dung quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và cách mạng Việt Nam, công tác dân vận luôn được Đảng ta đặt lên hàng đầu; đồng thời, trong bối cảnh Đảng ta đặt ra là cần phải “thu hút, phát huy mạnh mẽ mọi nguồn lực và sức sáng tạo của nhân dân. Chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, giải quyết tốt những vấn đề bức thiết; tăng cường quản lý phát triển xã hội, đảm bảo an ninh xã hội, an ninh con người; bảo đảm an sinh xã hội ; nâng cao phúc lợi xã hội và giảm nghèo bền vững. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc”[12, tr. 53] thì việc phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận là một việc làm hết sức cần thiết và có ý nghĩa cấp bách. Bởi, bài học về tư tưởng dân vận của Hồ Chí Minh được xem là một di sản vô giá mà Người để lại. Trong đó, việc thừa nhận vai trò của nhân dân và lắng nghe ý kiến của nhân dân là bài học giá trị không chỉ hôm nay, mà còn mãi mãi mai sau chúng ta phải luôn ghi tạc và phát huy để luôn giữ vững chế độ, xây dựng thành công một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Đó là bài học vô giá mà Người đã đúc kết trước tiên từ lịch sử dân tộc: Năm
1284, khi quân Nguyên Mông mang 50 vạn quân xâm lược nước ta lần thứ hai, nhà Trần đã biết tổ chức Hội nghị Diên Hồng, để hỏi ý kiến nhân dân về việc chủ hoà hay chủ chiến. Nhờ nhân dân cả nước đồng lòng đánh giặc; làm tốt công tác dân vận, nhà Trần đã đánh bại đội quân hùng mạnh nhất thế giới khi đó.
Nghĩa là từ cả nghìn năm trước, những người đứng đầu đất nước ta thời kỳ đó đã biết hỏi ý kiến nhân dân, biết tin nhân dân, và biết cách vận động nhân dân để quân dân trên dưới một lòng trong những quyết định lớn lao của dân tộc.Và thực tế trong quá trình Người lãnh đạo cách mạng Việt Nam cũng đã chứng minh, khi có được sự đồng lòng của nhân dân, thì một dân tộc nhỏ bé cũng có thể trở thành vĩ đại. Sở dĩ có những thắng lợi vĩ đại ấy, là vì Đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường theo tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin, lấy giai cấp công nhân là nòng cốt, ngay từ thuở ban đầu mới thành lập, Đảng ta đã có thể hấp dẫn quần chúng nhân dân, đặc biệt là đã thu hút được những người tinh túy nhất của xã hội vào trong lòng nó, hấp dẫn được cả dân tộc tham gia vào sự nghiệp cách mạng của dân tộc. Làm được điều đó là vì thời điểm ấy, ngay khi ra đời Đảng ta đã đặt mục đích của giai cấp, mục tiêu của giai cấp nằm trong lòng mục đích, mục tiêu của dân tộc. Chưa bao giờ ở thời đó Đảng ta đặt vị trí của giai cấp, vị trí của Đảng lên cao hơn mục đích, lý tưởng của cả dân tộc, của toàn dân. Và khi biết đặt mục đích của dân tộc, của đất nước, của toàn thể nhân dân lên cao, không phải vì một nhóm người nào, Đảng ta đã quy tụ được những người ưu tú nhất vào trong hàng ngũ của mình và có được sự ủng hộ mãnh liệt nhất của cả đất nước. Suốt một thời gian dài, Đảng ta gần như dựa hết vào người dân, người dân nuôi, người dân bảo vệ, người dân ủng hộ, có thể gửi gắm cả “tính mạng”
mình cho nhân dân khi bị kẻ thù uy hiếp.
Chính vì lẽ đó, bài học xuyên suốt mà chúng ta – “những Người Cộng sản” - không được phép quên rằng, Đảng ta sinh ra là từ dân tộc, từ nhân dân;
tồn tại được cũng nhờ dân tộc, nhờ nhân dân; vinh quang được cũng là nhờ dân tộc, nhờ nhân dân; thành công trong lãnh đạo cách mạng cũng là do cả dân tộc, toàn thể nhân dân cùng đồng lòng trả bằng xương bằng máu.
Trong bối cảnh mà Đảng ta đã báo động về sự tồn vong của Đảng, sự tồn vong của chế độ trước sự tha hoá của một bộ phận không nhỏ đảng viên, thì dựa vào sức mạnh toàn dân, nhờ nhân dân hiến kế để sửa chữa những vấn đề của mình – tức phải phát huy tốt công tác dân vận - là một việc làm cần thiết và cấp bách.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận không chỉ là bài học, là chuẩn mực cho việc xây dựng phong cách người cán bộ làm công tác dân vận, mà tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận còn góp phần bồi dưỡng phong cách, tác phong làm việc của cán bộ đảng và chính quyền các cấp nói chung. Bởi lẽ, dù đã hiến dâng cả cuộc đời cho sự nghiệp độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, song khi đứng ở đỉnh cao của quyền lực, Hồ Chí Minh vẫn là một mẫu mực của phong cách làm việc gắn bó với nhân dân, tôn trọng nhân dân, luôn phát huy sức mạnh của nhân dân. Đặc trưng cơ bản của phong cách lãnh đạo, quản lý của Người không chỉ góp phần khơi dậy mà còn quy tụ được sự tham gia nhiệt huyết của quần chúng nhân dân cho công việc chung. Vì thực hành dân chủ, tức làm tốt công tác dân vận là chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi vấn đề, có dân chủ mới làm cho cán bộ và quần chúng đề ra sáng kiến, nên trong lãnh đạo và chỉ đạo thực tiễn, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp phải đặt lợi ích của nhân dân lên trên hết, phải đem sức dân, tài dân, của dân để làm lợi cho dân. Người đã từng nhiều lần phê bình cách lãnh đạo của một số cán bộ, đảng viên không dân chủ - tức không làm tốt dân vận - khiến cấp dưới, quần chúng nhân dân có ý kiến không dám nói, muốn phê bình không dám phê bình – tức dân vận thất bại. Điều này gây ra tình trạng cấp trên, cấp dưới cách biệt nhau, quần chúng nhân dân với Đảng xa rời nhau, không còn hăng hái, không còn sáng kiến trong khi làm việc. Có thể nói đây là bài học căn cốt mà mỗi cán bộ đảng và chính quyền các cấp ở nước ta hiện nay phải luôn soi rọi để hành động, để làm việc.
Lãnh đạo nhân dân tiến hành thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh là người lãnh đạo luôn phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sức
mạnh đại đoàn kết của cả dân tộc nhằm hoàn thành thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Theo Hồ Chí Minh, để mỗi cơ quan, địa phương, đơn vị hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao phó, người lãnh đạo phải đề cao dân chủ trong tập thể và tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái đối với cấp dưới, với quần chúng nhân dân. Đây là cũng là bài học căn bản mà mỗi cán bộ đảng và chính quyền các cấp ở nước ta hiện nay phải luôn phấn đấu thực hiện, phải thực hành thường xuyên, thực hành liên tục.
Ngoài ra, để làm tốt công tác dân vận, cán bộ đảng và chính quyền các cấp cũng cần luôn ghi nhớ, làm theo lời dạy của Người: Cần phải cụ thể và sâu sát, kết hợp tính nguyên tắc cứng rắn với biện pháp thực hiện mềm dẽo; phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm; phải hướng về cơ sở, gắn với thực tiễn cơ sở để nắm được và kiểm nghiệm sự sát, đúng của chủ trương, chính sách, đồng thời phát hiện những nhân tố mới, những điển hình tiên tiến để ủng hộ, bồi dưỡng và nhân rộng.
Chương 2
VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ DÂN VẬN
TRONG VẬN ĐỘNG PHỤ NỮ Ở TỈNH BÌNH DƯƠNG HIỆN NAY:
THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP
2.1. Một số đặc điểm về tỉnh Bình Dương và thực trạng công tác vận