Hệ thống tài chính nội địa

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) FDI, tăng trưởng kinh tế, vai trò của chất lượng thể chế và môi trường vĩ mô (Trang 32 - 38)

2.2 Tổng quan các nghiên cứu trước đây

2.2.2 Các nhân tố hấp thụ dòng vốn FDI

2.2.2.1 Hệ thống tài chính nội địa

Bài nghiên cứu của Alfaro và đồng sự (2002) kiểm định các nền kinh tế khác nhau có thể hưởng lợi và làm gia tăng tăng trưởng kinh tế từ việc thu hút dòng vốn FDI. Các ông tranh luận rằng mặc dù bản chất FDI là dòng vốn nước ngoài nhưng một điều phải công nhận là tác động lan tỏa của dòng vốn FDI phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của hệ thống tài chính nội địa. Có ba cách mà thông qua đó hệ thống tài chính kích thích hiệu ứng lan tỏa. Thứ nhất, hiệu ứng lan tỏa đòi hỏi một khoản đầu tư nâng cấp tốn kém. Để có thể tiếp thu và vận dụng được những công nghệ mới thì các công ty nội địa cần phải cấu trúc lại doanh nghiệp, mua sắm máy móc và đào tạo nâng cao tay nghề người lao động.

Mặc dù các công ty nội địa này có thể được tài trợ từ các nguồn nội bộ nhưng với khoảng cách về công nghệ lớn đòi hỏi nhu cầu tài trợ bên ngoài lớn hơn. Do đó nếu hệ thống tài chính kém phát triển thì sẽ giới hạn sự sống sót cũng như sự gia nhập ngành của các công ty nội địa. Một ví dụ cho trường hợp này là sự bùng nổ trong ngành xuất khẩu dệt may ở Banglades trong những năm 80 theo sau sự gia nhập thị trường của các công ty FDI đến từ Hàn Quốc năm 1979. Trong hơn 130 lao động được gửi đến Hàn Quốc để đào tạo nâng cao tay nghề và làm quen với công nghệ mới, có hơn 115 người đã trở về nước và tự xây dựng cơ sở sản xuất riêng. Một điều chắc chắn rằng họ không thể tự trang trải cho hoạt động sản xuất mà phải huy động tự nguồn tài trợ bên ngoài. Thứ hai, lợi ích khác của FDI

là tạo ra mối liên kết ngược (tác động này được chứng minh bằng thực nghiệm trong bài nghiên cứu của Rodriguez (1996). Mối liên kết ngược này giúp các công ty hiện tại đang sản xuất đầu vào cho ngành công nghiệp có thể đạt được lợi ích kinh tế theo quy mô. Do đó khuyến khích sự gia nhập ngành của các công ty mới. Một ví dụ tuyệt vời là sự tham gia của Suzuki tại Ấn Độ. Suzuki tham gia vào một liên doanh với Chính phủ Ấn Độ vào năm 1981 để sản xuất xe cỡ nhỏ giá cả phải chăng. Ban đầu, tất cả các bộ phận của xe được nhập khẩu từ Nhật Bản. Trong thời hạn mười năm, nhà máy đã trở thành trung tâm của các nhà sản xuất các bộ phận phụ trợ chưa từng tồn tại trước đó. Ngày nay, các nhà cung cấp cho 90% các bộ phận của xe. Nếu không có nguồn tài chính bên ngoài, ít có khả năng các nhà sản xuất sẽ xuất hiện. Cuối cùng, một hình thức tham gia khác của FDI là thông qua M&A. Do đó bên cạnh hệ thống ngân hàng thì thị trường chứng khoán cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc huy động nguồn tài chính cho doanh nghiệp và tạo ra mối liên kết giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Sử dụng bộ dữ liệu bao gồm 20 nước OECD và 50 nước nằm ngoài OECD. Kết quả thực nghiệm cho thấy rằng FDI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng tuy nhiên mối quan hệ này là có điều kiện và phụ thuộc vào sự phát triển của hệ thống tại chính.

Kết quả nghiên cứu của Niels Hermes và Robert Lensink (2003) qua 67 nước đang phát triển từ năm 1970-95 cho thấy một kết quả khả quan. Trong số 67 nước thì có 37 nước đang phát triển có hệ thống tài chính đủ phát triển để mang lại những đóng góp tích cực của FDI đến tăng trưởng. Hầu hết các nước này ở châu Mỹ Latin và châu Á. Hầu hết các nước còn lại ở khu vực châu Phi có hệ thống tài chính yếu kém và do đó FDI không đóng góp tích cực vào tăng trưởng.

Độ mở thương mại cũng đóng vai trò như một nhân tố cần thiết cho mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế. Bài nghiên cứu của Cuadros, A, V.

Orts, and Alguacil M. (2004 nghiên cứu trường hợp của Mexico, Aghentina và Braxin từ 1970 đến 1997 bằng phương pháp Vectơ tự hồi quy (VAR) và kết luận rằng FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó chính sách thương mại mở cửa và sự ổn định của môi trưỡng vĩ mô cũng góp phần giải thích những lợi ích nhận được từ FDI. Cuối cùng, FDI góp phần quan trọng trong việc mở rộng xuất khẩu của nước sở tại. Điều này cho thấy hầu hết các doanh nghiệp FDI đều có chính sách đầu tư hướng ra xuất khẩu. Do đó FDI đã gắn kết thị trường trong nước hiệu quả hơn là thương mại truyền thống cụ thể là xuất khẩu.

Kết luận này cũng phù hợp với bài nghiên cứu của Balasubramanyam (1999) và Alguacil (2002).

2.2.2.3 Chất lượng của cơ sở hạ tầng nội địa

Vai trò của cơ sở hạ tầng như hệ thống thông tin và vận chuyển cũng là một trong những yếu tố quan trọng. Nghiên cứu của Kinoshita và Lu (2006 xem xét 42 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 1970- 2000 về tác động của FDI lên tăng trưởng kinh tế và xem cơ sở hạ tầng là một điều kiện tiên quyết. Ông nhận thấy rằng tác động lan tỏa công nghệ thông qua FDI chỉ diễn ra khi cơ sở hạ tầng của nước tiếp nhận đầu tư đạt một ngưỡng nhất định. Sau đó, cơ sở hạ tầng tiếp tục ảnh hưởng tích cực đến các hoạt động đầu tư sau đó. Nếu cơ sở hạ tầng sụt giảm dưới ngưỡng này thì sau đó FDI sẽ ít tác động đến tăng trưởng kinh tế. Ông lập luận rằng có hai kênh mà cơ sở hạ tầng có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế. Thứ nhất, điều hiển nhiên rằng cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến tăng trưởng bởi vì nó ảnh hưởng đến các các nhân tố khác của nền kinh tế. Thứ hai, các nhà đầu tư nước ngoài có khả năng bị hấp dẫn hơn đối với những nước đã có cơ sở hạ tầng phát triển, hoặc ở một mức nhất

định. Điều này giúp họ cắt giảm được những chi phí thiết lập ban đầu. Nói một cách khác cơ sở hạ tầng tác động đến tăng trưởng không những qua kênh truyền dẫn trực tiếp mà còn gián tiếp thông qua FDI. Tác động thứ hai này có thể đáng kể bởi vì nó bao hàm tác động kép: cơ sở hạ tầng đầu tiên làm gia tăng hiệu quả của dòng vốn FDI, sau đó FDI cùng với hệ thống cơ sở hạ tầng tốt hơn sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng. Do đó, cơ sở hạ tầng có thể được xem là một đặc điểm quan trọng để thu hút cũng như phát huy lợi ích của dòng vốn FDI.

2.2.2.4 Môi trường kinh tế vĩ mô

Sự bất ổn định trên mức độ vĩ mô dường như không có lợi cho việc tích lũy vốn và tăng trưởng kinh tế. Lạm phát và tỉ lệ nợ nước ngoài cao cũng như thâm hụt ngân sách làm tăng độ bất ổn, làm môi trường kinh doanh trở nên tệ hại hơn, và cuối cũng làm giảm tăng trưởng kinh tế (Fisher, 1993). Tuy nhiên, bên cạnh đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, điều kiện vĩ mô không thuận lợi có thể tạo ra sự bất ổn mà không chỉ làm nản lòng các nhà đầu tư nước ngoài mà còn giảm tác động hiệu suất của dòng vốn FDI. Luận điểm cuối cùng này được ủng hộ bởi Prüfer và Tondl (2012) và Jallab (2008).

Một chiến lược thông thường mà các nhà đầu tư hợp lý theo đuổi để tối thiểu hóa danh mục đầu tư là tránh việc đầu tư liên quan đến sự biến động lớn trong tỉ suất sinh lợi. Đây là một khái niệm cơ bản trong tài chính, mà môi trường vĩ mô có thể tác động đến năng suất của một quốc gia. Do đó, duy trì sự ổn định về mặt vĩ mô là một thách thức cho các nước trong việc thu hút các dòng vốn nước ngoài (Iqbal, 2001).

Lucas (1990) tranh luận rằng các công ty đa quốc gia vẫn tiếp tục đầu tư vào các quốc gia phát triển có chi phí đắt đỏ, bởi vì ở các nước này có môi

trường ổn định hơn về mặt chính trị, trong khi đó đầu tư vào các nước kém phát triển có chi phí thấp hơn nhưng đi kèm là những bất ổn.

Aizenman (2002) khám phá rằng những ảnh hưởng trong mẫu hình biến động về năng suất của các công ty đa quốc gia trong thị trường mới nổi. Kết quả cho thấy những biến động mạnh hơn ở thị trường mới nổi có tác động tiêu cực đến hiệu quả hoạt động của các công ty này, cũng như khả năng tạo việc làm ở các quốc gia này từ các công ty đa quốc gia. Vì thế, các công ty này sẽ lựa chọn đầu tư vào các thị trường ổn định hơn.

Singh and Jun (1995) nghiên cứu thực nghiệm các nhân tố khác bao gồm rủi ro về chính trị, điều kiện thành lập doanh nghiệp, và các biến vĩ mô mà ảnh hưởng đến dòng FDI đến các nước đang phát triển. Sử dụng dữ liệu bảng gộp cho các nước đang phát triển các ông tìm ra rằng (i) rủi ro chính trị là một nhân tố ảnh hưởng đáng kể đến việc thu hút dòng vốn FDI trong quá khứ, trong khi những quốc gia không thu hút được dòng vốn này cho thấy mức độ bất ổn về chính trị xã hội; (ii) điều kiện ban đầu để hình thành doanh nghiêp và chính sách định hướng xuất khẩu cũng cho thấy có ảnh hưởng mạnh đến việc thu hút dòng vốn này.

Kết luận chương 2

Các bằng chứng về tác động lan tỏa của các công ty nước ngoài đến các công ty nội địa vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhiều người cho rằng có nhiều bằng chứng cho thấy tồn tại tác động lan tỏa tích cực trong khi một số khác tìm thấy những bằng chứng ngược lại. Mặc dù thế, một điều không thể phủ nhận là năng suất lao động cao hơn của các doanh nghiệp nước ngoài đã đóng góp vào năng suất chung của nền kinh tế.

Một tác động khác của các công ty nước ngoài được đông đảo các nhà nghiên cứu chấp nhận đó là việc mang đến các ngành hay sản phẩm mới đối với nước tiếp nhận đầu tư và mở ra cơ hội giao thương, hội nhập sâu hơn của các nước này với nền kinh tế toàn cầu. Đóng góp chủ yếu của các công ty đa quốc gia là tri thức, tri thức về nhu cầu thị trường thế giới, tri thức về làm thế nào nước tiếp nhận đầu tư có thể tận dụng lợi thế cạnh tranh hiện tại của mình để gắn kết vào mạng lưới sản xuất trên toàn thế giới.

Cuối cùng, vai trò của các nhân tố ổn định vĩ mô và chất lượng thể chế đến tác động của FDI và tăng trưởng kinh tế là không thể phủ nhận.

Mục tiêu của bài nghiên cứu xem xét mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế và đánh giá vai trò của các nhân tố hấp thụ dòng vốn FDI như chất lượng thể chế và môi trường vĩ mô. Với mục đích trên, giả định rằng các nhân tố giống nhau đồng thời kích thích tăng trưởng và làm gia tăng dòng vốn FDI, bài nghiên cứu trực tiếp chỉ ra vấn đề nội sinh và quan hệ hai chiều thông qua việc sử dụng phương pháp GMM hệ thống với dữ liệu bảng động. Bài nghiên cứu cũng sử dụng các phương pháp kinh tế lượng mẫu khác nhau để kiểm định độ vững của các hệ số ước lượng. Cụ thể các ước lượng dữ liệu bảng được so sánh với phân tích dữ liệu chéo. Mục tiêu của các hồi quy OLS này không chỉ nhằm xác định độ nhạy của hệ số hồi quy mà còn đạt được một ước lượng mối quan hệ giữa các biến trong dài hạn. Thêm vào đó, mẫu toàn bộ các quốc gia đang phát triển được chia thành hai nhóm: nhóm thu nhập trung bình cao, và nhóm thu nhâp trung bình thấp và thấp. Cuối cùng, để khắc phục vấn đề nhân quả giữa FDI và tăng trưởng, bài nghiên cứu tiến hành hồi quy OLS với biến trễ FDI. Trong đó, biến FDI được lấy trung bình trong giai đoạn 1996-2004, các biến còn lại được lấy trung bình trong giai đoạn 2005-2013.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) FDI, tăng trưởng kinh tế, vai trò của chất lượng thể chế và môi trường vĩ mô (Trang 32 - 38)