Một số khái niệm cơ bản

Một phần của tài liệu LV Thạc sỹ_giải quyết khủng hoảng nợ công của EU bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 22 - 25)

a) Khu vực công: bao gồm khu vực Nhà nước (gồm cả trung ương và địa phương) và doanh nghiệp quốc doanh. Doanh nghiệp quốc doanh là doanh nghiệp mà Nhà nước chi phối hoặc chiếm tỷ lệ cổ phần chi phối và do đó thường vì áp lực chính trị phải chịu trách nhiệm về nợ nần của chúng.

b) Nợ công.

Xung quanh khái niệm và nội hàm của nợ công vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất. Theo Ngân hàng thế giới (WB) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) thì nợ công, theo nghĩa rộng, là nghĩa vụ nợ của khu vực công, bao gồm các nghĩa vụ nợ của Chính phủ trung ương, các cấp chính quyền địa phương, NHTW và các tổ chức độc lập (các tổ chức mà nguồn vốn hoạt động do ngân sách Nhà nước (NSNN) quyết định hay trên 50% vốn thuộc sở hữu Nhà nước, và trong trường hợp vỡ nợ, Nhà nước phải trả nợ

thay). Còn theo nghĩa hẹp, nợ công bao gồm nghĩa vụ nợ của Chính phủ trung ương, các cấp chính quyền địa phương và nợ của các tổ chức độc lập được Chính phủ bảo lãnh thanh toán.

Tùy thuộc thể chế kinh tế và chính trị, quan niệm về nợ công ở mỗi quốc gia cũng có sự khác biệt. Tại hầu hết các nước trên thế giới, luật quản lý nợ công đều xác định nợ công gồm nợ của Chính phủ và nợ được Chính phủ bảo lãnh. Một số nước, nợ công còn bao gồm nợ của chính quyền địa phương (Đài Loan, Bungari, Rumani …), nợ của doanh nghiệp Nhà nước phi lợi nhuận (Thái Lan, Macedonia …).

Ở Việt Nam, luật quản lý nợ công năm 2009 quy định: Nợ công bao gồm nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Trong đó:

+ Nợ Chính phủ là khoản nợ phát sinh từ các khoản vay trong nước, nước ngoài, được ký kết, phát hành nhân danh Nhà nước, nhân danh Chính phủ hoặc các khoản vay khác do Bộ tài chính ký kết, phát hành, uỷ quyền phát hành theo quy định của pháp luật. Nợ Chính phủ không bao gồm khoản nợ do ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phát hành nhằm thực hiện chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.

+ Nợ được Chính phủ bảo lãnh là khoản nợ của doanh nghiệp, tổ chức tài chính, tín dụng vay trong nước, nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh.

+ Nợ chính quyền địa phương là khoản nợ do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ký kết, phát hành hoặc uỷ quyền phát hành.

Như vậy, các khoản vay như vay vốn ODA, phát hành trái phiếu Chính phủ (trong cũng như ngoài nước), trái phiếu công trình đô thị hay một tập đoàn kinh tế vay nợ nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đều được xem là nợ công.

Khi nghiên cứu khái niệm nợ công, cũng cần nghiên cứu đến khái niệm thâm hụt ngân sách. Thâm hụt ngân sách trong kinh tế học vĩ mô và kinh tế học công cộng là tình trạng các khoản chi của NSNN (ngân sách Chính phủ) lớn hơn các khoản thu, phần chênh lệch chính là thâm hụt ngân sách. Trường hợp ngược lại, khi các khoản thu

lớn hơn các khoản chi được gọi là thặng dư ngân sách. Thu của Chính phủ không bao gồm khoản đi vay. Đi vay chính là một cách mà Chính phủ tài trợ cho thâm hụt ngân sách. Các khoản vay này sẽ phải hoàn trả gốc và lãi khi đến hạn, và Nhà nước sẽ phải thu thuế tăng lên để bù đắp. Trong lịch sử, phát hành thêm tiền đã từng là một cách tài trợ cho thâm hụt ngân sách, nhưng do hậu quả nghiêm trọng của nó là dẫn đến lạm phát ở mức cao nên ngày nay cách này hầu như không được Chính phủ của bất cứ quốc gia nào sử dụng nữa.

Từ những phân tích ở trên, có thể thấy rằng: Nợ công xuất phát từ nhu cầu chi tiêu của Chính phủ; khi chi tiêu của Chính phủ lớn hơn số thuế, phí, lệ phí thu được, Nhà nước phải đi vay (trong hoặc ngoài nước) để trang trải thâm hụt ngân sách. Suy cho cùng nợ công chỉ là sự lựa chọn thời gian đánh thuế: hôm nay hay ngày mai, thế hệ này hay thế hệ khác. Vay nợ thực chất là cách đánh thuế dần dần, được hầu hết Chính phủ các nước sử dụng để tài trợ cho các hoạt động chi ngân sách. Nợ Chính phủ thể hiện sự chuyển giao của cải từ thế hệ sau (thế hệ phải trả thuế cao) cho thế hệ hiện tại (thế hệ được giảm thuế). Nhìn nhận từ khía cạnh này có hai quan điểm cơ bản về nợ công:

+ Theo quan điểm truyền thống về nợ công, đại diện là Keynes, cho rằng: việc vay nợ của Chính phủ làm giảm tiết kiệm của quốc gia và mức tích luỹ vốn, vì số thuế cắt giảm được bù đắp bằng cách vay nợ nên khuyến khích thế hệ hiện tại tiêu dùng nhiều hơn, số người thất nghiệp giảm đi mặc dù lạm phát có thể cao hơn. Tuy nhiên, vay nợ để lại gánh nặng nợ cho thế hệ tương lai;

các thế hệ tương lai phải sống trong một quốc gia vay nợ nước ngoài lớn hơn và vốn tích luỹ từ nội bộ nhỏ hơn.

+ Trái ngược với quan điểm truyền thống về nợ công trên, những người theo quan điểm kinh tế học vĩ mô cổ điển (hình thành từ thập niên 1970), đứng đầu là Ricardo - Barro cho rằng, biện pháp cắt giảm thuế được bù đắp bằng nợ Chính phủ không kích thích chi tiêu trong ngắn hạn, vì không làm tăng thu nhập thường xuyên của các cá nhân mà chỉ làm dịch chuyển thuế từ hiện tại sang tương lai. Chính sách cắt giảm thuế và tài trợ bằng vay nợ sẽ không

gây ra những tác động thực sự đối với nền kinh tế. Việc chấp nhận thâm hụt giảm thu trong thời kỳ suy thoái, tăng thu trong giai đoạn hưng thịnh và vay nợ cũng là cách “lưu thông thuế” để giảm thiểu những tác động tiêu cực của thuế đối với chu trình kinh doanh.

Ngoài ra khi nghiên cứu về nợ công, ta cần phân biệt nợ công với nợ nước ngoài - một phần quan trọng trong nợ công. Nợ nước ngoài của một quốc gia được định nghĩa theo Luật Việt Nam là “số dư của mọi nghĩa vụ nợ hiện hành không bao gồm nghĩa vụ nợ dự phòng về trả gốc và lãi tại một thời điểm của các khoản vay nước ngoài của Việt Nam. Nợ nước ngoài của quốc gia bao gồm nợ nước ngoài của khu vực công và nợ nước ngoài theo khu vực tư nhân ”.

Một phần của tài liệu LV Thạc sỹ_giải quyết khủng hoảng nợ công của EU bài học kinh nghiệm cho việt nam (Trang 22 - 25)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(135 trang)
w