Phần 2 TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
2.2. Tình hình nghiên cứu trong và ngoài nước
2.2.1. Tình hình nghiên cứu trên thế giới
Cá Rô phi là một trong những đối tượng nuôi thủy sản nước ngọt chủ yếu trên thế giới và ở Việt Nam. Theo Macintosh và Little (1995) [26] thế giới có khoảng 80 loài cá rô phi khác nhau trong đó có 10 loài đang được nuôi trong các hệ thống khác nhau. Loài nuôi chủ yếu đó là Oreochromis niloticus với tổng sản lượng năm 2014 đạt 4,67 triệu tấn (FAO, 2014) [18]. Theo El- Sayed, Abdel - Fattah M, (2006) [14] nghề nuôi cá rô phi ngày càng mở rộng và phát triển do có những ưu điểm như nhanh lớn, có khả năng nuôi với mật độ cao, chất lượng thịt ngon và sức chống chịu tốt với các điều kiện môi trường khác nhau. Tuy nhiên cùng với sự phát triển của các hình thức nuôi mới với mật độ cao như nuôi công nghiệp và nuôi thâm canh thì cá rô phi cũng dễ bị nhiễm một số tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn, ký sinh trùng và nấm (Shoemaker và cs., 2008) [35].
Trước đây, cá rô phi đã được xem là có khả năng đề kháng tốt với vi khuẩn, ký sinh trùng, nấm và virus... so với các loài cá khác trong cùng môi trường nuôi. Tuy nhiên trong thời gian gần đây, cá Rô phi đã được tìm thấy là mẫn cảm với cả vi khuẩn và ký sinh trùng. Các tác nhân gây bệnh phổ biến cho cá rô phi bao gồm Streptococcus spp., Flavobacterium columnare, Aeromonas hydrophyla, Edwarsiella tarda, Ichthyophitirius multifillis, Tricodhina sp., Gyrodactylus niloticus (Klesius và cs., 2008) [23]. Điều quan trọng cần lưu ý rằng nhiễm liên cầu khuẩn đã trở thành một vấn đề lớn trong nuôi cá rô phi và gây thiệt hại kinh tế nặng nề. Streptococcus iniae và Streptococcus agalactiae là những loài vi khuẩn chính ảnh hưởng đến việc sản xuất cá rô phi trên thế giới (Evan và cs., 2006) [16].
Vi khuẩn gây bệnh Streptococcus gây bệnh trên cá rô phi bao gồm hai loài chính đó là Streptococcus iniae và Streptococcus agalactiae. Đây là nhóm liên cầu khuẩn gram dương là tác nhân gây bệnh chính trên các hệ thống nuôi cá rô phi thâm canh và gây thiệt hại lớn cho nghề này trên toàn thế giới (Perera và cs., 1994) [30].
Theo nghiên cứu của tác giả Yuasa và cs. (2005) [39] dịch bệnh trên cá rô phi nuôi ở Thái Lan được quan sát thấy ở các lồng nuôi trên sông Mekong tại thành phố Mukudahan tháng 5 năm 2001. Sau hai tuần bị nhiễm bệnh tỉ lệ cá bị chết do dịch bệnh vào khoảng 40 - 60%. Dấu hiệu điển hình của cá bị bệnh là chướng bụng, trong xoang bụng chứa dịch và hậu môn bị sưng. Trong năm 2002 và 2003, tại thành phố Lubuk Linggau, miền Nam Sumatra, Indonesia cá rô phi nuôi lồng cũng đã xuất hiện hiện tượng cá bị chết với dấu hiệu bệnh lý hai mắt đục và đổi màu. Vi khuẩn phân lập từ bộ não và các cơ quan khác của cá rô phi bị ảnh hưởng từ Thái Lan và Indonesia đã được xác định là Streptococcus agalactiae và Streptococcus iniae.
Cũng theo tác giả Yuasa và cs., (2005) [39] ở Malaysia trong năm 2005 tại một số hồ chứa ghi nhận hiện tượng cá rô phi nuôi lồng bị chết kết quả thu mẫu đã phân lập được vi khuẩn từ các cơ quan. Đặc biệt là mẫu thu ở mắt, thận, não. Trong đó vi khuẩn S. agalactiae chiếm 70% tổng số loài vi khuẩn Streptococcus được xác định, 30% còn lại là Leuconostoc spp. và S.
constellatus. Các dấu hiệu điển hình quan sát được bao gồm cá bơi lội không bình thường và bỏ ăn. Hầu như tất cả các cá rô phi bị bệnh mắt như đục giác mạc hoặc tối màu, mắt bị lồi hoặc xẹp.
Streptococcus agalactiae ngày càng được phát hiện và khẳng định là nguyên nhân gây bệnh cho cá, đặc biệt là cá nước ngọt (Plumb, 1999 [32];
Pretto-Giordano và cs., 2010 [33]). Những năm gần đây rất nhiều đợt dịch bệnh do nhiễm Streptococcus agalactiae đã được ghi nhận ở nhiều trang trại nuôi cá rô phi đặc biệt là cá trang trại ở Châu Á.
Từ tháng 7 đến tháng 12 năm 2009 bệnh Streptococcosis trên cá rô phi đã bùng phát tại bốn tỉnh Guangdong, Guangxi, Hainan and Fujian nơi chiếm tới 90% sản lượng nuôi đối tượng này tại Trung Quốc. Bệnh Streptococcosis không chỉ xảy ra tại nơi có sản lượng nuôi cá rô phi lớn nhất thế giới (1.1 triệu tấn năm 2009). Tại Thái Lan theo (Wongtavatchai và Maisak, 2008) [38] tỷ lệ Streptococcus agalactiae trên Streptococcus iniae là 112/8 ở cá rô phi vằn (Oreochromis nilotica), nghiên cứu về dịch tễ học cho kết quả là Streptococcus agalactiae chiếm 82% và Streptococcus iniae 18% trong tổng số 500 mẫu phân lập từ 13 nước Châu Á và Châu Mỹ La Tinh trong 8 năm (Sheehan, 2009) [34].
Trên cá rô phi đỏ (Oreochromis spp) các kết quả đã nghiên cứu của Hernandez và cs., 2009 [21], Mian và cs., 2009 [27] và Zamri-saad và cs., 2010 [40] đều kết luận tác nhân chính gây bệnh Streptococcosis là Streptococcus agalactia.
Theo Bromage và cs., 1999 [13] vi khuẩn gây bệnh Streptococus iniae có thể do cá bị bệnh qua khỏi đợt dịch thải ra ngoài môi trường. Do vi khuẩn gây bệnh
Streptococcosis thích hợp với điều kiện nhiệt độ cao nên vào mùa đông rất ít khi phân lập được các loài vi khuẩn này.
Vào cuối những năm 2000, đã có một sự giảm đáng kể trong khai thác tự nhiên hàng năm ở vùng biển Galilee của Israel, sản lượng từ 316 tấn năm 2005 xuống mức 8 tấn trong năm 2009 (Eyngor và cs., 2014) [17]. Trong cùng thời gian này cá rô phi nuôi bị thiệt hại lớn được ghi nhận khắp đất nước Israel (Eyngor và cs., 2014) [17]. Một loại virus RNA mới sau đó đã được xác định và gọi là virus hồ cá rô phi Tilapia lake virus (TiLV) (Eyngor và cs., 2014) [17].
Sau công bố này, các nghiên cứu khác đều cho thầy rằng TiLV được tìm thấy ở Colombia (Kembou Tsofack và cs., 2017) [22], Ecuador (Ferguson và cs., 2014 [20]; Bacharach và cs., 2016 [10]), Ai Cập (Fathi và cs., 2017 [19];
Nicholson và cs., 2017 [28]), Ấn Độ (Behera và cs., 2018 [12]), Indonesia (Koesharyani và cs., 2018 [24]), Malaysia (Amal và cs., 2018 [9];
Surachetpong và cs., 2017) [36]). Vào tháng 5 năm 2017, FAO đã phát hành thông báo trên toàn cầu và đặt cảnh báo đặc biệt đối với bệnh do TiLV trên cá rô phi (FAO 2017).