1.2.1. Nghề sơn truyền thống làng Bối Khê
1.2.1.1. Khái quát về làng Bối Khê
* Địa lý hành chính
Làng nghề sơn khảm Bối Khê cách trung tâm Hà Nội về hướng Nam khoảng 50 km, là một trong 7 thôn hành chính của xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội. Làng nằm ở phía tây tây nam xã Chuyên Mỹ, phía tây nam giáp xã Minh Đức - huyện Ứng Hòa, phía nam giáp xã Vân Từ - huyện Phú Xuyên, phía đông bắc tiếp giáp các thôn Chuôn Ngọ, Chuôn Hạ xã Chuyên Mỹ, nằm cách đường quốc lộ 1A khoảng 8,5 km.
Hiện nay, thôn Bối Khê có tổng diện tích đất khoảng 130 ha, với 15 ha là đất ở và 115 ha là đất canh tác và chuyên dùng. Nằm trong vùng đất thuộc ô trũng thấp nhất của Hà Nội, làng Bối Khê không có nhiều lợi thế về nông nghiệp. Mỗi năm, người dân chỉ cấy được một vụ, thậm chí có năm không thể cấy được vụ nào nếu năm đó nước sông Nhuệ dâng cao tràn vào đồng ruộng. Tuy nhiên, vốn là một làng nằm ven sông nên cùng các thôn khác trong xã, Bối Khê có điều kiện phát triển nghề thủ công. Chuyên Mỹ hiện nay được coi là một xã nghề với hai nghề truyền thống là khảm trai và sơn mài. Một điều đáng chú ý là nghề khảm trai có mặt ở hầu hết các thôn trong xã nhưng riêng sơn mài khảm thì chỉ có ở thôn Bối Khê. Trong tổng số 512 hộ gia đình trong toàn thôn, hiện có hơn 400 hộ làm nghề (chiếm khoảng 80%).
Như đã nói ở trên, mặc dù không có lợi thế về nông nghiệp nhưng nền kinh tế của xã hiện vẫn duy trì cả nông nghiệp và thủ công nghiệp, lúc nhàn rỗi thì nhân dân làm nghề nhưng khi vào vụ mùa thì vẫn làm nông. Một số hộ chuyển đổi diện tích sang nuôi trồng thủy sản, song tỷ lệ hộ này không đáng kể.
* Lịch sử hình thành làng
Theo các bậc cao niên trong làng thì những tư liệu thành văn minh chứng cho quá trình khai hoang, xây dựng làng Bối Khê hiện không còn do hoàn cảnh lịch sử. Từ năm 1953 trở về trước, giặc Pháp coi Chuyên Mỹ là vành đai trắng - tức là căn cứ cách mạng của Việt Minh nên chúng khoanh vùng và tàn phá hầu hết các di tích như đình, chùa, đền, miếu ở các làng, trong đó bao gồm cả các nguồn tư liệu cổ. Do không thể có được một tư liệu cổ nào về làng Bối Khê nên câu hỏi làng có từ bao giờ, những ai có công trong công cuộc khai khẩn lập làng hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Qua việc tìm hiểu các nguồn tài liệu, đến nay chúng tôi chỉ thu thập được một vài thông tin sơ lược về lịch sử làng: Bối Khê trước đây thuộc diện “nhất làng nhất xã”. Vào đầu thế kỷ XIX, Bối Khê thuộc huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, xứ Sơn Nam Thượng. Đến đầu thế kỷ XX, xã Bối Khê thuộc tổng Thịnh Đức Thượng, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông. Sau năm 1945, xã Bối Khê mới được chuyển thành một thôn thuộc xã Minh Đức, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Cuối năm 1953, thôn Bối Khê lại được chuyển về xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Kể từ 1/8/2008, khi toàn bộ địa giới của tỉnh Hà Tây được sáp nhập vào thủ đô Hà Nội thì thôn Bối Khê lúc này thuộc xã Chuyên Mỹ, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
* Các giá trị văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể tiêu biểu
Cũng giống như bao ngôi làng khác của người Việt, làng Bối Khê là nơi bảo lưu nhiều giá trị văn hóa gắn liền với đời sống sinh hoạt sản xuất của người dân nơi đây.
- Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa: bao gồm các công trình đình làng, chùa, đền, văn chỉ phục vụ cho đời sống tâm linh của dân làng.
Đình làng nằm ở ngay đầu làng Bối Khê, hiện không còn bất kỳ một văn bản hay tài liệu cổ nào liên quan đến lịch sử đình làng nên không thể biết được chính
xác thời gian xây dựng công trình này. Năm 1986, chính quyền đã vận động nhân dân làm lại đình với quy mô và diện mạo như hiện nay. Về việc thờ phụng, nhân vật được thờ chính tại đình làng là Cao Sơn Đại Vương - vị Thánh trấn nam thành Thăng Long, nơi thờ chính là ở Kim Liên (phía nam Hà Nội), vị này đã được sắc phong Thượng đẳng thần; Vị thứ hai được thờ là Trung đẳng thần Từ Thiện Thượng Sĩ Quảng Đức Đại Vương. Ngoài ra, còn có hai nhân vật nữ cũng được phối thờ tại đình là Từ Nhân Công chúa và Lưỡng Lự Công chúa (các cụ cho biết tên gọi Lưỡng Lự là theo như trong văn tế có ghi, còn tên thật của bà là Mai Hoa Công chúa, lai lịch của bà ra sao các thế hệ hậu sinh cũng không ai được rõ). Do ngôi đình cổ đã bị phá hủy hoàn toàn nên các di vật cổ hầu như không còn. Ngoại trừ một bát hương cổ, di vật hiện thờ trong đình làng đều mới được chế tác trong quá trình xây dựng đình mới, trong đó đa số là sản phẩm sơn son thếp vàng của chính làng nghề.
Chùa làng Bối Khê có tên gọi là Sùng Nghiêm Tự. Chùa có từ bao giờ hiện cũng không còn nguồn tư liệu nào để minh chứng, ngoài dòng chữ được chạm trên câu đầu cổ cho biết thông tin chùa được trùng tu dưới thời vua Tự Đức. Lần đại tu gần đây nhất là năm 2009. Chùa hiện nay vẫn giữ được nhiều di vật có giá trị, trong đó có quả chuông được đúc vào thời Tây Sơn. Trước đây, chùa còn 3 pho tượng quý là tượng Di Lặc và hai pho là đệ tử của Đức chúa - một quan văn và một quan võ nhưng tiếc là do công tác bảo vệ không tốt nên đã bị kẻ gian lấy cắp. Chùa làng Bối Khê đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Đền Đức Ông và đền Đức Bà nằm bên bờ sông Nhuệ, cách đình làng khoảng hơn 1 km. Đền Ông nằm bên ngoài bờ đê sông Nhuệ, còn đền Bà nằm trong đê. Hai ngôi đền cổ này có từ bao giờ và thờ phụng nhân vật nào hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ bởi bài vị và các tài liệu cổ có liên quan đều không còn. Trong thời kỳ chiến tranh, di tích cổ bị tàn phá gần như hoàn toàn, đến năm 2000 nhân dân đã đóng góp tiền của để xây dựng lại.
Trước đây, làng còn có một di tích nữa ở trước chùa là Văn chỉ. Đây là nơi thờ những người có học hành, đỗ đạt nhưng rồi theo thời gian, công trình này đã bị mai một, tàn phá hết, cho đến bây giờ nhân dân vẫn chưa có điều kiện để khôi phục lại.
- Lễ hội truyền thống: do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt nên cho đến nay các tài liệu xưa có ghi lại về vấn đề này đều không còn nữa, vì vậy thông tin về các giá trị văn hóa này trong quá khứ của làng Bối Khê gần như là con số không. Qua lời kể của các cụ cao tuổi trong làng, với những gì còn tiếp diễn đến ngày nay thì chúng tôi chỉ thu thập được một vài thông tin như sau:
Lễ hội truyền thống làng Bối Khê diễn ra vào ngày 16 tháng 3 âm lịch, đây là ngày lễ thánh Cao Sơn Đại Vương. Trước đây, hội làng được tổ chức thường niên nhưng về sau do điều kiện kinh tế có hạn nên nhân dân trong thôn quyết định cứ 3 năm lại tổ chức lễ hội lớn một lần, còn hàng năm thì tổ chức ở mức độ vừa phải. Nghi thức chính trong hội làng là việc rước ngai thờ từ đình xuống đền Ông để làm lễ. Hội làng hằng năm chỉ mang ý nghĩa để tri ân Thành hoàng làng và là dịp để nhân dân được vui chơi giải trí chứ không liên quan gì đến ngành nghề sơn cổ truyền của thôn Bối Khê. Hiện nay, làng nghề Bối Khê vẫn chưa xác định được tổ nghề của mình là ai, họ chỉ biết rằng ngành nghề sơn mài đã có từ rất lâu đời, cứ đời nọ truyền đời kia. Các cụ cao tuổi trong làng cho biết gần Bối Khê có làng nghề sơn mài Hạ Thái (Thường Tín) nhận mình là vùng đất tổ song thực chất cho đến bây giờ vẫn chưa có cơ sở để khẳng định chính xác, chỉ biết rằng xưa kia các cụ bên Bối Khê sang dạy nghề cho Hạ Thái rất nhiều.
1.2.1.2. Nghề sơn truyền thống
* Lịch sử xuất hiện của nghề sơn truyền thống
Nghề sơn truyền thống làng Bối Khê có từ bao giờ, được tiếp nhận từ đâu hiện nay chưa ai đưa ra được câu trả lời chính xác. Các nghệ nhân trong làng chỉ biết rằng ngành nghề của cha ông đã có từ rất lâu đời, nghề được duy trì và tồn tại cho đến bây giờ mang tính chất cha truyền con nối. Tuy nhiên, có một số ý kiến cho rằng: Bối Khê - một làng nghề chuyên làm đồ sơn mài khảm nằm trên vùng đất Chuyên Mỹ vốn được coi là nơi xuất xứ của nghề khảm. Vậy, hẳn là có mối liên quan nào đó giữa nghề sơn với ngành khảm này? Phải chăng, trải qua thời gian, các các thế hệ nghệ nhân đã không ngừng sáng tạo, tìm tòi cái mới nhằm làm phong phú hơn nữa ngành nghề cổ truyền khi kết hợp chất liệu vỏ trai, ốc, trứng và vàng,
bạc quỳ với sơn mài để tạo nên những sản phẩm sơn mài khảm như hoành phi, câu đối, bình phong, tranh, bàn cờ, khay, hộp, lọ… với nền sơn bóng khảm các họa tiết óng ánh sắc màu. Nhiều người dân Chuyên Mỹ tin rằng: người có công đầu trong việc truyền dạy nghề khảm ở quê hương họ là cụ Trương Công Thành ở thôn Ngọ - một danh tướng dưới thời nhà Lý [110, tr.7]. Cụ đã được dân làng Chuôn Ngọ suy tôn là thành hoàng làng và tổ nghề khảm trai [110, tr.26].
Theo các bậc cao niên trong làng thì vào thời điểm trước năm 1945, những người thợ khéo tay thôn Bối Khê đã đi làm và nổi tiếng khắp nơi về các sản phẩm đồ thờ sơn son thếp vàng, sơn khảm. Các di tích như đền Hùng ở Phú Thọ, đền thờ vua Đinh ở Ninh Bình… đều có đóng góp của những nghệ nhân tài năng làng Bối Khê.
* Nguyên vật liệu và dụng cụ làm nghề
- Nguyên vật liệu
Thủa ban đầu, làng Bối Khê chỉ có nghề sơn ta chuyên chế tác đồ thờ. Việc làm đồ thủ công mỹ nghệ (bao gồm sơn mài trơn, sơn mài khảm và sơn mài bạc) xuất hiện muộn hơn một chút. Tuy nhiên, hiện nay, số hộ làm hàng nét còn rất ít, sản phẩm chính của làng nghề là các mặt hàng thủ công mỹ nghệ phục vụ cho nhu cầu xuất khẩu. Xưa kia, chất sơn để làm đồ sơn mài chỉ duy nhất có sơn ta. Từ nước sơn đầu tiên cho tới nước cuối cùng đều được làm bằng thứ sơn này. Một số chủ cơ sở sản xuất ở Bối Khê cho biết, loại sơn ta mà họ dùng để đáp ứng những đơn đặt hàng đặc biệt chất lượng vẫn là sơn ta Phú Thọ nổi tiếng.
Ngoài chất liệu chủ đạo là sơn ta, nghề sơn khảm còn cần tới các chất phụ gia khác như mùn cưa, bột đá, đất sét dùng để pha chế sơn bó, hom…
Về cốt của sản phẩm, đồ sơn truyền thống sử dụng cốt gỗ - đặc biệt là một số loại gỗ như mít, dổi và vàng tâm. Trên cơ sở cốt đã được làm sẵn, các nghệ nhân sẽ tiến hành làm nền vóc nhẵn nhụi, trơn tru, sẵn sàng cho các công đoạn tiếp theo.
Về nguyên liệu vàng quỳ, bạc quỳ: nguyên liệu này được làng mua ở Kiêu Kỵ, Gia Lâm, Hà Nội. Chúng chủ yếu dùng cho hàng sơn thếp song đôi khi dùng trong cả hàng sơn mài mỹ nghệ.
Về nguyên liệu khảm: vỏ trứng dùng trong hàng sơn mài khảm trứng được làng nghề mua ngay trong huyện Phú Xuyên với giá thành rất rẻ - hiện chỉ khoảng 20 nghìn đồng/kg bởi đây là nơi vẫn được biết đến là nơi tập trung rất nhiều trại ấp gà vịt. Với hàng sơn mài khảm trai ốc, xưa kia làng Bối Khê tận dụng luôn nguồn trai, ốc tự nhiên có sẵn ở sông, hồ, ao… Đến nay nguồn nguyên liệu này đã gần như cạn kiệt nên chủ yếu mua từ các tỉnh thành khác, thậm chí phải mua hàng nguyên liệu nhập từ Trung Quốc, Thái Lan...
- Dụng cụ làm nghề
Bộ đồ nghề của các nghệ nhân sơn mài Bối Khê cũng đã phần nào phản ánh sự công phu của ngành nghề cổ truyền này. Ở mỗi công đoạn sẽ có những dụng cụ tương ứng.
+ Công cụ chế biến sơn bao gồm: thúng đánh sơn, chậu, bát, vải mỏng, bông nõn, chảo gang hoặc lon sành, xoong hay nồi nhôm, liếp, mỏ vầy, giấy xi măng hay ni lon, mo sừng, thanh sắt, bàn vặn sơn…
+ Công cụ trong khâu làm vóc bao gồm: bay xương hoặc mo sừng, dao sắc, vải, thép sơn, chổi quét, giấy giáp, thép lông…
+ Công cụ trong khâu chế tác sản phẩm: bút vẽ, dao trổ, đục, cưa, búa nhỏ, thép sơn, chổi, giấy giáp…
* Quy trình chế tác sản phẩm sơn truyền thống
- Quy trình chế biến sơn ta
Nhựa sơn thô lấy về phải trải qua khâu pha chế sơn rất phức tạp làm sao cho đúng liều lượng để có được những sản phẩm bóng, đẹp. Các nghệ nhân Bối Khê cho biết, tùy từng sản phẩm thì cách pha sơn, công thức pha sơn sẽ khác nhau. Nếu là hàng véc ni thì cách pha chế khác, đồ thờ sơn son thếp bạc pha chế khác sơn son thếp vàng. Để pha chế được nước sơn dùng trong nghề phải qua nhiều công đoạn. Mỗi một công đoạn đều có sự phức tạp riêng của nó. Những nước sơn pha chế để lót thì chủ yếu là làm bằng máy, còn những nước sơn nào đòi hỏi kỹ thuật, đường nét kỹ thì phải làm bằng tay. Nói chung, điều quan trọng nhất trong khâu pha chế sơn là phải phù hợp để đảm bảo được độ bám, không được chảy lỳ nhưng cũng không được chảy quá làm lấp
mất hoa văn. Cụ thể, khâu chế biến sơn dùng trong chế tác ở Bối Khê cũng phải trải qua các bước cơ bản của nghề sơn truyền thống như lọc sơn, đánh sơn chín (ngả sơn
chín), pha chế các loại sơn (sơn cánh gián, sơn then/đen, sơn cầm, sơn phủ). - Quy trình chế tác sản phẩm
Ở nghề sơn Bối Khê có sự khác nhau giữa chế tác hàng nét và hàng thủ công mỹ nghệ. Hàng thủ công mỹ nghệ lại có nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Cụ thể như sau:
+ Chế tác hàng nét
Hàng nét có cốt chủ yếu là gỗ. Gỗ mua về, người thợ tiến hành công đoạn bào, rồi chà giấy giáp cho bề mặt thật nhẵn nhụi. Phôi mộc cũng cần được điều chỉnh lại, sửa sang lại cho đúng với hình thù, mẫu mã sản phẩm mà khách hàng đã đặt, trong đó điều quan trọng đầu tiên được người thợ chú ý là phải đi đúng theo lối cổ. Qua công đoạn làm phần thô, người thợ sẽ chuyển sang bước kẹt những phần nứt nẻ trên bề mặt gỗ. Phơi cho gỗ thật khô, chà giấy giáp đánh nhẵn để có được phôi hoàn chỉnh sẵn sàng chuyển sang phần vẽ hoa văn. Tiếp đó, chuyển sang công đoạn lộng (người thợ dùng những dụng cụ thủ công để đục thủng theo những họa tiết hoa văn đã vẽ trên khối gỗ), lộng xong đi đến phá vỡ rồi cắt gọt, sửa sang. Như vậy là xong phần mộc.
Sau khi phần vóc đã xong, công đoạn tiếp theo sẽ tùy thuộc vào từng loại sản phẩm được đặt hàng. Chẳng hạn, nếu khách hàng đặt hàng kiểu véc ni thì người thợ sẽ đánh véc ni. Khi đó, bề mặt sản phẩm phải được chà bằng giấy giáp cho nhẵn nhụi, nhẵn bóng hơn rồi mới tiến hành đánh véc ni. Sản phẩm như vậy là đã hoàn thành và có thể giao hàng cho khách. Đối với mặt hàng sơn son thếp vàng thì phải trải qua những công đoạn phức tạp hơn nhiều. Theo các nghệ nhân, trong số các mặt